Các tín hữu Kitô

di dân tại Trung Ðông

 

Các tín hữu Kitô di dân tại Trung Ðông.

Chypre [Chiesa on line 21/6/2010] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Nói đến các cộng đồng tín hữu Kitô tại Trung Ðông, người ta thường chỉ chú ý đến các cộng đồng Kitô bản xứ. Thật ra, còn có một cộng đồng tín hữu rất đáng kể tại vùng này: đó là cộng đồng các tín hữu Kitô di dân.

Trong số 10 ngàn người tham dự thánh lễ do Ðức thánh cha Benedicto XVI cử hành tại Nicosia, Chypre, hôm 6 tháng 6 năm 2010, phần lớn không phải là người dân Chypre, mà là những người di dân đến từ Á Châu, Phi Châu và Châu Mỹ Latinh.

Trong bài giảng thánh lễ, chính Ðức thánh cha đã kêu gọi chú ý đến cộng đồng tín hữu di dân này khi ngỏ lời chào thăm một cách đặc biệt các tín hữu đến từ Phi luật tân và Sri Lanka.

Thật vậy, trong tổng số 30 ngàn người di dân hợp pháp tại đảo Chypre, có một nửa là người Ấn độ. Nếu tính những người di dân bất hợp pháp, con số này có thể lên đến 60 ngàn người. Trong số này, có rất nhiều người là tín hữu Công giáo. Mỗi ngày Chúa nhựt, họ đứng chật các nhà thờ. Họ cho con rửa tội tại nhà thờ. Họ là hình ảnh của một Giáo hội mới mẽ và ít được biết đến không những chỉ hiện diện tại Chypre mà còn ở nhiều nơi khác tại Thánh Ðịa và Trung Ðông.

Chypre, vì là một phần của Liên Âu, cho nên là một trong những địa điểm được các di dân chiếu cố nhứt. Một khi đặt chân đến Thổ Nhĩ Kỳ, người di dân sẽ dễ dàng đến Miền Bắc Chypre là phần đất bị nước này chiếm đóng. Từ đó, họ vượt qua biên giới để vào cộng hòa Chypre là nơi được xem như bàn đạp để đi vào các nước Âu Châu khác.

Ðức thánh cha đã kêu gọi tổ chức một Thượng Hội đồng Giám mục thế giới đặc biệt về Trung Ðông vào tháng 10 năm 2010. Một trong những mục tiêu của Thượng hội đồng này là kêu gọi các tín hữu Kitô, hậu duệ của các bậc tiền nhân thuộc những Giáo hội cổ xưa trải dài từ Ðịa Trung Hải đến Vịnh Ba Tư, đừng bỏ rước ra đi.

Hiện nay, do tình trạng bỏ nước ra đi của các tín hữu tại Trung Ðông, con số các tín hữu di dân đã vượt qua con số các tín hữu địa phương. Rất tiếc là trong Tài Liệu Làm Việc của Thượng hội đồng Giám mục thế giới về Trung Ðông, sự hiện diện của họ lại ít được nhắc đến.

Thổ Nhĩ Kỳ là một trường hợp điển hình. Trong thế kỷ vừa qua, sự hiện diện của Kitô giáo tại nước này đã hầu như bị quét sạch. Hiện nay chỉ có các Ðức giám mục và linh mục đến từ Ý là những người đang bảo đảm cho sự sống còn của các cộng đồng Kitô nhỏ bé tại nước này. Tên tuổi của 5 vị tử đạo gần đây cũng đủ để nói lên tình trạng đó. Cha Andrea Santoro và Ðức cha Luigi Padovese là hai người đã bị sát hại không bao lâu trước khi Ðức thánh cha đến viếng thăm Chypre.

Ðức cha Ruggero Franceschini, Giám mục Srmyrna và Anatolie, đã kêu gọi các thiện nguyện viên và các linh mục từ Ý hãy đến truyền giáo tại Thổ Nhĩ Kỳ để bảo đảm và duy trì sự hiện diện của Công giáo tại quốc gia này.

