Ðừng sợ hãi sống và làm chứng

cho các giá trị Tin Mừng

trong mọi môi trường xã hội

 

Ðừng sợ hãi sống và làm chứng cho các giá trị Tin Mừng trong mọi môi trường xã hội.

Sicilia, Italia (Vat. 3/10/2010) - Phóng sự chuyến viếng thăm mục vụ tổng giáo phận Palermo, thủ phủ đảo Sicilia nam Italia.

Chúa Nhật mùng 3 tháng 10 năm 2010, Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI đã viếng thăm mục vụ tổng giáo phận Palermo, thủ phủ đảo Sicilia, miền nam Italia. Ðây là chuyến viếng thăm mục vụ thứ 21 trong nước Italia. Ðức Thánh Cha viếng thăm Palermo nhân đại hội gia đình và giới trẻ của tổng giáo phận.

Thành phố cảng Palermo là một trong những giáo phận cổ xưa nhất Italia, được thành lập hồi thế kỷ thứ I. Theo truyền thuyết vị Giám Mục đầu tiên đã do chính thánh Phêrô gửi tới Palermo. Trong thời người A rập xâm lăng Sicilia, từ thế kỷ thứ IX tới giữa thế kỷ XI, giáo phận đã không có Giám Mục coi sóc. Từ thế kỷ XI giáo phận được nâng lên hàng tổng giáo phận. Tuy là giáo phận lớn nhất đảo Sicilia, nhưng Palermo có diện tích nhỏ hẹp. Thống kê năm 2004 cho biết giáo phận có 930,000 tín hữu trên 960,000 dân. Nhân lực của giáo phận gồm 568 linh mục, 26 Phó Tế, 440 tu huynh và 1,330 nữ tu. Ðức Tổng Giám Mục hiện nay là Ðức Cha Paolo Romeo, 72 tuổi, và Giám Mục phụ tá là Ðức Cha Carmelo Cuttitta, 48 tuổi.

Ðể chuẩn bị đón tiếp Ðức Thánh Cha các con đường trong trung tâm thành phố dọc lộ trình Ðức Thánh Cha đi qua đều cắm cờ Tòa Thánh mầu vàng trắng rất đẹp mắt. Thứ Bẩy mùng 2 tháng 10 năm 2010 đã có 700 chuyến xe bus và các chuyến xe lửa đặc biệt chở tín hữu từ khắp nơi trên đảo Sicilia tuốn về Palermo để gặp gỡ Ðức Thánh Cha. Chiều thứ Bẩy mùng 2 tháng 10 năm 2010, 1,300 đại biểu các gia đình và người trẻ đã cùng hàng chục ngàn bạn trẻ được các Giám Mục toàn đảo Sicilia tiếp đón trong 20 nhà thờ giáo xứ để cùng chuẩn bị tinh thần tiếp đón Ðức Thánh Cha. Buổi tối các bạn trẻ đã quy tụ tại quảng trường Politeama để tham dự đại nhạc hội về đề tài: "Suối nguần ánh sáng". Các gia đình và người trẻ Sicilia muốn là ánh sáng hy vọng chiếu soi các môi trường xã hội đen tối ngày nay.

Máy bay chở Ðức Thánh Cha đã hạ cánh tại phi trường Palermo lúc 9 giờ 15 phút sáng Chúa Nhật mùng 3 tháng 10 năm 2010. Sau lễ nghi chào đón đơn sơ, Ðức Thánh Cha đã đi xe đến Foro Italico là khu đất trống đối diện với hải cảng Palermo để chủ sự thánh lễ cho hơn 200,000 tín hữu đến từ khắp nơi trên đảo Sicilia. Cùng đồng tế thánh lễ với Ðức Thánh Cha có tất cả các Giám Mục toàn đảo Sicilia và hơn 1,000 Linh Mục.

