Các tín hữu Kitô Iraq và cuộc bầu cử Quốc hội

vào ngày Chúa Nhựt mùng 7 tháng 3 năm 2010

 

Các tín hữu Kitô Iraq và cuộc bầu cử Quốc hội vào ngày Chúa Nhựt mùng 7 tháng 3 năm 2010.

Iraq [Catholic on line 2/3/2010] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Hôm Chúa Nhựt 28 tháng 2 năm 2010, hàng ngàn tín hữu Kitô tại miền Ðông Mossul, bắc Iraq, đã xuống đường biểu tình. Họ vừa cầu khẩn Chúa vừa kêu gọi chính phủ Iraq phải bảo vệ các tín hữu Kitô khỏi những cuộc bạo động ngày càng leo thang trước cuộc bầu cử Quốc Hội sẽ diễn ra vào Chúa Nhựt 7 tháng 3 năm 2010.

Dưới sự lãnh đạo của các linh mục và nữ tu, đoàn người biểu tình mang cành lá oliu, bước đi trong thinh lặng và cầu nguyện để phản đối các vụ sát hại do các nhóm hồi giáo cực đoan chủ trương.

Các tín hữu Kitô là một phần của các cộng đồng bản địa đã có mặt tại Iraq từ khoảng năm 35, tức năm thánh Toma tông đồ lên đường tiến về phía Ðông để rao giảng Tin Mừng. Với 2 ngàn năm hiện diện như thế, cộng đồng tín hữu Kitô tại Iraq đã có mặt tại đây trước Hồi giáo đến hằng bao thế kỷ. Nhưng do các cuộc bách hại và tình hình bất ổn tại Iraq, con số tín hữu Kitô tại đây ngày càng giảm sút. Trước năm 2003, tức trước khi Hoa kỳ xâm chiếm Iraq, tổng số tín hữu Kitô tại đây là 1 triệu 2 trăm ngàn người. Nay con số này chỉ còn 6 trăm ngàn người.

Cuộc bầu cử Quốc hội vào ngày Chúa Nhựt mùng 7 tháng 3 năm 2010 là cơ hội để vượt qua các cuộc xung đột đẩm máu kéo dài 7 năm qua và tiến tới sự ổn định lâu dài về chính trị và kinh tế.

Nhưng các nhóm tôn giáo có vũ trang hiện đang gia tăng các cuộc tấn công vào các tín hữu Kitô và các nhóm thiểu số khác. Mục đích của các cuộc bạo động này là làm gián đoạn tiến trình chính trị và tìm ưu thế cho các đảng phái Hồi giáo.

Cuộc bầu cử tại Iraq vào ngày Chúa Nhựt mùng 7 tháng 3 năm 2010 sẽ là một biến cố lịch sử: đây là cuộc bầu cử quốc hội đầu tiên kể từ khi quân đội Hoa kỳ triệt thoái hồi tháng 6 năm 2009. Ðây cũng là cuộc bầu cử toàn quốc đầu tiên trong đó các cử trị có thể chọn lựa những ứng cử viên cá nhân cũng như các đảng phái. Với trên 6 ngàn ứng cử viên ra tranh cử, Iraq đã trở thành một chiến trường cho những cuộc tấn công tôn giáo và chính trị, chia rẽ tôn giáo cũng như các hoạt động lèo lái nhằm khuynh đảo các cử tri và gieo rắc sự bất ổn.

Ðối với riêng các tín hữu Kitô, cuộc bầu cử quốc hội sắp tới là cơ hội ngàn vàng để tìm kiếm sự bảo đảm an ninh cho cuộc sống của họ. Ngoài 5 ghế được dành riêng cho các tín hữu Kitô, họ cũng có thể tìm kiếm thêm những ghế khác trong quốc hội. Do đó, bằng mọi giá các tín hữu Kitô Iraq cần phải tham gia bỏ phiếu để bảo đảm việc nhìn nhận các quyền của cộng đồng thiểu số của mình.

Một sự nhìn nhận và đại diện như thế tại Quốc hội có thể là chìa khóa của sự sống còn của các tín hữu Kitô tại Iraq, là nơi mà chính phủ xem ra nhắm mắt làm ngơ trước những cuộc tấn công nhắm vào họ. Do đó, nếu các tín hữu Kitô không có đại diện tại quốc hội, các tổ chức tôn giáo cực đoan sẽ thao túng và chính phủ buộc phải phân biệt đối xử với các nhóm tôn giáo thiểu số.

Vì không khoan nhượng đối với những người ngoài Hồi giáo, các nhóm Hồi giáo Sunni nổi loạn như Al Qaeda chẳng hạn, tấn công vào các nhóm thiểu số, đặc biệt là các tín hữu kito mà họ gán cho nhãn hiệu "thập tự viễn chinh" và "vô đạo".

Sự gia tăng các cuộc tấn công nhắm vào các tín hữu Kitô cho thấy cả các nhóm Á rập -Kurd và khủng bố Al Qaeda đều muốn đe dọa các tín hữu Kitô và phá hoại cuộc bầu cử. Vì đa số người Hồi Giáo Shiite, mà các nhóm trên đây cho là "lạc giáo", sẽ cầm quyền trong chính phủ sắp tới, cho nên các nhóm khủng bố Al Qaeda đã công khai cho biết họ sẽ xử dụng bạo lực để ngăn chặn cuộc bỏ phiếu và tung ra chiến dịch tấn công vào các nhóm thiểu số, cách riêng các tín hữu Kitô.

Một cuộc bầu cử thành công sẽ là một bước ngoặc quan trọng trong lịch sử Iraq: các nhóm thiểu số sẽ có đại diện trong quốc hội và chính phủ sẽ khả tín hơn. Một cuộc bầu cử như thế cũng sẽ góp phần mang lại sự hòa giải dân tộc và cho các nhà lãnh đạo Iraq được hợp tác trong tinh thần đoàn kết quốc gia hầu tái thiết đất nước sau bao nhiêu năm xung đột.

Một cuộc bầu cử như thế cũng giúp đẩy mạnh chủ quyền và độc lập quốc gia khi Hoa kỳ triệt thoái quân đội.

Nhưng kết quả quan trọng nhứt của cuộc bầu cử vẫn là việc cộng đồng Kitô tại Iraq có đại diện trong quốc hội và được luật pháp bảo vệ để sống và thực thi niềm tin của mình một cách an toàn.

Ðây chính là khát vọng mà các tín hữu Kitô tại Mossul đã bày tỏ trong cuộc biểu tình hôm Chúa Nhựt 28 tháng 2 năm 2010.

Ðược biết: thay vì Thánh lễ như thường lệ, đức Tổng giám mục Mossul đã dành buổi sáng để tổ chức cuộc biểu tình, qua đó các tín hữu đã ăn chay và cầu nguyện cho hòa bình cũng như sự sống còn của cộng đồng Kitô tại Iraq. Thánh lễ được dời lại vào buổi chiều cùng ngày.

Trong cuộc tuần hành trong thinh lặng, những người biểu tình trương cao một biểu ngữ với nội dung như sau: "Máu của những người vô tội hô lớn phải chấm dứt bạo động".

 

CV.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page