Ngày Quốc Tế Di Dân lần thứ 97

 

Ngày Quốc Tế Di Dân lần thứ 97.

Roma (RG 16-1-2011) - Phỏng vấn Ðức Tổng Giám Mục Antonio Maria Vegliò, Chủ tịch Hội Ðồng Tòa Thánh cho những người di cư và lưu động, về Ngày Thế Giới Di Cư lần thứ 97.

Chúa Nhật 16 tháng 1 năm 2011 là Ngày Quốc Tế Di Dân lần thứ 97. Ngày này đã do Ðức Giáo Hoàng Pio X thành lập năm 1914.

Trong buổi đọc kinh Truyền Tin chung với tín hữu tụ tập tại quảng trường Thánh Phêrô, trong đó có nhiều người di cư, trưa Chúa Nhật 16 tháng Giêng năm 2011, Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI đã nhắc tới ngày này. Ngài ghi nhận thực tại thê thảm của người di cư phải bỏ nhà cửa ruộng vườn và quê hương vì nhiều lý do: có khi tự nguyện để mưu sinh, có khi bị bắt buộc vì chiến tranh và bách hại. Chúa Giêsu cũng đã phải sống cảnh di cư cùng cha mẹ sang Ai Cập để tránh bị sát hại. Giáo Hội cũng sống kinh nghiệm di cư và lữ hành.

Ðây là dịp để các tín hữu truyền giáo và làm cho gia đình giáo hội lớn mạnh như "một gia đình nhân loại duy nhất" là chủ đề của sứ điệp Ðức Thánh Cha gửi cho ngày này.

Trong sứ điệp Ðức Thánh Cha tái khẳng định quyền của mỗi người được xuất cư ra khỏi đất nước của mình, và có thể gia nhập vào một nước khác để tìm kiếm những điều kiện sống tốt đẹp hơn. Người di cư có nhiệm vụ hội nhập vào quốc gia tiếp cư, tôn trọng các luật lệ và căn tính quốc gia địa phương. Ðồng thời các chính phủ cũng có quyền điều hành làn sóng di cư và bảo vệ biên giới của mình.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn Ðức Tổng Giám Mục Antonio Maria Vegliò, Chủ tịch Hội Ðồng Tòa Thánh cho những người di cư và lưu động, về Ngày Thế Giới Di Dân lần thứ 97.

Hỏi: Thưa Ðức Cha Vegliò, trên toàn thế giới hiện nay có bao nhiêu người di cư tị nạn tất cả?

Ðáp: Theo thống kê của Liên Hiệp Quốc trên thế giới hiện có 214 triệu người di cư hợp lệ. Ngoài ra có 15-20 triệu người di cư bất hợp pháp, và có ít nhất 15 triệu người tị nạn. Thêm vào đó là 27 triệu người di cư trong nội địa, tức bên trong các quốc gia của họ, phần lớn do các vụ vi phạm nhân quyền gây ra.

Các vùng có nhiều người di cư tị nạn hơn cả là lục địa Phi châu, vùng Trung Ðông, toàn vùng Ðông Nam Á, nhưng cũng có nhiều nước bên châu Mỹ Latinh nữa. Như thế nói chung, hầu như trên toàn thế giới đều có hiện tượng người di cư tị nạn như là các vùng xuất cư cũng như các vùng tiếp cư và các vùng chuyển tiếp.

Các lý do rất đa diện. Trên bình diện địa phương hay quốc gia, lý do có thể là việc tìm kiếm một tương lai tốt đẹp hơn, nạn nghèo đói, thất nghiệp, các cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị, các xung đột chính trị và xã hội, nạn đói kém và chiến tranh. Trên bình diện quốc tế, trái lại tôi muốn nhắc tới tình hình mất quân bình kinh tế, cảnh môi sinh suy đồi, việc vi phạm các quyền con người, cảnh vắng bóng hòa bình và an ninh.