Nhưng về hiện tượng chung của các tín hữu Kitô di dân tại Trung Ðông, đáng chú ý nhứt là những gì đang diễn ra tại Á rập Saudi, quốc gia Hồi giáo đầu tiên, là nơi hiện đang có 2 triệu người Công giáo.

Ðây quả là một điều trớ trêu. Tại chiếc nôi khai sinh của Hồi giáo và tiên tri Mahomet, con số các tín hữu Kitô ngày càng gia tăng. Dĩ nhiên, đây không phải là một sự gia tăng do những cuộc trở lại, mà do làn sóng di dân lao động đổ xô đến các nước Vùng Vịnh.

Dân số của vương quốc Á rập Saudi hiện nay là 27 triệu rưởi người. Trong số này, ước tính có đến 8 triệu người di dân. Nếu nhìn vào vương quốc Á rập thống nhứt, thì tỷ lệ này lại càng cao hơn. Với tổng số dân đang sinh sống trong vương quốc này là gần 6 triệu người, thì dân bản xứ không chiếm hơn 13 phần trăm.

Trong tổng số di dân, một phần lớn là tín hữu Kitô thuộc nhiều Giáo hội khác nhau. Nhưng nhìn chung, người Công giáo chiếm đa số trong dân số di dân đang sinh sống tại Vịnh Á Rập.

Con số người di dân đến Á rập Saudi và các nước vùng Vinh bùng nổ là do kỷ nghệ dầu hỏa. Kể từ thập niên 60, nhu cầu khai thác dầu hỏa tại vùng vịnh ngày càng gia tăng cho nên đòi hỏi phải thu nhận nhân công từ nước ngoài. Các công nhân đầu tiên đến từ Yemen, một quốc gia với 23 triệu dân, được xem là lớn nhứt trong vùng.

Cho đến thập niên 80, chỉ có khoảng một triệu công nhân người Yemen làm việc tại Á rập Saudi. Nhưng tình thế hoàn toàn thay đổi với chiến tranh Vùng Vịnh Thứ Nhứt. Vì chính phủ Yemen đứng về phía Saddam Hussein khi ông này xâm chiếm Kuwait, cho nên đã có ít nhứt 800 ngàn công nhân Yemen bị trục xuất vì bị xem như một mối đe dọa cho an ninh quốc gia. Kể từ đó, không một công nhân Yemen nào có thể xin được chiếu khán nhập cảnh vào Á rập Saudi.

Ðể thế chỗ cho các công nhân Yemen, chính phủ Á rập Saudi kêu gọi công nhân từ các nước khác đến. Ðầu thập niên 90, để bảo đảm mức sản xuất dầu thô vốn chiếm đến gần 90 phần trăm tổng sản lượng quốc gia, nước này khuyến khích làn sóng di dân lao động từ các nước Viễn Ðông như Ấn độ, Phi luật tân , Pakistan.

Nhờ kinh tế gia tăng mau lẹ, Vùng Vịnh Á rập trở thành một trong những nơi đón tiếp di dân lao động nhiều nhứt thế giới.

Hiện nay phủ doãn Tông tòa vùng Vịnh được xem là phủ doãn lớn nhứt thế giới. Phủ doãn này bao gồm 6 quốc gia với trên 3 triệu cây số vuông và với một dân số trên 60 triệu người.

Trụ sở của phủ doãn hiện nay là Abu Dhabi, thủ đô tân tiến của vương quốc Á rập thống nhứt. Hiện chỉ có 61 linh mục và khoảng 100 nữ tu thuộc 6 dòng khác nhau đang phục vụ trong phủ doãn, đặc biệt điều khiển 8 trường học với 16 ngàn học sinh, trong số này có 60 phần trăm là người Hồi giáo. Ngoài ra, các nữ tu cũng coi sóc một số cô nhi viện và trung tâm dành cho người khuyết tật.

 

CV.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page