Ðức Thánh Cha khích lệ tín hữu

say mê Bí Tích Thánh Thể

 

Ðức Thánh Cha khích lệ tín hữu say mê Bí Tích Thánh Thể.

Vatican (Vat. 23/06/2010) - Say mê Bí Tích Thánh Thể, sốt sắng tham dự thánh lễ và năng chuyện vãn với Chúa Giêsu để được dưỡng nuôi bởi ơn thánh là các hoa trái thiêng liêng phát xuất từ Mình và Máu Thánh Chúa Giêsu.

Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI đã khích lệ 8,000 tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi tiếp chung trong đại thính đường Phaolô VI sáng thứ Tư 23 tháng 6 năm 2010 như trên.

Trong bài huấn dụ ngài đã tiếp tục giới thiệu gương mặt của thánh Toma thành Aquino và tác phẩm Tổng Luận Thần Học là tác phẩm lớn nhất của thánh nhân. Tuy chưa hoàn thành, nhưng nó bao gồm 512 câu hỏi và 2669 điểm. Tác phẩm chứa đựng lý luận rất sít sao, qua đó thánh nhân áp dụng trí thông minh của con người vào việc tìm hiểu các mầu nhiệm đức tin với sự rõ ràng sâu sắc, qua hình thức hỏi thưa, bằng cách đào sâu giáo huấn của Kinh Thánh và của các Giáo Phụ, đặc biệt là giáo huấn của thánh Agostino. Trong khi trình bầy các vấn nạn của thời ấy và cũng là các vấn nạn của chúng ta ngày nay, thánh Toma sử dụng cả phương pháp và tư tưởng của các triết gia cỏ xưa nữa, đặc biệt là Aristotele. Và thánh nhân đã đi tới các công thức chính xác, sáng suốt và táo bạo liên quan tới các sự thật đức tin, trong đó sự thật là ơn của đức tin rạng ngời mà suy tư của chúng ta có thể đạt được. Tuy nhiên nỗ lực đó của trí tuệ con người luôn luôn được soi sáng bởi lời cầu nguyện, bởi ánh sáng đến từ Trên Cao. Chỉ có ai sống với Thiên Chúa và các mầu nhiệm có thể hiểu được điều các mầu nhiệm đó diễn tả mà thôi. Ðức Thánh Cha quảng diễn thêm nội dung Tổng Luận Thần Học của thánh Toma như sau:

Trong Tổng Luận Thần Học thánh Toma khởi hành tự sự kiện có 3 kiểu hiện hữu của Thiên Chúa. Thứ nhất Thiên Chúa hiện hữu trong chính mình, Ngài là nguyên lý và cùng đích của mọi sự, vì thế mọi tạo vật phát xuất và tùy thuộc Ngài. Thứ hai, Thiên Chúa hiện diện qua Ơn Thánh trong cuộc sống và hoạt động của kitô hữu và của các thánh. Thứ ba, Thiên Chúa hiện diện một cách hoàn toàn đặc biệt nơi Con Người của Ðức Kitô, hiệp nhất thực sự với con người Giêsu và hoạt động trong các Bí tích nảy sinh từ công trình cứu chuộc của Người. Do đó tác phẩm vĩ đại, cuộc nghiên cứu với cái nhìn thần học về sự tràn đầy của Thiên Chúa, gồm ba phần và có mục đích làm cho Thiên Chúa được biết đến, không chỉ trong chính mình mà còn như là nguyên lý và cứu cánh của mọi tạo vật nữa, đặc biệt là của thụ tạo có lý trí là con người. Giáo lý trình bầy trước hết Thiên Chúa, rồi đến sự chuyển động của thụ tạo hướng tới Thiên Chúa, và thứ ba là Chúa Kitô, như là Người và là đường dẫn chúng ta đến với Thiên Chúa. Ðó là một vòng tròn: Thiên Chúa trong chính mình, ra khỏi chính mình và cầm tay chúng ta, và như thế cùng với Chúa Kitô chúng ta trở về với Thiên Chúa, chúng ta kết hiệp với Thiên Chúa và Thiên Chúa sẽ là tất cả trong mọi người.