Hỏi: Thưa Ðức Cha, trước quang cảnh này, đâu là các tình trạng khiến cho Giáo Hội, và một cách đặc biệt Hội Ðồng Tòa Thánh cho người di cư và tị nạn, lo âu nhất?

Ðáp: Từ nhiều tuần nay chúng tôi đã theo dõi số phận của các anh chị em di cư Eritrea và Etiopia, Somalia và Sudan chịu cảnh bạo lực tra tấn và làm tiền, từ phía các băng đảng cưởp bên Ai Cập và trong các quốc gia chung quanh.

Trong trường hợp này cũng còn có tương quan giữa các nhóm buôn bán người và các tổ chức tội phạm điều hành "chợ đen" buôn cơ phận người nữa. Các tình hình đau khổ lớn cũng đang xảy ra bên Côte d'Ivoire và Sudan, bó buộc hàng ngàn người phải trốn chạy khỏi các quốc gia của họ, trong khi các nước giầu trên thế giới tranh cãi về một cuộc chiến tranh lạnh và kinh tế để vơ vét các tài nguyên thiên niên của Phi châu. Thế rồi vẫn tiếp tục đồi can vê khổ đau của những người Irak di cư sang các nước Bắc Âu, nơi các chính quyền bắt buộc các người xin tị nạn hồi hương, vì đơn xin của họ bị từ chối. Ðó là điều đang xảy ra tại Anh quốc, Pháp, Hòa Lan, Na Uy và Thụy Ðiển, mặc dầu sự kiện này đã bị Liên Hiệp Âu châu lên án. Từ năm 2008 tới nay xem ra đã có 5,000 người Irak tự nguyện hồi hương, trong khi có hơn 800 người đã bị cưỡng bách trở về Irak, mặc dù họ không muốn.

Theo dõi tin tức các ngày qua, chúng ta biết thảm cảnh của hàng triệu người di cư tị nạn vì các tai ương thiên nhiên, hay do việc quản trị đất đai yếu kém về phía con người. Thật thế, đã có nhiều người chết trong trận bão lụt tại Brisbane bên Australia. Bên Brasil, có rất nhiều người đã bị chết và mất hết của cải chung quanh vùng Rio de Janeiro, nơi xảy ra nhiều vụ đất lở chôn vùi nhà ở của dân chúng.

Các trận lụt lại Sri Lanka đã khiến cho hàng chục ngàn người phải chạy trốn. Nguồn tin của chính quyền Sri Lanka cho biết đã thiết lập 350 trại tị nạn để tiếp đón 130,000 người, trong khi số các nạn nhân lũ lụt lến tới hơn 860,000 người.

Sau cùng cũng không được quên các nạn nhân lũ lụt tại Indonesia, nơi có 11,000 người được tiếp nhận vào các trại tạm cư, sau cơn lũ lụt vì mưa, trộn lẫn với đá và cát do núi lửa phun, khiến cho đường lộ và nhiều làng mạc bị hư hại.

Các nỗ lực của Giáo Hội nhằm cứu trợ các anh chị em di cư tị nạn nói trên phát xuất từ nhiều phía: các tổ chức Caritas, các trợ giúp kinh tế tài chánh đến từ nhiều quốc gia, kể cả từ Ðức Thánh Cha và Tòa Thánh, qua Hội đồng Tòa Thánh Cor Unum, Ðồng Tâm. Tuy nhiên, ở đây tôi muốn nhắc đến lời kêu gọi của Ðức Cha José Guadalupe Martín Rábago, Tổng Giám Mục giáo phận Léon, kiêm Chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục Mêhicô, liên quan tới việc tôn trọng các quyền của người di cư tị nạn, được nhật báo Quan Sát Viên Roma đăng tải.

