Ý nghĩa của bản

tuyên ngôn độc lập của Hoa kỳ

 

Ý nghĩa của bản tuyên ngôn độc lập của Hoa kỳ.

Hoa Kỳ [Catholic on line 4/7/2010] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Hôm Chúa Nhựt 4 tháng 7 năm 2010 là Ngày Lễ Ðộc Lập của Hiệp chủng quốc Hoa kỳ.

Bản tuyên ngôn độc lập viết rằng mọi người đã được Thượng Ðế tạo dựng bình đẳng và được phú bẫm cho một số quyền bất khả xâm phạm như quyền được sống, được tự do và đeo đuổi hạnh phúc.

Bản tuyên ngôn độc lập chính là chứng chỉ khai sinh của Hoa kỳ. Trẻ con nào cũng thuộc nằm lòng và người lớn không thể cầm được nước mắt khi nghe đọc bản tuyên ngôn này. Những nguyên tắc mà các nhà lập quốc Hoa kỳ đã đề ra biến lịch sử nước này thành một nước độc lập tự do và cũng giúp cho người dân tại nhiều nước trên thế giới đứng lên chống lại mọi hình thức độc tài.

Muốn hay không, bản tuyên ngôn độc lập của Hoa kỳ cũng là một bản tuyên xưng niềm tin vào Thiên Chúa, Ðấng Tạo Hóa.

Tất cả những nhà lập quốc đã ký tên vào bản tuyên ngôn độc lập đều chịu ảnh hưởng của kho tàng vĩ đại của nền văn minh Kitô giáo. Họ tin có những chân lý thật hiễn nhiên và cần được đề cao. Một trong những chân lý hiễn nhiên này là những quyền bất khả xâm phạm được một Ðấng Tạo Hóa phú bẫm cho mọi người. Họ cũng tin rằng mọi người đều có thể nhận ra những chân lý và những quyền này bởi vì chúng được ghi khắc trong Luật Tự Nhiên, vốn đã được viết trong trái tim của mọi người. Họ cũng tin rằng luật tự nhiên cũng chính là luật của Thiên Chúa.

Dĩ nhiên, không phải tất cả những nhà lập quốc Hoa kỳ đều là tín hữu Kitô. Tổng thống Thomas Jefferson chẳng hạn là một người tin có Chúa nhưng không phải là một tín hữu Kitô. Ông ngưỡng mộ cuộc cách mạng Pháp, mặc dù cuộc cách mạng này không có cùng những nguyên tắc như cuộc cách mạng Hoa kỳ. Không chấp nhận mọi quy chiếu về quyển Kinh Thánh mà có lúc ông xem là "những thứ di đoan" cần được cắt xén, nhưng ông Jefferson vẫn hiểu được đâu là nguồn gốc đích thực của các quyền tự do của con người. Ông đã từng nói: "Thiên Chúa, Ðấng ban cho chúng ta sự sống cũng chính là Ðấng đã ban cho chúng ta tự do. Liệu các tự do của một dân tộc có được bảo đảm không nếu chúng ta dẹp bỏ xác tín rằng những tự do này là một quà tặng của Thiên Chúa".

Trong 56 người ký tên vào bản tuyên ngôn độc lập của Hoa kỳ, chỉ có một người Công giáo là ông Charles Carroll. Vào thời đó, chữ ký của ông bị xem là "bất hợp pháp", bởi vì người Công giáo không được nắm giữ chức vụ công quyền hay đi bầu tại bang Maryland.

Bản tuyên ngôn độc lập đã phát huy được nhiều cái nhìn về nhân vị, phẩm giá, nhân quyền và tự do trong nhiều tổ chức xã hội.

Nhân ngày lễ độc lập, nhiều tổ chức đã kêu gọi người Mỹ hãy đặc biệt nhìn lại một trong những quyền tiên khởi và bất khả xâm phạm mà bản tuyên ngôn độc lập đã công bố là quyền sống. Hiện nay, quyền này đang bị luật pháp Hoa kỳ xem thường và chối bỏ. Người ta tự hỏi: làm sao một quốc gia đã hợp pháp hóa việc sát hại những đứa con vô tội trong lòng mẹ có thể rêu rao rằng họ vẫn còn nhìn nhận quyền sống như một quyền bất khả xâm phạm?

Ðứa trẻ trong lòng mẹ là tha nhân đầu tiên của chúng ta. Chắc chắn tất cả các nhà lập quốc Hoa kỳ đều đồng ý rằng sát hại một "tha nhân vô tội" là một điều sai lầm. Căn cứ trên tu chính án thứ 14 của Hiến Pháp Hoa kỳ, thì thai nhi là người di dân hợp pháp đầu tiên có quyền công dân hẳn hoi nếu nó được sinh ra. Làm sao người ta có thể lập lại lời của tổng thống Jefferson "Thiên Chúa, Ðấng ban cho chúng ta sự sống cũng chính là Ðấng ban cho chúng ta tự do", mà lại không nhận ra sự độc ác của một thứ luật pháp tước hoạt quyền sống của thai nhi?

Phần thứ hai của lời tuyên bố của tổng thống Jefferson chính là câu trả lời. Ông nêu lên câu hỏi: "Liêu các tự do của một quốc gia có được bảo đảm không nếu chúng ta dẹp bỏ xác tín rằng những tự do đó là một quà tặng của Thiên Chúa?"

Dù có khác biệt trong xác tín tôn giáo, tất cả các nhà lập quốc Hoa kỳ đều khẳng định những chân lý được công bố trong bản tuyên ngôn độc lập và đều nhìn nhận rằng những quyền bất khả xâm phạm xuất phát từ những chân lý này không do chính quyền ban tặng mà được Ðấng Tạo Hóa phú bẩm. Hệ lụy của lời tuyên bố này thật rõ ràng: chính quyền không có quyền tước đoạt những quyền ấy.

Do đó, lễ độc lập là ngày để tất cả mọi người Mỹ tái khẳng định sự lệ thuộc của họ vào Thiên Chúa và đồng thanh tuyên bố rằng họ gắn bó với những chân lý ấy.

 

CV.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page