Gierusalem và Thượng hội đồng

Giám mục thế giới về Trung Ðông

 

Gierusalem và Thượng hội đồng Giám mục thế giới về Trung Ðông.

Roma [La Croix 13/10/2010] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Chiều thứ Tư 13 tháng 10 năm 2010, các nghị phụ và tham dự viên Thượng hội đồng Giám mục thế giới về Trung đông đã đặc biệt chú ý đến những bài phát biểu liên quan tới Gierusalem.

Giữa Ðức ông Rafiq Khouri, cha sở người Palestine tại Bir Zeit, cách Ramallah hai bước và giáo trưởng David Rosen, cố vấn của tòa đại Giáo trưởng Israel, người ta tưởng chỉ có một vực thẳm của thù nghịch và cay đắng. Nhưng tại Thượng hội đồng Giám mục thế giới về Trung đông đang diễn ra tại Roma, hai người đã có thể gặp nhau.

Ðược mời đại diện cho thế giới Do thái để phát biểu tại Thượng hội đồng, giáo trưởng Rosen vẫn bày tỏ lập trường chính thức của Israel. Ông nói rằng người công giáo đã thay đổi cái nhìn đối với người do thái. Ông cũng khẳng định rằng "tình trạng của các tín hữu Kitô tại Israel tốt đẹp gắp bội so với các nước khác tại Trung đông", ngay cả khi các tín hữu Kitô tại các lãnh thổ Palestine phải "nằm trên búa dưới đe" và "chịu các biện pháp an ninh mà chính phủ Israel buộc phải đề ra để chống lại bạo động".

Trong bài phát biểu, giáo trưởng Rosen muốn tỏ ra rất tích cực đối với các tín hữu Kitô mà ông cho là có sứ mệnh "phải xây dựng hòa bình". Ông đặc biệt đề cao những tiến bộ trong cuộc đối thoại Công giáo và Do thái giáo trong những thập niên vừa qua.

Ông Rosen hẳn đã chăm chú lắng nghe bài phát biểu của Ðức cha Fouad Twal, Thượng phụ Công giáo Latinh Gierusalem vào ngày hôm trước. Thật vậy, trong bài phát biểu, Ðức thượng phụ Gierusalem gọi cộng đồng Công giáo tại Thánh Ðịa là "một Giáo hội trên Núi Sọ".

Về phần mình, Ðức cha Gregoire III Laham, Thượng phụ Melkit tại Gierusalem, đã nhấn mạnh đến vai trò kiến tạo hòa bình của các tín hữu Kitô Thánh Ðịa. Ngài nói: "Vai trò của các tín hữu Kitô là tạo ra bầu khí tin tưởng giữa Tây Phương và thế giới Hồi giáo để kiến tạo một Cận đông mới không có chiến tranh".

Tuy nhiên, những lời trên đây của Ðức thượng phụ Laham không thể làm cho nhiều người quên được hoàn cảnh khó khăn của các tín hữu Kitô tại Thánh Ðịa. Hôm thứ Ba 12 tháng 10 năm 2010, cha Piebattista Pizzaballa, quản thủ Thánh Ðịa, đã khẳng định trước các ký giả rằng "bức tường được chính phủ Israel cho dựng lên vì lý do an ninh là một bức tường ô nhục, sợ hãi và khước từ. Bức tường này tạo ra một sự hiềm khích khủng khiếp, một não trạng sống khép kín và những căng thẳng tột cùng giữa các cộng đồng".

Theo linh mục quản thủ Thánh Ðịa, thành phố cổ Gierusalem cần phải có một quy chế đặc biệt trong đó tín đồ các tôn giáo có thể tự do đi lại. Ngoài ra, cha Pizzaballa còn nói rằng tính cách "Kitô" của Thánh Ðịa và Gierusalem cần phải được tỏ rõ, bởi vì Kitô giáo là một phần di sản của thành phố. Các tín hữu Kitô phải cảm thấy đây là quê hương của họ".

Về phần mình, Ðức hồng y John Foley, nguyên chủ tịch Hội đồng Tòa thánh về truyền thông xã hội và hiện đang đứng đầu Hội kỵ mã bảo vệ Thánh mộ tại Gierusalem, đã nhắc lại rằng từ năm 2000, Hội này đã gởi tặng cho tòa Thượng phụ Công giáo Latinh Gierusalem trên 50 triệu mỹ kim. Ðức hồng y John Foley đã không ngần ngại quả quyết: "Việc xây cất các khu định cư của người Israel, việc chính phủ Israel kiểm soát các hạ tầng cơ sở tại phía đông Gierusalem và những vùng khác tại Cisjordan, khiến cho việc hình thành một quốc gia Palestine trở nên bất khả thi và khó khăn hơn".

Trở lại với lời phát biểu của giáo trưởng Rosen. Ðáp lại phản ứng của nhiều nghị phụ Thượng hội đồng Giám mục đối với dự luật buộc tuyên thệ trung thành với quốc gia "Do thái", giáo trưởng Rosen giải thích rằng không nên hiểu hai tiếng "Do thái" theo nội dung tôn giáo. Theo ông, "Do thái" cũng giống như "Ý" hay "Pháp" mà thôi. Tưởng cũng nên nhắc lại: hôm Chúa nhựt 10 tháng 10 năm 2010, chính phủ Israel đã đề ra dự luật buộc tất cả những ai muốn nhập quốc tịch Israel phải tuyên thệ trung thành với "Quốc Gia Do thái và dân chủ Israel". Ai cũng biết rằng dự luật này nhắm đến những người Israel gốc Á rập và những người Palestine kết hôn với người Israel để được nhập quốc tịch. Dự luật hiện đang chờ được Quốc hội Israel biểu quyết và thông qua.

Trong một cuộc họp báo, Ðức cha Antonios Naguib, Thượng phụ Công giáo Copte Alexandria tại Ai cập, người được Ðức thánh cha bổ nhiệm làm tường trình viên tổng quát của Thượng hội đồng Giám mục thế giới về Trung đông, đã gọi dự luật là một "mâu thuẩn trắng trợn" của Israel. Ngài nói rằng một mặt Israel rêu rao một nhà nước dân chủ, mặt khác nước này lại áp đặt một tôn giáo.

Theo đức Thượng phụ Naguib, một quốc gia tự nhận là dân chủ nhứt, nếu không muốn nói là quốc gia dân chủ duy nhứt tại Trung Ðông, lại đề ra một dự luật như thế quả là một điều đáng ngạc nhiên. Dự luật nói trên cũng gặp chống đối của một số bộ trưởng trong chính phủ Israel cũng như của phe đối lập.

Những người Israel gốc Á rập chiếm khoảng 20 phần trăm dân số Israel. Tuy dự luật chỉ ảnh hưởng đến một số nhỏ, nhưng những người Israel gốc Á rập xem đây như một hành động "kỳ thị chủng tộc".

 

CV.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page