Vấn đề Ukraine trong mối quan hệ giữa

Giáo hội Công giáo và Giáo hội Chính thống Nga

 

Vấn đề Ukraine trong mối quan hệ giữa Giáo hội Công giáo và Giáo hội Chính thống Nga.

Ukraine - [Chiesa on line 28/6/2010] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Theo thông lệ từ nhiều năm qua, cứ đến lễ thánh Andre tông đồ, Tòa thánh cử một phái đoàn sang Constantinople để tham dự các nghi lễ phụng vụ của Giáo hội Chính thống. Và đáp lại, mỗi dịp lễ hai thánh tông đồ Phero và Phaolo, Tòa thượng phụ đại kết Constantinople cũng cử một phái đoàn sang Roma tham dự các nghi lễ do Giáo hội Công giáo cử hành.

Cuộc đối thoại giữa hai Giáo hội dưới thời Ðức thánh cha Benedicto XVI đã đạt được những bước tiến vĩ đại. Ngay cả Quyền tối thượng của Ðức giáo hoàng, vốn là một nguyên nhân lịch sử tạo ra ly giáo giữa hai Giáo hội, cũng không còn là một đề tài cấm kỵ nữa, mà trái lại đã trở thành đối tượng của các cuộc hội thảo đại kết.

Riêng mối quan hệ giữa Giáo hội Công giáo và Giáo hội Chính thống Nga, tức Giáo hội Chính thống lớn nhứt, cũng đã đạt được nhiều bước tiến đáng kể, kể từ khi Ðức Benedicto XVI được bầu làm Giáo hoàng. Hai bên đều đồng ý cùng nhau đương đầu với thách đố chung của các tín hữu Kitô tại Âu Châu ngày nay. Nói cách khác, cả hai Giáo hội đều nhận thấy sự cần thiết phải tái rao giảng Tin Mừng cho những nước có truyền thống Kitô lâu đời tại lục địa này. Ðây là lý do khiến Ðức thánh cha đã quyết định cho thành lập một Hội đồng Tòa thánh đặc trách về việc tái rao giảng Tin mừng.

Ðó là bước tiến đáng kể trong sự xích lại gần nhau giữa Giáo hội Công giáo và Giáo hội Chính thống Nga. Tuy nhiên,về mặt thực tiễn, vẫn còn một chướng ngại vật quan trọng giữa Mascova và Roma khiến cho Ðức giáo hoàng và Ðức thượng phụ Chính thống Nga không thể gặp nhau, mặc dù tự đáy lòng cả hai vị đều mong ước có một cuộc gặp gỡ như thế.

Trở ngại này chính là vấn đề Ukraine.

Ðối với người Nga, Ukraine là quê hương của họ. Cách đây hơn một ngàn năm, Nga xuất phát từ Kiev, tức từ lãnh thổ Rus của người Viking. Chính tại đây mà Nga đã trở về với Kito giáo và cũng chính tại đây mà Nga đã có được mô hình về đức tin, nghệ thuật, phụng vụ, đời sống tu trì. Cũng chính tại đây mà Nga đón nhận các ơn gọi và sự tài trợ kinh tế.

Nhưng Ukraine cũng là nơi có Giáo hội Công giáo thuộc nghi lễ đông phương lớn nhứt thế giới, với trên 5 triệu tín hữu. Với phụng vụ Byzantin-Hy lạp, với các truyền thống cũng như hàng giáo sĩ có gia đình, Giáo hội Công giáo thuộc nghi lễ đông phương tại Ukraine rất giống với các Giáo hội Chính thống khác. Chỉ khác có mỗi một điều: Giáo hội này chấp nhận quyền bính của Ðức giáo hoàng.

Ukraine đã lần lượt bị Balan và Nga chiếm đóng. Người Balan cổ võ cho mối quan hệ của người Ukraine với Tòa thánh. Người Nga thì chống lại sự xích lại ấy. Vào cuối thế kỷ 18, khi Ba lan mất chủ quyền quốc gia, người Nga chiếm Ukraine và áp đặt Chính thống giáo lên vùng đất này. Những người Ukraine trung thành với Ðức giáo hoàng đã di chuyển đến vùng Galicia là vùng đang thuộc đế quốc công giáo Vienne. Chính tại đây mà vào thế kỷ 19, mới phát sinh một huyền thoại cho rằng chỉ có một vị Giáo hoàng người gốc Slave mới mang lại chiến thắng cho họ.

Nhưng trong thời đệ nhị thế chiến, Liên Xô lại chiếm đóng toàn bộ Ukraine. Ngay cả Giáo hội Công giáo đông phương vốn tồn tại ở Galicia cũng bị xóa bỏ. Năm 1946, Mascova cho tổ chức tại thành phố Lvov, tức Lviv trong tiếng Ukraine, một thượng hội đồng để buộc mọi người phải quay trở về Chính thống giáo. Ðức cha Josyf Slipji, giáo chủ Giáo hội Công giáo Ukraine đã bị giam tù. Ngài chỉ được trả tự do và buộc đi lưu vong năm 1963.