Tiếp đến Ðức Thánh Cha đã tóm tắt nội dung của từng phần một trong Tổng Luận Thần Học. Phần thứ nhất tìm hiểu về Thiên Chúa trong chính Ngài, về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi và hoạt động tạo đựng của Thiên Chúa. Trong phần này chúng ta cũng tìm thấy một suy tư sâu xa về thực tại đích thật của bản thể con người, phát xuất từ bàn tay tạo dựng của Thiên Chúa, hoa trái tình yêu của Ngài. Một đàng chúng ta được tạo dựng, tùy thuộc chứ không tự mình mà đến; đàng khác chúng ta có một sự độc lập thực sự, chứ không phải chỉ là cái gì bề ngoài như một vài triết gia thuộc trường phái Platone nói, mà là một thực tại do Thiên Chúa muốn như thế và có giá trị trong chính mình.

Phần hai của Tổng Luận Thần Học đề cập đến con người, được Ơn Thánh thúc đẩy trong ước vọng hiểu biết và yêu mến Thiên Chúa để được hạnh phúc trong thời gian, và trong cuộc sống đời đời. Trước hết tác giả trình bầy các nguyên lý thần học của hành động luân lý, bằng cách nghiên cứu xem trong sự lựa chọn có các hành động tốt của con người, lý trí, ý chí, và các đam mê hòa hợp với nhau ra sao, rồi lại có thêm sức mạnh của Ơn Thánh Chúa qua các nhân đức và ơn của Chúa Thánh Thần, cũng như sự trợ giúp của luật lệ luân lý. Như thế con người là một sinh vật năng động, tìm kiếm chính mình, tìm trở thành chính mình và tìm chu toàn các hành động tạo thành nó, khiến cho nó thực sự là người. Ở đây có sự can thiệp của luật lệ luân lý, Ơn Thánh, lý trí riêng, ý chí và các mê. Trên nền tảng này, thánh Toma thành Aquino vẽ ra diện mạo con người sống theo Chúa Thánh Thần, và như vậy trở thành hình ảnh của Thiên Chúa. Thánh nhân tìm hiểu ba nhân đức đối thần tin cậy mến, theo sau đó là 50 nhân đức luân lý khác nữa, được tổ chức thành 4 nhóm nhân đức chính: cẩn trọng, công chính, tiết độ và mạnh mẽ. Thánh nhân kết thúc với các ơn gọi khác nhau trong Giáo Hội.

Phần thứ ba nghiên cứu Mầu Nhiệm Chúa Kitô, cuộc sống và chân lý, qua Người chúng ta có thể đến với Thiên Chúa Cha. Trong phần này thánh Toma đã viết các trang tuyệt tác về Mầu Nhiệm Nhập Thể, Cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu và một khảo luận rộng rãi về 7 Bí Tích, trong đó Ngôi Lời nhập thể trải dài các ơn ích cuộc Nhập Thể ra cho ơn cứu độ của chúng ta, cho con đường đức tin dẫn đưa chúng ta đến với Thiên Chúa và sự sống vĩnh cửu. Thiên Chúa hiện diện với các thực tế của các thụ tạo và đánh động chúng ta từ bên trong.

Thánh Toma đặc biệt dừng lại trên Mầu Nhiệm Thánh Thể, mà người rất sùng kính, đến độ các sách tiểu sự cũ kể lại rằng người thường tựa đầu vào Nhà Tạm như thể để nghe Con Tim của Chúa Giêsu đập nhịp trong đó. Trong một tác phẩm chú giải Kinh Thánh thánh Toma giúp chúng ta hiểu sự tuyệt diệu của Bí Tích Thánh Thể khi viết như sau: "Vì là Bí tich cuộc Khổ Nạn của Chúa, Thánh Thể chứa đựng trong chính mình Chúa Giêsu Kitô, cũng là hiệu qủa của bí tích này, vì không là gì khác hơn là việc áp dụng nơi chúng ta Cuộc Khổ Nạn của Chúa: (In Ioannem, c.6, lect. 6,n.963). Rồi Ðức Thánh Cha mời gọi tín hữu như sau:

Anh chị em thân mến, chúng ta cũng hãy học cùng các thánh say mê Bí Tích này! Hãy nghiêm trang tham dự Thánh Lễ để được các hoa trái thiêng liêng, hãy nuôi mình bằng Mình và Máu Chúa, để không ngừng được dinh dưỡng bởi Ơn Thánh Chúa! Hãy thích năng chuyện vãn, diện đối diện và đồng hành với Bí Tích Rất Thánh!

