Vài nét về Ðức hồng y Peter Turkson

chủ tịch Hội đồng Tòa thánh

Công Lý và Hòa Bình

 

Vài nét về Ðức hồng y Peter Turkson, chủ tịch Hội đồng Tòa thánh Công Lý và Hòa Bình.

Roma [La Croix 7/9/2010] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Ðức hồng y Peter Turkson đã được Ðức thánh cha Benedicto XVI bổ nhiệm làm chủ tịch Hội đồng Tòa thánh Công lý và Hòa bình cách đây gần một năm. Năm nay 61 tuổi, vị Hồng y người Ghana này nói về cơ quan mà ngài đứng đầu như sau: "Cơ cấu của chúng tôi rất nhẹ nhàng. Tính tất cả chúng tôi chỉ có 18 người. Nhưng lãnh vực hoạt động và suy tư của chúng tôi bao trùm các vấn đề chính trị, kinh tế, giải trừ vũ khi, nhân quyền và môi sinh..."

Chính vì với số nhân sự hạn hẹp như thế mà Hội đồng Tòa thánh công lý và hòa bình phải hợp tác với nhiều cơ quan khác như các tổ chức Caritas tại các nước, phong trào trí thức Công giáo Pax Christi, các Giáo phận, các Ðại học Công giáo.

Theo truyền thống được các vị tiền nhiệm của ngài để lại, nhứt là Ðức hồng y Roger Etchegaray, Ðức hồng y Turkson luôn đến tại chỗ để quan sát và thẩm định tình hình. Chẳng hạn mới đây, ngài đã đến Nigeria, nơi đang diễn ra những cuộc xung đột đẫm máu giữa các sắc tộc. Dĩ nhiên, Phi Châu vẫn là lục địa thân thương của vị Hồng y luôn vui tươi và hãnh diện về nguồn gốc của mình. Ngài nói: "Ghana, xứ sở của tôi, được đặt tên từ một vương quốc rất cổ xưa tại Phi Châu. Dưới thời thuộc địa Anh, vì những mỏ vàng, nước tôi đổi thành "Gold Coast" [bờ biển vàng].

Theo Ðức hồng y chủ tịch Hội đồng Tòa thánh công lý và hòa bình, lịch sử của Ghana cũng là lịch sử tôn giáo. Ngài kể lại: "Ðược người Bồ Ðào Nha "khám phá", chúng tôi trở thành Công giáo. Sau đó đến lượt người Hòa lan, chúng tôi lại theo giáo phái "Calvinist". Và khi người Anh đến, chúng tôi lại trở thành "methodist" và Cnh giáo. Giáo hội của chúng tôi rất cổ xưa, nhưng chúng tôi chưa bao giờ biết đến một Kitô giáo mà không có chia rẽ".

Ðức hồng y Turkson cho biết: thân phụ ngài là một người Công giáo làm nghề thợ mộc. Mẹ ngài vốn theo "Methodist"đã trở lại Công giáo. Hai ông bà có tất cả 10 người con, 6 trai và 4 gái. Do đó, vị Hồng y đầu tiên trong lịch sử Ghana này có trên dưới 30 người cháu. Ngài cho biết thêm: "Chúng tôi sống tại Nsuta, một thành phố khai thác hầm mỏ. Thỉnh thoảng có một linh mục người Hòa lan đến làm mục vụ trong giáo xứ. Năm 10 tuổi, tôi đã viết thư cho vị linh mục để cho biết là tôi muốn vào chủng viện. Cha tôi tập họp mọi người trong nhà lại và giải thích về sự chọn lựa của tôi. Và cha tôi đã đồng ý".

Ðức hồng y nói rằng sau này Giám mục của ngài đã gởi ngài sang tu học tại Hoa kỳ. Năm 1975, ngài chịu chức linh mục cho Giáo phận Cape Coast là giáo phận cổ xưa nhứt tại Ghana, được thành lập năm 1879.

Vị hồng y tương lai tiếp tục theo học tại Học Viện Thánh Kinh ở Roma. Chính tại đây mà năm 1992, ngài nhận tin được Ðức thánh cha bổ nhiệm làm Giám mục giáo phận của ngài. Ngài đã xin được tấn phong giám mục tại Ghana để được gần gũi với dân chúng mà ngài sẽ phục vụ.