Chào mừng Ðức Thánh Cha ông Diego Cammarata, thị trưởng Palermo, đã nhắc lại lịch sử tên gọi của thành phố: đó là sự kiện người Hy Lạp cổ xưa khi cặp bến đảo này, đã nói "Pan-ormo", có nghĩa là "tất cả là hải cảng". Tên gọi này diễn tả sự an ninh, hòa bình và thanh thản. Nhưng ngày nay Palermo là thành phố có nhiều vấn đề và khó khăn, trong đó có nạn tội phạm tìm cách thống trị cuộc sống của người dân và không ngần ngại sát hai những ai can đảm bảo vệ người trẻ chống lại sự dữ, như vụ ám sát Linh Mục Pino Puglisi. Sự hiện diện của Ðức Thánh Cha nhắc nhở cho các giới chức chính quyền và từng người dân nhiệm vụ dấn thân và góp phần thăng tiến thiện ích chung.

Ðại diện mọi người, Ðức Tổng Giám Mục Paolo Romeo đã nói lên niềm vui của tín hữu được đón tiếp Ðức Thánh Cha, cũng như những hy vọng và khó khăn thử thách họ phải đương đầu mỗi ngày như: nạn thất nghiệp, cảnh luân lý xã hội suy đồi, nạn tội phạm lan tràn, khuynh hướng bất động xã hội và văn hóa, đường lối chính trị không liên tục vv... Tuy nhiên, vẫn có niềm hy vọng. Và đứng trước Ðức Thánh Cha hôm nay là sự phong phú của tương lai trong tay của người trẻ và các gia đình. Ðược sức mạnh đức tin linh hoạt, họ cảm thấy được thúc đậy tái dấn thân làm chứng cho tình yêu của Thiên Chúa đối với con người, đặc biệt trong các hoàn cảnh nhiều vấn đề và khổ đau hiện nay.

Tổng giáo phận đã tặng Ðức Thánh Cha bức tượng Ðức Mẹ Vô Nhiễm bằng bạc cao 75 cm, do ông Antonio Amato, một thợ bạc nổi tiểng tại Palermo, tạc. Ðức Thánh Cha đã tặng giáo phận một chén thánh, diễn tả sự hiệp nhất và tình hiệp thông trong Giáo Hội chung quanh Mình và Máu Chúa Giêsu Kitô Thánh Thể.

Giảng trong thánh lễ Ðức Thánh Cha đã quảng diễn ý nghĩa các bài đọc phụng vụ Chúa Nhật XXVII thường niên năm C, và khích lệ mọi người đừng sợ hãi làm chứng một cách rõ ràng cho các giá trị kitô, đã đâm rễ sâu trong đức tin và lịch sử của vùng đất này và của dân chúng tại đây. Ngài mời gọi họ sống và làm chứng cho đức tin trong các môi trường khác nhau của xã hội, trong các tình trạng cuộc sống con ngưới, đặc biệt là trong các hoàn cảnh khó khăn.

Ðức Thánh Cha nói ngài viếng thăm mục vụ nhân địp đại hội gia đình và giới trẻ của tổng giáo phận, nhưng cũng để chia sẻ với họ các niềm vui và hy vọng, các vất vả và dấn thân, các lý tưởng và khát vọng của cộng đoàn giáo phận.

Ðề cập tới các thử thách khó khăn mà tín hữu vùng này phải đương đầu, Ðức Thánh Cha nói: Tôi biết tại Palermo này, cũng như trong toàn nước Italia, không thiếu các khó khăn, các vấn đề và lo lắng: tôi đặc biệt nghĩ tới biết bao nhiêu người phải sống trong cảnh tạm bợ, vì thiếu công ăn việc làm, vì tương lai không chắc chắn, vì nỗi khổ đau trên thân xác cũng như trong tinh thần, và vì nạn tội phạm, như Ðức Tổng Giám Mục đã nhắc tới. Hôm nay tôi hiện diện nơi đây giữa anh chị em để làm chứng cho sự gần gũi và lời cầu nguyện của tôi cho anh chị em. Hôm nay tôi đến giữa anh chị em để mạnh mẽ khích lệ anh chị em đừng sợ hãi làm chứng một cách rõ ràng cho các giá trị kitô, đã đâm rễ sâu trong đức tin và lịch sử của vùng đất này và của dân chúng tại đây.

