Nhận định về các cuộc bạo động

chống Kitô giáo tại Indonesia

 

Nhận định về các cuộc bạo động chống Kitô giáo tại Indonesia.

Indonesia [Fides 8/2/2011] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Hôm thứ Hai mùng 7 tháng 2 năm 2011, nhiều cuộc bạo động liên quan đến tôn giáo đã xảy ra tại Indonesia: 3 nhà thờ bị tấn công, một linh mục Công giáo bị hành hung, nhiều cuộc đụng độ đã diễn ra giữa những người phản đối và cảnh sát.

Theo các nguồn tin từ Giáo hội địa phương, hôm thứ Hai mùng 7 tháng 2 năm 2011, một đám đông trên 1,500 người hồi giáo cực đoan đã phẫn nộ trước một bản án mà họ cho là quá nhẹ đối với một tín hữu Kitô đã có hành động phỉ báng Hồi giáo. Ðược biết một tín hữu Tin lành tên là Antonius Bawengan, 58 tuổi, đã bị bắt hồi năm 2010 vì bị tố cáo phát tán những tài liệu có nội dung phỉ báng Hồi giáo. Sáng thứ Hai mùng 7 tháng 2 năm 2011, một tòa án tại Temanggung, đảo Java, đã phạt bị cáo 5 năm tù. Ðây là hình phạt tối đa dành cho tội phỉ báng Hồi giáo như được quy định trong luật hình sự được tổng thống Sokarno ban hành hồi năm 1965. Nhưng cho rằng bản án nói trên quá nhẹ, những người hồi giáo cực đoan đã tấn công vào tòa án và sau đó trút hết cơn giận của họ lên hai nhà thờ Tin lành, một nhà thờ Công giáo, một cô nhi viện và một trung tâm y tế của tổng giáo phận Semarang. Cha sở nhà thờ tìm cách bảo vệ Thánh Thể, đã bị đánh trọng thương. Trên 1,000 cảnh sát viên đã đến can thiệp cũng bị đám đông tấn công.

Ðức cha Johannes Pujasumarta, Tổng giám mục Semarang nói rằng bình thường thành phố Temanggon rất yên tĩnh. Những thành phần cực đoan là những người đến từ bên ngoài thành phố. Ðiều này cho thấy cuộc bạo động đã được lên kế hoạch trước.

Cuộc tấn công chống Kitô giáo chỉ diễn ra một ngày sau cuộc bạo động nhắm vào thiểu số Hồi giáo "Ahmadi". Cha Ignazio Ismartono, đặc trách văn phòng đối thoại liên tôn của Hội đồng Giám mục Indonesia nói với hãng thông tấn Fides của bộ truyền giáo rằng "bạo động diễn ra trong những ngày vừa qua chống người Hồi giáo Ahmadi, rồi kế đó chống Kitô giáo, cho thấy có sự gia tăng thái độ bất khoan nhượng tại Indonesia, vốn là một quốc gia nổi tiếng về sự sống chung hòa bình giữa các tôn giáo. Ðiều này cho thấy những sức mạnh tăm tối đang tìm cách tạo căng thẳng trong xã hội." Cha Ismartono còn nói rằng bạo động tại Temanggung đã được chuẩn bị trước từ nhiều ngày qua, nhưng cảnh sát đã không làm gì để ngăn cản.

Theo cha Ismartono, còn có một yếu tố khác cần xét đến: đó là việc luật chống phạm thượng tại Indonesia bị giải thích sai và lạm dụng. Cựu tổng thống Abdhrrahman Wahid đã từng kêu gọi bãi bỏ hoặc duyệt lại luật này. Nhưng năm 2010, Tòa bảo hiến đã khẳng định tính chính đáng của luật này. Theo cha Ismartono, luật này có thể trở thành một khí giới để tấn công các nhóm thiểu số như người Hồi giáo Ahmadi và các tín hữu Kitô.

Tổng thống Indonesia đã ra lệnh mở cuộc điều tra về các cuộc bạo động nói trên. Ông quy trách cho chính quyền địa phương và cảnh sát. Nhưng giới truyền thông, các nhà lãnh đạo của xã hội dân sự và các nhà lãnh đạo tôn giáo nói rằng chính phủ trung ương phải nhận lấy trách nhiệm về những cuộc bạo động này. Nhiều người cho rằng tổng thống Indonesia chỉ đưa ra những lời hứa suông mà không chịu tích cực hành động để chận đứng những cuộc bạo động như thế.

Về phần mình, một phát ngôn viên của Hội đồng Giám mục Indonesia thì lại cho rằng nguyên nhân sau xa của các cuộc bạo động chính là thái độ gây hấn của một số nhà truyền đạo Tin lành.

Trong một cuộc phỏng vấn dành cho hãng thông tấn Fides, cha Benny Susetyo, thư ký điều hành của Ủy ban đối thoại liên tôn thuộc Hội đồng Giám mục Indonesia nói rằng cội rễ của các cuộc bạo động xảy ra tại Temanggung chính là "bầu khí bất mãn, bất hòa, căng thẳng và những bạo động "ngôn từ" do các nhà truyền đạo Tin lành tạo ra".

Linh mục thư ký điều hành của Ủy ban đối thoại liên tôn thuộc Hội đồng Giám mục Indonesia nói rằng "có những nhà truyền đạo Tin lành không hề biết tôn trọng các tôn giáo khác. Lời giảng dạy và ngôn ngữ của họ sặc mùi giáo phái như: "Hồi giáo là ma quỉ", "hoán cải hay là đi hỏa ngục". Một lời rao giảng như thế dĩ nhiên tạo ra phẩn nộ và thù hận nơi dân chúng và bùng nổ thành bạo động chống Kitô giáo".

Ðây là điều đã xảy ra tại Temanggung, là nơi mà ông Antonius Richmond Bawengan đã bị tố cáo và bị giam giữ vì tội phỉ báng Hồi giáo. Người tín hữu Tin lành này đã không ngần ngại quảng bá những tài liệu xúc phạm đến Hồi giáo.

Mặt khác, theo cha Susetyo, cũng phải kể đến các nhóm hồi giáo cực đoan theo ý thức hệ "Wahhabi". Cả những người hồi giáo cực đoan và các nhà truyền đạo tin lành cực đoan đều là hai nhóm nhỏ. Tuy nhiên, khi những người cuồng tín đụng độ nhau thì cả xã hội và mọi tín đồ đều phải gánh chịu hậu quả.

Ðược biết các giáo phái tin lành cực đoan hiện đang mở chiến dịch rầm rộ để chiêu mộ tín đồ tại miền tây và trung đảo Java và trên toàn Indonesia. Hoạt động này đã tạo ra phản ứng giận dữ của các nhóm hồi giáo quá khích. Ðứng ở giữa, Giáo hội Công giáo vẫn tiếp tục đeo đuổi cuộc đối thoại với những tổ chức Hồi giáo chính tại Indonesia như Nadhlatul Ulama qui tụ khoảng 60 triệu thành viên và Muhammadiyah qui tụ khoảng 40 triệu thành viên.

Linh mục thư ký điều hành của Ủy ban đối thoại liên tôn của Hội đồng Giám mục Indonesia nói rằng các nhóm tin lành cực đoan và các tổ chức hồi giáo cuồng tín đều khước từ mọi cuộc đối thoại.

Cha Susetyo cũng tố giác rằng "chính phủ đã không làm gì để chận đứng các tổ chức tôn giáo cực đoan hoặc bảo vệ nhân quyền và tinh thần "Pancasila" vốn là nền tảng của cuộc sống chung hòa bình giữa các tôn giáo".

 

CV.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page