Giáo hội Công giáo Copte

tại Ai cập

 

Giáo hội Công giáo Copte tại Ai cập.

Ai cập [Zenit 3/10/2010] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Mặc dù chỉ là một cộng đồng thiểu số trong một quốc gia Hồi giáo, Giáo hội Công giáo Copte tại Ai cập vẫn có một ảnh hưởng lớn trong hoạt động giáo dục.

Trong một cuộc phỏng vấn trên chương trình truyền hình "Nơi Thiên Chúa khóc" do tổ chức "Trợ giúp các Giáo hội đau khổ" tài trợ, đức Thượng phụ Antonios Naguib, nhà lãnh đạo của cộng đồng Công giáo Copte tại Ai cập, đã nhấn mạnh đến sự sống chung hòa bình tại Ai cập, đồng thời cũng nhìn nhận một số thách đố mà các tín hữu Kitô tại nước này phải đối đầu.

Ðức thượng phụ Naguib sinh tại Minieh năm 1935, trong một gia đình rất đạo đức. Ngay từ thuở nhỏ, ngài đã được cha mẹ truyền thụ cho những giá trị như thanh liêm, cầu nguyện, mến Chúa yêu người. Ngài cho biết: lúc ngài còn nhỏ, các quan hệ giữa tín hữu Kitô và người Hồi giáo, giữa các tín hữu Kitô thuộc các Giáo hội khác nhau rất chặt chẽ.

Ðức thượng phụ đã thụ phong linh mục năm 25 tuổi, sau khi đã theo học tiểu chủng viện 9 năm và hoàn tất chương trình triết và thần học trong đại chủng viện.

Tại Ai cập, nhiều tín hữu Công giáo xem chức thượng phụ gần như "Giáo hoàng". Ðức thượng phụ Naguib giải thích rằng tại đông phương, mỗi vị Thượng phụ đứng đầu Giáo hội của mình, nhưng trong Giáo hội Công giáo đông phương, Thượng phụ là người hiệp thông và dưới quyền của Ðức giáo hoàng. Nói cách khác, Thượng phụ Công giáo là người lãnh đạo Công giáo địa phương, nhưng vẫn tùng phục Ðức giáo hoàng.

Nói về vai trò của mình tại Ai cập, Ðức thượng phụ Naguib phân biệt ba chức năng: ngài là người đứng đầu Giáo hội Công giáo Copte và 7 giáo phận; thứ đến, ngài là Giám mục của tòa Thượng phụ Alexandria, được chia thành ba Giáo phận: Cairo, Châu thổ sông Nil và Alexandria. Cuối cùng, ngài cũng là chủ tịch của Hội đồng Giám mục Công giáo tại Ai cập.

Các tín hữu Công giáo Copte có thói quen "xâm" hình trên cánh tay phải. Ðức thượng phụ Naguib giải thích rằng đây là một dấu hiệu nói lên rằng họ là tín hữu Kitô. "Xâm" hình không phải là một tục lệ riêng của các tín hữu Công giáo Copte, mà là của mọi tín hữu Kitô, nhứt là các tín hữu Chính thống. Ðây cũng là dấu hiệu để nhận ra nhau là tín hữu Kitô. Nhưng đức Thượng phụ nói rằng, do truyền thống riêng của gia đình, ngài không có xâm hình trên tay.

Mô tả đời sống thường nhựt của các tín hữu Kitô Copte và cách riêng người Công giáo, đức Thượng phụ Naguib cho biết: về mặt tôn giáo, các thành viên của mỗi Giáo hội đều có tự do thờ phượng và không gặp bất cứ vấn đề nào khi tham dự các sinh hoạt tôn giáo. Tất cả mọi tín hữu Kitô đều hội nhập hoàn toàn vào xã hội. Dĩ nhiên, có những làng mà đa số dân đều theo Kitô giáo. Nhưng không có những khu vực dành riêng cho các tín hữu Kitô. Các tín hữu Kitô sống chung hài hòa bên cạnh đa số người Hồi giáo.

