Kỷ niệm 5 năm

Ðức Razinger làm Giáo Hoàng

 

Kỷ niệm 5 năm Ðức Razinger làm Giáo Hoàng.

Phỏng vấn giáo sư Andrea Riccardi, sáng lập viên Cộng đồng thánh Egidio, về 5 năm triều đại Giáo Hoàng của Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI.

(Avvenire 18-4-2010) - Ngày 19 tháng 4 năm 2010 là kỷ niệm đúng 5 năm Ðức Joseph Ratzinger được bầu làm Giáo Hoàng lấy tên là Biển Ðức XVI, và ngày 24 tháng 4 năm 2010 Ðức Tân Giáo Hoàng đã chủ sự thánh lễ khai mạc sứ vụ Chủ Chăn Giáo Hội Hoàn Vũ tại quảng trường Thánh Phêrô.

Trong 5 năm làm Giáo Hoàng Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI đã công bố 3 Thông Ðiệp: Deus caritas est năm 2005; Spe salvi năm 2007; Caritas in veritate năm 2009; và 1 Tông Huấn Sacramentum caritatis năm 2007. Ðức Thánh Cha cũng đã chủ sự 7 lễ phong hiển thánh cho 28 Chân phước và 2 Mật Nghị Hồng Y tấn phong 38 tân Hồng Y. Ðức Thánh Cha cũng chủ sự 3 Thượng Hội Ðồng Giám Mục về các đề tài: Thánh Thể như suối nguồn và tột đỉnh cuộc sống và sứ mệnh của Giáo Hội năm 2005; Lời Chúa trong cuộc sống và sứ mệnh của Giáo Hội năm 2008; và Thượng Hội Ðồng Giám Mục Phi châu kỳ II năm 2009. Ðức Thánh Cha cũng đã thực hiện 31 chuyến tông du: 14 chuyến viếng thăm mục vụ tại nước ngoài và 17 chuyến trong nước Italia.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn giáo sư Andrea Riccardi, sáng lập viên Cộng đồng thánh Egidio, về 5 năm triều đại Giáo Hoàng của Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI.

Hỏi: Thưa giáo sư Riccardi, dịp kỷ niệm 5 năm Giáo Hoàng của Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI xem ra bị lu mờ vì các vụ giáo sĩ tu sĩ bị tố cáo lạm dụng tính dục trẻ em. Giáo sư có cảm thấy như thế không?

Ðáp: Cần phải tránh khiến cho ý thức về cuộc khủng hoảng này biến thành khuynh hướng yếm thế bi quan. Chúng ta phải làm hơn thế nữa. Cách đây mấy hôm Ðức Thánh Cha đã kêu gọi chúng ta sám hối. Ðiều này sẽ không làm cho tình trạng khủng hoảng và các hiểu lầm qua đi. Nhưng đàng khác Giáo Hội luôn sống trong tình trạng khủng hoảng, còn hơn thế nữa Giáo Hội luôn sống trong tình trạng hấp hối, nghĩa là trong tình trạng chiến đấu.

Hỏi: Có lẽ chúng ta đã quen với các kỷ niệm các biến cố huy hoàng trong triều đại giáo hoàng trước của Ðức Gioan Phaolô II chăng...

Ðáp: Cả Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cũng đã bị chỉ trích nhiều trong các năm đầu triều đại của người. Ðiều còn lại trong ký ức là đám táng của Ðức Wojtila: chưa bao giờ một sự hiển thắng của một Giáo Hoàng đã hiệp nhất các nhân vật lớn của thế giới với dân chúng như vậy. Nhưng không phải tất cả triều đại của Ðức Gioan Phaolô II đều đã là một hiển thắng. Chỉ cần nghĩ tới sự kiện trong hơn 10 năm trời các Kitô hữu vẫn bị bách hại trong đại lục Âu châu thì đủ biết. Tại Albania tín hữu bị bỏ tù chỉ vì đọc một Kinh Lậy Cha.

Hỏi: Ðâu là nét nổi bật nhất trong 5 năm đầu tiên triều đại giáo hoàng của Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI thưa giáo sư?

