Các vụ xung đột bộ tộc

tại Nigeria

 

Các vụ xung đột bộ tộc tại Nigeria.

Một số nhận định của giáo sư Laurent Fourchard, người Pháp, chuyên viên nghiên cứu xã hội, về các vụ tàn sát tại Jos bên Nigeria

Nigeria (Avvenire 9.10/03/2010) - Sáng thứ Tư 9-3-2010 trong buổi tiếp kiến chung các tín hữu và du khách hương năm châu Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI đã kêu gọi chấm dứt bạo lực và xung khắc tại Nigeria. Ðức Thánh Cha nói: "Tôi chân thành phân ưu với các nạn nhân bạo lực tàn khốc làm cho Nigeria đẫm máu và không tha cả các trẻ em vô tội. Một lần nữa tôi tha thiết lập lại rằng bạo lực không giải quyết được các xung đột, nhưng chỉ gia tăng các hậu qủa bi thảm của chúng mà thôi. Tôi kêu gọi những người có trách nhiệm dân sự và tôn giáo tại Nigeria nỗ lực hoạt động cho an ninh và sự sống chung hòa bình của toàn dân. Sau cùng tôi bầy tỏ sự gần gũi với các vị mục tử và tín hữu Nigeria, và cầu nguyện để họ được vững mạnh trong niềm hy vọng, trở thành những chứng nhân đích thực của sự hòa giải".

Như đã biết sáng ngày mùng 7-3-2010 tại tỉnh Jos trong bang Plateau, miền Bắc Nigeria, các dân quân thuộc bộ lạc Fulani đã dùng súng và dao rựa tấn công ba làng của một bộ lạc khác theo Kitô giáo, khiến cho 500 người bị chết và hàng trăm người khác bị thương.

Lúc 2 giờ sáng họ đã tấn công ba làng Dogo Nahawa, Ratsat và Zot, gần thành phố Jos, thủ phủ bang Plateau. Bà Yohanna Kudu thuộc làng Dogo Nahawa may mắn sống sót kể lại rằng các người Fulani trao đổi hiệu lệnh với nhau là "nagge" trong tiếng Fulani có nghĩa là "súc vật", để cho biết ai cần giết, ai không cần giết. Ai bị gọi là "súc vật" thì bị tàn sát. Cuộc tấn kích và truy lùng đã kéo dài 3 giờ, và sáng sớm ra đã có 500 người bị giết, 50 nhà bị đốt phá và 200 người bị thương.

Ngày hôm trước một vài người dân sống trong 3 làng này theo Hồi giáo đã nhận được điện thư gửi qua điện thoại cầm tay yêu cầu họ rời khỏi làng. Trưởng bộ tộc Jos cũng thú nhận là đã nhận được điện thư và đã báo cho lực lượng an ninh trong vùng biết. Nhưng đã không có ai can thiệp để bênh vực dân chúng 3 làng nói trên.

Người dân đã tố cáo quân đội chính phủ thiếu sót bổn phận. Vì kể từ khi xảy ra vụ thảm sát 464 thường dân hồi tháng Giêng năm 2010 tại Jos chính quyền đã ra lệnh giới nghiêm ban đêm. Thế mà tại sao các nhóm dân quân Fulani nói trên đã vi phạm lệnh viới nghiêm mà không bị các toán binh sĩ tuần tiễu của chính phủ ngăn chặn và bắt giữ. Mãi tới ngày mùng 9-3-2010 các đội quân chính phủ mới bắt đầu tuần tiễu trở lại để bảo vệ các làng Kitô trong bang Plateau, nhưng dân chúng vẫn lo sợ bị tấn công và nhiều người bỏ làng chạy trốn.

Chính quyền đã bắt giữ 90 người Fulani bị tình nghi là đã chủ mưu vụ tàn sát nói trên. Tình hình trong vùng Jos hiện nay rất căng thẳng. Phó tổng thống Goodluck Ebele Jonathan thay thế Tổng thống Umaru Yar' Adua đang bị bệnh, đã ra lệnh cho chính quyền địa phương phải truy lùng và tiêu diệt các nhóm sát nhân này.

