Ðức Thánh Cha: có quyền bính có nghĩa là

phục vụ công lý và thiện ích chung

 

Ðức Thánh Cha: có quyền bính có nghĩa là phục vụ công lý và thiện ích chung.

Vatican (Vat. 20/10/2010) - Có quyền bính có nghĩa là phục vụ công lý và thiện ích chung. Ðức tin và tình bạn với Chúa Kitô tạo thành ý thức công bằng, bình đẳng giữa tất cả mọi người, cũng như ý thức về các quyền của tha nhân, tình yêu thương và lòng bác ái.

Ðức Thánh Cha Biển Ðức 16 đã khẳng định như trên trong buổi tiếp 40,000 tín hữu và du khách hành hương năm châu tại quảng trường thánh Phêrô sáng thứ Tư 20 tháng 10 năm 2010. Ngoài các đoàn hành hương Âu châu và Bắc Mỹ, cũng có các nhóm hành hương đến từ Á châu Philippines, Indonesia và Malesia; hay Phi châu Ghana và Nigeria, hoặc châu Mỹ Latinh Ecuador, Mehicô và Brasil. Trong các nhóm hành hương cũng có 3 nhóm tín hữu Việt Nam, một nhóm đến từ Australia đã tham dự thánh lễ tôn phong Hiển Thánh cho Chân Phước Mary Thánh Giá Mackillop Chúa Nhật 17 vừa qua, một nhóm đến từ Karlsruhe bên Ðức và một nhóm đến từ Seatle và Washington Hoa Kỳ.

Trong bài huấn dụ Ðức Thánh Cha đã giới thiệu gương mặt một phụ nữ thánh thiện khác sống vào thế kỷ XIII: đó là thánh nữ Elidabetta người Hungari, cũng gọi là Elidabetta Thueringen. Elidabetta sinh năm 1207, là con gái vua Andrea II, vị vua giầu có và quyền thế nước Hungari. Công chúa Elidabetta chỉ sống trong cung điện có 4 năm đầu đời với 4 anh chị em khác, thích trò chơi, âm nhạc và nhảy múa, và đặc biệt chú ý tới người nghèo. Tuổi thơ hạnh phúc của Elidabetta bị ngẵt quãng, vì theo thói quen thời đó vua cha đã hứa đính hôn công chúa với Ludwig, con của công tước Hermann vùng Thueringen, một trong những người giầu có và quyền thế nhất đầu thế kỷ XIII. Elidabetta lên đường sang Ðức cùng với của hồi môn và đoàn tùy tùng và nữ tỳ, trong đó có hai người sẽ trung thành với công chúa cho tới chết, và là hai người đã cho biết các tin tức qúy báu liên quan tới thời thơ ấu và cuộc đời của thánh nữ.

Tiếp tục bài huấn dụ Ðức Thánh Cha nói: sau khi tới lâu đài Wartburg Ludwig và Elisabetta cử hành lễ đính hôn. Trong các năm sau đó Ludwig học trở thành hiệp sĩ, còn Elidabetta và các nữ tỳ học các thứ tiếng Ðức, Pháp, Latinh, âm nhạc, văn chương và thêu thùa. Mặc dù lễ đính hôn được sắp xếp vì lý do chính trị, tình yêu chân thành nảy nở giữa hai người trẻ, được linh hoạt bởi đức tin và ước muốn chu toàn ý muốn của Thiên Chúa. Sau khi công tước Hermann qua đời, năm 18 tuổi Ludwig thay cha cai trị vùng Thueringen. Ðức Thánh Cha ghi nhận các khó khăn mà nếp sống đạo hạnh và bình dân của Elidabetta gây ra như sau:

