Các linh mục và việc

xử dụng kỹ thuật số

 

Các linh mục và việc xử dụng kỹ thuật số.

Phỏng vấn Cha Luca Bressan, giáo sư thần học mục vụ tại Phân Khoa thần học miền Bắc Italia.

Roma (Avvenire 28-4-2010) - Trong các ngày từ 22 tới 24 tháng 4 năm 2010 đại hội toàn quốc Italia lần thứ II về truyền thông đã diễn ra tại Roma, với sự tham dự của 1,300 người trong đó có 20 Hồng Y, Giám Mục, hàng trăm linh mục, tu sĩ nam nữ đặc trách truyền thông và 250 ký giả của hơn 180 tờ báo giáo phận. Ðại hội do Văn phòng văn hóa và truyền thông của Hội Ðồng Giám Mục tổ chức có đề tài là "Các chứng nhân kỹ thuật số. Những khuôn mặt và ngôn ngữ trong thời đại các phương tiện truyền thông giao thoa nhau". Ðại hội truyền thông toàn quốc Italia lần thứ I đã được triệu tập hồi năm 2002 về đề tài "Parabole truyền thông". Mục đích của đại hội là củng cố dấn thân của Giáo Hội tại Italia trong lãnh vực truyền thông.

Trả lời cuộc phỏng vấn của chương trình Ý ngữ đài Vaticăng, Ðức Ông Domenico Pompili, Phó chủ tịch Ủy ban truyền thông của Hội Ðồng Giám Mục Italia nói: Chúng ta tất cả đều ý thức về sự kiện hệ thống liên mạng đã thay đổi kiểu sống và suy nghĩ của chúng ta, và chắc hẳn là cả sự va chạm và ảnh hưởng của nó trong năng động của các tương quan hằng ngày nữa. Khởi đầu từ ý thức này, chúng tôi nghĩ rằng đã đến lúc cần phải kiểm điểm hiệu qủa của hệ thống liên mạng trên bình diện văn hóa. Sự kiện 67% người trẻ vào địa chỉ liên mạng "Facebook" cần được giải thích. Thế rồi phải duyệt xét tương quan giữa hệ thống liên mạng và việc loan báo Tin Mừng, bởi vì Giáo Hội không thể nào tách rời khỏi ngôn ngữ của con người mà mình muốn loan báo Chúa Giêsu Kitô cho họ. Ðó là lý do tại sao chúng tôi đã chọn đề tài cho đại hội là "Các chứng nhân kỹ thuật số". Viễn tượng không chỉ là thuần túy kỹ thuật hay kinh tế, nhưng liên quan tới con người cần được loan báo Tin Mừng. Thái độ cần có đối với tình trạng kỹ thuật số hiện nay là không được khép kín, cũng không rộng mở một cách ngây ngô, nhưng phải có óc phê bình và phân định bén nhậy.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn Linh Mục Luca Bressan, giáo sư thần học mục vụ tại Phân khoa thần học Bắc Italia và tại Ðại chủng viện tổng giáo phận Milano. Từ nhiều năm nay cha Bressan nghiên cứu các vấn đề gắn liền với lãnh vực mục vụ và giáo xứ. Mới đây cha bắt đầu nghiên cứu tương quan giữa kỷ nguyên kỹ thuật số và đời sống giáo hội.

Hỏi: Thưa cha Bressan, cha nghĩ gì về tương quan giữa linh mục và kỹ thuật số trong cuộc sống xã hội hiện nay?

Ðáp: Ðối với một linh mục, hiện diện trong Liên Mạng không thể có ý nghĩa là xây dựng một căn cước bên ngoài và giải thích hệ thống liên mạng như là một bảng quảng cáo cái tôi của mình. Liên mạng chỉ là một trong các chiều kích cuộc sống hiện nay của linh mục. Vì thế thật là điều đúng đắn, khi vị linh mục sống chiều kích ấy và hiểu biết nó để hiểu biết các mệt nhọc cũng như các cơ may nó cống hiến cho. Hơn là hiện diện trong không gian kỹ thuật số, linh mục được mời gọi và phải ở trong không gian kỹ thuật số ấy, nhưng không sử dụng nó theo cái luận lý chiếm hữu không gian.

Hỏi: Trong sứ điệp gửi Ngày Thế Giới Truyền Thông 2010, Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI viết rằng với biến cố kỹ thuật số linh mục sống trong một lịch sử mới. Thế giới "ảo" đã thay đổi kiểu là linh mục hay sao thưa cha?

Ðáp: Tôi thích nói rằng linh mục đang thay đổi kinh nghiệm sống của mình. Có 3 nét diễn tả sự thay đổi đó. Thứ nhất là linh mục mất đi sự xa cách của tính chất thánh thiêng đã từng có trước đây, và vì thế ở trên cùng mức độ với người khác. Thứ hai linh mục bước vào trong một kỷ nguyên, trong đó khó mà có thể sống một mình: hậu qủa là việc vào trở lại trong chính mình để lắng nghe tiếng Chúa có thể trở thành vấn đề, trong nghĩa linh mục liên tục bị kích thích qúa mức. Và thứ ba, kỹ thuật số được định nghĩa là "công giáo" trong nghĩa nó chứa đựng tất cả, và cho phép tiếp xúc với các khác biệt một cách mà trong qúa khứ đã không thể nào tưởng tượng nổi.

Hỏi: Cha có sợ rằng căn tính linh mục bị tiêm nhiễm bởi một vài yếu tố hàm hồ của thế giới "ảo" hay không?

