Người Công giáo Ý và chính trị

 

Người Công giáo Ý và chính trị.

Roma [Chiesa on line 28/1/2010] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Ngày nay, cũng như cách đây hơn nửa thế kỷ, Tổng giáo phận Roma, Giáo phận của người kế vị thánh Phêrô, đang phải đứng trước một thách đố giống nhau: có nên bỏ phiếu cho người chống Giáo hội không? Nhưng xem ra phản ứng của Giáo hội ngày nay khác với cách nay nửa thế kỷ.

Năm 1952, Ðức giáo hoàng và Tòa thánh bị đặt trong tình trạng báo động trước tình hình rất nguy ngập cho giáo phận Roma. Vì sợ đảng cộng sản và đảng xã hội vốn đang liên kết chặt chẽ với Liên xô, sẽ chiến thắng trong cuộc bầu cử hội đồng thị xã Roma, cho nên đức Pio XII đã ra lệnh cho Ðảng công giáo, tức Ðảng Dân Chủ Kito giáo, do ông Alcide De Gasperi lãnh đạo, phải liên kết với các đảng cực hữu do linh mục Luigi Sturzo lãnh đạo và được Công Giáo Tiến Hành Ý ủng hộ. Hiện nay cả ông De Gasperi lẫn cha Sturzo đều đang chờ đợi để được tôn phong Chân phước.

Nhưng ông De Gasperi đã không tuân lệnh đức Pio XII. Trong cuộc bầu cử hội đồng thị xã Roma, ông De Gasperi đã liên minh với các đảng trung hữu, thuộc khuynh hướng thế tục. Ðây là lập trường mà ông De Gasperi đã có lúc còn làm thủ tướng Ý. Và kết quả cuộc bầu cử đã chứng minh rằng ông De Gasperi đã có lý: những người cộng sản và những người thuộc đảng xã hội đều bị đánh bại tại Roma.

Tuy nhiên, đức Pio XII vẫn trừng phạt ông De Gasperi vì tội không vâng lời: vị giáo hoàng này đã không tiếp kiến ông, vợ ông và con gái ông nhân dịp ông kỷ niệm 30 năm thành hôn và con gái ông khấn dòng.

Ngày nay, dĩ nhiên bối cảnh chính trị tại Ý không còn như cách đây nửa thế kỷ. Ðảng Dân Chủ Kito giáo không còn nữa. Người Công giáo Ý có mặt trong mọi đảng phái chính trị. Chính phủ trung ương hiện đang được ông Silvio Berlusconi lãnh đạo. Vị thủ tướng này hoàn toàn có lập trường phù hợp với giáo huấn của Giáo hội về những vấn đề như sự sống con người, gia đình và giáo dục. Trong khi đó chính quyền địa phương tại Tỉnh Lazio, trong đó có giáo phận Roma của Ðức giáo hoàng, lại do cánh tả lãnh đạo. Cánh tả này vốn là hậu duệ của Ðảng cộng sản đã cáo chung.

Trong những tháng gần đây, chính quyền Lazio đã bị những vố nặng khiến tỉnh trưởng là ông Giuseppe Marrazzo, vì có liên hệ đến những người đồng tính và ma túy, đã phải từ chức. Vì không tìm được người có đủ khả năng để ra tranh cử trong cuộc bầu cử sẽ diễn ra trong hai tháng tới, các đảng cánh tả đành phải ủng hộ một ứng cử viên độc lập là bà Emma Bonino. Và đây chính là thách đố đối với Giáo hội, bởi vì bà Bonino là biểu tượng của một phong trào chống Công giáo rất hung hãn.

Bà Bonino vốn là một "lão tướng" của phong trào tranh đấu cho nhân quyền. Nhưng trong những quyền mà bà Bonino đã từng tranh đấu cho lúc còn là thành viên của Ủy ban âu châu lại có những quyền như: được phá thai, được làm cho chết êm dịu, quyền của những người đồng tính được kết hôn, quyền được xử dụng ma túy... Tựu trung đó là những gì mà đức Gioan Phaolo II gọi là thành phần của văn hóa sự chết. Kể từ thập niên 70, một cuốn băng hình quay cảnh bà Bonino thực hiện một vụ phá thai đã được truyền đi khắp nơi.