Ai cập là một quốc gia Hồi giáo. Luật hồi giáo Sharia là nền tảng của luật pháp nước này. Ðiều này có nghĩa là trên nhiều phương diện, các tín hữu Kitô gặp nhiều khó khăn trong việc sống đức tin. Tuy nhiên, đức Thượng phụ Naguib nói rằng "tất cả đều tùy thuộc vào cách cư xử cá nhân và não trạng của từng người." Ngài giải thích: "Khi tôi gặp một người có tinh thần cởi mở, mối quan hệ đương nhiên là dễ dàng và tốt đẹp. Với những người có tinh thần ngược lại, thì quan hệ có thể khó khăn. Ðây là điều đôi khi xảy ra với chính phủ khi gặp những vấn đề hành chính. Nhưng các vấn đề thường được giải quyết theo văn hóa đông phương của chúng tôi chứ không chỉ riêng của người Ai cập. Nói chung, tất cả đều tùy thuộc vào các quan hệ cá nhân. Và người ta vẫn luôn gặp được những người mà mình có thể kết thân và giúp giải quyết vấn đề".

Về một số trở ngại đối với Giáo hội, như việc xây cất nhà thờ chẳng hạn, đức Thượng phụ Naguib cho biết: luật cấm xây nhà thờ mới đã được ban hành vào cuối thế kỷ thứ 18, tức vào thời đế quốc Ottoman. Có nhiều cách giải thích về luật này. Nhiều người cho rằng luật này được ban hành là để bảo vệ các tín hữu Kitô khỏi bị tấn công. Nhưng đối với người khác thì đây là một phương tiện để làm khó dễ đối với các tín hữu Kitô. Ðức thượng phụ nói rằng ai muốn hiểu sao cũng được. Nhưng ngài thường nói với chính phủ Ai cập rằng, chính phủ cho là ra luật để bảo vệ các tín hữu Kitô, nhưng thực tế là làm khó dễ đối với họ. Ngài nói rằng trong lãnh vực này Giáo hội gặp nhiều khó khăn nhưng cuối cùng vẫn luôn giải quyết được vấn đề.

Theo Hiến Pháp Ai cập, một tín hữu Kitô không thể làm tổng thống nước này. Hiện trong chính phủ chỉ có hai tín hữu Kitô. Các tín hữu Kitô cũng không thể làm thị trưởng hay đứng đầu các thôn làng. Ðức thượng phụ Công giáo Copte tại Ai cập giải thích rằng sở dĩ trong các cuộc bầu cử cứ 10 ứng cử viên mới có một tín hữu Kitô là bởi vì Kitô giáo chỉ là một thiểu số tại nước này. Với một tỷ lệ thắp như thế, các tín hữu Kitô không có cơ hội để được đắc cử vào Quốc hội cũng như các chính quyền địa phương. Ðây là lý do khiến tổng thống Ai cập luôn bổ nhiệm từ 4 đến 7 tín hữu Kitô vào chính phủ để họ có tiếng nói trong Quốc hội.

Giải thích về việc phải ghi rõ tôn giáo trên thẻ căn cước, đức Thượng phụ Naguib nói rằng có người xem đây là một biện pháp kỳ thị đối với các tín hữu Kitô. Nhưng cũng có người cho rằng đây là một điều cần thiết, nhứt là để giải quyết các vấn đề gia đình. Ðức thượng phụ cho biết: luật pháp Ai cập cho phép mỗi cá nhân được xét xử phù hợp theo những luật gắn liền với tôn giáo của người đó.

Về ảnh hưởng của Giáo hội Công giáo trong lãnh vực giáo dục, đức Thượng phụ Naguib cho biết hiện Giáo hội điều khiển 186 trường với trên 150 ngàn học sinh, trong đó có ít nhứt 50 phần trăm theo Hồi giáo. Nhờ các trường Công giáo, các học sinh Ai cập có được một nền giáo dục tôn giáo và luân lý rất vững chắc. Thứ đến các trường Công giáo tạo điều kiện cho các tín hữu Công giáo và người Hồi giáo được gặp nhau ngay từ thuở nhỏ. Nhờ đó, họ vẫn luôn đánh giá cao nền giáo dục Công giáo và Giáo hội Công giáo nói chung.

 

CV.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page