Nhận định cuộc hội thảo

về tự do tôn giáo

do chính phủ Algerie tổ chức

 

Nhận định cuộc hội thảo về tự do tôn giáo do chính phủ Algerie tổ chức.

Algerie [La Croix, Asianews 17/2/2010] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Trong hai ngày 10 và 11 tháng 2 năm 2010, một cuộc hội thảo về tự do tôn giáo do chính phủ Algerie, Bắc Phi, tổ chức đã cho phép các vị lãnh đạo Công giáo và Tin lành nói lên những khó khăn trong việc thực hành tôn giáo tại nước này.

Sau nhiều do dự, cuối cùng các nhà lãnh đạo Công giáo và Tin lành tại Algerie đã quyết định tham dự cuộc hội thảo do chính phủ tổ chức với chủ đề "tự do thờ phượng, một quyền được tôn giáo và luật pháp bảo đảm". Ngoài các vị lãnh đạo Kitô tại Algerie, tham dự cuộc hội thảo còn có một số Hồng y và Giám mục Pháp như Ðức hồng y Philippe Barbarin, Tổng giám mục Lyon, Ðức cha Michel Santier, chủ tịch Ủy ban Giám mục Pháp về đối thoại liên tôn, mục sư Claude Baty, chủ tịch liên hiệp Tin lành Pháp.

Theo nhận xét của cha Samir Khalil Samir, một linh mục Dòng Tên chuyên về hồi giáo học, chủ đề của cuộc hội thảo có tính hàm hồ. Thay vì nói đến tự do lương tâm, chủ đề của cuộc hội thảo lại nói đến "tự do thờ phượng". Hai chữ "luật pháp" ở đây cũng ám chỉ đến luật Sharia của Hồi giáo.

Các nhà lãnh đạo Kitô đều biết mục đích của chính phủ Algerie khi cho tổ chức cuộc hội thảo là muốn đánh bóng hình ảnh của mình. Dù vậy, theo ghi nhận của Ðức cha Ghaleb Moussa Bader, Tổng giám mục Alger, cho dẫu có ý đồ ấy, cuộc hội thảo do chính phủ Algerie tổ chức vẫn để cho các tham dự viên được hoàn toàn tự do phát biểu ý kiến.

Ngoài ra cũng phải nhìn nhận rằng, mặc dù rất ít công khai lên tiếng, gần đây Giáo hội tại Algerie đã không ngần ngại đối đầu với chính phủ và minh thị nêu lên vấn đề tự do tôn giáo tại nước này. Do đó hôm 25 tháng Giêng năm 2010, các Ðức giám mục Algerie đã cho công bố một tuyên ngôn lên án việc các tổ chức hồi giáo cực đoan cướp phá một nhà thờ Tin lành tại Tizi Ouzou và bày tỏ quan ngại về tình trạng của các tín hữu Kitô vốn luôn bị tấn công trong sinh hoạt tôn giáo. 4 vị Giám mục Công giáo Algerie nói rằng các ngài rất "đau buồn" và rất quan ngại vì những cản ngại được dựng lên đó đây để hạn chế việc thờ phượng của các tín hữu Kitô. Các ngài nói rằng các ngài không thể không phẩn nộ trước việc chà đạp các biểu tượng Kitô. Các ngài cũng phẩn nộ khi nghe nói đến việc xúc phạm đến các biểu tượng của Hồi giáo tại một số nước trên thế giới. Các ngài muốn bày tỏ sự cảm thông và thiện chí đối với anh chị em đã bị tấn công trong đời sống tôn giáo của họ.