Tiếp tục bài giảng, Ðức Thánh Cha nói mỗi cộng đoàn phụng vụ đều là nơi có sự hiện diện của Thiên Chúa. Sự hiện diện của Chúa Phục Sinh trao ban ơn thánh, sức mạnh và niềm vui. Tất cả các bài đọc phụng vụ đều đề cập tới đức tin, là nền tảng của toàn cuộc sống kitô. Chúa Giêsu đã giáo dục các môn đệ tăng trưởng trong đức tin, ngày càng tin và tín thác nơi Người hơn, để xây dựng cuộc sống trên đá tảng. Chính vì thế các môn đệ xin Chúa "gia tăng đức tin nơi họ" (Lc 17,6). Ðó là một lời cầu rất đẹp và nền tảng: các môn đệ không xin của cải vật chất, cũng không xin đặc quyền đặc lợi, mà xin ơn đức tin, hướng dẫn và soi sáng toàn cuộc sống. Chúng ta cũng hãy xin Chúa ơn nhận biết Thiên Chúa, và có thể sống tương quan thân tình với Người, nhận lãnh từ Người mọi ơn, cả ơn can đảm, yêu thương và hy vọng nữa.

Ðức Thánh Cha nói thêm trong bài giảng: như cái đòn bẩy có sức nâng dậy cả một khối nặng hơn nó nhiều, đức tin, cả khi rất bé nhỏ, cũng có thể thực hiện những điều không thể tưởng nghĩ được, như bứng rễ một cái cây để trồng nó trong biển. Ðức tin, việc tín thác nơi Chúa Kitô, tiếp nhận Người, để cho Người biến đổi, theo Người cho đến cùng, thực hiện những điều mà con người cho là không thể làm được, trong mọi thực tại.

Trong bài đọc thứ nhất ngôn sứ Habacúc làm chứng cho điều đó. Từ một tình trạng kinh khủng của bạo lực, gian ác và áp bức, khó khăn và bất ổn, ngôn sứ đã khẩn nài Thiên Chúa và cống hiến cho chúng ta một quan điểm cho thấy chương trình của Thiên Chúa. Kẻ gian ác không hành động theo Thiên Chúa, nó tin tưởng nơi quyền lực của chính nó, nhưng dựa trên một thực tại giòn mỏng không vững vàng, vì thế sẽ bị gẫy dập và đổ nát. Trái lại, người công chính tin tưởng nơi một thực tại dấu ẩn, nhưng vững vàng, họ tín thác nơi Thiên Chúa, nên sẽ có được sự sống.

Trong bao thế kỷ qua, giáo đoàn Palermo đã phong phú nhờ có đức tin sâu đậm, được diễn tả ra ở độ cao nhất nơi cuộc sống của các thánh nam nữ, đặc biệt là thánh nữ Rosalia, Bổn Mạng thành phố Palermo. Bên cạnh đó là ý thức tôn giáo hướng dẫn cuộc sống gia đình và dưỡng nuôi nó với các gía trị như khả năng dâng hiến, tình liên đới với tha nhân, đặc biệt là với những người khổ đau và trẻ em chưa sinh ra.

Quảng diễn bài Phúc Âm kể lại chuyện chủ nhà sai đầy tớ đã làm việc ngoài đồng về phục vụ ông, Ðức Thánh Cha nói qua đó Chúa Giêsu mời gọi chúng ta sống khiêm nhường, không yêu sách ngạo mạn đòi Chúa trả công, vì chúng ta tất cả chỉ là các tôi tớ của Chúa, nợ Chúa và nhận được mọi sự từ Chúa. Vì thế thái độ đúng đắn duy nhất là chấp nhận và thi hành ý muốn của Chúa mỗi ngày.

