Sự thành công của

chuyến viếng thăm Anh quốc

của Ðức Thánh Cha

 

Sự thành công của chuyến viếng thăm Anh quốc của Ðức Thánh Cha.

Anh quốc [La Croix 19/9/2010] - " Tại Anh Quốc, Ðức thánh cha Benedicto XVI đã thực hiện thành công một chuyến viếng thăm rất chính trị".

Kính thưa quý vị, các bạn thân mến,

Trên đây là tựa đề của một bài phóng sự của ký giả Frederic Mounier đăng trên Nhựt báo Công giáo Pháp "La Croix" trong số ra ngày Chúa nhựt 19 tháng 9 năm 2010.

Trong chuyến viếng thăm Anh quốc từ ngày 16 đến 19 tháng 9 năm 2010, Ðức thánh cha đã vượt qua được những tranh cãi về chuyến viếng thăm và đã thành công khi đưa ra một suy tư toàn diện về chỗ đứng của các tôn giáo trong các xã hội Tây phương.

Sáng Chúa Nhựt 19 tháng 9 năm 2010, trước khoảng 60 ngàn người tập trung tại Birmingham để tham dự lễ tôn phong Chân phước cho Ðức hồng y John Henry Newman, Ðức thánh cha đã không ngần ngại nói đến một nước Ðức, quê hương của ngài, đã từng "sống và chịu đau khổ trong những ngày đen tối của đức quốc xã". Ðức thánh cha đã ghi nhận như trên vào giữa lúc Anh quốc kỷ niệm lần thứ 70 những cuộc dội bom của đức quốc xã xuống London.

Nhưng chủ đề của thánh lễ vẫn là gương sáng của Ðức hồng y Newman trong việc nối kết đức tin và lý trí. Ðây là chủ đề rất tâm đắc của đức Benedicto XVI.

Kể từ khi được bầu làm Giáo hoàng, mỗi năm cứ vào mùa thu, Ðức thánh cha chọn một quốc gia Tây Âu để nhắc lại những cội rễ Kitô và áp dụng những nguyên tắc Kitô vào các xã hội hậu hiện đại và tục hóa. Sau Ðức, Áo, Pháp, Tiệp nay đến lượt Anh Quốc.

Mặc dù là vị Giáo hoàng đầu tiên thực hiện một chuyến viếng thăm "chính thức" tại Anh quốc, Ðức thánh cha vẫn luôn nhấn mạnh đến tính cách mục vụ của chuyến viếng thăm. Ðáp lại yêu cầu của ngài cho nên chính phủ Anh đã cố gắng tránh mọi vẽ "hoành tráng" trong việc đón tiếp người quốc khách. Nhưng muốn hay không, chuyến viếng thăm Anh Quốc từ ngày 16 đến 19 tháng 9 năm 2010 của Ðức thánh cha vẫn là một chuyến viếng thăm của một nguyên thủ quốc gia, do đó cũng có tính cách chính trị. Chính vì vậy mà ngài đã ngỏ lời với các nền dân chủ Tây phương.

Trước hết, phải nhìn nhận rằng Ðức thánh cha đã thành công trong việc đảo ngược những dự đoán và dư luận của báo chí. Trước sự thành công của chuyến viếng thăm tại Scotland và kế đó tại London, các phương tiện truyền thông Anh quốc, vốn trước đó tỏ ra rất hung hãn và chống đối, cũng đành phải nhìn nhận rằng số người tham dự các cuộc gặp gỡ với Ðức thánh cha đông hơn dự đoán. Hơn 100 ngàn người tại Glasgow, gần 100 ngàn người tại Hyde Park và không dưới 200 ngàn người tại London.

Dĩ nhiên cũng không thiếu những người chống đối chuyến viếng thăm. Chiều thứ Bảy 18 tháng 9 năm 2010, vài ngàn người thuộc các hiệp hội bênh vực quyền của những người đồng tính, kêu gọi tôn trọng tính thế tục của xã hội hay ngay cả đòi hỏi phong chức linh mục cho phụ nữ, đã tuần hành dọc theo bờ sông Thames, với những biểu ngữ có nội dung rất thách thức.

Nhưng xem ra Ðức thánh cha vẫn tỏ bình thản. Ngay cả những đồn đoán về một âm mưu hãm hại ngài cũng không làm thay đổi chương trình chuyến viếng thăm.

