Vài nét về

Giáo hội công giáo tại Ukraine

 

Vài nét về Giáo hội công giáo tại Ukraine.

Ukraine [Zenit 5/12/2010] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Mới đây, trong một cuộc phỏng vấn dành cho chương trình Truyền hình có tên "Nơi Thiên Chúa khóc" do Tổ chức "trợ giúp các Giáo hội đau khổ" tài trợ, Ðức hồng y Lubomyr Husar, Tổng giám mục Kiev, Ukraine, khẳng định rằng chính bàn tay quan phòng của Chúa đã gìn giữ Giáo hội Công giáo tại đây, nhứt là trong những năm sống dưới chế độ cộng sản.

Ðức hồng y Husar chào đời tại thủ đô Kiev năm 1933. Khi cộng sản lên nắm quyền tại Ukraine, gia đình ngài đã trốn sang Áo và năm 1949 sang định cư tại Hoa kỳ là nơi mà họ đã sống 20 năm và cũng là nơi mà cậu bé Lubomyr đáp lại tiếng gọi của Chúa. Năm 1948, ngài chịu chức linh mục cho Giáo hội Ukraine tại thành phố Stamford, bang Connecticut.

Sau đó, Ðức hồng y được gởi sang Ý làm việc. Sau 46 năm sống xa quê hương, ngài trở về Ukraine. Năm 2001, ngài được đức Gioan Phaolo II nâng lên bậc Hồng y. Hiện ngài đang là Tổng giám mục Kiev.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho chương trình "Nơi Thiên Chúa khóc", Ðức hồng y Tổng giám mục Kiev, nói rằng mặc dù bị chế độ cộng sản tìm đủ mọi cách để tiêu diệt, Giáo hội Công giáo tại Ukraine vẫn kiên vững.

Là Tổng giám mục Kiev, Ðức hồng y Husar hiện không những đứng đầu Giáo hội Công giáo thuộc nghi lễ Hy lạp trên toàn Ukraine, mà còn đặc trách cộng đồng Công giáo Ukraine tại hải ngoại, mà phần lớn tập trung tại Hoa kỳ. Ôn lại lịch sử của Giáo hội này trong 130 năm vừa qua, tức từ đợt di dân đầu tiên của người Ukraine đến Hoa kỳ và sau đó gia tăng sau hai cuộc đại chiến, Ðức hồng y Husar tin rằng luôn có bàn tay quan phòng của Chúa gìn giữ Giáo hội tại Ukraine. Ngài nói rằng sự kiện Giáo hội Ukraine đã có thể có mặt tại Bắc và Nam Mỹ cũng như tồn tại sau những cuộc bách hại dã man dưới chế độ cộng sản trong nước, đã nâng đỡ rất nhiều người Công giáo Ukraine.

Ðức hồng y Tổng giám mục Kiev cho biết ngài trở về Ukraine lần đầu tiên năm 1990. Ngài chỉ lưu lại quê hương đúng 10 ngày. Trong chuyến viếng thăm này, ngài đã gặp gỡ được nhiều linh mục và giáo dân. Họ không những đã đứng vững trong một giai đoạn vô cùng khó khăn. Những khó khăn đó vẫn còn in đậm trong tâm hồn họ cho đến ngày nay.

Trở về làm việc tại quê hương từ gần 15 năm nay, Ðức hồng y Husar nói rằng cho tới nay ngài vẫn tiếp tục khám phá những điều mới mẽ trong cuộc bách hại mà Giáo hội tại Ukraine đã trải qua dưới thời cộng sản.

Ðảng cộng sản và nhà nước cộng sản đã liên tục và một cách tinh vi tìm cách biến đổi con người, tạo áp lực để họ quên rằng mình là tạo vật của Thiên Chúa. Những người cộng sản cố gắng thuyết phục dân chúng rằng họ là những "sản phẩm" của nhà nước và hoàn toàn lệ thuộc vào nhà nước. Nói cách khác, họ tìm cách tái tạo một bản chất mới với một ý thức luân lý mới nơi dân chúng.