Cũng thế, trong cuộc hội thảo, Ðức cha Bader cũng bày tỏ một thái độ cứng rắn. Trong bài phát biểu, Ðức tổng giám mục Alger trích dẫn các chứng từ được nêu lên tại Thượng hội đồng Giám mục về Phi Châu hồi tháng 10 năm 2009. Theo các chứng từ này, tự do thờ phượng luôn bị cản trở tại những nước có đa số dân theo Hồi giáo. Với tư cách là chuyên gia về luật, Ðức tổng giám mục Alger cũng phân tách sắc lệnh của chính phủ ngày 1 tháng 3 năm 2006 và nói rằng sắc lệnh này đày dẩy những điều mâu thuẫn.

Sắc lệnh nhìn nhận sự hiện hữu của các tôn giáo ngoài Hồi giáo. Tuy nhiên, Ðức tổng giám mục Bader nêu lên hai vấn đề. Trước hết là vấn đề các thừa tác viên tôn giáo. Sắc lệnh viết rằng để có thể cử hành nghi thức tôn giáo, cần phải có các linh mục, nhưng tại Algerie lại không luôn luôn có các linh mục. Chính phủ lại ngày càng từ chối chiếu khán cho các linh mục và tu sĩ nước ngoài. Theo Ðức tổng giám mục Alger, hành động này khiến cho cộng cộng đồng Công giáo, vốn nhỏ bé, ngày càng bị bóp nghẹt.

Vấn đề thứ hai được Ðức cha Bader nêu ra là nơi thờ phượng. Sắc lệnh năm 2006 cho phép những người ngoài Hồi giáo được thực thi việc thờ phượng với điều kiện là việc thờ phượng phải diễn ra trong những nơi được dự liệu cho mục đích này. Vấn đề không đặt ra nhiều khó khăn cho người Công giáo, bởi vì tại Algerie, Công giáo có đủ nhà thờ, ngoại trừ tại miền Nam nước này, là nơi mà đôi khi người Công giáo bị buộc phải xin phép chính quyền địa phương, nhưng không được chấp thuận.

Vấn đề nơi thờ phượng đặt ra nhiều khó khăn hơn cho các tín hữu Tin lành tại vùng Kabylie cũng như nơi nào không có nhà thờ.

Trong bài phát biểu, Ðức tổng giám mục Alger nhấn mạnh rằng đã đến lúc cần phải để cho mọi người công dân được hưởng tự do lương tâm, chứ không chỉ tự do thờ phượng dưới sự kiểm soát chặt chẽ của chính quyền. Ngài nói rằng Hồi giáo luôn tự xưng là một tôn giáo khoan nhượng; một số người còn nói rằng Hồi giáo là tôn giáo khoan nhượng nhứt, khi tố cáo rằng Kitô giáo buộc những người ngoài Kitô giáo phải cải đạo. Họ đan cử trường hợp tòa điều tra thời Trung Cổ và các chế độ thực dân. Thật ra, người ta quên mất rằng chính phủ Pháp đã từng ngăn cấm không cho các Giáo hội Kitô cưỡng bách người Hồi giáo trở lại Kitô giáo.

Trong thực tế, theo ghi nhận của cha Samir, không có quốc gia Hồi giáo nào cho người Hồi giáo và người ngoài Hồi giáo được tự do như nhau. Bởi vì trong các nước Hồi giáo, tôn giáo và chính trị đan xen với nhau cho nên nhà nước luôn là cơ quan quảng bá Hồi giáo xuyên qua các phương tiện truyền thông và luật pháp.

Tại Algerie cũng như tại các nước Hồi giáo khác, các Giáo hội và nói chung, các tín hữu Kitô chỉ mong được để yên. Họ muốn có quyền được loan báo Tin Mừng cho mọi người muốn lắng nghe sứ điệp của mình cũng như người Hồi giáo có quyền rao truyền Kinh Coran cho những ai muốn nghe.

Noi gương Ðức thánh cha Benedicto XVI, Ðức tổng giám mục Alger đã can đảm nói cho mọi người biết rằng tự do tôn giáo là một quyền căn bản như quyền tự do lương tâm và quyền bình đẳng của mọi công dân.

 

Chu Văn

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page