Các Ðức giám mục Âu Châu

nhắc lại tầm quan trọng

của biểu tượng Thánh giá

 

Các Ðức giám mục Âu Châu nhắc lại tầm quan trọng của biểu tượng Thánh giá.

Roma [Zenit 18/6/2010] - Các Ðức giám mục Âu Châu khẳng định rằng Thánh giá là "biểu tượng của bản sắc và truyền thống" Âu Châu.

Vài ngày sau phiên tòa đầu tiên tại Tòa Án Nhân Quyền Âu Châu nhằm xét lại kháng cáo của chính phủ Ý về việc Tòa này ra phán quyết cấm treo Thánh giá trong các trường công lập, các Ðức giám mục Âu Châu tiếp tục nhắc lại tầm quan trọng của việc tôn trọng những tình cảm tôn giáo của các dân tộc và truyền thống tại Âu Châu.

Theo các Ðức giám mục Bulgari, "không ai đặt lại vấn đề về các cội rễ Kitô của Âu Châu; nền văn minh Âu Châu có hiện hữu hay không là nhờ Kitô giáo". Các Ðức giám mục Bulgari nói rằng Thánh giá là biểu tượng của tình yêu sâu xa nhứt cũng như tình liên đới đích thực với tất cả mọi người, bất luận niềm tin tôn giáo, chủng tộc hay quốc gia.

Về phần mình, các Ðức giám mục Hy lạp nhận định rằng việc Tòa án nhân quyền Âu Châu đưa ra phán quyết cấm treo Thánh giá trong các trường công lập tại Ý là khởi đầu của một loạt hành động qua đó một số chính trị gia và đại diện các nước trong cộng đồng âu châu muốn loại bỏ các cội rễ Kitô ra khỏi Hiến Pháp của lục địa.

Theo các Ðức giám mục Hy lạp, một thiếu số nhỏ không nên ngăn cản tuyệt đại đa số biểu lộ niềm tin tôn giáo theo những truyền thống của họ. Cấm trưng bày các biểu tượng tôn giáo là một hành đông mâu thuẫn, bởi vì chối bỏ gia sản tôn giáo và văn hóa của một quốc gia.

Riêng Ðức hồng y Keith O' Brien, chủ tịch Hội đồng Giám mục Scotland giải thích rằng treo Thánh giá nơi công cộng không hề là một hành động nhằm áp đặt Kitô giáo, mà chỉ là một lời mời gọi và là một cử chỉ tỏ tình liên đới của người tín hữu Kitô với mọi dân tộc. Theo vị Hồng y này, Âu Châu là một lục địa đa văn hóa và đa nguyên, trong đó Nhà nước và Giáo hội hoàn toàn tách biệt nhau và trong đó mọi quyền của các tín đồ tôn giáo cũng như không tôn giáo đều được tôn trọng. Tuy nhiên, theo ngài, phân biệt như thế không hề có nghĩa là buộc người ta phải từ bỏ truyền thống văn hóa của mình.

Trong một tuyên ngôn mang chữ ký của Ðức cha Angelo Massafra, phó chủ tịch Hội đồng Giám mục Albani, các Ðức giám mục nước này cũng khẳng định rằng "mọi quốc gia đều có bổn phận và quyền lợi để bảo tồn những biểu tượng tôn giao của văn hóa mình". Các ngài giải thích rằng "trong văn hóa và truyền thống Kitô, Thánh giá là biểu tượng của ơn cứu độ chung và tự do của nhân loại".

 

CV.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page