Năm 1989, bức tường Berlin sụp đổ, Giáo hội Công giáo đông phương tại Ukraine mới có thể rời khỏi hang "toại đạo". Tức khắc, Giáo hội này yêu cầu Giáo hội Chính thống phải trả lại các nhà thờ và cơ sở của mình. Trong một ít trường hợp, sự trao trả tài sản lại cho Giáo hội Công giáo đã diễn ra một cách êm thắm. Nhưng tại rất nhiều vùng khác, vấn đề này là nguyên nhân dẫn đến nhiều cuộc xung đột, ngay cả việc xử dụng bạo lực để chiếm đóng và truất hữu. Cho đến nay, cuộc xung đột này chỉ mới được giải quyết một phần nhỏ mà thôi.

Năm 2001, đức Gioan Phaolo II đã nâng cao tinh thần người Công giáo khi viếng thăm Ukraine và tôn phong hiển thánh cho 27 vị tử đạo dưới thời cộng sản. Trong số này có một vị bị bỏ vào nồi nước sôi, một vị khác bị đóng đinh trong tù và một vị nữa bị thiêu sống.

Nhưng vì chưa quên được những cuộc xung đột trong quá khứ, người Nga nói chung và các tín hữu Chính thống nói riêng xem vị Giáo hoàng người Balan này là một mối đe dọa. Bất cứ một quyết định nào của Ðức Gioan Phaolo II liên quan đến công cuộc truyền giáo tại Nga cũng đều bị tòa thượng phụ Mascova xem như một hành động "xâm lăng" không thể dung chấp được.

Quyết định của đức Gioan Phaolo II mà Chính thống giáo Nga vừa lo sợ vừa thù ghét nhứt là nâng Giáo hội Công giáo đông phương Ukraine lên hàng Tòa thượng phụ đặt ngai tòa tại Kiev. Họ xem đây như một thách thức đối với một Tòa thượng phụ Chính thống vốn đã hiện hữu tại đây từ lâu.

Cuối năm 2003, việc nâng Giáo hội Công giáo đông phương Ukraine lên hàng Tòa thượng phụ đã được chính thức công bố. Người kế vị đức cha Slipji là Ðức hồng y Lubormyr Husar đã di chuyển đến Kiev, gần nhà thờ "Thượng phụ" đang được xây cất. Từ Roma, Ðức hồng y Walter Kasper, chủ tịch Hội đồng Tòa thánh về hiệp nhứt Kitô giáo, đã gởi cho Ðức thượng phụ Mascova Alexis II một lá thư để loan báo rằng đức Gioan Phaolo II có ý định thiết lập tại Kiev một Tòa thượng phụ Công giáo thuộc nghi lễ Hy lạp. Kèm với lá thư là một tài liệu dài với những bằng chứng lịch sử và giáo luật hổ trợ cho quyết định này.

Ðức thượng phụ Alexis cho Ðức thượng phụ Bartolomeo I, Thượng phụ đại kết Constantinople xem lá thư và sau đó viết thư trả lời cho đức Gioan Phaolo II. Trong lá thư, nhà lãnh đạo Giáo hội Chính thống Nga "giận dữ" khẳng định rằng quyết định thiết lập một Tòa thượng phụ Công giáo tại Kiev sẽ là một đại họa cho cuộc đối thoại giữa hai Giáo hội.

Tòa thánh liền cho ngưng việc thi hành quyết định của Ðức thánh cha. Ðức hồng y Kasper đã bay qua Mascova để tuyên bố rằng Tòa thánh sẽ không tiến hành quyết định. Kể từ đó, tình hình tại Ukraine trở nên căng thẳng. Người ta nói đến cuộc chiến giữa người Công giáo và Chính thống tại Ukraine, giữa Roma và Mascova.

Nhưng kể từ khi đức Benedicto XVI được bầu làm Giáo hoàng, những căng thẳng đã được xoa dịu. Ngài không còn nhắc đến một Tòa thượng phụ Công giáo Hy lạp tại Ukraine nữa.

Tháng Giêng năm 2008, các Ðức giám mục Công giáo đông phương Ukraine về Roma viếng mộ hai thánh tông đồ Phero và Phaolo. Ðây là chuyến đi "ad limina" đầu tiên sau 70 năm. Không còn ai nhắc đến một Tòa thượng phụ Công giáo đông phương tại Ukraine nữa.

Dân số Ukraine hiện nay là 50 triệu người. Trong số này chính thống chiếm 30 phần trăm, 10 phần trăm theo Công giáo, Tin lành 3 phần trăm và do thái gần 1 phần trăm. Số người tự nhận là vô thần khoảng 15 phần trăm. Ðức hồng y Lubomyr Husar nói rằng đây là một thách đố lớn cho công cuộc rao giảng Tin Mừng.

 

CV.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page