Trước chuyến viếng thăm, nhiều người cho rằng bóng đen của những vụ tai tiếng về lạm dụng tình dục cũng sẽ ảnh hưởng đến chuyến viếng thăm. Tuy nhiên, xem ra Ðức thánh cha đã đảo lộn tình thế khi ngài công khai nhìn nhận lỗi lầm của Giáo hội. Ngay từ những giờ đầu tiên của chuyến viếng thăm, rồi kế đó tại nhà thờ chính tòa Westminster và cuối cùng trong bài nói chuyện với các Ðức giám mục Anh tại Birmingham, Ðức thánh cha đã công khai "xưng thú" lỗi lầm của Giáo hội. Ngài cũng đã gặp gỡ với một nhóm các nạn nhân của lạm dụng tình dục. Ðây là điều Ðức thánh cha đã từng làm khi đến Hoa kỳ, Úc đại lợi, Malta.

Ngoài ra, còn có một sự kiện hoàn toàn mới mẽ: Ðức thánh cha đã gặp gỡ với những người Công giáo đặc trách về việc bảo vệ trẻ em trong các môi trường Giáo hội. Ðây là dịp để ngài đề cao công việc của những người này cũng như đặc biệt nhấn mạnh đến sự cần thiết phải nhanh chóng xử lý các vụ lạm dụng theo công lý.

Trong những ngày vừa qua, Ðức thánh cha không chỉ nhắm đến việc củng cố đức tin của người Công giáo Anh, vốn đang là thiểu số trong xã hội và công khai nhìn nhận những lỗi lầm của Giáo hội. Ngài còn trình bày một tổng hợp khúc chiết về những cội rễ đức tin và kêu gọi cùng với những tôn giáo khác, đưa niềm tin tôn giáo vào thế giới đương đại.

Trước hết là trong lãnh vực giáo dục. Ðức thánh cha kêu gọi các giáo viên, nhứt là giáo viên Công giáo, hãy trở thành những nhà giáo dục thực sự.

Nhưng điểm nhấn của Ðức thánh cha chính là chỗ đứng và vai trò của người Công giáo trong sinh hoạt chính trị. Trong một bài diễn văn đọc trước xã hội dân sự Anh và 5 vị cựu và đương kiêm thủ tướng Anh hôm thứ Sáu 17 tháng 9 năm 2010, Ðức thánh cha đã đặt vấn đề về nền tảng của đạo đức chính trị cũng như nhấn mạnh đến sự hòa hợp giữa đức tin và lý trí. Ðức thánh cha đã đọc bài diễn văn quan trọng này tại Ðại Sảnh Ðường Westminster, là nơi mà thánh Thomas More đã bị kết án tử hình vì trung thành với Tòa thánh.

Ngày hôm sau, Ðức thánh cha đã lần lượt hội kiến riêng với thủ tướng, phó thủ tướng và lãnh tụ đối lập Anh. Trong cuộc hội kiến với từng vị này, có lẽ Ðức thánh cha đã đề cập đến Luật Bình Ðẳng là luật cho phép các cặp đồng tính được quyền nhận con nuôi. Ðây là điều không ngừng bị Giáo hội Công giáo tại Anh chống đối.

Chính Ðức thánh cha cũng đã đề cập đến vấn đề này trong buổi tiếp kiến dành cho các Ðức giám mục Anh nhân dịp các vị về Roma viếng mộ hai thánh tông đồ Phero và Phaolo hồi đầu năm 2010. Nhiều cơ quan Công giáo chuyên làm môi giới về việc nhận con nuôi đã buộc lòng phải đóng cửa vì không thể chấp nhận cho các cặp đồng tính được quyền nhận con nuôi.

Tuy nhiên, chiều thứ Sáu 17 tháng 9 năm 2010, Tòa thánh và Anh Quốc cũng đã vượt qua được nhiều khác biệt để đạt được đồng thuận về nhiều vấn đề. Trong một bữa cơm tại Lancaster House, giới ngoại giao của Anh quốc và phái đoàn ngoại giao của Tòa thánh đã trao đổi với nhau về một số vấn đề lớn như công cuộc phát triển thế giới, cuộc chiến chống lại nghèo đói, việc bảo vệ môi sinh và vấn đề giáo dục.

Là một nguyên thủ quốc gia chính thức viếng thăm một quốc gia, Ðức thánh cha vẫn giữ được sắc thái mục vụ cho chuyến viếng thăm. Là một mục tử, ngài cũng đã có những cử chỉ thật cảm động như bất thần gặp gỡ với một thanh niên gốc Nigeria trước nhà thờ chính tòa Westminster hôm thứ Bảy 18 tháng 9 năm 2010 hoặc chia sẻ tâm tình với những ngươi cao niên trong viện dưỡng lão Saint Pierre, tại London. Những người này hẳn phải xúc động khi nghe ngài nói: "Tôi đến với anh chị em không chỉ như một người cha, mà còn như một người anh em biết rõ những niềm vui và cuộc chiến đấu trong tuổi già của anh chị em".

 

CV.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page