Các thiện nguyện viên phục vụ

các bệnh nhân Sida tại nhà

 

Các thiện nguyện viên phục vụ các bệnh nhân Sida tại nhà.

Vienne , Áo quốc - [CNS 27/7/2010] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Các hội nghị quốc tế về dịch bệnh Sida thường chú trọng đến các chương trình và kế hoạch lớn trong việc phòng chống căn bệnh của thế kỷ này, nhưng lại ít quan tâm đến một nhân tố quan trọng: đó là đội ngũ các thiện nguyện viên âm thầm thăm viếng, chăm sóc và nâng đỡ các bệnh nhân Sida tại nhà họ.

Bà Ann Smith, chuyên gia về bệnh Sida của Cơ quan "Catholic Agency for overseas Development" [cơ quan Công giáo phát triển hải ngoại] thuộc Hội đồng Giám mục Anh và xứ Wales nói rằng "các thiện nguyện viên chăm sóc các bệnh nhân Sida tại nhà là những anh hùng bị quên lãng".

Trong một cuộc phỏng vấn dành cho hãng thông tấn Công giáo Hoa kỳ CNS tại Hội Nghị Quốc Tế về bệnh Sida lần thứ 18 ở Vienne, Áo quốc, từ ngày 18 đến 23 tháng 7 năm 2010, bà Ann Smith cho biết: những người chăm sóc tại gia cho các bệnh nhân Sida không chỉ cung cấp dịch vụ y tế, mà còn nâng đỡ và đón nhận họ. Nhưng cuộc thăm viếng tại gia dành cho những người mắc bệnh Sida hay đang sống với HIV giúp họ thoát khỏi sợ hãi và nỗi cơ đơn mà căn bệnh này thường tạo ra. Các thiện nguyện viên này là một đội ngũ rất quan trọng nhưng thường bị lãng quên.

Các thiện nguyện viên này đa số là phụ nữ và thường là các phụ nữ có tuổi hoặc đã làm bà nội bà ngoại. Họ không chỉ chăm sóc, mà còn bày tỏ sự cảm thông với các bệnh nhân.

Hiện nay, nhiều người đòi hỏi rằng công việc của họ cần được nhìn nhận và cần được tài trợ nhiều hơn để đáp ứng lại các thách đố của dịch bệnh Sida.

Bà Hedia Belhadj, phó giám đốc "Phân bộ hổ trợ kỹ thuật của Quỹ Dân Số Liên hiệp quốc" cũng nhìn nhận rằng công tác của các thiện nguyện viên phục vụ các bệnh nhân Sida tại nhà không được đề cao và nhìn nhận.

Bà Matilda Maluza, thư ký Ủy ban y tế của Hội đồng Giám mục Malawi cho biết: tại Malawi có trên 80 phần trăm các thiện nguyện viên phục vụ các bệnh nhân Sida tại nhà là phụ nữ và họ không được thù lao một cách cân xứng.

Người phụ nữ Phi Châu này nói rằng người phụ nữ tại lục địa này bị bóc lột quá nhiều. Theo bà, đàn ông chỉ làm những công việc nào có trả lương. Bà nói: đã đến lúc phải thay đổi não trạng ấy.

Một cuộc nghiên cứu do Ủy ban quốc tế có tên là "Huairou" thực hiện và được phổ biến tại Hội nghị quốc tế về Sida tại Vienne cho thấy các phụ nữ tại một số quốc gia Phi châu như Cameroun, Kenya, Malawi, Nigeria, Nam Phi và Uganda, mỗi tháng phải bỏ ra 69 giờ để săn sóc các bệnh nhân và các thành phần dễ bị thương tích, nhưng không được nhận được bất cứ thù lao nào. Tại các nước Tây Phương, một công việc như thế đáng giá hằng triệu mỹ kim mỗi tháng.

Bà Maluza nói rằng chính phủ chỉ gia tăng các dịch vụ chăm sóc bệnh nhân Sida tại nhà khi nào cần mà thôi. Tại Malawi, cuộc nghiên cứu của Ủy ban "Huairou" cho thấy trung bình mỗi tuần, mỗi thiện nguyện viên chăm sóc các bệnh nhân Sida tại nhà phải bỏ ra hơn 8 tiếng đồng hồ. Bà Maluza đã thành lập một tổ chức để tạo áp lực nhằm đòi hỏi chính phủ Malawi phải tài trợ cho công tác này.

Thật ra, được thù lao hay không, phần lớn các thiện nguyện viên vẫn tiếp tục công tác phục vụ, bởi vì các tổ chức thiện nguyện đều thuộc các Giáo hội. Theo thống kê, 40 phần trăm các dịch vụ này đều do các Giáo hội đảm trách. Các tổ chức tôn giáo thiện nguyện này hoạt động trước khi các chính phủ đưa ra chương trình và tài trợ.

Cha Richard Bauer, giám đốc điều hành của chương trình "Catholic Aids Action" [chương trình hành động chống Sida] của Hội đồng Giám mục Namibia khẳng định rằng động lực thúc đẩy các thiện nguyện viên dấn thân chăm sóc các bệnh nhân Sida tại gia đình chính là đức tin.

Do đó, theo cha Bauer, việc đầu tiên mà các thiện nguyện viên làm mỗi khi tập trung lại là cầu nguyện. Lời cầu nguyện mang lại sức mạnh tinh thần cho họ. Sau đó, người ta mới bàn đến các khía cạnh y tế của công việc.

Vị linh mục người Mỹ thuộc Dòng Maryknoll này nói: "Các ân nhân và các chính phủ không ngừng tìm đến với tôi và hỏi làm thế nào để chúng tôi có thể đi chăm sóc tại nhà. Tội trả lời rằng các thiện nguyện viên thường được thúc đẩy bởi chính đức tin của họ". Cha Bauer khẳng định: "Ðức tin là động lực chủ yếu".

Bà Smith nói rằng trong giai đoạn mà việc tài trợ cho cuộc chiến chống lại bệnh Sida đã giảm sút, thì công tác của các thiện nguyện viên phục vụ tại gia là phương thế tốt nhứt để đương đầu với cuộc khủng hoảng liên tục này.

Theo bà, một trong những giá trị của các tổ chức Giáo hội là có thể động viên được rất nhiều thiện nguyện viên. Nhưng một lần nữa, theo bà, công việc của họ không được nhìn nhận và đánh giá cao bởi vì nó không đòi hỏi chính phủ phải tốn kém.

Bà Smith nói rằng đây là một sự bất công, bởi vì các thiện nguyện viên, vốn cũng không giàu có hơn ai, lại phải bỏ tiền túi ra để chăm sóc cho các bệnh nhân.

Cha Bauer cho biết: đôi khi các thiện nguyện viên phải lấy bớt phần ăn của gia đình họ để mang đến cho các bệnh nhân. Có lần vị linh mục này đề nghị nên lấy 15 phần trăm thực phẩm dành cho các cô nhi và các trẻ em nghèo khác để chia cho các thiện nguyện viên.

Cha Bauer cũng có lần đề nghị đàn ông nên làm công tác thiện nguyện này, bởi vì đôi khi các nữ thiện nguyên phải gặp rắc rối với các bệnh nhân nam. Nhiều người chống chế. Nhưng hiện cha cũng đã thuyết phục được một số đàn ông làm công tác thiện nguyện này.

 

CV.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page