Ðáp: Sự lựa chọn lớn của Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI là sự khiêm tốn của người. Nó là một lựa chọn vô cùng mạnh mẽ: đó là đề nghị nòng cốt của kinh nghiệm tinh thần Kitô. Ðức Thánh Cha tin tưởng nơi Lời của Thiên Chúa, tin tưởng nơi sự thông truyền Tin Mừng, tin tưởng nơi phụng vụ. Và trong sự lựa chọn đề nghị trọng tâm đức tin của chúng ta một cách liên lỉ - theo cung cách của các Giáo Phụ lớn của Giáo Hội như thánh Gioan Kim Khẩu, trong lúc thuận tiện cũng như không thuận tiện - tôi dám nói rằng có sự trong trắng của vị Giáo Hoàng này, nhất là sự trong trắng tin rằng Lời Chúa làm cho trái tim con người được tái sinh. Và có một sự khôn ngoan lớn lao trong đó. Nhất là ngày nay khi chúng ta đang sống một giai đoạn phức tạp, trong đó xem ra thiếu sự thành công, và chúng ta khám phá ra rằng sức mạnh của chúng ta không phải là sự thành công. Nghĩa là trong sự khiêm tốn của của người Ðức Giáo Hoàng làm rung lên sức mạnh Kitô.

Hỏi: Ngoài sự khiêm tốn và trong trắng, có khía cạnh nào khác nữa trong con người của Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI đánh động giáo sư không?

Ðáp: Có sự chân thành của người không muốn sống khác với chính mình: một người tin mạnh mẽ. Sự hiền dịu của Ðức Thánh Cha, sự đơn sơ của người, tính cách không diễn kịch của người. Người không đóng kịch. Nhưng mà Ðức Thánh Cha cũng là một người, mà đối với những ai không quen biết, đã biến đổi một cách sâu xa, nhất là người đã phối hợp được tuổi tác không còn trẻ lắm của người trong một nỗ lực rất lớn. Ðức Thánh Cha đã viếng thăm mọi lục địa, và đã thực hiện nhiều chuyến công du hơn Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI. Và đây không phải chỉ là các chuyến công du biểu tượng, mà thực sự, và là các chuyến viếng thăm gặp gỡ với tín hữu và dân chúng.

Hỏi: Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI là vị Giáo Hoàng đầu tiên được bầu trong đầu thiên niên kỷ thứ III, có đúng thế không thưa giáo sư?

Ðáp: Vâng, người là một vị Giáo Hoàng đem theo những vết thương của thế kỷ XX: đặc biệt là hai vết thương: vết thương của chiến tranh, vì thế người đã chọn tên là Benedicto, để tưởng nhớ vị tiền nhiệm đã định nghĩa chiến tranh là một tai ương vô ích. Và vết thương thứ hai là vết thương của sự tục hóa của tây phương, kiếm tìm tự do hay tương lai mà không có Thiên Chúa. Và từ đó là ước mơ lớn lao mà tôi dám gọi là sự ngây thơ thánh thiện, là làm cho Tây Phương lý luận. Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI không chỉ đến để tái lập lý trí, mà còn khiến cho thế giới chúng ta lý luận để hiểu đâu là nền tảng sự tự do đích thật của nó.

Hỏi: Nhưng mà Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI đâu có phải chỉ là vị Giáo Hoàng của Tây Phương không thôi thưa giáo sư...

Ðáp: Ðúng thế. Tôi đã có thể xác nhận về điều này khi Ðức Thánh Cha đến thăm trung tâm cung cấp thực phẩm của cộng đồng thánh Egidio. Tôi đã giới thiệu với Ðức Thánh Cha 25 người khách ngoại quốc đến từ nhiều nước khác nhau. Khi chào hỏi họ Ðức Thánh Cha cho thấy người hiểu biết tình hình địa lý chính trị các quốc gia của họ. Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI chú ý tới các tình hình khác nhau trên thế giới. Nơi đó có trí thông minh của con người và phản ánh của Giáo Hội công giáo, sống sự toàn cầu hóa trong sự hiệp thông giữa các thế giới khác nhau. Tại trung tâm phân phát thực phẩm của cộng đồng thánh Egidio Ðức Thánh Cha đã cho thấy sự nhân bản của người, khi chú ý tới người nghèo.

Hỏi: Có người cho rằng Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI chống lại Công Ðồng Chung Vaticăng II. Riêng giáo sư thì giáo sư nghĩ sao?