Tuy nhiên, Elidabetta trở thành mục tiêu của các chỉ trích ngấm ngầm vì kiểu hành xử của nàng không phù hợp với cuộc sống triều đình. Lễ cưới cũng đã không xa hoa phung phí và một phần chi phí dược dành cho người nghèo. Trong sự nhậy cảm sâu xa, Elidabetta nhận ra các mâu thuẫn giữa đức tin tuyên xưng và cuộc sống kitô. Nàng không chịu được các dàn xếp lắt léo. Có một lần, vào nhà thờ ngày lễ Ðức Mẹ hồn xác lên trời, Elidabetta cởi vương miện đặt trước thánh giá và phủ phục sát đất. Khi bị mẹ chồng quở trách vì cử chỉ đó, thì thánh nữ trả lời: "Làm sao con là thu tạo khốn nạn, lại có thể tiếp tục đội triều thiên của phẩm giá trần tục, khi con trông thấy Chúa Giêsu Kitô của con đội mạo gai?". Thánh nữ hành xử trước mặt Thiên Chúa làm sao, thì người cũng hành xử với các bề dưới như vậy. Theo chứng từ của 4 nữ tỳ, thánh nữ không dùng thực phẩm trước khi biết chắc chắn là chúng phát xuất từ đất đai và của cải hợp pháp của chồng. Chẳng những không dùng những của bất hợp pháp Elidabetta lại còn bồi thường cho những người bị thiệt hại nữa (Detti di quattro ancelle, 25.37). Ðây thật là một gương sáng cho tất cả những ai nắm giữ trách nhiệm lãnh đạo: việc thưc thi quyền bính trên mọi bình diện phải được sống như việc phục vụ công bằng và bác ái, trong sự liên lỉ kiếm tìm thiện ích chung. Ðức Thánh Cha miêu tả cung cách sống của thánh nữ Elidabetta như sau:

Elidabetta kiên trì thực hành các việc bác ái yêu thương như: cho người nghèo đói thực phẩm để ăn, quần áo để mặc, trả nợ thay cho họ, săn sóc những người đau yếu và chôn cất người chết. Thánh nữ thường cùng càc nữ tỳ từ lâu đài xuống các xóm nghèo thăm các gia đình nghèo và đem bánh, thịt, bột mì và thực phẩm cho họ. Elidabetta tận tay trao thực phẩm cho họ, chú ý tới quần áo và giường nằm của người nghèo xem họ có thiếu thốn gì không. Người ta tố cáo với công tước Ludwig, nhưng ông bênh vợ và trả lời: "Cho tới khi nào nàng không bán lâu đài, là tôi hài lòng rồi". Phép lạ hoa hồng xảy ra trong bối cảnh này. Một hôm Elidabétta đem đầy bánh cho người nghèo trong tấm khăn đeo trước ngực. Khi găp chồng hỏi đang đem cái gì vậy Elidabetta mở khăn ra thì trông thấy các bông hồng tuyệt đẹp. Biểu tượng bác ái này hiện diện trong nhiều bức hình vẽ thánh Elidabetta.

Hôn nhân của thánh nữ vộ cùng hạnh phúc: thánh nữ trợ giúp chồng mình thăng hoa các đức tính nhân bản lên mức siêu nhiên, và đổi lại chồng nàng bênh vực sự quảng đại của vợ đối với người nghèo và trong các việc thực hành đạo. Càng ngày Ludwig càng khâm phục đức tin lớn lao và lòng bác ái của vợ đối với dân nghèo và nói: "Elidabetta yêu, em dã tắm rửa, nuôi dưỡng và săn sóc chính Chúa Kitô". Ðây là một chứng tá rõ ràng cho thấy đức tin và tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân củng cố cuộc sống gia đình và khiến cho sự kết hiệp hôn nhân được sâu xa hơn.

Hai vợ chồng được các tu sĩ Phanxicô yểm trợ tinh thần, vì năm 1222 các tu sĩ bắt đầu hiện diện tại Thueringen. Elidabetta chọn tu sĩ Ruediger làm cha linh hướng. Khi nghe kể lai gương của thánh Phanxicô thành Assisi, Elidabetta càng cương quyết theo Chúa Kitô khó nghèo và bị đóng đanh hơn nữa. Cả khi sinh con đầu lòng và hai người con khác thánh nữ đã không bao giờ sao nhãng các công tác bác ái. Thánh nữ giúp các tu sĩ xây tu viện tại Halberstadt.

