Nhận định về việc

Tòa Án nhân quyền Âu Châu

cấm treo Thánh giá

trong các trường công lập tại Ý

 

Nhận định về việc Tòa Án nhân quyền Âu Châu cấm treo Thánh giá trong các trường công lập tại Ý.

[Zenit 24/6/2010] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Ngày 30 tháng 6 năm 2010, Tòa án tối cao Âu Châu sẽ xét đơn kháng cáo của chính phủ Ý về việc Tòa án nhân quyền Âu Châu cấm treo Thánh giá trong các trường công lập tại nước này.

Tưởng cũng nên nhắc lại: năm 2002, một phụ nữ Ý gốc Phần Lan đã làm đơn kiện lên Tòa Án Nhân Quyền Âu Châu về việc một trường công lập tại Ý vi phạm quyền tự do của hai đứa con của bà, vì cho treo Thánh giá trong các phòng học.

Tháng 11 năm 2009, Tòa án nhân quyền Âu châu có trụ sở tại Strasbourg, Pháp Quốc, đã xử cho người phụ nữ thắng kiện và đưa ra phán quyết yêu cầu chính phủ Ý phải ra lệnh tháo gỡ Thánh giá tại các trường công lập. Lý do mà Tòa án nhân quyền Âu châu nại đến để đưa ra phán quyết trên đây là: Thánh giá là một biểu tượng tôn giáo, treo Thánh giá trong trường công lập xúc phạm đến quyền tự do tôn giáo của học sinh không Công giáo cũng như quyền của cha mẹ được giáo dục con cái theo xác tín riêng của mình.

Dạo tháng Giêng năm 2010, chính phủ Ý đã nộp đơn kháng cáo lên tòa án tối cao Âu châu. Chính phủ Ý khẳng định rằng Thánh giá là một phần của gia sản văn hóa Ý. Kể từ đó, 10 quốc gia trong cộng đồng Âu Châu cũng liên kết với chính phủ Ý để chống lại phán quyết của tòa án nhân quyền Âu Châu. Vấn đề được đặt ra không chỉ là việc cấm treo Thánh giá trong các trường công lập hay các nơi công cộng mà chính là giới hạn thẩm quyền của Tòa án nhân quyền Âu châu.

Tòa thánh đã nhiều lần lên tiếng phán đối phán quyết của Tòa án nhân quyền Âu châu. Và một lần nữa, lập trường của Tòa thánh về vấn đề này được Ðức hồng y cựu chủ tịch Hội đồng Tòa thánh đặc trách việc giải thích các bản văn giáo luật trình bày trong một cuộc hội thảo bàn tròn do Hiệp Hội Nhân Bản Kitô Giáo và văn phòng thủ tướng Ý đồng tổ chức hôm qua thứ Tư 24 tháng 6 năm 2010. Chủ đề của cuộc hội thảo là: "Những giá trị và nhân quyền: giá trị của Thánh giá".

Phát biểu trong cuộc hội thảo, Ðức hồng y Julian Herranz Casado, cựu chủ tịch Hội đồng Tòa thánh đặc trách về việc giải thích các bản văn giáo luật, nói rằng phán quyết của tòa án nhân quyền Âu châu phản ánh trào lưu thế tục cực đoan cũng như óc bài Kitô giáo hiện nay tại lục địa Âu châu. Ðây là chủ trương muốn thu hẹp niềm tin Kitô và tôn giáo nói chung vào lãnh vực riêng tư của lương tâm cá nhân, bằng cách loại bỏ mọi dấu chỉ, biểu tượng hay biểu thị bên ngoài của niềm tin tôn giáo trong những nơi công cộng và các cơ sở dân sự như trường học, bệnh viện . v.v

Theo vị Hồng y Tây Ban Nha 80 tuổi này, lập luận sai lầm đằng sau phán quyết của Tòa án nhân quyền Âu châu là cho rằng sự hiện diện của Thánh giá trong các lớp học "đi ngược lại quyền của các bậc cha mẹ được giáo dục con cái mình theo những xác tín riêng của mình cũng như quyền tự do tôn giáo của trẻ em".

Ðức hồng Herranz nói rằng Tòa án nhân quyền Âu Châu đã sai lầm khi khẳng định rằng sự hiện diện của Thánh giá có thể "gây xáo trộn tâm lý" cho các học sinh, không phát huy óc phê phán nơi học sinh hay chủ nghĩa đa nguyên vốn là điều thiết yếu để bảo tồn xã hội dân chủ.

Ðức hồng y cựu chủ tịch Hội đồng Tòa thánh đặc trách về việc giải thích giáo luật khẳng định rằng việc trưng bày Thánh giá không hề có tính cưỡng bách hay kỳ thị đối với tự do tôn giáo của các học sinh ngoài Kitô giáo. Trái lại, khi đưa ra phán quyết cấm treo Thánh giá trong các trường công lập tại Ý, tòa án nhân quyền Âu Châu đã vi phạm điều 18 của Bản tuyên ngôn quốc tế nhân quyền, bởi vì phán quyết này không đếm xỉa đến các học sinh Kitô tại các trường Ý và di sản tinh thần của các bậc phụ huynh.

Bản tuyên ngôn quốc tế nhân quyền bảo đảm quyền tự do tôn giáo cũng như các quyền khác như quyền tự do bày tỏ tôn giáo hay tín ngưỡng của mình, với tư cách là cá nhân và tập thể, trong chốn riêng tư cũng như nơi công cộng, bằng việc dạy dỗ, thực hành, thờ phượng cũng như tuân giữ các luật lệ tôn giáo.

Ðức hồng y Herranz nhìn nhận rằng "thế tục chắc chắn là một nguyên tắc cấu tạo của các quốc gia dân chủ". Tuy nhiên, khi đưa ra phán quyết cấm treo Thánh giá, Tòa án nhân quyền Âu châu lại phủ nhận quyền của các quốc gia được "tùy nghi quyết định những hình thức cụ thể của nguyên tắc này sao cho phù hợp với các hoàn cảnh khác nhau và các truyền thống địa phương".

Theo Ðức hồng y, "thế tục" không phải là một ý thức hệ buộc phải được áp đặt lên xã hội bằng cách vi phạm các truyền thống, tình cảm và niềm tin tôn giáo của người dân.

Vị Hồng y chuyên gia về giáo luật này cho rằng tòa án nhân quyền Âu châu đã lẫn lộn hai ý niệm: một là nhà nước phải giữ tính trung lập hay không tôn giáo, hai là nhà nước phải chống tôn giáo hay chống lại sự hiện diện của bất cứ biểu tượng tôn giáo nào nơi công cộng.

Ngài nhấn mạnh, thái độ loại trừ tôn giáo này sẽ biến chủ nghĩa vô thần thành một ý thức hệ hay quốc giáo.

Ngoài ra, theo Ðức hồng y Herranz, khi đưa ra phán quyết cấm treo Thánh giá trong các trường công lập tại Ý, tòa án nhân quyền Âu Châu cũng vượt quá giới hạn thẩm quyền của mình. Nói cách khác, tòa án này đã vi phạm quyền và nghĩa vụ chính đáng của mỗi quốc gia được bảo tồn truyền thống và văn hóa của mình. Tòa án này cũng phủ nhận những thỏa ước mà một số quốc gia đã ký kết với Giáo hội Công giáo hay với một số tôn giáo khác.

Ðức hồng y Herranz khẳng định rằng nếu được tham khảo ý kiến trong một cuộc trưng cầu dân ý, đa số công dân tại Ý sẽ bỏ phiếu chống lại phán quyết của tòa án nhân quyền Âu châu.

 

CV.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page