Ðáp: Tôi nghĩ là có. Và tôi đặc biệt trông thấy hai nguy cơ. Thứ nhất là nguy cơ của sự tạm bợ. Trên hệ thống liên mạng, tôi có thể tái nhào nặn mình theo môi trường, trong đó tôi vào và tiếp xúc. Bối cảnh xác định căn tính của tôi. Nguy cơ thứ hai là sự toàn năng: vì có thể biến đổi liên tục, tôi được phép vẽ trở lại chính mình một cách hoàn toàn.

Hỏi: Thưa cha, làm thế nào để cho thấy con tim của người được thánh hiến trong lục địa kỹ thuật số?

Ðáp: Dìm mình trong chiều kích này là điều vất vả và chậm chạp: ngày nay thế giới kỹ thuật số có nguy cơ là một thế giới vô ngộ, hay ít chú ý tới vấn đề Thiên Chúa, đặc biệt trong gương mặt Kitô của nó. Nhưng tôi thích giải thích sự chậm trễ này như một sự kiện vật lý: cần phải bước vào đó với sự điềm tĩnh, và rảo qua các ngã đường cho phép kinh nghiệm của chúng ta không bị nghèo nàn đi.

Hỏi: Một linh mục có thể trao ban một linh hồn cho hệ thống liên mạng không thưa cha?

Ðáp: Có thể lắm chứ! Ðiều quan trọng đó là ở trong hệ thống ấy một cách nhưng không, chú ý tới nội dung mà mình muốn trao ban cho nó, bắt đầu với sứ điệp cứu rỗi bắt nguồn từ Chúa Kitô, và chứng minh cho thấy có thể xây dựng các tương quan mà không có lợi thế cá nhân nào.

Hỏi: Thưa cha, vậy thì làm thế nào để giúp các chủng sinh trong các đại chủng viện đương đầu với các thách đố của kỹ thuật số?

Ðáp: Không cần chỉ phải lo lắng cho việc sử dụng điện thoại di động hay hệ thống liên mạng khi nào và ra sao. Ðiều cần thiết đó là các linh mục tương lai biết đọc hiểu thách đố nhân chủng học, mà các phương tiện truyền thông tân tiến chứa đựng. Vì thế giới kỹ thuật số đang thay đổi kiểu suy tư và nhìn xem con người, nên cần giúp các chủng sinh biểu rằng, để xây dựng căn tính riêng của mình không thể chỉ tùy thuộc nơi các cảm xúc và tư tưởng, mà thế giới kỹ thuật số thông truyền cho chúng ta. Trái lại, phải cấp thiết hiểu rằng thế giới kỹ thuật không phải là tất cả của cuộc sống sống con người. Hệ thống liên mạng có thể là lúc khởi đầu, nhưng không bao gồm hết thực tại cuộc sống con người. Tôi nghĩ tới hình ảnh những người trẻ hhông thể tách rời khỏi điện thoại di động. Họ sống như là các nhân vật của phim "Avatar" và họ sợ hãi giao mình cho người khác. Trái lại, đức tin dậy cho chúng ta biết sự thật của tương quan: Thiên Chúa đã làm người để cho chúng ta trông thấy "một cách trực tiếp" gương mặt của Ngài, các phản ứng, các xúc động, các đau đớn và các hy vọng của Ngài.

Giáo dục tương quan có nghĩa là nhấn mạnh rằng tôi phải trở thành con tin của người khác, nếu tôi muốn có một tương quan đích thật với họ.

Hỏi: Các hình thức tương quan thường là ở hàng ngang, và điều này được diễn tả ra bằng sự kiện thiếu các người cha. Làm sao một linh mục có thể trở thành một người hướng đạo thưa cha?

Ðáp: Chính thế giới kỹ thuật số cho chúng ta thấy nó là một thế giới không có các người cha, nhưng lại đi rất sát với giới trẻ. Do đó, tại sao dụ ngôn người con hoang đàng có thể là một điểm tham chiếu ngày nay. Ban đầu đứa con không trông thấy người cha của mình, nhưng rồi anh ta thừa nhận cha như ông thật sự là cha. Theo mẫu gương đó, tôi nghĩ rằng nhiệm vụ của các linh mục là ở trong các phương tiện truyền thông mới mẻ ngày nay, cả khi ban đầu sự hiện diện của chúng có bị khước từ đi nữa.

Hỏi: Thưa cha, đâu là các con đường mà linh mục có thể theo để tiếp nhận các viễn tượng "mục vụ vô biên giới" của bối cảnh mới này?

Ðáp: Trước hết bằng cách loan báo cho biết chúng ta là ai. Nhưng đồng thời cũng minh nhiên cho biết rằng các kho tàng của chúng ta cần phải được kiếm tìm và duy trì. Thật là điều không đúng đắn khi mang các kho tàng của chúng ta tới các nơi không thể tiếp nhận con người trong sự toàn vẹn của nó.

Hỏi: Thưa cha, trong nền văn hóa kỹ thuật số Kitô giáo có thể là nhân vật chính chủ động hay không?

Ðáp: Chắc chắn là có thể rồi! Các dấu chỉ là trung tâm của hệ thống liên mạng và truyền thống Kitô thông truyền cho chúng ta một khả năng triệt để tiếp nhận các dấu chỉ để loan báo Thiên Chúa và ý nghĩa sâu xa của cuộc sống. Chắc hẳn thánh Phaolô sẽ cảm thấy rất thoải mái trước thách đố này, bởi vì thánh nhân biết rõ các luật lệ của ngôn ngữ, và cũng có can đảm khởi hành trở lại khi có các chuyện không được trôi chảy như mong muốn.

(Avvenire 28-4-2010)

 

Linh Tiến Khải

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page