Vài nét về lịch sử

tấm khăn liệm thành Torino

 

Vài nét về lịch sử tấm khăn liệm thành Torino.

Torino, Ý [Tin tổng hợp 8/04/2010] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Từ ngày thứ Bảy 10 tháng 4 cho đến ngày 23 tháng 5 năm 2010, tấm khăn liệm thành Torino sẽ được trưng bày cho dân chúng kính viếng. Trong số trên một triệu người đến chiêm ngắm thánh tích, sẽ có Ðức thánh cha Benedicto XVI. Ðức thánh cha sẽ đến kính viếng thánh tích này khi viếng thăm thành phố Torino, Bắc Ý, vào ngày 2 tháng 5 năm 2010.


Một phần của tấm khăn liệm thành Torino.


Mới đây, một nhóm nghệ sĩ đồ họa điện toán tại Hoa kỳ đã xử dụng những kỹ thuật điện toán để tái tạo chân dung của Chúa Giêsu từ tấm khăn liệm thành Torino.

Theo báo The Christian Post, xuất bản tại Hoa kỳ, một trong những chuyên viên của nhóm nghệ sĩ nói trên là ông Ray Downing cho biết nhóm này muốn tái tạo khuôn mặt thật của Chúa Giêsu. Và chất liệu duy nhứt để làm công việc này là tấm khăn liệm thành Torino. Các chuyên viên cho biết họ sẽ tái tạo khuôn mặt của Chúa Giêsu theo hình ảnh ba chiều và khuyến cáo rằng hình ảnh này sẽ không giống như các bức chân dung mà chúng ta quen thấy từ bao lâu nay.

Trên thực tế, vật liệu được xử dụng để tái tạo khuôn mặt của Chúa Giêsu là tấm khăn liệm thành Torino vẫn tiếp tục gây tranh cãi. Các tín hữu Kitô tin rằng đây thực sự là tấm vải đã được dùng để tẩm liệm Chúa Giêsu. Nhưng một số chuyên gia thì lại cho rằng tấm vải này chỉ là sản phẩm của thời Trung Cổ, tức sau khi chúa Giêsu bị đóng đinh đến cả 5 thế kỷ.

Dựa vào Tin Mừng theo thánh Gioan, theo đó, sau khi được bà Maria Madalena cấp báo, hai thánh tông đồ Phêrô và Gioan đã chạy ra mồ và nhận thấy xác Chúa Giêsu không còn ở đó, nhưng tấm vải dùng để liệm xác Ngài vẫn còn đó, truyền thuyết cho rằng thánh Phêrô đã thu nhặt tấm vải và đem về nhà.

Theo ghi chép của thánh Nino vào thế kỷ thứ 4, thì thoạt tiên tấm vải liệm này lọt vào tay của vợ tổng trấn Philato. Tin mừng viết rằng người đàn bà này rất có thiện cảm với Chúa Giêsu; bà đã từng yêu cầu tổng trấn Philato đừng nhúng tay vào việc sát hại Chúa Giêsu.

Theo lịch sử Giáo hội được Ðức giám mục Eusebius viết năm 325 thì một môn đệ của Chúa Giêsu tên là Addai đã đem tấm khăn liệm này đến Edessa, Thổ Nhĩ Kỳ, để tặng cho vua Abgar V. Lý do là vì lúc Chúa Giêsu còn sống, ông vua này có nghe nói đến các phép lạ của Ngài, cho nên ngỏ ý mời Ngài sang Edessa để chữa bệnh cho ông.

Theo Eusebius thì ông vua này đã tôn kính tấm khăn liệm và được ơn khỏi bệnh. Khoảng năm 57 sau công nguyên, vua Abgar qua đời. Con ông lên kế vị, nhưng lại thù nghịch Kitô giáo cho nên ra lệnh cấm đạo. Giáo dân ở Edessa đã đem tấm khăn liệm cất dấu cẩn mật cho nên mấy thế kỷ sau người ta không còn biết tấm khăn liệm này ở đâu. Năm 525, Edessa bị lụt lớn khiến nhiều nhà cửa bị cuốn trôi và cổng thành phía tây của hoàng cung bị sập. Lúc đó người ta mới thấy tấm vải liệm được dấu trong hốc tường của cổng thành này. Thời đó, Edessa nằm dưới sự đô hộ của đế quốc La mã cho nên khi hay tin, hoàng đế Justiniano đã ra lệnh xây cất tại Edessa một thánh đường lớn có tên là Haiga Sophia để tôn kính thánh tích.

Năm 639, Edessa bị quân Hồi giáo chiếm đóng nên tấm vải liệm được đem đi nơi khác để cất giấu. Năm 670, người ta thấy tấm khăn liệm xuất hiện tại Palestine. Nhân dịp đi hành hương đến Thánh Ðịa, một vị Giám mục người Pháp tên là Arcurf Pirigeux thấy một đám đông kéo tới một ngôi nhà thờ để kính viếng tấm khăn liệm. Ngài đã đi theo đám đông và đã được diễm phúc hôn lên tấm khăn liệm. Sau khi trở về Pháp, vị Giám mục này có viết sách kể lại câu chuyện trên.

Năm 944, không biết do nguyên cớ nào mà tấm khăn liệm lại xuất hiện tại nhà thờ Ðức Mẹ tại thành Constantinople, Thổ Nhĩ Kỳ.

Năm 1203, thánh tích này được đưa về nhà thờ Balachermal tại Hy lạp. Nhà thờ này mở cửa suốt ngày thứ Sáu cho mọi người vào kính viếng thánh tích.

Năm 1418, khăn liệm lại được chuyển về pháo đài Montfort tại Pháp và nằm trong tay một dòng họ quý tộc có tên là Charny. Năm 1452, công chúa Magaret Charny đã tổ chức một cuộc triển lãm cho công chúng đến chiêm ngưỡng tấm khăn liệm tại lâu đài Germolles và sau đó tặng cho quận công Savoy. Ðáp lại, quận công Savoy tặng cho công chúa Magaret một lâu đài tráng lệ tại Geneve và toàn bộ lợi tức bất động sản của mình tại Lyon, Pháp quốc. Quận công Savoy cho xây một nguyện đường tại Chambery để tôn kính tấm khăn liệm.

Năm 1506, Ðức giáo hoàng Julius I ban hành sắc lệnh công nhận tấm khăn liệm là thánh tích thật sự của Chúa Giêsu và thiết lập thánh lễ mừng thánh tích vào ngày 4 tháng 5 hằng năm. Từ đó, nguyện đường riêng của dòng họ Savoy trở thành một nơi hành hương của các tín hữu Kitô trên khắp thế giới.

Ngày 17 tháng 9 năm 1578, quận công Philibert de Savoy dời đô về thành Torino, Bắc Ý, và mang tấm khăn liệm vào đặt trong nhà thờ chính tòa của thành phố này. Kể từ đó tấm khăn liệm này được gọi là tấm khăn liệm thành Torino.

Thời đệ nhị thế chiến, hậu thân của quận công Savoy là hoàng đế Umberto Savoy bị lật đổ; ông mang theo tấm khăn liệm đi lưu vong tại Bồ Ðào Nha.

Nhưng năm 1963, ông đã trao tấm khăn liệm lại cho Tòa thánh và Tòa Thánh đã cho cất giữ tại nhà thờ chính tòa Torino cho tới ngày nay.

 

CV.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page