Ðáp: Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cũng đã bị định nghĩa như vậy. Trái lại Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI đã là vị Giáo Hoàng của việc tiếp nhận Công Ðồng. Tôi tức cười khi nghe nói rằng Ðức Ratzinger chống lại Công Ðồng Chung Vaticăng II, từ những người đọc được vài tài liệu vớ vẩn nào đó hay xem một phim nào đó trên đài truyền hình. Ðức Ratzinger đã là một trong các người làm nên Công Ðồng, đã là người chủ động và đã tin nơi Công Ðồng Chung Vaticăng II.

Trong vị Giáo Hoàng này chúng ta có lịch sử của Giáo Hội đi ngang qua Công Ðồng. Có việc tái chiếm lại những gì đã được nêu bật trong Công Ðồng như Lời Chúa và truyền thống lớn của các Giáo Phụ.

Hỏi: Có lẽ người ta đã không tha thứ cho Ðức Thánh Cha vì đã tha vạ tuyệt thông cho các Giám Mục theo phe Ðức Tổng Giám Mục Lefèvre, và cho tự do cử hành Thánh Lễ bằng tiếng Latinh theo lễ nghi tiền Công Ðồng Chung Vaticăng II... Có đúng thế không thưa giáo sư?

Ðáp: Tôi không đặc biệt bị lôi cuốn bởi thế giới bảo thủ, nhưng đây cũng là một kiểu cho người ta cảm tưởng là có một sự đa nguyên nào đó. Nhưng mà Công Ðông Chung Vaticăng II đã lại không nói nhiều về đa nguyên hay sao?

Hỏi: Có một điểm đau đớn nữa là tương quan với Do thái giáo, giáo sư nghĩ sao?

Ðáp: Ðối với Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI tương quan với các anh em Do thái là điều định đoạt. Họ vừa là những người có tương quan nội tại với đức tin của chúng ta vừa là những người đầu tiên đồng hành với chúng ta trong cuộc đối thoại với các tôn giáo khác. Ðây là điều tôi đã chứng kiến trong nhiều trường hợp và đặc biệt là trong chuyến Ðức Thánh Cha viếng thăm hội đường Do thái ở Roma.

Chuyến viếng thăm hội đường Do thái ở Roma đã là một sự kiện lớn. Ðức Thánh Cha đã cho thấy sự nhân bản của người đối với nỗi khổ đau của dân tộc Israel, cũng như tinh thần sâu xa của người, là bảo đảm đích thật cho việc giúp nhìn vào thế giới do thái.

Hỏi: Với triều đại của Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI có thật là Giáo Hội đang trải qua mùa đông đại kết hay không thưa giáo sư?

Ðáp: Một trong những người đầu tiên mà Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI gặp gỡ sau khi được bầu làm Giáo Hoàng đó là Ðức Tổng Giám Mục Kiril của Chính Thống Nga. Ðây không phải là chuyên tình cờ. Và cũng không phải tình cờ mà ngày nay Ðức Thượng Phụ Kiril là Giáo Chủ Giáo Hội Chính Thống Nga cùng với Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI là một trong các nhận vật lớn của việc canh tân Kitô tại Âu châu. Vào tháng 6 tới này Ðức Thánh Cha sẽ viếng thăm đảo Chypre, một vùng đất đang sống trong một tình trạng địa lý chính trị khó khăn, nơi có bức tường cuối cùng của Âu châu, và cũng là lần đầu tiên Ðức Thánh Cha viếng thăm một quốc gia chính thống. Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã phải đợi 20 năm, trước khi có thể viếng thăm Rumani. Tất cả phải là các tin quan trọng. Nhưng tôi không tin là nó sẽ như thế.

Hỏi: Người ta đọc thấy rằng Ðức Thánh Cha ít được các cơ quan trung ương Tòa Thánh giúp đỡ, đã thế sứ mệnh của người lại còn bị ngăn cản nữa, có đúng thế không thưa giáo sư?

Ðáp: Ðây là một chuyện cũ rồi. Nào là người ta nói tới chuyện Chân phước Giáo Hoàng Gioan XXIII đã sống trong "hang trộm cướp" của cơ quan trung ương Tòa Thánh, trong khi Ðức Phaoô VI là vị Giáo Hoàng rất tốt lành thì ở trong tay của Hồng Y Benelli. Chuyện muốn cứu Ðức Giáo Hoàng bằng cách đối chọi người với các cộng sự viên là chuyện cổ xưa. Nhưng Ðức Ðương Kim Giáo Hoàng đã xây dựng một kiểu hiện diện và cai quản riêng của người.

(Avvenire 18-4-2010)

 

Linh Tiến Khải

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page