Sau khi nhắc lại sự kiện Palermo là một trong các vùng của Italia đã tiếp nhân đức tin từ các Tông Ðồ, và đã quảng đại sống đức tin đó giữa các khó khăn bách hại, khiến cho Sicilia trở thành vùng đất của các thánh, là những người đã sống Tin Mừng một cách đơn sơ và trọn vẹn, Ðức Thánh Cha khích lệ tín hữu như sau:

Với các anh chị em giáo dân tôi xin lập lại: đừng sợ hãi sống và làm chứng cho đức tin trong các môi trường khác nhau của xã hội, trong các tình trạng cuộc sống con người, đặc biệt là trong các hoàn cảnh khó khăn. Ðức tin trao ban cho anh chị em sức mạnh của Thiên Chúa để luôn luôn tin tưởng và can đảm tiến tới với quyết tâm mới, để đưa ra các sáng kiến cần thiết giúp trao ban một gương mặt ngày càng xinh đẹp hơn cho vùng đất này của anh chị em... Chúng ta đừng xấu hổ làm chứng cho Chúa, nhưng phải xấu hổ vì sự dữ, vì những gì xúc phạm đến Thiên Chúa và con người; chúng ta phải xấu hổ vì sự dữ gây ra cho cộng đoàn dân sư và tôn giáo với các hành động không thích được đưa ra ánh sáng. Cám đỗ chán nản ngã lòng, chịu trận đến với người yếu đuối trong đức tin, với người lẫn lộn sự thiện với sự ác, với người nghĩ rằng trước sự dữ không còn làm được gì nữa cả. Nhưng ai có đức tin vững vàng, ai tín thác nơi Thiên Chúa và sống trong Giáo Hội, thì có khả năng đem lại sức mạnh chiến thắng của Tin Mừng, giống như các thánh nam nữ đã nở hoa dọc dài các thế kỷ tại Palermo và trên toàn đảo Sicilia, cũng như biết bao nhiêu giáo dân nam nữ và linh mục ngày nay, mà anh chị em biết tới, điển hình như linh mục Pino Puglisi... Hỡi dân chúng đảo Sicilia, hãy nhìn tương lai với niềm hy vọng! Hãy làm nổi bật lên tất cả ánh sáng sự thiện mà ngươi muốn, ngươi tìm kiếm và ngươi có! Hãy can đảm sống các giá trị Tin Mừng để làm rạng ngời lên ánh sáng của sự thiện! Với sức mạnh của Thiên Chúa mọi sự đều có thể!

Trong phần lời nguyện giáo dân mọi người đã đặc biêt cầu xin Chúa cho các anh chị em thất nghiệp, đau yếu, nạn nhân của tội phạm, bạo lực, bất công, cũng như cho giới chức chính quyền các cấp biết lo lăng cho công ích và cuộc sống của người dân.

Hàng trăm Linh Mục đã giúp Ðức Thánh Cha cho tín hữu rước Mình Thánh Chúa.

Trước khi đọc kinh Truyền Tin và ban phép lành cho mọi người, Ðức Thánh Cha nhắc lại sự kiện đảo Sicilia đầy dẫy các đền thánh kính Ðức Mẹ, làm thành một mạng lưới đạo hạnh nối liền mọi thành phố và mọi địa điểm trên đảo với nhau. Ngài đọc lời cầu phó thác cho tình yêu thương ấp ủ hiền mẫu của Mẹ dấn chúng sống trong vùng đất cay đắng này. Ðức Thánh Cha xin Mẹ nâng đỡ các gia đình trong tình yêu thương và trong dấn thân giáo dục, khiến cho các hạt giống ơn gọi nẩy mầm giữa giới trẻ, trao ban can đảm cho mọi người trong các thử thách, niềm hy vọng trong lúc gặp khó khăn, và canh tân lòng hăng say làm việc thiện, an ủi những mgười bệnh tật và mọi kẻ khổ đau, giúp đỡ các cộng đoàn kitô để không ai bị bỏ rơi hay bị gạt bỏ ngoài lề, nhưng mọi người, đặc biệt là những người bé nhỏ yếu đuối nhất, được đón nhận và trân trọng. Ðức Thánh Cha đặc biệt xin Mẹ Maria là mẫu gương của đời sống kitô giúp mọi người tươi vui tiến nhanh trên con đường nên thánh, noi gương biết bao nhiêu chứng nhân rạng ngời của Chúa Kitô trên đất Sicilia này.

