Ðức Thánh Cha kêu gọi thực thi

một nền kinh tế liên đới và nhân bản

 

Ðức Thánh Cha kêu gọi thực thi một nền kinh tế liên đới và nhân bản.

Vatican (SD 12-6-2010) - Ðức Thánh Cha Biển Ðức 16 kêu gọi các giới hữu trách thực thi một nền kinh tế liên đới, nhân đạo, tôn trọng phẩm giá của mọi người.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 12 tháng 6 năm 2010 dành cho 100 tham dự viên khóa họp chung lần thứ 45 của Ngân Hàng Phát triển của Hội đồng Âu Châu. Cơ quan này được thành lập năm 1956 với mục đích tài trợ các dự án xã hội liên hệ tới sự phát triển, đáp ứng những tình trạng khẩn cấp và góp phần cải tiến điều kiện sống của những người túng thiếu.

Lên tiếng tại buổi tiếp kiến, Ðức Thánh Cha nói: "Quí vị cùng với tôi đều biết rằng thế giới và Âu Châu đang trải qua một giai đoạn khủng hoảng trầm trọng về kinh tế và tài chánh. Thời điểm này không được dẫn tới những hạn chế, dựa trên một phân tích hoàn toàn có tính chất tài chánh mà thôi. Trái lại nó phải giúp Ngân Hàng Phát triển chứng tỏ đặc điểm của mình bằng cách củng cố sự hội nhập xã hội, quản lý môi trường và phát triển các cơ cấu hạ tầng công cộng nhắm mục tiêu xã hội. Tôi nhiệt liệt khích lệ công việc này của Ngân Hàng theo chiều hướng đó và trong tình liên đới".

Ðức Thánh Cha ghi nhận rằng sau Ðông Âu được giải thoát khỏi các ý thức hệ độc tài, sự giải phóng này chỉ được sử dụng vào mục tiêu phát triển kinh tế, mà không nhắm đến sự phát triển nhân bản hơn, tôn trọng phẩm giá và sự cao trọng của con người.

Ðức Thánh Cha đặc biệt đề cao lòng bác ái Kitô như một động lực mạnh mẽ có khả năng mang lại một năng lực đích thực khả dĩ tưới gội toàn thể môi trường xã hội, luật pháp, văn hóa, chính trị và kinh tế". Trong chiếu hướng đó, ngài cũng tố giác xu hướng loại bỏ mọi căn cội Kitô ra khỏi các môi trường xã hội ở Âu Châu ngày nay. Ðức Thánh Cha nói: "Kitô giáo đã giúp Âu Châu hiểu thế nào là tự do, trách nhiệm, luân lý đạo đực, thấm nhiễm các luật lệ và cơ cấu xã hội. Gạt Kitô giáo ra ngoài lề, kể cả việc loại bỏ các biểu tượng của Kitô giáo, sẽ góp phần cắt bỏ đại lục chúng ta khỏi nguồn mạch cơ bản đã không ngừng nuôi dưỡng và góp phần vào căn tính đích thực của đại lục này. Quả thực Kitô giáo ở nơi nguồn mạch các giá trị tinh thần và luân lý, gia sản chung của các dân tộc Âu Châu", những giá trị mà các quốc gia thành viên của Hội đồng Âu Châu đã bày tỏ lòng gắn bó không lay chuyển trong Lời Tựa của Quy Chế Hội đồng Âu Châu".

Ðức Thánh Cha không quên cám ơn Ông Thống đốc Ngân Hàng phát triển Âu Châu đã tặng ngài mề đai như kỷ niệm cuộc gặp gỡ này (SD 12-6-2010).

 

G. Trần Ðức Anh, OP

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page