Ðức Thánh Cha kêu gọi

dấn thân cụ thể xây dựng hòa bình

và tôn trọng các quyền con người

đặc biệt là quyền tự do tôn giáo

 

Ðức Thánh Cha kêu gọi dấn thân cụ thể xây dựng hòa bình và tôn trọng các quyền con người, đặc biệt là quyền tự do tôn giáo.

Vatican (Vat. 1/01/2011) - Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI đã đưa ra lời kêu gọi trên đây trong bài giảng thánh lễ cử hành tại đền thờ thánh Phêrô lúc 10 giờ sáng mùng 1 tháng 1 năm 2011, lễ kính Ðức Maria là Mẹ Thiên Chúa và cũng là Ngày Hòa Bình Thế Giới.

Tham dự thánh lễ đã có hàng chục Hồng Y và Giám Mục, cũng như hàng trăm linh mục tu sĩ nam nữ, nhân viên ngoại giao đoàn cạnh Tòa thánh và khoảng 10,000 tín hữu. Các ca đoàn thiếu nhi đã phụ trách thánh ca trong thánh lễ.

Giảng trong thánh lễ Ðức Thánh Cha đã quảng diễn ý nghĩa các bài đọc phụng vụ. Bài đọc một là lời chúc lành mà các tư tế đọc trên tín hữu Israel trong các dịp lễ trọng. Nó gợi lên các ơn thánh phong phú và sự bình an mà Thiên Chúa ban cho con người.

Ðức Thánh Cha nói: Ngày hôm nay Giáo Hội lắng nghe lại các lời này trong khi cầu xin Chúa chúc lành cho năm mói vừa bắt đầu, với ý thức rằng trước các biến cố thê thảm ghi dấu lịch sử, trước các luận lý của chiến tranh chưa được thắng vượt hoàn toàn, chỉ có Thiên Chúa mới có thể đánh động tận cùng thẳm tâm hồn con người và bảo đảm hy vọng và hòa bình cho nhân loại. Trong ngày đầu năm, Giáo Hội, rải rác đó đây trên toàn thế giới, nâng lời cầu nguyện lên Thiên Chúa để khẩn nài ơn hòa bình... Hôm nay chúng ta muốn đón nhận tiếng kêu khóc của biết bao nhiêu người nam nữ, trẻ em và người gìa, nạn nhân của chiến tranh, là gương mặt kinh khủng và bạo lực của lịch sử loài người. Ngày hôm nay chúng ta cầu nguyện để hòa bình, mà các thiên thần đã loan báo cho các mục đồng xưa kia, có thể đến với khắp mọi nơi. Vì thế, với lời cầu nguyện, một cách đặc biệt chúng ta muốn trợ giúp mọi người và mọi dân tộc, cách riêng các vị hữu trách của chính quyền, ngày càng biết bước đi trên con đường hòa bình hơn.

Trong bài đọc thứ hai thánh Phaolô tóm tắt công trình cứu chuộc do Chúa Kitô thành toàn trong chức làm nghĩa tử bao gồm gương mặt của Ðức Maria. Nhờ Mẹ, Con Thiên Chúa là Ðấng "đã được sinh ra từ một người đàn bà" (Gl 4,4) đã có thể đến trần gian như người thật vào thời viên mãn. Trong Ngôi Lời nhập thể Thiên Chúa đã nói lên Lời cuối cùng và vĩnh viễn của Ngài. Trước thềm năm mới vang lên lời mời gọi tiến bước với niềm vui hướng về ánh sáng "đến từ trời cao" (Lc 1,78), vì trong viễn tượng kitô toàn thời gian có Thiên Chúa hiện diện. Không có tương lai nào mà không hướng về Chúa Kitô, và ngoài Chúa Kitô ra không có sự viên mãn. Chúa Giêsu là điểm tham chiếu, là trung tâm của mầu nhiệm như được kể lại trong Phúc Âm, mà Mẹ Maria thinh lặng suy niệm trong lòng và các mục đồng vinh danh chúc tụng Thiên Chúa vì mọi điều mắt thấy tai nghe. Chính Chúa Giêsu khiến cho chức làm mẹ của Ðức Maria trở thành chức làm mẹ thiên chúa. Thật thế, Ðức Maria là Mẹ thật của Thiên Chúa, do tương quan hoàn toàn của mẹ với Chúa Kitô. Tước hiệu là "Mẹ Thiên Chúa" nêu bật sứ mệnh duy nhất của Ðức Trinh Nữ Thánh trong lịch sử cứu độ. Mẹ Maria nhận lãnh ơn của Thiên Chúa cho toàn nhân loại. Ðấng đã ban sự sống trần gian cho Con Thiên Chúa tiếp tục trao ban cho loài người sự sống thiên linh, là chính Chúa Giêsu và Thánh Thần của Người. Vì thế, mẹ được coi là mẹ của mọi người sinh ra trong Ơn Thánh, và mẹ cũng được khẩn cầu như là Mẹ của Giáo Hội.