Thánh lễ đã kết thúc lúc 12 giờ rưỡi trưa Chúa Nhật mùng 3 tháng 10 năm 2010. Sau khi chào từ biệt mọi người, Ðức Thánh Cha đã về tòa Tổng Giám Mục để dùng bữa trưa với các Giám Mục và đoàn tùy tùng, rồi nghỉ ngơi chốc lát trước khi gặp các linh mục, phó tế, tu sĩ nam nữ và các chủng sinh tại nhà thờ chính tòa và gặp gỡ giới trẻ tại quảng trường Politeama vào ban chiều Chúa Nhật mùng 3 tháng 10 năm 2010.

Buổi gặp gỡ với các linh mục, Phó tế, tu sĩ nam nữ và chủng sinh Palermo và toàn đảo Sicilia đã diễn ra trong nhà thờ chính tòa, dưới hình thức cử hành phụng vụ lời Chúa và chầu Thánh Thể. Ngỏ lời với mọi người, Ðức Thánh Cha bầy tỏ niềm vui được gặp gỡ các viên đá đẹp đẽ sống động của tổng giáo phận Palermo và toàn đảo Sicilia. Tiếp đến ngài khích lệ các linh mục hãy luôn là những con người của đời cầu nguyện và thấy dậy cầu nguyện. Ðể được như thế cần phải trung thành với tiết nhịp cầu nguyện và kết hiệp thân tình với Chúa Giêsu Thánh Thể trong ngày sống, giữa các bận rộn và sinh hoạt quay cuồng đa diện. Nếu không sống sự hiệp thông nôi tâm với Thiên Chúa, linh mục cũng sẽ không thể cho người khác gì cả.

Bí tích Thánh Thể phải là suối nguồn và tột đỉnh toàn cuộc sống của linh mục. Vì thế Ðức Thánh Cha khích lệ các linh mục chuẩn bị kỹ lưỡng việc cử hành Thánh Lễ, dâng hành Thánh Lễ với tất cả tâm hồn và thờ lậy Chúa Giêsu Thánh Thể. Các nhà thờ giáo xứ phải là "Nhà của Thiên Chúa", nơi sự hiện diện của Chúa lôi cuốn tín hữu. Chính Chúa Kitô xác định căn cước của các linh mục, chứ không phải thế giới này với quy chế theo các nhu cầu và các quan niệm vai trò xã hội của nó. Chính dấu ấn linh mục và tương quan nền tảng với Chúa Kitô mở ra cho vị linh mục môi trường mênh mông phục vụ các linh hồn và cho ơn cứu rỗi của họ, trong Chúa Kitô và trong Giáo Hội. Vị linh mục phải luôn luôn sẵn sàng đáp ứng các nhu cầu của các linh hồn, linh hoạt và trợ giúp họ sống chức linh mục chung của tín hữu được rửa tội trên con đường đức tin. Linh mục là cho tín hữu, đặc biệt là cho người trẻ. Hảy mở toang cửa giáo xứ cho giới trẻ. Linh mục cũng là người phải rất gần gũi với các lo lắng thường ngày của tín hữu, trong cương vị linh mục và viễn tượng của ơn cứu rỗi và của Nước Trời. Cần phải cứu vãn "chiều kích hàng dọc" của căn cước linh mục, noi gương thánh Gioan Maria Vianney, cũng như noi gương các người con của vùng đất này như thánh Annibale Maria di Francia, chân phước Giacomo Cusmano và chân phước Francesco Spoto.