Năm năm sau, ngài được bầu làm chủ tịch Hội đồng Giám mục Ghana. Năm 2003, ngài được đức Gioan Phaolo II nâng lên bậc Hồng y. Trong Thượng hội đồng Giám mục thế giới lần thứ hai về Phi Châu, ngài được bổ nhiệm làm tường trình viên chính.

Luôn theo dõi sự tăng trưởng nhanh chóng của Giáo hội Công giáo tại Phi Châu, Ðức hồng y Turkson nhận định rằng "tại Phi Châu, các mối giây gia đình và sắc tộc mang lại ý nghĩa cho cuộc sống. Tuy nhiên, theo ngài, các tín hữu Kitô cần phải biết hướng cái nhìn của mình đến những người ngoài gia đình và sắc tộc của mình. Rwanda là một điển hình cho thấy rằng một cái nhìn như thế vẫn còn là điều khó khăn đối với nhiều người Phi châu. Ðây quả là một thách đố cho Giáo hội tại Phi Châu. Theo Ðức hồng y Turkson, cần phải vượt qua khỏi thứ Kitô giáo vụ hình thức, bởi vì những hình thức bề ngoài không dẫn con người đến với Chúa Kitô.

Ðứng trước thách đố này, Ðức hồng y chủ tịch Hội đồng Tòa thánh công lý và hòa bình chú ý một cách đặc biệt đến một số phong trào đặc sủng Thánh Linh. Theo ngài, những phong trào này có thể lắp đầy hố sâu và mang lại ý nghĩa cho đời sống đức tin.

Nhận định về Âu Châu, vị Hồng y người Phi Châu này xem ra cũng không nhân nhượng. Dạo tháng 10 năm 2009, tại Thượng hội đồng Giám mục thế giới về Phi Châu, ngài và nhiều vị chủ chăn Giáo hội tại Phi Châu đã không ngần ngại tố cáo điều mà các ngài gọi là "chủ nghĩa đế quốc văn hóa mới" và "những mô hình gia đình mới" xuất phát từ Âu Châu.

Ðức hồng y Turkson giải thích rằng tại Phi Châu, mọi người đều xem mình như thành phần của cùng một gia đình nhân loại và mọi người đều muốn bảo tồn gia đình ấy bằng cách trao ban sự sống. Ngài nói: "Nếu người ta đề nghị với chúng tôi những lối sống không cho phép truyền sinh, chúng tôi cho đó là một hành động xúc phạm đến sự sống còn của xã hội..." Ngài nhấn mạnh: phải tôn trọng quyền của những nhóm thiểu số, nhứt là những người đồng tính. Nhưng điều đó không có nghĩa là nhìn nhận lối sống của họ."

Về mối quan hệ giữa Âu châu và Phi Châu, Ðức hồng y Turkson nói: "Nếu Âu Châu trở nên khô đạo hơn, thì chúng tôi sẽ mồ côi; chúng tôi thừa hưởng gia tài đức tin nhưng lại không có cha mẹ".

Nhận định về những tai tiếng về lạm dụng tình dục trẻ em của hàng giáo sĩ, Ðức hồng y chủ tịch Hội đồng Tòa thánh công lý và hòa bình nói rằng độc thân linh mục không phải là một vấn đề được đặt ra cho riêng Phi Châu. Theo ngài, là linh mục hay có gia đình, ai cũng phải trung thành với bậc sống của mình. Ngài nói rằng độc thân linh mục không phải là một điều tự nhiên, do đó người ta chỉ có thể sống độc thân nhờ sự trợ giúp của Chúa mà thôi.

Là người đã tham dự vào Mật nghị Hồng y bầu đức Benedicto XVI làm Chủ Chăn Giáo hội hoàn vũ, Ðức hồng y Turkson thường được hỏi: liệu có thể có một vị Hồng y người Phi Châu không? Ngài chỉ trả lời: "Nếu Chúa muốn thấy một người da đen làm Giáo hoàng, thì hãy cảm tạ Ngài".

 

CV.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page