Tự do tôn giáo trong sứ điệp Giáng Sinh

của Ðức Thánh Cha

 

Tự do tôn giáo trong sứ điệp Giáng Sinh của Ðức Thánh Cha.

Roma [La Croix 25/12/2010] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Trong thánh lễ và sứ điệp Giáng Sinh năm 2010, Ðức thánh cha Benedicto XVI nhấn mạnh đến tự do tôn giáo như là điều kiện để có hòa bình giữa các dân tộc.

Với Ðức thánh cha, Ðêm Giáng Sinh năm 2010 đã bắt đầu bằng một dấu hiệu khác thường. Vào lúc 6 giờ chiều 24 tháng 12 năm 2010, mưa lớn trút xuống thành phố Roma. Theo thông lệ, cánh cửa sổ từ phòng làm việc của Ðức thánh cha luôn được thắp sáng đủ để chiếu sáng xuống quảng trường thánh Phero. Nhưng tối thứ Sáu 24 tháng 12 năm 2010, mưa gió đã khiến thành phố Roma bị cúp điện. Do đó, bóng đèn từ cửa sổ phòng làm việc của Ðức thánh cha cũng vụt tắt.

Nhưng từ hang đá và máng cỏ khổng lồ giữa quảng trường nhìn lên, người ta bỗng thấy Ðức thánh cha thắp lên một ánh nến và đặt bên cạnh cửa số. Hình ảnh này gợi lên cho nhiều người ý nghĩ: ánh nến này chính là ánh sáng hòa bình, một nền hòa bình mong manh luôn cần được xây dựng không ngừng. Khi Ðức thánh cha vừa thắp sáng lên ánh nến, khách hành hương rải rác trong quảng trường đã vỗ tay hoan hô.

4 giờ đồng hồ sau, vào đúng 10 giờ đêm, chính trong vương cung thánh đường thánh Phero, trước sự hiện diện của 10 ngàn người, Ðức thánh cha đã nói đến sự giáng sinh của Chúa Giesu bằng một giọng vô cùng cảm động. Ngài nói rằng "một trẻ thơ nhỏ bé thật sự sinh ra từ Thiên Chúa đã làm cho khoảng cách vô biên giữa Thiên Chúa và con người được lấp đày và mang lại cho con người sức mạnh để kháng cự lại sức mạnh của bạo tàn".

Ðức thánh cha đã trích lại đoạn 9 câu 3 trong sách tiên tri Isaia với tất cả niềm xác tín: "Lạy Chúa, xin hãy thực hiện lời hứa của Chúa. Xin Chúa hãy bẻ gãy ngọn roi của kẻ hà hiếp. Xin Chúa hãy thiêu hủy mọi giày lính nện xuống rần rần. Xin Chúa hãy chấm dứt thời của những chiếc áo choàng đẫm máu".

Những lời trên đây của Ðức thánh cha không thể không gợi lên cho mọi người số phận của các tín hữu Kitô và các tín đồ các tôn giáo đầy thiện chí đang bị bách hại trên khắp thế giới. Trong sứ điệp nhân ngày Hòa bình thế giới năm 2011 với chủ đề "tự do tôn giáo là con đường dẫn dến Hòa bình", Ðức thánh cha khẳng định rằng ngài muốn trở thành tiếng nói của họ.

Nhìn về chân trời hy vọng, Ðức thánh cha kết thúc bài giảng trong lễ Ðêm Giáng Sinh như sau: "Thiên Chúa không để cho chúng ta phải bối rối vì tội lỗi chúng ta. Ngài luôn luôn bắt đầu làm lại với chúng ta. Tuy nhiên, ngài cũng chờ đợi chúng ta đáp trả lại bằng tình yêu. Ngài yêu thương chúng ta để chúng ta có thể trở thành những người cùng yêu thương với Ngài và như vậy để cho trái đất có thể có hòa bình".

Sang chính Ngày Giáng Sinh 25 tháng 12 năm 2010, bằng 65 thứ tiếng khác nhau trên thế giới, Ðức thánh cha đã gởi lời chúc mừng Giáng sinh đến mọi người.

Ðứng bên cạnh ngài có Ðức hồng y người Pháp Jean Louis Tauran, chủ tịch Hội đồng Tòa thánh về đối thoại liên tôn. Ðây là tín hiệu đặc biệt mà ngài muốn nhắn gởi với mọi tôn giáo. Trong sứ điệp gởi cho thành Roma và toàn thế giới, Ðức thánh cha nhấn mạnh rằng Nước Chúa giống như "men của nhân loại" và là sức mạnh để "cộng tác vào công ích, phục vụ tha nhân một cách vô vị lợi, tranh đấu một cách ôn hòa cho công lý và giải phóng con người khỏi cội rễ của mọi thứ nô lệ".

Trong sứ điệp, Ðức thánh cha đã kể ra 19 quốc gia đang phải đau khổ như Israel, Palestine, Trung đông, Iraq, Haiti, Colombia, Venezuela, Guatemala, Costa Rica, Somalia, Darfour, Cote d' Ivoire, Madagascar, Afghanistan, Pakistan, Nicaragua, Bán đảo Triều Tiên. Ngài đặc biệt nêu đích danh các "tín hữu Kitô tại Trung hoa lục địa" và kêu gọi họ đừng nản lòng vì những giới hạn về tự do tôn giáo và lương tâm. Một cách tổng quát hơn, đức thánh cha nói đến nỗi đau khổ của mọi cộng đồng kito trên khắp thế giới đang bị kỳ thị và bách hại.

Kết thúc sứ điệp Giáng Sinh, Ðức thánh cha kêu gọi các nhà lãnh đạo chính trị và tôn giáo hãy tranh đấu để tự do tôn giáo của mọi người được tôn trọng đầy đủ.

Giáng sinh năm 2010, Ðức thánh cha cũng đã làm một cử chỉ khác thường khi lên tiếng phát biểu trên đài phát thanh BBC. Sáng thứ Sáu 24 tháng 12 năm 2010, trong mục "Tư tưởng của ngày" của Ðài Phát Thanh BBC số 4 của Anh quốc, ngài đã gởi một sứ điệp đặc biệt trong đó ngài nhắc lại chuyến viếng thăm Anh quốc từ ngày 16 đến 19 tháng 9 năm 2010.

Nhân dịp này, ngài nhấn mạnh rằng "sự giải phóng mà Chúa Kito mang lại không phải là chính trị, đạt được nhờ những phương tiện quân sự. Ðức thánh cha nói: "Hài nhi sinh hạ tại Bethlehem là vị Ðấng Cứu độ của mọi người, ở mọi nơi và mọi thời đại của Lịch sử".

 

CV.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page