Số phận người Công giáo tại Ai cập

 

Số phận người Công giáo tại Ai cập.

Ai cập [National Catholic Register 9/2/2011] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Từ hơn 85 năm qua, xuyên qua tổ chức có tên là "Hiệp hội Công giáo trợ giúp các tín hữu tại Cận đông" có trụ sở tại Hoa kỳ, Giáo hội đã giúp đỡ các tín hữu tại Trung đông, Ðông Bắc Phi châu, Ấn độ và Ðông Âu. Riêng tại Ai cập là nơi người Công giáo chỉ là một thiểu số nhỏ trong thiểu số Kitô giáo, Hiệp hội "Hiệp hội Công giáo trợ giúp các tín hữu tại Cận đông" đã giúp các Giáo hội xây dựng các trung tâm cộng đồng và các trung tâm y tế, huấn luyện các linh mục và tu sĩ, chăm sóc các cô nhi hay trẻ em nghèo, cung cấp nơi ăn chốn ở, thức ăn, quần áo và trường học. Gần đây, hiệp hội này cũng bắt tay vào việc cứu trợ người tỵ nạn Sudan.

Ðức hồng y Robert Stern, Tổng thư ký của Hiệp hội từ 25 năm nay, đã nói đến cuộc nổi dậy tại Ai cập và hậu quả của nó đối với các tín hữu Kitô, đặc biệt là người Công giáo.

Trong một cuộc phỏng vấn dành cho báo "The National Catholic Register" xuất bản tại Hoa kỳ, Ðức ông tổng thư ký của "Hiệp hội Công giáo trợ giúp các tín hữu tại Cận đông" cho biết: cộng đồng Công giáo đã có mặt tại Ai cập gần 2 ngàn năm nay. Riêng cộng đồng Công giáo Copte đã xuất hiện tại Ai cập vào thế kỷ 17, sau khi một số tín hữu của Giáo hội Chính thống Copte xin trở về hiệp thông trọn vẹn với Giáo hội Công giáo Roma.

Trong tổng số 80 triệu dân Ai cập mà phần lớn theo Hồi giáo thuộc hệ phái Sunni, chỉ có 10 phần trăm theo Kitô giáo mà đa phần là Chính thống giáo. Trong số 10 phần trăm này, người Công giáo chỉ có khoảng từ 150 đến 250 ngàn người.

Ngoài việc phục vụ người Công giáo, Hiệp hội Công giáo trợ giúp các tín hữu tại Cận đồng còn thực thi mong muốn của Ðức thánh cha là tạo hiệp nhứt giữa các Giáo hội Công giáo và Chính thống tại Cận và Trung đông. Như vậy, Hiệp hội chăm lo phúc lợi không những cho người Công giáo mà còn cho cả người Chính thống và Tin lành tại Ai cập.

Ðược hỏi: các tín hữu Kitô được đối xử như thế nào tại Ai cập, Ðức ông Stern khẳng định rằng họ đang bị kỳ thị. Trong một quốc gia mà Hồi giáo chiếm đa số và trong đó không có sự tách biệt giữa tôn giáo và nhà nước, thì nhà nước luôn ưu đãi người Hồi giáo. Tại Ai cập, rất hiếm thấy có một bộ trưởng, tướng lãnh, viên chức cao cấp hay ngay cả thôn trưởng là tín hữu Kitô.

Ðức ông Tổng thư ký Hiệp hội Công giáo trợ giúp các tín hữu tại Cận đông không cho rằng hoàn cảnh của các tín hữu Kitô dưới thời tổng thống Hosni Mubarak "tốt đẹp" hơn dưới thời các người tiền nhiệm của ông. Dưới thời ông Mubarak, các tín hữu Kitô vẫn tiếp tục bị kỳ thị. Ðức ông Stern đưa ra một thí dụ: phải chờ đợi hàng bao năm trời để xin được phép sữa chữa một mái nhà thờ bị dột nát. Còn nếu phải xin phép xây cất một nhà thờ mới, phải chờ đợi hàng chục năm mới được chính phủ trung ương cấp giấy phép. Nhưng chính quyền địa phương vẫn có thể "phủ quyết" giấy phép này.

