Công bố Sứ điệp mùa chay 2010

của Ðức Thánh Cha

 

Công bố Sứ điệp mùa chay 2010 của Ðức Thánh Cha.

Vatican (SD 4-2-2010) -  Sáng 4-2-2010, Ðức Hồng Y Paul Cordes, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Cor Unum (Ðồng Tâm), đã mở cuộc họp báo để giới thiệu sứ điệp của chay của Ðức Thánh Cha Biển Ðức 16 với chủ đề "Công lý của Thiên Chúa được biểu lộ qua niềm tin nơi Chúa Kitô" (Rm 3,21-22).

Hiện diện tại cuộc họp báo còn có giáo sư Hans-Gert Poettering, người Ðức, nguyên chủ tịch Nghị Viện Âu Châu, và Ðức ông Giampietro Dal Toro, Phó Tổng thư ký Hội đồng Tòa Thánh Ðồng Tâm.

Trong sứ điệp, Ðức Thánh Cha kêu gọi đi xa hơn định nghĩa cổ điển về công lý, công bằng phân phối, theo đó, "công lý là trả cho mỗi người những gì thuộc về họ" (dare cuique suum). Ngài nhấn mạnh rằng định nghĩa này không cứu xét đầy đủ "điều gì" cần trả cho mỗi người. "Ðiều mà con người cần hơn cả không thể được luật pháp bảo đảm cho họ. Ðể được hưởng cuộc sống sung mãn, con người còn cần một cái gì sâu xa hơn và điều ấy chỉ có thể được ban nhưng không cho họ: chúng ta có thể nói rằng con người sống bằng tình thương mà chỉ có Thiên Chúa mới có thể thông ban cho họ, khi tạo dựng nên con người giống hình ảnh của Ngài".

Ðức Thánh Cha cũng phân tích căn cội của bất công trong xã hội, nó đến từ chính nội tâm của con người, chứ không phải từ những cơ cấu bên ngoài như nhiều ý thức hệ tân thời vẫn chủ trương và theo họ "để cho công lý hiển trị, chỉ cần loại bỏ những nguyên nhân bên ngoài ngăn cản sự thực thi công lý". Ðức Thánh Cha viết: "Bất công, kết quả của sự ác, không phải chỉ có căn cội bên ngoài mà thôi, nó bắt nguồn từ trái tim con người, nơi có những mầm mống sự đồng lõa huyền nhiệm với sự ác.. Con người cảm thấy trong mình có một hấp lực lạ thường khiến cho họ co cụm vào mình, coi mình ở bên trên và chống lại người khác: đó là lòng ích kỷ, hậu quả của tội nguyên tổ".

Trong phần kế tiếp của Sứ điệp, Ðức Thánh Cha trình bày về Chúa Kitô, Công Lý của Thiên Chúa. "Công lý này đến từ ơn thánh, trong đó không phải con người tu chính, chữa lành bản thân và tha nhân. Sự kiện sự đền tội diễn ra trong máu của Chúa Giêsu có nghĩa là không phải những hy lễ của con người giải thoát họ khỏi gánh nặng của tội lỗi, nhưng là cử chỉ yêu thương của Thiên Chúa.. Nhờ hoạt động của Chúa Kitô, chúng ta có thể bước vào công lý cao cả hơn, công lý của tình thương (Rm 13,8-10), công lý của người ngày cảm thấy mình là con nợ hơn là chủ nợ, vì họ đã nhận được nhiều hơn những gì họ có thể mong đợi". Nói khác đi, chính ơn cứu độ trong Chúa Kitô là nền tảng công lý của con người.

Trong cuộc họp báo, Ðức Hồng Y Cordes nhận định rằng Sứ điệp mùa chay của Ðức Thánh Cha là một lời thách thức ý chí chúng ta hãy tín thác và tin tưởng nơi Thiên Chúa, và từ bỏ thái độ tự cô lập mình, xa lìa Thiên Chúa.

Ðức Hồng Y Cordes cũng tố giác tình trạng bất công nhan nhản trên thế giới đặc biệt tại Phi châu, như Thượng Hội Ðồng Giám Mục Phi châu kỳ 2 hồi tháng 10 năm ngoái tại Roma, đã nêu rõ. Ðức Hồng Y bác bỏ những lập luận vu khống cho rằng các tín hữu Kitô đứng về phía những người giàu có và chống lại đức công bình phân phối, và thậm chí còn thủ lợi bằng cách bảo vệ trật tự xã hội bất công. Chủ trương như thế là chối bỏ sự đóng góp của Kitô giáo trong việc thăng tiến an sinh và phẩm giá của con người như lịch sử Giáo Hội và xã hội đã chứng tỏ qua bao thế kỷ.

Về phần giáo sư Poettering, cũng là Chủ tịch Quỹ Adenauer, ông tuyên bố rằng "Chúng ta lại cần phải có một tinh thần liên đới Âu Châu. Và hơn bao giờ hết, chúng ta cần tinh thần ấy đối với tất cả các dân tộc và các nền văn hóa trên thế giới này".

Ông Poettering kêu gọi giới chính trị hãy đón nhận Sứ điệp của Ðức Thánh Cha và nhấn mạnh rằng "sự liên đới nội bộ giữa các nước Âu Châu và tình liên đới đối ngoại với thế giới là hai nghĩa vụ xã hội và luân lý quan trọng nhất mà Liên hiệp Âu Châu cần đáp ứng. Ðiều này không phải chỉ thể hiện qua việc cung cấp tiện ích vật chất, - tuy chúng quan trọng. Trước tiên, phải có một sự canh tân tinh thần mà Liên hiệp Âu Châu cần xác định". Ông cũng kêu gọi thực thi tình liên đới cụ thể, chứ không trừu tượng. Một điều hiển nhiên là "Ngày nay các nước giàu ngày càng giàu thêm và nước nghèo càng nghèo thêm" (SD 4-2-2010).

 

G. Trần Ðức Anh, OP

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page