Ðây không phải là lần đầu tiên xảy ra các vụ thảm sát trong vùng Jos của bang Plateau. Hồi tháng 9 năm 2001 các vụ đụng độ giữa tín hữu Kitô và Hồi giáo đã khiến cho hơn 1,000 người bị chết, nhiều nhà thờ và đền thờ Hồi giáo bị đốt phá. Tháng 11 năm 2002 đã có ít nhất 216 người bị giết trong các cuộc xung đột vì một bài báo bị coi là phạm thượng khẳng định rằng nếu còn sống Mahomét sẽ say mê một trong các ứng viên cuộc thi hoa hậu quốc tế. Tháng 5 năm 2004 cũng đã có hàng trăm người chết trong các cuộc xung đột giữa người hồi Fulani du mục và người Kitô Tarok sống về nghề nông trong vùng Yelwa và Kano. Tháng 2 năm 2006 cũng đã có ít nhất 157 người chết trong các vụ xung đột giữa người hồi và tín hữu Kitô, sau vụ báo chí Ðan Mạch cho đăng các hình hí họa chế nhạo Mahomet. Tháng 11 năm 2008 các xung đột giữa các nhóm tín hữu Hồi giáo và tín hữu Kitô phản đối các cuộc bầu cử tại địa phương đã khiến cho 700 người thiệt mạng. Tháng 7 năm 2009 cũng đã có thêm 700 người chết nữa trong 5 ngày giao tranh giữa lực lượng chính phủ và các nhóm Hồi giáo cuồng tín thuộc giáo phái Boko Haram muốn áp dụng luật Sharia Hồi giáo trên toàn nước Nigeria. Và hồi tháng 2 năm nay 2010 các vụ đụng độ giữa các tín hữu Kitô và Hồi giáo tại Jos đã khiến cho ít nhất 464 người bị thiệt mạng, đa số là người Hồi giáo.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho đài Vaticăng hôm mùng 8-3-2010 Ðức Cha John Olorufemi Onaiyekan, Tổng Giám Mục Abuja, cho biết báo chí quốc tế thường có khuynh hướng nói rằng tín hữu Kitô và tín hữu Hồi giáo tàn sát lẫn nhau. Nhưng không phải là trường hợp ở đây, người ta không giết nhau vì tôn giáo, mà là vì các đòi hỏi quyền lợi xã hội, kinh tế, bộ tộc và văn hóa.

Theo nhiều quan sát viên, có xung khắc giữa các nhóm bộ tộc du mục theo Hồi giáo và các nhóm nông dân định cư theo Kitô giáo. Các nhóm du mục tìm cách lấn chiếm đồng cỏ và đất đai ruộng đồng của các nhóm định cư.

Nhiều nhà phân tích tình hình chính trị xã hội và kinh tế lại cho rằng lý do của các vụ thảm sát là cuộc khủng hoảng chính quyền đang tạo ra bất ổn tại Nigeria: tổng thống Umaru Yar' Adua bị bệnh nên Phó tổng thống Goodluck Ebele Jonathan giữ chức quyền tổng thống thay thế. Nhưng hai người có hai đường lối chính trị khác nhau liên quan tới các vụ đầu tư của các hãng dầu hỏa trong nước. Các cuộc cải cách do Tổng thống Adua đề ra có thể gây nguy hại cho các vụ đầu tư lên tới 50 tỷ mỹ kim.

Trước khi được chọn làm Phó tổng thống ông Jonathan đã là Phó thống đốc bang Bayelsa, bao gồm vùng có mỏ dầu hỏa ở miền Nam Ngeria. Năm 2005 Thống đốc Diepreye Alamieyesigha bị tố cáo dính líu tới một vụ rửa tiền bẩn thỉu nên bị Quốc Hội truất quyền, và ông Jonathan là Phó được chỉ định thay thế. Tháng 4 năm 2007 ông Jonathan được Ðảng Dân Chủ Nhân Dân đề cử làm ứng viên trong cuộc bầu tổng thống vào năm tới 2011. Tổng thống Adua là người đến từ miền Bắc hồi giáo đã chọn ông Jonathan gốc miền Nam Kitô làm Phó tổng thống để tạo thế quân bình cho chính quyền Nigeria.

