Khía cạnh thiêng liêng

trong đau khổ tại Haiti

 

Khía cạnh thiêng liêng trong đau khổ tại Haiti.

Haiti [Catholic on line 20/1/2010] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Có thể rút ra được một bài học nào từ đau khổ của dân tộc Haiti sau trận động đất vừa qua không?

Ông Carl Anderson, thủ lãnh của Hội Hiệp Sĩ Columbus Hoa kỳ, một tổ chức từ thiện và chuyên bênh vực những giá trị truyền thông của gia đình, đã chia sẻ những suy tư được đăng trên trang mạng "Catholic on line" mà chúng tôi xin được gởi đến quý vị và các bạn trong mục thời sự này...

"Trong những ngày vừa qua, tất cả chúng ta đều hoảng sợ trước những cảnh chết chóc và tàn phá tại Haiti. Hằng triệu người trong chúng ta đã tìm cách xoa dịu nỗi khổ đau tại đó. Có lẽ trong những ngày sắp tới cũng sẽ có hàng ngàn bài giảng để giúp chúng ta hiểu được tại sao một Thiên Chúa Yêu Thương lại có thể để xảy ra một sự đau khổ như thế.

Tại Hoa kỳ, một diễn giả Tin Lành đã đưa ra một trong những lời giải thích gây nhiều tranh cải khi ông nói rằng Haiti bị "chúc dữ" kể từ khi những người lập quốc của nước này đã "ký kết một giao ước với Ma Quỉ" để dành độc lập khỏi tay nước Pháp. Như có thể đoán được, lời giải thích trên đây đã tạo ra cả một làn sóng chống đối.

Dĩ nhiên, trong Cựu Ước, có nhiều bằng chứng cho thấy có những quốc gia bị Thiên Chúa trừng phạt vì tội tôn thờ ngẫu tượng và bất công. Ngày nay có một số tín hữu Kitô vẫn tiếp tục dùng lịch sử Cựu Ước để giải thích các biến cố trên thế giới.

Nhưng người Công giáo ngày nay xem ra có một hướng khác để hiểu được cách đối xử của Thiên Chúa trước tội lỗi của con người. Và họ không cần phải nhìn vào đâu khác ngoài Thánh giá trên bàn thờ trong nhà thờ của họ. Thiên Chúa đã kết hiệp một cách tự do và đầy yêu thương với nỗi khổ đau của con người xuyên qua hy lễ của Con Ngài trên thập giá.

Các diễn giả Tin lành nào trích dẫn đoạn 3 câu 16 trong Tin Mừng theo thánh Gioan có lẽ cũng nên nhớ lại câu kế tiếp: "Thiên Chúa đã không sai Con Ngài đến trong thế gian để kết án thế gian, nhưng để thế gian nhờ Người mà được cứu thoát".

Thảm kịch tại Haiti xem ra sẽ có nhiều hậu quả lâu dài, không những đối với những ai đã mất người thân, mà còn đối với cả dân tộc đã chứng kiến sự tàn phá. Chúng ta cần phải hiểu đúng đắn về những gì đã xảy ra tại đó.

Nhiều bản tin đã so sánh Haiti với những tàn phá của trận bão Katrina tại Hoa kỳ hay trận động đất tại thành phố Mehico hồi năm 1985. Nhưng xem ra thảm kịch tại Haiti có một ảnh hưởng tâm lý lâu dài gần giống như trận động đất tại Lisboa, Bồ Ðào Nha hồi năm 1755. Tiếp theo trận động đất này là một trận sóng thần và hỏa hoạn đã tiêu hủy hầu như toàn bộ thành phố và giết chết gần một triệu người.

Tai họa tại Lisboa đã thay đổi cách suy nghĩ của những nhà trí thức hàng đầu của thế kỷ 18 như Voltaire, Kant và Descartes. Trận động đất xảy ra vào chính Ngày Lễ Các Thánh trong một nước có đông người theo Công giáo, đã khiến cho nhiều tín hữu Kitô trên khắp Âu Châu đặt lại vấn đề niềm tin của họ vào Thiên Chúa.

Trong những ngày sắp tới, có lẽ chúng ta cũng sẽ thấy diễn ra một điều tương tự. Haiti ngày nay là một trắc nghiệm về lòng tin của chúng ta đối với Chúa và sự cam kết của chúng ta đối với người đồng loại.

Tuần này, khi suy nghĩ về Haiti, tôi không thể không nghĩ đến công việc của cha Damiens, tông đồ người phung cùi tại đảo Molokai, người vừa được Ðức thánh cha Benedicto XVI tôn phong hiển thánh hồi mùa thu năm 2009. Cách đây vài năm, tôi đã có dịp viếng thăm Molokai tại Hawaii và khi viếng thăm một giáo xứ, tôi đã thấy bức hình của một cụ bà được chụp vào thập niên 30. Cụ bà đã mất tai, mũi, các ngón tay và ngón chân vì bệnh phung cùi. Ngoài ra cụ bà cũng bị mù. Vậy mà người ta nói với tôi rằng mỗi ngày cụ vẫn lần chuỗi bằng cách ngậm tràng chuỗi giữa hai hàm răng.

Sau đó không bao lâu, tôi có nói chuyện với một linh mục truyền giáo: ngài cho biết đã mở một nhà dành riêng cho những người mắc bệnh phung cùi. Mỗi ngày, khi ngài dâng thánh lễ, một cụ bà, cũng bị mù vì bệnh phung cùi, lên tiếng cầu nguyện trong phần lời nguyện giáo dân như sau: "Lạy Chúa là Cha, cám tạ Chúa vì mọi điều tốt đẹp Chúa đã ban cho con".

Các triết gia và các nhà thần học sẽ tiếp tục tìm cách giải thích với hy vọng trả lời cho những câu hỏi của tất cả chúng ta về vấn đề đau khổ trên thế giới. Nhưng có lẽ câu trả lời hay nhứt đến từ chính những người mà sự đau khổ vượt qua những gì chúng ta có thể tưởng tượng được, nhưng vẫn cảm nghiệm được rằng Thiên Chúa liên kết với họ trong nỗi khổ đau.

Trong bài giảng trong thánh lễ tôn phong hiển thánh cho cha Damiens, Ðức thánh cha Benedicto XVI đã nói như sau: "Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ của ngài hãy hiến thân trọn vẹn, không tính toán hơn thiệt, với một niềm tin tưởng vững chắc vào Thiên Chúa. Các thánh đã đón nhận lời kêu gọi đầy đòi hỏi này và với tất cả khiêm tốn, các ngài đi theo Chúa Kitô, Ðấng bị đóng đinh và sống lại.

Trong cái nhìn đức tin mà lý trí con người có khi không hiểu thấu, sự trọn hảo của các thánh chính là không tự đặt mình vào trọng tâm, mà chọn đi ngược lại dòng đời và sống theo Tin Mừng".

Xét cho cùng, đây là chìa khóa để hiểu được các biến cố tại Molokai và Haiti. Và đây chính là thước đo sự đáp trả của các tín hữu Kitô chúng ta".

 

Chu Văn

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page