Nhìn lại năm năm được bầu

làm Chủ Chăn Giáo hội hoàn vũ

của Ðức thánh cha Benedicto XVI

 

Nhìn lại năm năm được bầu làm Chủ Chăn Giáo hội hoàn vũ của Ðức thánh cha Benedicto XVI.

Roma [La Croix 16/4/2010] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Ngày 19 tháng 4 năm 2010 là ngày kỷ niệm đúng 5 năm ngày Ðức hồng y Joseph Ratzinger được bầu làm Giáo hoàng để kế vị đức Gioan Phaolô II. Nhựt báo Công giáo Pháp La Croix điểm qua 5 năm triều đại của đức Benedicto XVI. Chúng tôi xin được trích đọc bài báo hầu quí vị và các bạn.

Ngày 19 tháng 4 năm 2005, Ðức hồng y Joseph Ratzinger đã được một mật nghị hồng y gồm 119 vị bầu lên để kế vị đức Gioan Phaolô II. Ðây là một trách vụ nặng nề đối với người từ 25 năm qua đã trợ giúp người tiền nhiệm của mình trong chức vụ bộ trưởng bộ Giáo lý đức tin.

Tuy nhiên, 5 năm sau, thật khó mà làm một cuộc tổng kết sơ khởi, bởi vì triều đại giáo hoàng này xem ra bị "ô nhiễm" bởi những vụ việc hay những cơn khủng hoảng liên tục có thể nhận chìm tính khả tin của vị Giáo hoàng. Dù sao, kể từ khi được bầu làm Giáo hoàng, Ðức Benedicto XVI đã để lại dấu ấn của ngài trên một số vấn đề mà ngài xem là ưu tiên, từ phong trào đại kết đến ngoại giao.

Nhựt báo La Croix đã phân tách một số vấn đề sau đây:

Trước hết là vấn đề giảng dạy. Là một nhà thần học lỗi lạc, đức Benedicto XVI đặc biệt quan tâm đến tác vụ giảng dạy; ngài muốn trở về với những điều nền tảng của đức tin. Không phải do ngẫu nhiên mà hai thông điệp đầu tiên của ngài đều được dành cho hai trong ba nhân đức đối thần là Ðức Ái và Ðức Cậy. Thông điệp đầu tiên "Deus Caritas est" [Thiên Chúa là Tình Yêu] ban hành năm 2006, một cách táo bạo đề nghị liên kết hai hình thức của tình yêu là Eros, tình yêu nhân loại và Agape, tình yêu hiến thân hy sinh.

Năm 2007, thông điệp "Spe salvi" [được cứu rỗi nhờ đức cậy] trình bày Chúa Kitô như nguồn mạch hy vọng nền tảng trong công cuộc cứu rỗi. Năm 2009, thông điệp "Caritas in veritate" [bác ái trong sự thật] liên kết giáo huấn xã hội của các Ðức giáo hoàng, vốn đã bị gián đoạn kể từ thông điệp "Centesimus Annus" [kỷ niệm 100 năm] do đức Gioan Phaolô II công bố hồi năm 1991. Ðây là văn kiện đầu tiên của một vị Giáo hoàng đề cập đến việc toàn cầu hóa kinh tế.

Ngoài các thông điệp, cuốn sách có tựa đề "Ðức Giêsu Nazareth" của đức Benedicto XVI cũng là một văn kiện thuộc tác vụ giáo huấn của một vị Giáo hoàng.

Cuối cùng, trong các bài huấn dụ trong các buổi tiếp kiến chung hằng tuần mỗi ngày thứ Tư, đức Benedicto XVI ôn lại truyền thống của các vị giáo phụ. Ngoài ra, trong các bài diễn văn, ngài cũng thường xuyên đề cập đến mối giây bất khả phân lý giữa lý trí và đức tin.

Lãnh vực thứ hai được đức Benedicto XVI đặc biệt quan tâm tới là ngoại giao. Tuy ít đi lại hơn vị tiền nhiệm của ngài, đức Benedicto XVI vẫn dành cho mỗi một chuyến đi trong 13 chuyến viếng thăm mục vụ hải ngoại của ngài một tầm quan trọng đặc biệt. Các chuyến đi này cũng được đánh dấu bằng những cuộc gặp gỡ với giới trẻ và đại diện của các tôn giáo hay Giáo hội kito khác.