Tiếp tục bài giảng thánh lễ kính Ðức Maria là Mẹ Thiên Chúa và cũng là Ngày hòa bình thế giới lần thứ 44, Ðức Thánh Cha tái khặng định rằng Giáo Hội liên lỉ dấn thân trong hoạt động để cống hiến một gia tài tinh thần chắc chắn, bao gồm các giá trị và nguyên tắc trong việc liên tục kiếm tìm hòa bình. Hòa bình là ơn cứu thế, hoa trái đầu tiên của bác ái mà Chúa Giêsu đã ban cho chúng ta, là sự hòa giải và giảng hòa chúng ta với Thiên Chúa. Hòa bình cũng là một gia trị nhân bản cần thực hiện trên bình diện xã hội và chính trị, nhưng nó có gốc rễ nơi mầu nhiệm của Chúa Kitô (GS 77-90).

Trong sứ điệp cho Ngày hòa bình thế giới năm nay (2011) tựa đề "Tự do tôn giáo, con đường cho hòa bình", tôi đã viết: "Thế giới cần Thiên Chúa. Nó cần các giá trị luân lý đạo đức và tinh thần, đại đồng và được chia sẻ. Và tôn giáo có thể cống hiến một đóng góp qúy báu trong việc tìm kiếm chúng, cho việc xây dựng một trật tự xã hội và quốc tế công bằng và hòa bình" (s. 15). Vì thế tôi nhấn mạnh rằng "tự do tôn giáo là yếu tố không thể gạt bỏ của một Nhà Nước pháp quyền; người ta không thể từ chối nó mà không đồng thời tấn công tất cả các quyền và sự tự do nền tảng khác, vì tự do tôn giáo là tổng kết và là tột đỉnh của các quyền ấy" (. s. 5).

Nhân loại không thể chịu trận trước sức mạnh tiêu cực của sự ích kỷ và bạo lực; không thể nhờn quen với các xung đột gây ra các nạn nhân và gây nguy hiểm cho tương lai của các dân tộc. Và Ðức Thánh Cha gióng lên lời kêu gọi khẩn thiết sau đây: Trước các căng thẳng đe dọa hiện nay, đặc biệt trước các kỳ thị, các sách nhiễu và bất khoan nhượng tôn giáo, ngày nay một cách đặc biệt đang tấn công các kitô hữu, một lần nữa tôi khẩn thiết mời gọi đừng nhượng bộ chán nản và chịu trận. Tôi khích lệ tất cả mọi người cầu nguyện để cho các cố gắng đưa ra từ nhiều phía đạt kết qủa giúp thăng tiến và xây dựng hòa bình trên thế giới. Ðối với nhiệm vụ khó khăn này các lời nói thôi không đủ, mà phải có sự dấn thân cụ thể và liên tục của các người hữu trách các Quốc gia, và nhất là mọi người phải được linh hoạt bởi tinh thần hòa bình đích thực, mà chúng ta luôn phải khẩn cầu trong lời cầu nguyện và sống trong các tương quan hằng ngày, trong mọi môi trường.

Lời nguyện giáo dân cầu cho các nhu cầu của Giáo Hội và thế giới đã được đọc bằng các thứ tiếng: Bồ Ðào Nha, Ðức, Ba Lan, Pháp và Swahili. Năm mươi linh mục đã giúp Ðức Thánh Cha cho giáo dân rước Mình Thánh Chúa.

Lúc 12 giờ trưa Ðức Thánh Cha đã ra cửa sổ phòng làm việc của ngài để đọc Kinh Truyền Tin chung với gần 100,000 tín hữu tụ tập tại quảng trường thánh Phêrô.