Vào năm 1227 Ludwig IV gia nhập đao binh Thánh Giá của hoàng đế Federico II theo truyền thống của các vua vùng Thueringen, nhưng bệnh sốt hoành hành khiến cho quân binh chết rất nhiều. Ludwig cũng bị đau và qua đời tại Otranto bên Italia trước khi xuống tầu sang Thánh Ðia, tháng 9 năm 1227, khi mới 27 tuổi. Ðược tin chồng qua đời, Elidabetta rất đau buồn, nhưng tin tưởng sẽ gặp lại chồng trên Trời. Lợi dụng dịp này, người em rể của Ludwig nỏi lên tiếm quyền anh và đuổi Elidabetta và ba con nhỏ ra khỏi lâu đài Wartburg. Sau khi giao các con cho các bạn của Ludwig săn sóc, Elidabetta và hai nữ tỳ lang thang hết làng này sang làng khác, làm việc kiếm sống và săn sóc các bệnh nhân. Thánh nữ chịu đựng mọi sự với đức tin, lòng kiên nhẫn và tinh thần tận hiến phụng sự Thiên Chúa. Một số bà con trung thành với thánh nữ tranh đấu cho Elidabetta được cấp dưỡng để lui về lâu đài Marrburg sinh sống. Nơi đây cũng có tu sĩ Corrado là cha linh hướng của Elidabetta. Chính cha kể lại cho Ðức Giáo Hoàng Gregorio IX biết như sau: "Ngày thứ sáu tuần thánh năm 1228 Elisabetta từ bỏ ý muốn riêng và các sự phù vân trần thế, trước sự hiện diện của vài tu sĩ và người thân. Thánh nữ cũng muốn từ bỏ mọi của cải nhưng con đã can ngăn vì tình yêu đối với người nghèo. Ít lâu sau, Elidabetta xây một nhà thường và quy tụ các người đau yếu tàn tật lai và hầu bàn những người bần cùng khốn khổ nhất. Bị con quở trách về các việc này, Elidabetta trả lời là nhận được một ơn đặc biệt và lòng khiêm nhường từ những người nghèo khổ ấy" (Epistula magistri Conradi, 14-17).

Elidabetta đã sống ba năm cuối đời trong nhà thương này, phục vụ săn sóc các bệnh nhân, canh thức người hấp hối và tìm làm mọi việc hèn hạ đáng ghê tởm nhất. Chị sống như một phụ nữ thánh hiến giữa đời. Cùng với một số bạn gái khác chị mặc áo mầu nâu và thành lập một công đoàn nữ tu. Tháng 11 năm 1231 chị bị sốt nặng. Nghe tin, rất đông dân chúng tìm tới thăm chị. Sau mươi ngày, chị xin đóng cửa để ở một mình với Chúa và êm ái qua đời đêm ngày 17 tháng 11. Chỉ sau 4 năm, Ðức Giáo Hoàng Gregorio IX đã tôn phong hiển thánh cho chị, và một nhà thờ rất đep đã được xây tại Marburg để dâng kính thánh nữ.

Ðức Thánh Cha kết luận bài huấn dụ như sau: "Anh chị em thân mến, nơi gương mặt của thánh nữ Elidabetta chúng ta thấy đức tin, tình bạn với Chúa Kitô tạo thành ý thức về công bằng, bình đẳng giữa tất cả mọi người, cũng như ý thức về các quyền của tha nhân, tình yêu thương và lòng bác ái như thế nào. Chính từ lòng bác ái đó nảy sinh ra niềm hy vọng và xác tín chúng ta được Chúa Kitô yêu thương. Tình yêu của Chúa Kitô chờ đợi chúng ta và khiến cho chúng ta có khả năng noi gương Người và trông thấy Người nơi tha nhân. Thánh nữ Elidabetta mời gọi chúng ta tái khám phá ra Chúa Kitô, yêu mến Người, có đức tin, và như thế tìm ra sự công bằng và tình yêu thương đích thật, cũng như niềm vui một ngày kia sẽ được chìm lặn trong tình yêu của Thiên Chúa, trong niềm vui vĩnh cửu vởi Thiên Chúa.

Sau khi chào tín hữu bằng nhiều thứ tiếng khác nhau, Ðức Thánh Cha đã công bố danh sách 24 Tân Hồng Y và xin mọi người cầu nguyện cho các vị, rồi ngài cất kinh Lậy Cha và ban phép lành Tòa thánh cho mọi người.

 

Linh Tiến Khải

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page