Ðức hồng y Tổng giám mục Husar nói rằng những hệ quả của chế độ cộng sản vẫn còn đó. Mặc dù nhiều người đã đau khổ và giữ vững đức tin cũng như ngày nay con số người đến nhà thờ vẫn còn đông, nhưng sống đạo mỗi ngày không phải là điều dễ dàng đối với nhiều người, bởi vì họ đã được giáo dục một cách khác, hoàn toàn nghịch lại với các nguyên tắc luân lý của Kitô giáo.

Theo Ðức hồng y Husar, vết thương mà chế độ cộng sản vẫn còn để lại trong lòng người dân Ukraine chính là thiếu tin tưởng nhau, ngay cả giữa những người trong cùng một gia đình, bởi vì toàn bộ chế độ đã được xây dựng trên sự sợ hãi và do sợ hãi, con người không tin tưởng bất cứ ai.

Nhận định về mối quan hệ giữa Ðông và Tây, Ðức hồng y Husar đã có lần nói rằng "Ðông, tức truyền thống Byzantin không biết Tây tức Giáo hội Latinh, và Tây cũng không biết Ðông". Theo ngài, có hai lý do khiến có tình trạng thiếu hiểu biết này. Một là tình trạng chính trị, tức sự tách biệt rạch ròi giữ đông và tây trong thời chiến tranh lạnh. Não trạng "bức màn sắt" vẫn kéo dài trong hàng bao thập niên. Lý do thứ hai là Tây phương theo truyền thống Công giáo, trong khi đó Ðông phương do hoàn cảnh lịch sử tự đồng hóa với những truyền thống Chính thống giáo.

Ðức Gioan Phaolo II đã từng nói đến hai buồng phổi của Âu Châu: một là Byzantin hay Chính thống và hai là Công giáo. Theo Ðức hồng y Husar, trong tuyệt đại đa số dân đông phương theo Chính thống giáo, vẫn có những người Công giáo. Ta thường nói đến những người Công giáo đông phương.

Khi đức Gioan Phaolo II nói đến hai buồng phổi của Âu Châu, ngài có ý kêu gọi sự trao đổi các "quà tặng" giữa đông và tây. Ðức hồng y nói rằng mặc dù có hai lá phổi, nhưng chỉ có một trái tim và trái tim này chính là Chúa Giêsu Kitô, là Ðấng mặc dù được nhận biết khác nhau bởi các nền văn hóa, nhưng vẫn là một tại Ðông cũng như Tây.

Ðề cập đến sự tài trợ của tổ chức "Trợ giúp các Giáo hội đau khổ" dành cho Giáo hội Công giáo Hy lạp, Ðức hồng y Husar nói rằng trong những thập niên 60, 70 và 80, cha Werenfried, người sáng lập ra tổ chức "trợ giúp các Giáo hội đau khổ", đã đặc biệt quan tâm đến Giáo hội tại Ukraine.

Ngày nay, tổ chức "trợ giúp các Giáo hội đau khổ" vẫn còn tài trợ cho một số dự án của Giáo hội tại Ukraine. Một trong những dự án đó là trường đại học Công giáo Ukraine. Ðây là đại học Công giáo duy nhứt trong cựu liên xô. Năm 2001, khi viếng thăm Ukraine, đức Gioan Phaolo II đã đến nơi có trụ sở của chủng viện và phân khoa thần học. Các đại diện của trường đại học Công giáo đều có mặt trong cuộc gặp gỡ cùng với cha Warenfried. Ðức thánh cha đã đặc biệt cám ơn vị sáng lập tổ chức "trợ giúp các Giáo hội đau khổ" vì đã góp phần nâng đỡ và giúp tái thiết Giáo hội tại Ukraine.

 

CV.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page