Lời xin lỗi công khai

của Ðức Thánh Cha

 

Lời xin lỗi công khai của Ðức Thánh Cha.

Roma [La Croix 17/6/2010] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Hôm thứ Sáu 11 tháng 6 năm 2010, nhân dịp bế mạc Năm Linh Mục, Ðức thánh cha Benedicto XVI đã lập lại công thức "sám hối" đã từng được người tiền nhiệm của ngài là đức Gioan Phaolo II xử dụng. Tuy nhiên, nếu đức Gioan Phaolo II đã xin lỗi vì những lỗi lầm của con cái Giáo hội trong quá khứ, thì lần này đức đương kim Giáo hoàng lại xin lỗi vì những lỗi lầm hiện tại của Giáo hội.

Những lời xin lỗi của Ðức thánh cha hôm thứ Sáu 11 tháng 6 năm 2010 đã vang dội khắp quảng trường thánh Phero. Khi lên tiếng xin lỗi vì những hành vi lạm dụng tình dục trẻ em của một số linh mục, Ðức thánh cha đã lập lại nguyên văn lời xin lỗi mà cách đây 10 năm đức Gioan Phaolo II cũng đã từng thốt lên.

Ðức Thánh Cha nói: "Chúng tôi thành khẩn xin lỗi Chúa và những người liên hệ, đồng thời cam kết làm hết sức có thể để những lạm dụng như thế không bao giờ xảy ra nữa". Lời xin lỗi này kết thúc một Năm bị hoen ố vì những hành vi lạm dụng tình dục trẻ em của một số linh mục bị tiết lộ.

Ðây là lần đầu tiên Ðức Benedicto XVI đã nhân danh Giáo hội chính thức xin lỗi vì những lỗi phạm của con cái mình. Ðây là cao điểm của một loạt những biện pháp "không nhân nhượng" về vấn đề đã được đưa ra từ năm 2006. Lời xin lỗi của Ðức thánh cha tại quảng trường thánh Phero sáng thứ Sáu 11 tháng 6 năm 2010 là một tiếp nối của những lời mà ngài đã nói tại nhiều nơi khác nhau trước đó. Trong chuyến viếng thăm Hoa kỳ, ngài nói đến "sự xấu hổ" do các hành vi lạm dụng tình dục trẻ em của các linh mục gây ra. Tại Sydney, Úc đại lợi, ngài nói rằng ngài "rất lấy làm đau buồn". Trong lá thư gởi người Công giáo Ái Nhĩ Lan, ngài nói đến sự cần thiết phải sám hối. Và trong chuyến hành hương mới đây tại Fatima, ngài nói đến "những tội lỗi trong chính Giáo hội". Tựu trung, sợi chỉ xuyên suốt trong những lời tuyên bố của đức Benedicto XVI về những vụ lạm dục tình dục trẻ em trong Giáo hội chính là lòng sám hối.

Cha Francois Euvé, một linh mục Dòng Tên người Pháp nhận định rằng với hai tiếng xin lỗi, Ðức thánh cha đã nhìn nhận trách nhiệm tập thể và nói lên tình liên đới của tất cả mọi thành phần Giáo hội về tội lỗi của một số người.

Một chuyên gia về Tòa thánh là ông Luigi Accattoli thì khẳng định rằng đức Benedicto XVI đã xử dụng công thức mà vị tiền nhiệm của ngài là Ðức Gioan Phaolo II đã đề ra khi kêu gọi sám hối ngày 12 tháng 3 năm 2000.

Cách đây 10 năm, đức Gioan Phaolo II đã từng nói: "Chúng tôi xin Chúa tha thứ" vì những tội lỗi đã phạm nhân danh việc tìm kiếm Chân Lý hay chống lại dân tộc Do thái. Cũng như hồi năm 2000, năm nay (2010), liền sau hai tiếng xin lỗi, đức Benedicto XVI cũng bày tỏ cam kết: sẽ không bao giờ lập lại những lỗi phạm ấy. Lời xin lỗi của Ðức Benedicto XVI gắn liền với lời hứa hoán cãi.

Những lời xin lỗi và sám hối trong Năm Thánh 2000 là một trong những khía cạnh mới mẽ nhứt trong triều đại của đức Gioan Phaolo II. Nhưng đây cũng là khía cạnh bị phản đối nhiều nhứt, đặc biệt từ những người Công giáo thủ cựu vốn xem hành động của đức Gioan Phaolo II như một đảo lộn nền tảng của Giáo hội.

Tiếp tục đường hướng của người tiền nhiệm, đức Benedicto XVI cũng đặt nặng sự cần thiết phải sám hối. Trong bài diễn văn nhậm chức hồi năm 2005, đức Benedicto XVI đã nhấn mạnh đến "sự khẩn thiết phải thanh tẩy ký ức mà đức Gioan Phaolo II đã không ngừng kêu gọi".

Có khác chăng là trong khi Ðức Gioan Phaolo II nói đến những lỗi phạm của con cái Giáo hội trong quá khứ, thì đức đương kim Giáo hoàng lại nhấn mạnh đến những lỗi phạm hiện tại. Nhìn nhận những lỗi phạm hiện tại, đó là điều mà Ðức thánh cha đã kêu gọi hôm thứ Sáu 11 tháng 6 năm 2010. Trái với đức Gioan Phaolo II, ngài đã không xin lỗi vì những lỗi phạm trong quá khứ, mà vì những lỗi phạm của ngày hôm nay. Vấn đề không phải là thanh tẩy ký ức mà là thanh luyện cuộc sống hiện tại.

Cha Philipphe Bordeyne, khoa trưởng phân khoa Thần Học "Theologicum" tại Paris nói rằng đây là một "hành động cai quản hiếm có: Giáo hoàng, với tư cách là người đứng đầu trong hàng ngũ Giám mục, đảm nhận trách nhiệm "của Giám mục đoàn" về những gì đã xảy ra. Theo cha Bordeyne, đây cũng là một cách đặt lại vấn đề về một số lệch lạc trong việc cai quản Giáo hội như đã được Ðức thánh cha ám chỉ đến trong lá thư gởi cho người Công giáo Ái Nhĩ Lan. Nhưng lệch lạc đó là sự thinh lặng của hàng giáo phẩm, sự phân biện không đày đủ về ơn gọi...

Hai tiếng xin lỗi của Ðức thánh cha cũng mang dấu ấn nổi bật của thần học gia Ratzinger. Nó phản ánh quan niệm của thánh Augustino về một lịch sử trong đó con người hoàn toàn là "tội nhân". Ðây là cái nhìn mà người ta thường bắt gặp trong các tác phẩm của Ðức hồng y Ratzinger.

Ngoài ra, theo nhận định của Isabelle de Gaulmyn, ký giả của nhựt báo Công giáo Pháp La Croix, trong lời xin lỗi của đức Benedicto XVI có lẽ cũng phải nhận ra vết tích còn sót lại của lịch sử bi thảm của nước Ðức.

Theo tác giả Luigi Accattoli, Ðức Benedicto XVI là vị Giáo hoàng ý thức một cách đặc biệt về mầu nhiệm tội lỗi, nhứt là tội lỗi trong Giáo hội. Người ta hẳn còn nhớ: trong bài suy niệm trong Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh năm 2005, trước khi đức Gioan Phaolo II qua đời, Ðức hồng y Ratzinger đã nói đến "những chiếc áo và khuôn mặt hoen ố của Giáo hội".

 

CV.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page