Ngoài ra, đức Benedicto XVI cũng tiếp tục theo đuổi đường hướng ngoại giao mà vị tiền nhiệm của ngài đã vạch ra. Ngài đã thiết lập quan hệ ngoại giao với Nga. Và xuyên qua lá thư gởi cho người Công giáo Trung Quốc hồi năm 2008, ngài đặt tin tưởng nơi các cộng đồng Công giáo tại nước này, kêu gọi họ vượt qua những chia rẽ lịch sử và chính trị.

Cuối cùng, các chủ đề được ngài chọn cho các Thượng hội đồng Giám mục thế giới đều có một ý nghĩa đặc biệt.

Vấn đề thứ ba được đức Benedicto XVI dành nhiều ưu tiên cho là phong trào đại kết. Kết thúc Tuần lễ cầu nguyện cho hiệp nhứt Kitô giáo ngày 25 tháng Giêng năm 2010, ngài nói rằng dấn thân cho hiệp nhứt Kitô giáo không phải là bổn phận của một số người hay là một sinh hoạt phụ thuộc trong đời sống Giáo hội, mà là thách đố của mọi tín hữu Kitô.

Ðầu năm 2009, việc đức Kyrill được bầu làm Thượng phụ Chính thống Mascova đã mở ra một trang sử mới trong quan hệ giữa Chính thống giáo và Công giáo.

Về phía Anh giáo, tông hiến "Anglicanorum Coetibus" đã không làm phương hại cho mối quan hệ cá nhân giữa đức Benedicto XVI và Ðức tổng giám mục Rowan Williams, lãnh đạo tinh thần của Liên hiệp Anh Giáo thế giới.

Với anh em Tin lành, chuyến viếng thăm của đức Benedicto XVI tại cộng đồng Tin lành Luther ở Roma ngày 14 tháng 3 năm 2010 mang một ý nghĩa tượng trưng đặc biệt, mặc dù về mặt thần học, hai Giáo hội xem ra đang đứng trước một ngõ cụt.

Một trong những lãnh vực được đức Benedicto XVI quan tâm một cách đặc biệt là cuộc đối thoại liên tôn. Bài diễn văn ngài đọc tại đại học Regensburg, Ðức, ngày 12 tháng 10 năm 2006 đã tạo ra nhiều phản ứng sôi nổi trong thế giới Hồi giáo. Tuy nhiên chuyến viếng thăm sau đó của ngài tại một đền thờ Hồi giáo ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, đã xoa dịu phần nào những mối căng thẳng giữa hai tôn giáo. Sự kiện 138 học giả Hồi giáo trên khắp thế giới gởi thư cho Ðức thánh cha để kêu gọi đối thoại đã là một đáp ứng tích cực của Hồi giáo và là một bước tiến quan trọng trong cuộc đối thoại liên tôn.

Hiệp nhứt Giáo hội vẫn là ưu tiên hàng đầu của đức Benedicto XVI. Ðây là điều đã được ngài giải thích trong tự sắc "Summorum Pontificum" dạo tháng 7 năm 2007. Cùng với việc cho phép cử hành thánh lễ bằng tiếng Latinh theo nghi thức trước thời công đồng Vatican, việc ngài rút vạ tuyệt thông cho 4 vị Giám mục thủ cựu thuộc huynh đoàn Pio X, cho thấy Ðức thánh cha quan tâm một cách đặc biệt đến sự hiệp nhứt của Giáo hội.

Một đặc điểm khác mà người ta cần phải khách quan ghi nhận nơi vị Giáo hoàng này chính là sự cứng rắn để đối đầu với một số vấn đề gai gốc trong Giáo hội. Trước hết là thái độ của ngài đối với Hội Ðạo Binh Chúa Kitô: chỉ một năm sau khi được bầu làm Giáo hoàng, Ðức Benedicto XVI đã ra lệnh cho người sáng lập Hội này là cha Marcial Maciel phải rút lui khỏi mọi hoạt động công khai để chỉ cầu nguyện và sám hối.

Báo chí đang chĩa mũi dùi vào đức Benedicto XVI như một người có chủ trương bao che các linh mục có hành động lạm dụng tình dục. Thật ra, hơn ai hết, chính dưới thời ngài làm bộ trưởng bộ giáo lý đức tin mà Tòa thánh đã đưa ra những biện pháp cứng rắn đối với các linh mục này. Kể từ lúc được bầu làm Giáo hoàng, ngài đã công khai đương đầu với vấn đề này. Chỉ cần nhìn lại chuyến viếng thăm Hoa kỳ, Úc đại lợi và tại Malta để thấy được cách giải quyết vấn đề của đức Benedicto: ngài đã đích thân gặp gỡ với các nạn nhân của những vụ lạm dụng tình dục!

 

CV.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page