Trong bài huấn dụ ngắn Ðức Thánh Cha đã chúc mọi người năm mới 2011 tràn đầy an bình và hạnh phúc. Ngài nói: Chúng ta hãy xin Mẹ Maria phúc lành và Mẹ chúc lành cho chúng ta bằng cách cho chúng ta thấy Con Mẹ: thật thế, chính Người là Phúc Lành. Khi ban cho chúng ta Chúa Giêsu, Thiên Chúa đã cho chúng ta tất cả: tình yêu của Người, sự sống của Người, ánh sáng chân lấy, ơn tha tội; Người đã cho chúng ta sự bình an. Phải, Chúa Giêsu Kitô là sự bình an của chúng ta (Ep 2,14). Người đã đem vào thế giới hạt giống tình yêu và hòa bình, mạnh mẽ hơn hạt giống của thù hận và bạo lực. Mạnh mẽ hơn vì Danh Chúa Giêsu cao vượt hơn mọi danh hiệu khác...

Nhắc đến Ngày hòa bình thế giới như dịp giúp suy tư về các thách đố lớn của nhân loại ngày nay, Ðức Thánh Cha nói tự do tôn giáo là một trong các thách đố đó. Vì thế, ngài đã chọn đề tài cho sứ điệp hòa bình năm nay là "Tự do tông giáo, con đường cho hòa bình". Và ngài nhận định như sau: Ngày nay chúng ta chứng kiến hai khuynh hướng trái nghịch nhau, cả hai đều thái qúa và tiêu cực: một đàng là khuynh hướng duy đời, với cách thức thường ngấm ngầm, gạt bỏ tôn giáo ra ngoài và giới hạn nó trong lãnh vực riêng tư; đàng khác là khuynh hướng cuồng tín, dùng sức mạnh áp đặt tôn giáo cho tất cả mọi người. Thật ra, "Thiên Chúa mời gọi nhân loại đến với Ngài với một dự án tình yêu. Trong khi nó lôi cuốn toàn con người vào trong chiều kíck tự nhiên và tinh thần, nó yêu cầu con người tương ứng với nó một cách tự do và có tinh thần trách nhiệm, với tất cả con tim và toàn con người mình, cá nhân cũng như cộng đoàn" (Sứ điệp 8). Ở đâu sự tự do tôn giáo được tôn trọng thực sự, thì ở đó phẩm giá con người cũng được tôn trong trong gốc rễ của nó, và qua một sự tìm kiếm sự thực và sự thiện, lương tâm luân lý được củng cố, và các cơ cấu và sự chung sống dân sự cũng được củng cố (ibid 5). Vì thế, tự do tôn giáo là con đường ưu tiên để xÂy dựng hòa bình.

Tiếp đến Ðức Thánh Cha đã đọc kinh Truyền Tin và ban phép lành tòa thánh đầu năm cho mọi người.

Sau kinh Truyền Tin Ðức Thánh Cha cho biết vào tháng 10 năm nay ngài sẽ hành hương Assisi, nhân kỷ miệm 25 năm Ðức Gioan Phaolo II triệu tập Ngày quốc tế cầu nguyện cho hòa bình tại Assisi hồi năm 1986. Ngài mời gọi mọi kitô hữu cũng như tín hữu các tôn giáo khác trên thế giới và tất cả mọi người hiệp nhất với ngài trên con đường hành hương này.

Ðức Thánh Cha cũng cảm ơn và khích lệ tất cả những ai trong Giáo Hội đã cầu nguyện cho hòa bình và tự do tôn giáo từ ngày 31 tháng 12. Ở Italia có cuộc đi bộ cho hòa bình do Hội Ðồng Giám Mục, tổ chức Hòa Bình Chúa Kitô và Caritas phát động tại Ancona, nơi sẽ diễn ra Ðại hội Thánh Thể quốc gia vào tháng 9 năm 2011. Tại Roma và nhiều thành phố khác, có phong trào "Hòa bình tại mọi vùng đất" do sáng kiến của cộng đoàn thánh Egidio, cũng như phong trào Tình yêu gia đình canh thức cầu nguyện cho hòa bình tại quảng trường thánh Phêrô và L'Aquila tối mùng một tháng giêng năm 2011.

 

Linh Tiến Khải

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page