Ðức thánh cha tuyên bố

tấm khăn liệm thành Torino

là một bức Icon được vẽ bằng máu

 

Ðức thánh cha tuyên bố: tấm khăn liệm thành Torino là một bức Icon được vẽ bằng máu.

Torino, Ý [AFP 2/5/2010] - Ðức thánh cha Benedicto XVI tuyên bố: tấm khăn liệm thành Torino là một bức Icon được vẽ bằng máu.

Ðức thánh cha đã đưa ra lời tuyên bố trên đây hôm Chúa Nhựt mùng 2 tháng 5 năm 2010 khi kính viếng tấm khăn liệm thành Torino hiện đang được trưng bày tại nhà thờ chính tòa Torino, bắc Ý.

Ðức thánh cha nói: "tấm khăn liệm là một bức Icon được vẽ bằng máu: đó là máu của một người bị đánh đòn, bị đội mão gai, bị đóng đinh và bị thương tích ở cạnh sườn bên phải. Hình ảnh được in lại trên tấm khăn liệm là hình ảnh của một người đã chết nhưng máu của người đó lại nói về sự sống".

Tiếp tục suy niệm về tấm khăn liệm vừa được tôn kính vừa gây tranh cãi này, Ðức thánh cha nói: "mọi vết máu đều nói lên tình yêu và sự sống".

Cho tới nay, Tòa Thánh chưa bao giờ công bố tính trung thực của tấm vải dài 4 thước 4 và ngang 1 thước 10 này. Theo truyền thuyết, đây là tấm vải được xử dụng để tẫm liệm Chúa Giêsu và chân dung của Ngài đã được in lại trên tấm vải này.

Tấm vải đã được khám phá vào giữa thế kỷ thứ 14 tại Lirey, gần Troyes, Pháp Quốc. Vào thế kỷ thứ 15, gia đình quận công Savoie mà Torino là thủ phủ, chiếm giữ tấm vải này.

Từ lâu nay, tấm vải đã trở thành đối tượng của một cuộc chiến khoa học giữa những người tin và những người nghi ngờ về tính trung thực của nó.

Trong thánh lễ cử hành tại quảng trường San Carlo, Torino, hôm Chúa Nhựt mùng 2 tháng 5 năm 2010, Ðức thánh cha nói rằng trong Tấm Khăn Liệm, "chúng ta nhận ra chính những đau khổ của chúng ta được phản ánh trong sự đau khổ của Chúa Kitô: "cuộc khổ nạn của Chúa Kitô là cuộc khổ nạn của con người". Chính vì thế mà tấm khăn liệm là một dấu chỉ hy vọng. Chúa Kitô đã đối đầu với thập giá để chiến thắng sự dữ và cho chúng ta thấy rằng sự phục sinh của Ngài báo trước giây phút trong đó mọi giọt lệ của chúng ta sẽ được lau sạch và sẽ không còn chết chóc, đau buồn, than khóc hay lo lắng nữa".

Ngỏ lời chào mừng Ðức thánh cha trước thánh lễ, Ðức hồng y Severino Poletto, Tổng giám mục Torino, nói rằng Giáo hội tại Torino hy vọng đức tin và sứ mệnh của mình sẽ được canh tân.

Nhắc lại lời của Ðức hồng y Poletto, Ðức thánh cha nói rằng để có thể canh tân, cần phải nhớ lại giới răn mới mà Chúa Giêsu đã truyền cho các môn đệ của Ngài: "Thầy để lại cho anh em một giới răn mới là hãy yêu thương nhau. Như Thầy đã yêu thương anh em, anh em cũng hãy yêu thương nhau". Ðức thánh cha khẳng định: "Nếu chúng ta yêu thương nhau, Chúa Giêsu sẽ ở giữa chúng ta".

Nhắc đến những vấn đề mà thành phố Torino đang phải đương đầu, Ðức thánh cha đặc biệt nghĩ đến những người lâm cảnh thất nghiệp, vô định trước tương lai cũng như những ai đang đau khổ trong thể xác và tinh thần. Ngài cũng nghĩ đến các gia đình, giới trẻ, những người già cả cô đơn, những người bị đẩy ra bên lề và những người di dân. Ngài nói rằng tự sức chúng ta, chúng ta yếu đuối và giới hạn. Nhưng nếu chúng ta yêu thương nhau, Chúa sẽ hiện diện trong cuộc sống chúng ta và làm cho chúng ta có thể yêu thương và trao ban một cách quảng đại, giúp chúng ta vượt qua mọi thử thách. Ngài nói: "Nếu chúng ta liên kết với Chúa Kitô, chúng ta có thể thực sự yêu thương".

Trong bài giảng, Ðức thánh cha đặc biệt ngỏ lời với các linh mục và tu sĩ để nâng đỡ họ trong tác vụ khó khăn của họ.

Ngài thúc đẩy các gia đình hãy yêu thương nhau xuyên qua cuộc sống mỗi ngày để vượt qua những chia rẽ và hiểu lầm.

Với giới hàn lâm, ngài khuyến khích hãy khiêm tốn tìm kiếm Sự Thật.

Ngài cũng khuyến khích giới trẻ đừng bao giờ thất vọng.

Cuối thánh lễ, trước khi đọc kinh Lạy Nữ vương thiên đàng, Ðức thánh cha ký thác người dân thành Torino cho Ðức Mẹ An Ủi, quan thày của thành phố. Ngài nói rằng Ðức Mẹ là người đã chiêm ngắm Thiên Chúa trong gương mặt của Chúa Giêsu trong suốt cuộc sống dương thế của Ngài. Chúng ta có thể noi gương Mẹ luôn nhìn lên Chúa Giêsu với tin yêu và nhận ra nơi Gương Mặt ấy chính Dung Nhan của Thiên Chúa.

 

CV.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page