Nigeria rộng gần 924 ngàn cây số vuông có khoảng 150 triệu dân, thuộc hơn 250 chủng tộc khác nhau, 52.6% theo Kitô giáo, 41% theo Hồi giáo, 6% theo đạo thờ vật linh. Giáo Hội Công Giáo chiếm 13.45% tổng số dân.

Tại miền cực Bắc có hai chủng tộc Hausa và Fulani sinh sống, đa số theo Hồi giáo. Luật Sharia của Hồi giáo đã được áp dụng tại 12 bang miềm bắc. Tiếp đến là các chủng tộc Nupe, Tiv và Kanuni. Tại miền Trung cũng có dân thuộc các chủng tộc này sinh sống. Họ theo Hồi giáo, Kitô giáo và đạo thờ vật linh. Ðây là vùng có truyền thống cung cấp binh sĩ cho quân đội Nigeria. Vùng Tây Nam có chủng tộc Yoruba là nhóm đông nhất sinh sống, hơn phân nửa theo Kitô giáo, một phần tư theo Hồi giáo, số còn lại theo đạo thờ vật linh. Trong khi miền Ðông Nam có chủng tộc Ibo đa số theo Kitô giáo. Trong vùng này cũng có các chủng tộc Efik, Ibibio và Ijaw sinh sống. Nhiều chủng tộc nhỏ sống tại Mạn cực Nam Nigeria.

Ngoài tiếng Anh Pigin và thổ ngữ riêng rất nhiều người Nigeria cũng biết một trong các thứ tiếng chính của Nigeria là Haussa, Yoruba và Ibo.

Sau khi được độc lập khỏi người Anh năm 1960 Nigeria trở thành một Cộng Hòa Liên Bang, với nhiều cuộc đảo chánh từ phía các tướng lãnh quân đội. Vào năm 1967 các tranh chấp quyền lợi giữa các chủng tộc làm nảy sinh ra chiến tranh Biafra. Vùng độc lập Biafra được Pháp trợ giúp trong khi quân đội Nigeria được Nga, Ai Cập và Anh quốc ủng hộ. Năm 1970 Biafra đầu hàng, và cuộc nội chiến đã khiến cho 1 triệu người chết.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận định của ông Laurent Fourchard, người Pháp, chuyên viên nghiên cứu xã hội và hệ thống chính trị tại Nigeria, về các vụ tàn sát nói trên. Trong các năm qua giáo sư đã làm nhiều cuộc nghiên cứu về tình hình chính trị xã hội tại Nigeria.

Hỏi: Thưa giáo sư Fourchard, giáo sư nghĩ gì về vụ thảm sát 500 thường dân tại thành phố Jos sáng ngày mùng 7 tháng 3 năm 2010, trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ em. Nó có phải là hậu qủa của cuộc xung đột chủng tộc và tôn giáo hay không?

Ðáp: Khi xảy ra nhiều bạo lực trong một thời gian ngắn như thế, thì khó có thể nói đó là một cuộc xung đột chủng tộc tôn giáo. Nhưng nó là vấn đề chính trị.

Hỏi: Như vậy có thể nói tới một khuôn nẫu nào hay không thưa giáo sư?

Ðáp: Chúng ta có các yếu tố lẻ tẻ không đầy đủ. Nhưng hình thức của cuộc tấn công này xảy ra ban đêm và kéo dài trong 3 giờ, chứng minh tho thấy nó đã được tổ chức rất chu đáo từ một nhóm người vũ trang. Và tôi tin nó là một nhóm chính trị. Chúng ta chưa biết có những ai đứng ở đàng sau tổ chức chính trị này, vì thế không nên đưa ra các lời tố cáo chống lại người du mục Fulani nói chung. Tất cả đều cho thấy đây không phải là một cuộc tấn kích tự phát, gắn liền với sự thù ghét giữa các cộng đoàn.

