Cuộc đối thoại
với những người vô thần
Cuộc đối thoại với những người vô thần.
Roma [Chiesa on line 24/6/2010] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Ðức thánh cha Benedicto XVI đã loan báo sẽ cho thiết lập một Hội đồng Tòa thánh đặc trách về việc tái rao giảng Tin Mừng cho các nước Tây phương, tức các nước có đa số dân theo Kitô giáo, nhưng nay muốn chối bỏ các cội rễ Kitô của mình. Trong các xã hội Kitô này, Ðức thánh cha rất quan tâm đến một đối tượng đặc biệt là những người vô thần.
Một cách cụ thể, Ðức thánh cha cho thành lập một văn phòng mà ngài gọi là "sân của dân ngoại". Văn phòng này sẽ được Ðức cha Gianfanco Ravasi, chủ tịch Hội đồng Tòa thánh về văn hóa, khánh thành tại Paris, Pháp quốc, trong những ngày sắp tới. Ðây sẽ là một nơi để đối thoại với những người vô thần.
Ðây là một ý tưởng hoàn toàn mới mẽ của Ðức thánh cha Benedicto XVI. Sau công đồng Vatican II, một văn phòng dành cho những người "không tin" đã được thiết lập. Ðược đặt dưới sự lãnh đạo của Ðức hồng y Franz Konig, người Áo, văn phòng này chỉ hoạt động được vài năm. Nay văn phòng này được tái lập dưới hình thức một Hội đồng Tòa thánh. Ðức thánh cha đã thảo luận về vấn đề này với một số vị Hồng y người Ý có thế giá như Ruini, Scola, Bagnasco cũng như một vị đã từng là học trò của ngài là Ðức hồng y Christoph Schonborn, Tổng giám mục Vienne, Áo quốc. Theo dự trù, ngài sẽ ban hành một tự sắc để xác định vai trò, chức năng và thành phần của Hội đồng này.
Trong khi chờ đợi, để cụ thể hóa chương trình tái rao giảng Tin Mừng cho các nước Tây Phương, Hội đồng Tòa thánh về văn hóa đã mở cuộc đối thoại với những người vô thần. Sáng kiến này được đặt tên là "sân của Dân Ngoại". Tên gọi của sáng kiến này đã được chính Ðức thánh cha đề ra trong bài diễn văn đọc trước giáo triều ngày 21 tháng 12 năm 2009, nhân dịp chúc mừng Giáng Sinh các nhân viên Giáo triều.
Với sáng kiến này, Ðức thánh cha muốn mở ra một cuộc đối thoại có hệ thống với những người đang sống xa Chúa để họ có thể đến với Ngài "ít nhứt như một Vị Thần Vô Danh".
Về kiểu nói "Sân của Dân Ngoại", Ðức thánh cha giải thích rằng danh hiệu này được rút ra từ Tin Mừng trong đoạn nói về việc Chúa Giêsu xua đuổi những người đổi tiền ra khỏi Ðền Thờ.
Ðức thánh cha nói: "Tôi nhớ lại lời Chúa Giêsu trích từ sách tiên tri Isaia rằng đền thờ phải là nơi cầu nguyện của các dân tộc. Chúa Giêsu nghĩ đến điều được gọi là "sân của dân ngoại", mà ngài đã tẩy uế khỏi những việc phàm tục để nó trở thành một không gian dành cho dân ngoại là những người muốn cầu nguyện với Thiên Chúa Ðộc Nhứt ở đó, vì họ không được tham dự vào mầu nhiệm vốn chỉ diễn ra bên trong Ðền Thờ. Có một nơi cầu nguyện dành cho mọi dân tộc, tức những người biết Chúa, nhưng chỉ biết từ xa, những người không hài lòng với thần minh, nghi lễ, huyền thoại của mình; họ khao khát Ðấng Cực Sạch và Vĩ Ðại, cho dẫu Chúa vẫn còn là "Vị Thần vô danh" đối với họ. Họ cần cầu nguyện với Vị Thần Vô Danh giữa những tăm tối đủ loại".
Trên đây là những lời giải thích của Ðức thánh cha về sáng kiến thiết lập điều mà ngài gọi là "sân của dân ngoại".
Có lẽ không ai giải thích rõ ràng hơn ý nghĩa của kiểu nói này cho bằng Ðức cha Gianfranco Ravasi, một chuyên gia Kinh Thánh nổi tiếng và đồng thời là người đã tiếp xúc rộng rãi với giới văn hóa thuộc mọi tôn giáo trên khắp thế giới.
Trong một bài viết được cho đăng trên báo Người Quan Sát Roma trong số ra ngày 2 tháng 6 năm 2010, Ðức cha chủ tịch Hội đồng Tòa thánh về văn hóa loan báo rằng ngài sẽ khánh thành "Sân của dân ngoại" tại Paris, Pháp Quốc, vào tháng 3 năm 2011. "Sân" này sẽ được đặt tại ba nơi hoàn toàn không có liên hệ đến tôn giáo là: Ðại Học Sorbonne, trụ sở Unesco của Liên Hiệp Quốc và Hàn Lâm Viện Pháp.
Sáng kiến này đã được nhiều nhà trí thức tại Pháp hưởng ứng.
Trong một cuộc phỏng vấn trên báo Avvenire [tương lai] của Hội đồng Giám mục Ý ngày 25 tháng 2 năm 2010, Ðức cha Gianfranco Ravasi đã mô tả nhiều hình thức vô thần hiện hành mà Giáo hội cần phải đối thoại với.
Ðức cha chủ tịch Hội đồng Tòa thánh về văn hóa nói: "Cần phải chú ý đến nhiều hình thức khác nhau của chủ nghĩa vô thần, bởi vì chủ nghĩa này không thể giản lược vào một mô thức duy nhứt. Trước hết, có chủ nghĩa vô thần chính hiệu của Nietszche và Marx. Chủ nghĩa này đã từng gặp khủng hoảng, vì đưa ra một giải thích về thực tại khác với cái nhìn của Kitô giáo. Nhưng với nền đạo đức riêng của nó, chủ nghĩa vô thần này quả đã đưa ra một cái nhìn nghiêm chỉnh và can đảm khi xem con người là một hữu thể đơn độc trong vũ trụ.
Bên cạnh đó là thứ chủ nghĩa vô thần "mỉa mai cay độc" chỉ nhắm tấn công vào những khía cạnh phụ thuộc của niềm tin hay những giải thích "cực đoan" về Kinh Thánh. Ðây là chủ nghĩa vô thần của Onfray, Dawkins và Hitchens.
Cuối cùng, có một chủ nghĩa vô thần khác là thái độ dửng dưng tuyệt đối phát sinh từ trào lưu tục hóa. Ðây là thứ chủ nghĩa vô thần được Charles Taylor tóm tắt trong tác phẩm "Một thời đại thế tục" khi ông viết rằng "Nếu Thiên Chúa phải đến một trong những đô thị của chúng ta ngày nay, thì điều duy nhứt xảy ra là: họ sẽ hỏi "giấy tờ" của Ngài".
CV.