Ðức Thánh Cha cũng nhắc tới gương xả thân của linh mục Giuseppe Puglisi, bị tổ chức tội phạm mafia sát hại, vì đã sống đời mục tử đích thật, dấn thân giáo dục giới trẻ và các gia đình kitô.

Ngài cảm ơn tu sĩ nam nữ các dòng, đặc biệt là các dòng chiêm niệm, vì đời cầu nguyện của họ qúy báu đối với cộng đoàn giáo hội. Ðời cầu nguyện âm thầm của họ thúc đẩy cộng đoàn giáo hội "tiến lên cao" và là một bài giảng thinh lặng nhưng hùng hồn.

Ðức Thánh Cha nhắn nhủ các chủng sinh quảng đại đáp lại lời mời gọi của Chúa và các chờ mong của Dân Chúa, lớn lên trong dấn thân trở thành đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô Linh Mục Thượng Phẩm, và chuẩn bị cho sứ mệnh tương lai của họ với việc đào tạo vững chãi trên bình diện nhân bản, tinh thần, thần học và văn hóa. Kinh nghiệm cuộc sống chủng viện chuẩn bị họ trở thành mục tử các linh hồn và thừa tác của các bí tích thánh, đem tình yêu của Chúa Kitô tới cho mọi người.

Hai bên đường từ nhà thờ chính tòa tới quảng trường Politeama đã có rất đông tín hữu đứng hai bên vầy cờ chào mừng Ðức Thánh Cha.

Lúc 6 giờ chiều Chúa Nhật mùng 3 tháng 10 năm 2010 Ðức Thánh Cha đã gặp gỡ giới trẻ, các gia đình Palermo và toàn đảo Sicilia tại quảng trường Politeama. Trong khi chờ đợi Ðức Thánh Cha giới trẻ đã hát thánh ca chia sẻ kinh nghiệm sống đức tin đức cậy đức mến. Các bạn trẻ đã mang theo rất nhiều cờ vùng miền, cờ Tòa Thánh, băng rôn và khẩu hiểu để chào mừng Ðức Thánh Cha.

Ngỏ lời với giới trẻ và các gia đình Ðức Thánh Cha nói họ là dấu chỉ hy vọng, không phải chỉ cho đảo Sicilia, mà còn cho toàn nước Italia nữa, vì có rất nhiều người trẻ và gia đình yêu mến Chúa Giêsu Kitô với sự trịệt để của Tin Mừng. Họ là Giáo Hội và trong Chúa Kitô họ là dấu chỉ và dụng cụ của sự hiệp nhất, an bình và tự do đích thật.

Ðức Thánh Cha đã kể cho họ nghe cuộc đời của chị Chiara Badano, mới được phong chân phước tại Roma ngày 25 tháng 9 năm 2010. Chiara sinh năm 1971 và qua đời năm 1990 vì bệnh nan y. Chiara đã sống 2 năm cuối đời trong đau đớn, nhưng luôn luôn trong tình yêu thương và ánh sáng, và chị đã thông truyền cho mọi người chung quanh tình yêu, sự thanh thản, bình an và niềm tin. Ðược như thế, chính là nhờ ơn thánh Chúa, nhưng cũng là nhờ sự cộng tác của chính Chiara, của cha mẹ, người thân và bạn bè nữa.