Hỏi: Nó có thể là việc kéo dài các vụ tấn kích đẫm máu đã xảy ra trong các năm qua trong vùng này hay không thưa giáo sư?

Ðáp: Vấn đề chính trị nòng cốt kéo dài từ bao nhiêu năm nay trong bang Plateau gắn liền với vấn đề thừa nhận hay không thừa nhận các nhóm dân sinh sống tại đây. Ai được xác nhận thì được hưởng các dịch vụ công cộng và được quyền ứng cử. Từ năm 1999 với việc quyền bính dân sự được tái lập đã xảy ra cuộc tranh cãi chính trị sôi nổi liên quan tới việc xác định ai là thổ dân. Các vụ bạo động trầm trọng xảy ra hồi năm 2001 đã khiến cho hàng ngàn người chết rõ ràng là gắn liền với vấn đề này. Ký ức các vụ bạo động này hẳn đã được sử dụng trong các ngày qua bởi những người chủ mưu cuộc tàn sát này.

Hỏi: Người ta cũng nói tới các lý do tranh giành đất sống giữa các nhóm chủng tộc khác nhau, có đúng thế không thưa giáo sư?

Ðáp: Cả những tranh chấp này cũng nằm trong cuộc xung đột chính trị hiện nay, vì việc có tư sản thật ra cũng gắn liền với quy chế của thổ dân bản địa.

Hỏi: Các bạo động xảy ra trùng hợp với cuộc khủng hoảng của chính quyền liên bang trung ương. Có liên hệ nào giữa hai sự kiện không thưa giáo sư?

Ðáp: Tôi thì tôi không tin rằng các hành động bạo lực này trước tiên là phương thế nhằm khuynh đảo Phó tổng thống Goodluck Jonathan. Dĩ nhiên là không thể loại trừ sự kiện này. Nhưng các căng thẳng chính trị đặc biệt trong bang Plateau cũng có một vai trò trọng yếu.

Hỏi: Dầu sao đi nữa thì cuộc khủng hoảng liên bang cũng khiến cho các chính trị gia đưa ra các lời tuyên bố báo động. Có nguy cơ xảy ra cảnh hỗn loạn toàn diện hay không?

Ðáp: Thật ra tình hình của quyền bính trung ương rất là bất ổn. Nhưng tôi tin rằng tất cả các phát triển trong tương lai đều tùy thuộc nơi đảng đang cai trị của tổng thống là Ðảng Dân Chủ Nhân Dân. Có sự tranh đấu gắt gao giữa các bộ lạc khác nhau của đảng để thắng cử trong vòng đầu và không biết ai sẽ là người đại diện của Ðảng trong các cuộc bầu cử sắp tới. Tôi không tin nơi các cuộc bầu cử sớm. Vì mọi bộ lạc đều có lợi khi chờ đợi.

Trước tình hình phức tạp của cuộc chiến đấu tranh giành quyền bính, cần phải có nhiều tháng trời nữa mới biết được.

Hỏi: Sự bất ổn có thể có lợi cho vài đòi hỏi của miền Bắc Hồi giáo hay không thưa giáo sư?

Ðáp: Chúng ta không được quên rằng miền Bắc Nigeria cũng lâm tình trạng chia rẽ như miền Nam Nigeria vậy. Có đúng thật là Hồi giáo là yếu tố tạo sự gắn bó giữa các chủng tộc sống tại đây, nhưng đó là sự hiệp nhất bề ngoài.

Hiện nay đảng cầm quyền ở trong tay của một người gốc thuộc chủng tộc sống tại miền Bắc là tổng thống Umaru Yar' Adua. Thế nhưng con tim của phe đối lập cũng nằm tại miền Bắc Nigeria. Thật ra tại Nigeria có sự tranh đua trong mọi miền. Chẳng hạn tại miền Nam có nguy cơ lớn là các nhóm dân quân vùng Delta sẽ lại tái vũ trang. Các nhóm này đã ký một thỏa hiệp giải giáp với tổng thống Adua, trước khi biến khỏi sân khấu chính trị.

(Avvenire 9.10-3-2010)

 

Linh Tiến Khải

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page