Thánh Toma cũng minh giải các sự thật lòng tin với sự sít sao khoa học trong nhiều tác phẩm lớn khác như Tổng Luận chống lại Dân Ngoại, và trong việc giảng dậy sinh viên và bài giảng cho giáo dân. Năm 1273, tức một năm trước khi qua đời, trong trọn mùa chay người đã giảng trong nhà thờ thánh Ðaminh Cả ở Napoli; và các bài giảng được thu thập thành các Tập Nhỏ trong đó thánh nhân giải thích Kinh Tin Kính của các Tông Ðồ, chú giải Kinh Lậy Cha, minh giải Mười Ðiều Răn và giải thích Kinh Kính Mừng. Nội dung giảng dậy của Tiến Sĩ Thiên Thần hầu như tương đương hoàn toàn với cấu trúc của sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo.

Chẳng hạn trong Tập về Kinh Tin Kính của các Tông Ðồ, thánh nhân giải thích giá trị của đức tin. Qua đức tin linh hồn kết hiệp với Thiên Chúa và sinh ra mầm sự sống vĩnh cửu. Cuộc sống nhận được sự hướng dẫn cách chắc chắn và chúng ta thắng vượt được các cám dỗ. Ai phản bác cho răng đức tin là sự dại dột, vì khiến cho người ta tin vào cái gì không xảy ra trước các giác quan, thánh Toma cống hiến một câu trả lời rất chi tiết. Người nhắc cho biết rằng đây là một sự nghi hoặc bất nhất, vì trí thông minh của con người có giới hạn và không thể biết được hết mọi sự. Chỉ trong trường hợp chúng ta có thể biết mọi sự hữu hình và vô hình một cách hoàn toàn, mà lại chấp nhận các chân lý của đức tin tinh tuyền, thì mới là điên dại. Ngoài ra không thể sống mà không tín thác nơi kinh nghiệm của kẻ khác, nơi sự hiểu biết mà cá nhân không đạt tới được. Vì thế nên là điều có lý, khi tin nơi Thiên Chúa là Ðấng tự mạc khải và tin nơi chứng tá của các Tông Ðồ. Các vị là một nhóm ít ỏi, và là những người đơn sơ nghèo hèn, khổ đau tan nát vì Thầy bị đóng đanh, thế mà có nhiều người khôn ngoan, người thượng lưu giầu có đã hoán cải tin theo trong thời gian ngắn nhờ nghe các ngài rao giảng. Trên bình diện lịch sử đây là một hiên tượng tôn giáo lạ lùng, khó có thể đưa ra câu trả lời, nếu không phải là cuộc gặp gỡ của các Tông Ðồ vời Chúa Phục Sinh.

Ðức Thánh Cha cũng đế cập tới chú giải của thánh Toma về Kinh Tin Kính, Kinh Lậy Cha và lòng sùng mộ của thánh nhân đối với Ðức Mẹ. Thánh nhân định nghĩa Ðức Mẹ là nơi Thiên Chúa Ba Ngôi nghỉ ngơi. Và người đã sáng tác một lời cầu rất hay như sau:"Ôi lậy Ðức Trinh Nữ Maria Mẹ Thiên Chúa rất điễm phúc và dịu dàng, con xin phó thác cho trái tim mẹ toàn cuộc sống của con... Xin hướng dẫn con, ôi Ðức Bà rất dịu ngọt của con, đức ái đích thật, nhờ đó con có thể yêu mến với tất cả tấm lòng Con rất thánh của Mẹ và sau Ngài là yêu Mẹ, trên tất cả mọi sự và yêu thương tha nhân trong Thiên Chúa và vì Thiên Chúa".

Sau khi chào các tín hữu bằng nhiều thứ tiếng khác nhau Ðức Thánh Cha cầu chúc mọi người những ngày hành hương thánh thiện hữu ích, rồi ngài cất Kinh Lậy Cha và ban phép lành tóa thánh cho mọi người.

 

Linh Tiến Khải

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page