Nhận định về một số

bổ nhiệm mới trong giáo triều

 

Nhận định về một số bổ nhiệm mới trong giáo triều.

Roma [La Croix 30/6/2010] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Như chúng tôi đã loan tin, Ðức thánh cha Benedicto XVI vừa bổ nhiệm một số vị Giám mục vào các chức vụ trong giáo triều: Ðức hồng y Marc Ouellet, Tổng giám mục Quebec, Canada sẽ thay thế Ðức hồng y Giovanni Battista Re trong chức vụ bộ trưởng bộ giám mục; Ðức cha Rino Fisichella sẽ làm chủ tịch Hội đồng Tòa thánh về việc tái rao giảng Tin Mừng vừa mới được thành lập; Ðức cha Kurt Koch, Giám mục Basel, Thụy sĩ, sẽ thay thế Ðức hồng y Walter Kasper trong chức vụ chủ tịch Hội đồng Tòa thánh về hiệp nhứt Kitô giáo.

Bộ giám mục và Hội đồng Tòa thánh về hiệp nhứt Kitô giáo là hai trong những cơ quan quan trọng nhứt của giáo triều.

Trước hết về Hội đồng Tòa thánh đặc trách Hiệp Nhứt Kitô giáo. Ðức hồng y Walter Kasper, người Ðức năm nay 77 tuổi, là người đã lãnh đạo hội đồng này trong 11 năm qua. Vị Hồng y thần học gia này nổi tiếng là người luôn có tinh thần độc lập tại giáo triều. Tuy không phải là một người thân cận với Ðức thánh cha Benedicto XVI, lại còn có những khác biệt sâu xa trong những suy tư thần học, Ðức hồng y Kasper vẫn luôn có giọng điệu thân mật với Ðức thánh cha.

Phải nói rằng trong suốt thời gian lãnh đạo Hội đồng Tòa thánh về hiệp nhứt Kitô giáo, Ðức hồng y Kasper đã giúp Tòa thánh đạt được nhiều quan hệ tốt đẹp với các Giáo hội Kitô khác, Chính thống cũng như Tin lành.

Mới đây, trong một cuộc họp báo để loan báo việc nghỉ hưu của mình, vị Hồng y người Ðức này luôn lập lại rằng "đại kết không phải là một công việc nhiệm ý, mà thuộc bản chất truyền giáo của Giáo hội. Ðây là một công tác phục vụ Giáo hội, do Giáo hội và vì Giáo hội".

Nhà thần học lỗi lạc này còn nói rằng "điều quan trọng chính là các quan hệ cá nhân, sự tin tưởng và tôn trọng. Phong trào đại kết không được xây dựng bằng các tài liệu, mà bằng cách đối thoại, bằng cách không ngừng dệt lên một hệ thống ở giữa "cái tu viện vô hình" đang liên kết mọi người đau khổ vì thiếu hiệp nhứt".

Ðức hồng y Kasper có quyền hãnh diện vì đã đạt được nhiều thành quả tốt đẹp trong công cuộc đại kết. Tuy nhiên, mọi sự đều đã không diễn ra một cách dễ dàng. Chẳng hạn với các Giáo hội Chính thống, ngài nói rằng cần phải "kiên nhẫn vô cùng" mới có thể thiết lập được những quan hệ tin tưởng, được thể hiện trong lễ an táng đức Gioan Phaolo II và trong lễ đăng quang của Ðức Benedicto XVI. Ngài khẳng định: "đây thực sự là một phép lạ". Chính nhờ sự kiên nhẫn đó mà cuộc gặp gỡ giữa đức Benedicto XVI và Ðức thượng phụ Chính thống Mascova mới trở thành "điều khả thể", cho dẫu vẫn chưa biết sẽ diễn ra lúc nào.

Với các Giáo hội Tin Lành, ngài đã phải đem hết tài ngoại giao ra mới có thể vượt qua được những "nghi ngại" do huấn dụ "Dominus Iesus" [Chúa Giesu] mà Ðức hồng y Joseph Ratzinger, bộ trưởng bộ giáo lý đức tin, đã cho công bố hồi năm 2000.

Ðức hồng y Kasper giải thích rằng ngày nay vấn đề lớn nhứt là sự quảng bá rộng rãi của các nhóm tân thánh linh của Tin lành tại mọi lục địa. Các nhóm này vừa không có cơ cấu tổ chức quốc tế, vừa không có giáo lý vững chắc, lại vừa không muốn có bất cứ một sự đối thoại nào.

Cũng thế, với Do thái giáo, Ðức hồng y chủ tịch Hội đồng Tòa thánh về hiệp nhứt Kitô giáo cho biết: ngài đã phải vất vả để "biện hộ" sau khi Ðức thánh cha Benedicto XVI đưa ra một số quyết định gây tranh cãi: như lời cầu nguyện cho người Do thái trong ngày thứ Sáu tuần thánh theo nghi thức tiền công đồng, như hồ sơ phong Chân phước cho Ðức Pio XII hay như việc rút vạ tuyệt thông cho Ðức cha Williamson, vị Giám mục thủ cựu từng phủ nhận trách nhiệm của đức quốc xã trong cuộc sát tế người Do thái.

Nhưng nếu như nhà thần học người Ðức này không cảm thấy "thoải mái" trong giáo triều, thì xem ra với Ðức hồng y Giovanni Battista Re, bộ trưởng bộ giám mục, mọi sự lại khác. Vị Hồng y người Ý này đã đứng đầu bộ từ năm 2000. Cũng như Ðức hồng y Kasper, ngài cũng đã đến tuổi hưu từ hơn một năm nay.

Xuất thân từ giới ngoại giao, Ðức hồng y Re được xem là một người thân tín của Ðức hồng y Angelo Sodano, Quốc vụ khanh Tòa thánh dưới thời Ðức Gioan Phaolo II.

Với chức vụ bộ trưởng bộ giám mục, trong 10 năm qua, Ðức hồng y Re chắc chắn đã góp phần rất lớn vào việc vẽ ra bộ mặt tương lai của Giáo hội. Ngoại trừ các Giáo phận truyền giáo vốn thuộc Bộ Truyền Giáo và các Giáo hội đông phương trong đó việc bổ nhiệm giám mục được thực hiện xuyên qua bầu cử, Ðức hồng y Re là người chịu trách nhiệm đối với mọi cuộc bổ nhiệm giám mục trên khắp thế giới.

Mới đây, một số quyết định của ngài đã gây nhiều tranh cãi. Trước hết là việc ngài ký sắc lệnh rút lại vạ tuyệt thông cho 4 vị giám mục thuộc huynh đoàn công giáo thủ cựu Pio X ngày 21 tháng giêng năm 2009.

Không bao lâu sau đó, ngài lại ủng hộ quyết định rút phép thông công bà mẹ của một bé gái 9 tuổi có mang vì bị hãm hiếp và buộc phải tiến hành phá thai tại Brasil.

Gần đây nhứt, bộ giám mục do ngài lãnh đạo cũng bị "trách cứ" sau khi nổ ra những vụ tai tiếng về lạm dụng tình dục tại các nước Ái Nhĩ Lan, Ðức và Bỉ, khiến Ðức thánh cha đã phải trực tiếp can thiệp để giải quyết vấn đề.

 

CV.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page