Về cuộc nổi dậy hiện nay, Ðức ông Tổng thư ký Hiệp hội Công giáo trợ giúp các tín hữu tại Cận đông cho biết: hầu hết các nhà lãnh đạo Kitô đều xem đây là một biến cố đầy nguy hiểm. Ðức thượng phụ Chính thống Shenouda III hy vọng sẽ có cải tổ do cuộc nổi dậy mang lại. Nhưng tất cả các nhà lãnh đạo Kitô đều lo sợ rằng tình hình tại Iraq sau khi tổng thống Saddam Hussein bị lật đổ có thể được lập lại tại Ai cập. Ít nhứt dưới thời ông Saddam Hussein, các tín hữu Kitô được bảo vệ. Nhưng sau khi nhà độc tài này bị lật đổ, người Hồi giáo Sunni và Shiite đánh nhau; các tín hữu Kitô đứng giữa hai làn đạn.

Một số người hồi giáo cực đoan tại Ai cập đã bắt đầu lợi dụng cuộc nổi dậy để tấn công các tín hữu Kitô.

Ðược hỏi: liệu có yếu tố "Hồi giáo" nào trong cuộc nổi dậy không, Ðức ông Stern trả lời: "khi tân phó tổng thống, ông Omar Suleiman, gặp gỡ với các nhà lãnh đạo của cuộc nổi dậy, có một số lãnh tụ của tổ chức "Huynh đệ Hồi giáo" tham gia cuộc gặp gỡ. Bình thường, chính phủ Ai cập không hề muốn nói chuyện với tổ chức này. Ðây là một tổ chức đã hình thành vào thập niên 30 và được xem như "ông tổ của tổ chức khủng bố Al Qaeda". Tổ chức này là một hình thức của hồi giáo hung hãn, kêu gọi trở về với những giáo điều đích thực của Hồi giáo. Nhưng tổ chức đã bị phân hóa và thay đổi. Các lãnh tụ tiên khởi của tổ chức đã nhường chỗ cho các lãnh tụ mới. Những gì các lãnh tụ tiên khởi tuyên bố có thể không phải là chính sách của tổ chức nữa. Tuy nhiên, trong chính trị điều gì cũng có thể xảy ra."

Sự hiện diện của tổ chức Huynh đệ Hồi giáo và việc người Ai cập ngày càng ủng hộ luật Hồi giáo Sharia khiến cho các nhà lãnh đạo Kitô tại nước này lo ngại về việc các tổ chức hồi giáo cực đoan có thể lên cầm quyền. Giải pháp tốt nhứt cho các tín hữu Kitô vẫn là một chế độ "thế tục". Ðây không những là điều các tín hữu Kitô mong đợi mà cũng là xu thế chung hiện nay: mọi người dân Ai cập đều quan tâm đến đất nước, công ích và chỗ đứng của đất nước trong thế giới ngày nay.

Về câu hỏi: liệu các biến cố xảy ra tại Ai cập có ảnh hưởng đến các tín hữu Kitô trong toàn Trung đông không, Ðức ông Stern trả lời rằng chắc chắn là như thế. Một trong những nghịch lý lớn là: mặc dù nhiều người Ai cập không phải là người Á rập, nhưng Ai cập lại là quốc gia lãnh đạo trong khối Á rập. Chính tại Ai cập mà hầu hết các phim ảnh và chương trình truyền hình Á rập đều được sản xuất. Ai cập là một trong những quốc gia Á rập lớn nhứt. Ai cập cũng là nước có số tín hữu Kitô đông hơn các nước Á rập cộng lại.

Về vai trò của Tòa thánh trong việc bảo vệ các tín hữu tại Ai cập và trong vùng, Ðức ông Tổng thư ký Hiệp hội Công giáo trợ giúp các tín hữu tại Cận đông nói rằng Tòa thánh luôn quan tâm đến người Công giáo và mọi tín hữu Kitô tại Trung đông. Tòa thánh không có bất cứ vai trò nào trong các cuộc thương thảo giữa chính phủ Ai cập và các lãnh tụ của cuộc nổi dậy. Tuy nhiên là một mạng lưới rộng lớn có mặt trên toàn thế giới, Giáo hội Công giáo có thể bênh vực mọi tín hữu Kitô.

 

CV.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page