Ý nghĩa của cuộc cải tổ

phụng vụ trong Giáo hội

 

Ý nghĩa của cuộc cải tổ phụng vụ trong Giáo hội.

Paris [La Croix 12/3/2010] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Mỗi dịp mùa chay, Tổng giáo phận Paris thường tổ chức những cuộc thuyết trình tại nhà thờ Ðức Bà. Các chủ đề của các bài thuyết trình trong Mùa Chay năm 2010 xoay quanh Công đồng Vatican II.

Hôm Chúa Nhựt 14 tháng 3 năm 2010, cha Matthieu Rougé, cha sở vương cung thánh đường thánh Clotilde tại Paris, giám đốc văn phòng mục vụ chính trị học, thuyết trình về Hiến Chế "Sacrosanctum Concilium" về Phụng Vụ của công đồng Vatican II.

Theo cha Rougé, Giáo hội không phải chờ đến sau công đồng Vatican II mới cải tổ phụng vụ. Trong thực tế, toàn bộ lịch sử phụng vụ là lịch sử của những cuộc cải tổ liên tục. Cải tổ phụng vụ là một truyền thống của Giáo hội.

Cha sở vương cung thánh đường thánh nữ Clotilde giải thích: "Vì cử hành và loan báo vinh quang của Chúa, phụng vụ luôn vượt qua chính mình".

Trước khi thích nghi với một thời đại hay với một nền văn hóa, phụng vụ phải luôn điều chỉnh một cách sâu xa hơn với mầu nhiệm của Thiên Chúa. Chính nhờ nỗ lực này mà phụng vụ mới có thể đáp trả những chờ đợi của một thời đại và một nơi chốn. Không có một giai đoạn phát triển nào của phụng vụ có thể xem là dứt khoát, nhưng cũng không một kho tàng lịch sử nào của phụng vụ nên để bị mai một. Sự phát triển phụng vụ của Giáo hội cũng giống như công việc của một "người chủ biết rút tỉa từ kho tàng của mình cái mới và cái cũ".

Trích dẫn nhà thần học Louis Bouyer, cha Rougé nói: "những gì Giáo hội đắc thủ được, không những phải không ngừng được gạn lọc, mà cũng đồng thời phải được bảo quản".

Linh mục thuyết trình tại nhà thờ Ðức Bà Paris hôm Chúa Nhựt 14 tháng 3 năm 2010 giải thích: "Bất cứ ai chiêm ngắm lịch sử Giáo hội cũng đều cảm phục trước cách Giáo hội đã thực thi sự khôn ngoan trên đây trong việc khai sinh các ngày lễ: sau nhiều thập niên sự phục sinh của Chúa Giêsu chỉ được cử hành hằng tuần vào ngày Chúa Nhựt, vào thế kỷ thứ hai Giáo hội đã thiết lập lễ Phục Sinh. Vào thế kỷ thứ tư, Giáo hội thiết lập chu kỳ Lễ Giáng Sinh. Vào thế kỷ thứ 6, Giáo hội thu thập những cuốn sách phụng vụ đầu tiên. Chúng ta không thể kể hết những cố gắng đào sâu, tái khám phá và thanh tẩy các luật phụng vụ.

Cách riêng, tại nhà thờ Ðức Bà Paris, do yêu cầu của các tín hữu, Ðức cha Eudes de Sully, vị Giám mục đã điều khiển việc xây cất nhà thờ chính tòa Paris vào cuối thế kỷ 12, đã thiết lập nghi thức nâng cao Hình Bánh và Hình Rượu sau truyền phép. Không bao lâu, nghi thức này được thực hành trong toàn thể Giáo hội.

Nghi thức Tuần Thánh, như chúng ta đang có hiện nay, nhứt là Ðêm Canh Thức Phục Sinh, đặc biệt là Lửa Mới, các bài đọc Thánh Kinh và việc rửa tội người lớn, đã được đức Pio XII cải tổ vào năm 1956.

Sách lễ do chân phước Gioan 23 cải tổ hồi năm 1962, rồi kế đó lại được Ðức Phaolo VI cải tổ một lần nữa vào năm 1969. Một số những nghi thức được cải tổ liền sau Công Ðồng Vatican II, lại được cải tổ một lần nữa. Chẳng hạn, nghi thức hôn phối được cải tổ và cho công bố hồi năm 1990.

Như thế, phụng vụ là một lịch sử. Ðó là lịch sử hoạt động của Thiên Chúa, Ðấng tự tỏ bày với con người để họ loan báo về Ngài khi tham dự phụng vụ.

Nhưng theo cha Rougé, cần phải hiểu đúng thế nào là cải tổ. Trong đời sống phụng vụ cũng như trong đời sống Giáo hội nói chung, một số cải tổ có thể có tính cách "định chế", nghĩa là được thực hiện qua những quyết định của một công đồng hay một vị giáo hoàng như: phong phú hóa một nghi thức, thiết lập một ngày lễ. v.v...

Một số cải tổ khác có tính cách địa phương, nghĩa là do sáng kiến của một vị Giám mục hay các Ðức giám mục của một quốc gia hay một dòng tu: những cải tổ này cần được Tòa Thánh phê chuẩn nếu bảo đảm được sự hiệp nhứt đức tin trong Giáo hội.

Cũng có những cải tổ, tuy không có tính định chế, vẫn có những hậu quả đến đời sống phụng vụ như thành lập một ca đoàn, một học viện về thánh nhạc chẳng hạn.

Nhưng tất cả những cải tổ này chỉ mang lại hoa trái nếu hướng đến việc cải tổ tâm hồn con người. Nếu Giáo hội có cải tổ phụng vụ là để cho Chúa Kitô cải tổ cuộc sống chúng ta. Do đó, suy tư về cải tổ phụng vụ là đề cập đến vấn đề thiêng liêng, tức sự tham dự của chúng ta vào chiến thắng của Chúa Kitô trên cái chết và sự dữ.

 

CV.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page