Ðức Cha đã tố cáo các vụ bạo hành và ức hiếp, mà người di cư tìm tới Hoa Kỳ phải gánh chịu, bên cạnh nạn lạm dụng quyền bính, các vụ truy lùng của các lực lượng an ninh, các vụ bắt giữ các người di cư bất hợp pháp, và quyền bính gia tăng của các tổ chức tội phạm. Tại Chahuites, trong tháng 12 năm 2010 đã có 50 người di cư bị bắt cóc, và cho tới nay người ta vẫn không biết số phận của họ ra sao, cũng giống như số phận của các người phi châu di cư trong bán đảo Sinai bên Ai Cập.

Hỏi: Trong các trường hợp này, Giáo Hội hoạt động hay can thiệp như thế nào thưa Ðức Cha?

Ðáp: Ngày nay chúng ta tất cả đều ý thức được rằng mình sống trong một thế giới, một đàng luôn ngày càng toàn cầu hơn, đàng khác cũng bị chia rẽ bởi các khác biệt văn hóa, xã hội, kinh tế, chính trị, tôn giáo và luôn có các thách đố mới đối với lương tâm kitô của chúng ta. Một trong các thách đố đặc biệt quan trọng, được Ðức Thánh Cha nhắc tới trong Sứ điệp cho Ngày Hòa Bình Thế Giới năm nay, đó là ý thức thuộc về một gia đình nhân loai duy nhất, "gia đình của các dân tộc", "được mời gọi sống hiệp nhất trong khác biệt". Và trong nỗ lực hài hòa sự hiệp nhất của nhân loại, trong sự khác biệt của các dân tộc tạo thành nó, cần phải đề ra cả một sư phạm cho việc tiếp đón các sự khác biệt, cho nền văn hóa đối thoại, trao đổi và liên đới. Dấn thân đối thoại trên tất cả mọi bình diện, liên văn hóa cũng như liên kitô và liên tôn, trở thành nhiệm vụ cấp thiết nhất, mà các kitô hữu được mời gọi đảm trách ngày nay, trong một xã hội ngày càng mang tính cách đa chủng tộc, đa văn hóa và đa tôn giáo hơn.

Hỏi: Thưa Ðức Cha Chủ tịch Hội Ðồng Tòa Thánh cho người di cư và lưu động, dưới ánh sáng của các thách đố mới mà cộng đoàn quốc tế đang phải đương đầu, cần đọc sứ điệp của Ðức Thánh Cha cho Ngày Quốc Tế Di Dân như thế nào?

Ðáp: Năm 2011 là năm thứ 5 trong triều đại của người, Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI nhấn mạnh rằng nhân loại là một gia đình duy nhất, đa chủng tộc và đa văn hóa. Trong bối cảnh ấy, Giáo Hội nhận ra nhiệm vụ trước hết của mình là tái thiết lập các giá trị và phẩm giá con người, đặc biệt qua việc thăng tiến một nền văn hóa của sự gặp gỡ và tôn trọng, giúp chữa lành các vết thương cũ và mở ra các khả thể mới của việc hội nhập, của an ninh và hòa bình.

Thách đố nằm ở chỗ tạo ra các vùng khoan nhượng, hy vọng, bảo vệ, và nơi việc bảo đảm để các thảm cảnh gây ra bởi các thái độ bất khoan nhượng - tới độ biến thành khuynh hướng bài ngoại và kỳ thị chủng tộc - đừng bao giờ xảy ra nữa. Thế rồi, liên quan tới việc chiến đấu chống lại các lý do gây ra nạn di cư tự ý hay bị bắt buộc, các vụ di cư vì lý do kinh tế hay bởi các thay đổi tệ hại của hệ thống môi sinh: thật là điều đáng ước mong các quốc gia giầu có lợi thế hơn tiếp nhận lời kêu mời của Ðức Thánh Cha liên quan tới việc phân chia tài nguyên thế giới công bằng hơn, thực hiện các can thiệp cơ cấu hữu hiệu, như cộng tác thăng tiến phát triển các nước nghèo và giảm bớt các lý do gây ra các cuộc di cư vì bị bắt buộc.

(RG 16-1-2011)

 

Linh Tiến Khải

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page