Chắc chắn phản ứng của Giáo hội ngày nay không còn giống như cách đây nửa thế kỷ nữa. Ðức giáo hoàng sẽ không đích thân ra lệnh cho người Công giáo phải bỏ phiếu hay không bỏ phiếu cho bà Bonino. Giáo hội tại Ý cũng chẳng còn một Ðảng công giáo như cách đây 50 năm. Nhưng có lẽ nhờ vậy mà Giáo hội lại có ảnh hưởng trong lãnh vực chính trị hơn trước kia. Người ta gọi mô thức này là "mô thức Ruini", vị Hồng y đã từng là giám quản Roma và chủ tịch Hội đồng Giám mục Ý cho đến năm 2007.

Tuy nhiên, cũng chính mô thức này đã khiến cho trường hợp của bà Bonino trở thành một đề tài tranh luận sôi nổi.

Ký giả Domenico Delle Foglie, người đã từng là phó giám đốc của nhựt báo Avvenire của Hội đồng Giám mục Ý, viết rằng bà Bonino là hiện thân của ít nhứt ba mối nguy hiểm.

Nguy hiểm thứ nhứt có tính tượng trưng: đây là một cái tát vào mặt của Cộng đồng Công giáo từ một người có một cái nhìn về con người và thế giới hoàn toàn nghịch lại với Kitô giáo.

Nguy hiểm thứ hai là: nếu bà Bonino đắc cử, bà sẽ biến tỉnh Lazio thành một phòng thí nghiệm cho chủ nghĩa "Zapatero", tức chủ trương chống Giáo hội của đương kiêm thủ tướng Tây Ban Nha, ông Zapatero.

Nguy hiểm thứ ba là "sự giả hình" mà bà Bonino đã chứng tỏ trong cuộc vận động bầu cử, khi bà hứa sẽ bắt tay làm việc "với và cho người Công giáo", mặc dù bà đã để cả cuộc đời của mình để chống lại Giáo hội.

Ký giả Giuliano Ferrera, tuy không thuộc Giáo hội Công giáo, nhưng trong nhiều năm qua đã không ngừng ngưỡng mộ cái nhìn của đức Gioan Phaolo II, Ðức hồng y Ratzinger và Ðức hồng y Ruini. Là giám đốc của báo "Il Foglio" chuyên hướng dẫn dư luận, ông Ferrera đã ủng hộ bài viết của ký giả Delle Foglie, nhưng đồng thời cũng chỉ trích báo Avvenire vì đăng một cách "rụt rè" bài viết của ký giả này trong trang 11 của tờ báo.

Ðể tìm hiểu dư luận Công giáo Ý, ông Ferrera đã làm một cuộc thăm dò tại nhiều vùng khác nhau. Tại giáo phận Viterbo, nằm trong lãnh thổ tỉnh Lazio, đa số dân chúng ủng hộ phá thai, ly dị, làm cho chết êm dịu.

Phản ứng trước dư luận này, một số Giám mục Ý đã lên tiếng. Trước hết là Ðức hồng y Angelo Bagnasco, chủ tịch Hội đồng Giám mục Ý. Trong bài diễn văn khai mạc khóa họp mùa thu của Hội đồng Giám mục Ý ngày 25 tháng Giêng năm 2010, vị Hồng y này không ám chỉ đến lập trường của bà Bonino, nhưng nhắc lại những giá trị mà ngài cho là nền móng của nền văn minh như: sự sống con người trong từng giai đoạn của nó, gia đình được xây dựng trên hôn phối của một người nam và một người nữ, trách nhiệm trong giáo dục v. v...

Về phần mình, trong một cuộc phỏng vấn dành cho báo "Il Foglio" của ông Ferrara, hôm 26 tháng Giêng năm 2010, Ðức cha Luigi Negri, Giám mục San Marino và Montefeltro, Bắc Ý, nói rằng một trong những thiếu sót của Giáo hội tại Ý là đã không luôn luôn thực hành giáo huấn của hai vị giáo hoàng cuối cùng. Vị giám mục này nêu lên câu hỏi: tại sao khi đối diện với một ứng cử viên công khai chống lại Giáo hội, một phần lớn trong giới Công giáo không lên tiếng phê phán? Ngài trả lời rằng nếu thăm dò dư luận tại mọi vùng nước Ý, thì kết quả cũng sẽ giống như tại Viterbo. Và vị Giám mục này khẳng định: "Chúng ta đang đào tạo những thế hệ hoàn toàn không có khả năng biết phán đoán với óc phê bình".

Ngài kêu gọi phải bắt đầu lại với điều mà Ðức Thánh Cha Benedicto XVI và Hội đồng Giám mục Ý giảng dạy.

 

Chu Văn

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page