Chính cha mẹ chị Chiara đã thắp lên ngọn lửa đức tin trong tâm hồn Chiara từ khi chị còn bé, và giúp Chiara duy trì nó luôn cháy sáng. Tương quan giữa cha mẹ và con cái rất quan trọng và nền tảng. Ánh sáng đức tin được thông truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác trong gia đình, hiện diện trong bí tích Rửa Tội, cần được săn sóc mỗi ngày. Chính trong gia đình nảy sinh ra tri thức về ý nghĩa cuộc sống. Vùng đất Sicilia đầy dẫy gương các gia đình thông truyền ánh sáng đức tin ấy, như trong cuộc đời chân phước Pina Suriano, các Vị Ðáng Kính Maria Carmelina Leona và Maria Magno, các Vị Tôi tớ Chúa Rosario Livatino, Mario Giuseppe Restivo, và biết bao nhiều ngưới trẻ thánh thiện khác. Hoạt động của họ thường ít gây tiếng vang, vì sự dữ to tiếng hơn, nhưng các hoạt động ấy mới là sức mạnh và tương lai của đảo Sicilia.

Tiếp tục bài huấn dụ Ðức Thánh Cha nói Kinh Thánh thường dùng hình ảnh cái cây để nói về cuộc sống lòng tin như thánh vịnh 1: "Phúc cho người suy gẫm luật Chúa. Họ giống như cây trồng

bên dòng nước, đúng mùa cho hoa trái" (Tv 1,3). Các người trẻ Sicilia thân mến, hãy là các cây đâm rễ sâu trong "dòng sông" sự thiện! Ðừng sợ hãi chống lại sự dữ! Cùng nhau các con sẽ lớn lện như một cánh rừng, có lẽ thinh lặng, nhưng có khả năng sinh hoa trái, đem lại sự sống và canh tân vùng đất của các con một cách sâu rộng. Ðừng nhượng bộ các gợi ý của tổ chức tội phạm mafia, là con đường của sự chết, không thể hòa hợp được với Tin Mừng, như các Giám Mục của các con đã nói và vẫn nói.

Thánh Phaolô cũng dùng lại hình ảnh ấy và khuyến khích tín hữu Côlôxê "bén rễ sâu nơi Chúa Kitô, và vững mạnh trong đức tin" (Cl 2,7). Hình ảnh đó có ý nói rằng mỗi người trong chúng ta cũng phải là một thửa đất phong phú mầu mỡ, để cho cây con người của chúng ta đựơc lớn lên: đó là các giá trị, nhất là tình yêu thương, và đức tin, sự hiểu biết gương mặt thật của Thiên Chúa, ý thức về tình yêu Chúa dành để cho chúng ta đến chết vì chúng ta. Trong nghĩa này gia đình là Giáo Hội nhỏ, vì gia đình thông truyền Thiên Chúa và tình yêu của Chúa Kitô nhờ bí tích Hôn Nhân. Hôn nhân kết hiệp một người nam và một người nữ và khiến cho họ trở thành cha mẹ. Nhưng giáo hội nhỏ gia đình phải đươc tháp nhập vào Giáo Hội lớn là gia đình của Thiên Chúa do Chúa Giêsu Kitô thành lập. Chiara Badano đã sống kinh nghiệm gia đình lớn ấy, trong giáo xứ, giáo phận và phong trào Tổ ấm. Thật thế các phong trào và hiệp hội không phục vụ chính mình, nhưng phục vụ Chúa Kitô và Giáo Hội.

Ðức Thánh Cha nói ngài biết các khó khăn của giới trẻ và của các gia đình trong bối cảnh xã hội hiện nay, đặc biệt tại miền nam Italia, cũng như dấn thân của họ đương đầu với các khó khăn đó, với sự đồng hành của các linh mục, là các người cha người anh trong đức tin, như cha Giuseppe Puglisi. Ðức Thánh Cha khích lệ họ tiếp tục là dấu chỉ hy vọng cho đảo Sicilia cũng như cho toàn nước Italia, là Giáo Hội, là dấu chỉ của hiệp nhất, bình an và tự do đích thực, nhất là sống tươi vui và nên thánh.

Sau khi cất kinh Lậy Cha và ban phép lành cho các bạn trẻ và các gia đinh, Ðức Thánh Cha đã từ giã mọi người để ra phi trường lấy máy bay trở về Roma, chấm dứt chuyến viếng thăm mục vụ một này tổng giáo phận Palermo.

 

Linh Tiến Khải

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page