Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ

và cuộc cải tổ y tế

của tổng thống Barack Obama

 

Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ và cuộc cải tổ y tế của tổng thống Barack Obama.

Hoa Kỳ [CNA, Tổng hợp 20/08/2009] - Kính thưa quí vị, các bạn thân mến. Trong số các quốc gia có nền công nghiệp phát triển nhứt trên thế giới, thì Hoa kỳ là nước duy nhứt trong đó người dân không được hưởng bảo hiểm y tế đồng đều như nhau. Gần một phần 6 dân số Mỹ, tức là hơn 46 triệu người, trong đó có 8 triệu trẻ em không có bảo hiểm y tế. Thời kinh tế suy thoái, tính từ tháng 9 năm 2008 đến nay, đã có thêm 5 triệu người Mỹ gia nhập hàng ngũ 46 triệu người không có bảo hiểm y tế. 77 triệu người Mỹ trên 19 tuổi mắc nợ vì phải thanh toán tiền các hóa đơn y tế do không có bảo hiểm hay bảo hiểm y tế đòi hỏi phải chung chịu.

Lâu nay giao cho các nhà thầu bảo hiểm y tế tư nhân lãnh thầu, cho nên hậu quả là nền y tế Mỹ là một nền y tế mắc mỏ nhứt thế giới mà hiệu quả chẳng bao nhiêu. Theo thống kê của viện nghiên cứu "Urban" của Hoa kỳ, hệ thống bảo hiểm y tế yếu kém là nguyên nhân dẫn tới cái chết của khoảng 27 ngàn ca một năm. Nói cách khác, 27 ngàn ca bệnh này có thể được cứu sống nếu căn bệnh được phát hiện kịp thời.

Mỗi năm Hoa kỳ chi ra 2,000 tỷ mỹ kim, tương đương với 16 phần trăm tổng sản lượng nội địa cho các dịch vụ y tế. Trung bình mỗi năm một người Mỹ phải tốn 7,400 mỹ kim cho dịch vụ y tế. Ðây là một phí tổn quá cao so với các nước tiên tiến khác, nhưng chất lượng lại thấp nhứt.

Ngay từ lúc tranh cử tổng thống, tổng thống Obama đã xem cải tổ y tế như một ưu tiên hàng đầu trong các chính sách của ông. Tuy nhiên, gần đây chương trình cải tổ y tế do ông đề ra lại gặp chống đối từ nhiều phía. Các tổ chức bảo vệ Sự Sống trên nguyên tắc ủng hộ cuộc cải tổ của tổng thống Obama, nhưng đòi hỏi chương trình này không được tài trợ cho việc phá thai. Riêng Hội đồng Giám mục Hoa kỳ đã bị một số tổ chức ủng hộ phá thai chỉ trích vì không chấp nhận toàn bộ chương trình cải tổ y tế của chính phủ Obama.

Bà Cecile Richards, chủ tịch của Liên Hiệp Kế Hoạch Hóa Gia Ðình Hoa Kỳ, một tổ chức ủng hộ phá thai, đã lên tiếng phê bình các Ðức giám mục Hoa kỳ vì yêu cầu chính phủ phải loại trừ việc tài trợ cho hành động phá thai ra khỏi chương trình cải tổ y tế.

Ðáp lại lời chỉ trích của bà Richards, một phát ngôn viên của Hội đồng Giám mục Hoa kỳ nhấn mạnh rằng "giết người" không phải là hành động chăm sóc sức khỏe và cảnh cáo rằng chính sách ủng hộ phá thai sẽ làm hư hỏng toàn bộ cuộc cải tổ y tế của chính phủ.

Trong một bài viết đăng trên báo "The Huttington Post" trong số ra ngày 18 tháng 8 năm 2009, bà Richards tố cáo rằng các Ðức giám mục Hoa kỳ chối bỏ "chương trình chăm sóc cho thai phụ" mà bà cho rằng đa số người dân Mỹ đều ủng hộ. Bà cũng nói rằng lập trường Công giáo là một cố gắng nhằm loại bỏ "quyền phá thai" ra khỏi chương trình chăm sóc y tế của Hoa kỳ.

Trích dẫn trang mạng của Hội đồng Giám mục Hoa kỳ, bà chủ tịch của Liên Hiệp kế hoạch hóa gia đình Hoa kỳ cũng chỉ trích các Ðức giám mục Mỹ vì cho rằng "bao cao su có thể làm cho tệ nạn Sida tại Phi Châu ra tồi tệ hơn". Bà cũng lên án việc các Ðức giám mục Hoa kỳ chủ trương rằng ngừa thai không phải là một dịch vụ y tế và như vậy không được tài trợ theo chương trình y tế.

Tựu trung, theo cái nhìn của bà Richards, lập trường bảo vệ sự sống của Hội đồng Giám mục Hoa kỳ chống lại quyền của phụ nữ và như vậy gây nguy hại cho người phụ nữ trên khắp thế giới.

Trong một cuộc phỏng vấn dành cho hãng tin Công giáo Hoa kỳ CNA hôm thứ Tư 19 tháng 8 năm 2009, ông Richard Doerflinger, phụ tá giám đốc "Văn phòng điều hành các hoạt động bênh vực sự sống" của Hội đồng Giám mục Hoa kỳ, nói rằng bà Richards đã sai lầm khi bảo rằng đa số người dân Mỹ ủng hộ điều được gọi là "sự chăm sóc y tế sản sinh toàn diện". Kiểu nói này bao gồm hành động phá thai mà Liên Hiệp Kế Hoạch Hóa Gia Ðình Hoa kỳ xem như một phương thế để điều hòa sinh sản.

Ông Doerflinger khẳng định rằng đa số người Mỹ tuyên bố chống phá thai và bênh vực sự sống. Ông tuyên bố: "Chúng tôi không cho rằng cướp lấy mạng sống con người, dù ở giai đoạn nào, là một việc chăm sóc sức khỏe. Phần đông người Mỹ không muốn đóng thuế để tài trợ cho các cuộc phá thai".

Lập lại lập trường của Hội đồng Giám mục Hoa kỳ, ông Doerflinger nói rằng trên nguyên tắc Giáo hội ủng hộ chương trình cải tổ y tế của chính phủ, nhưng đòi hỏi rằng chương trình bảo hiểm này phải có giá trị cho mọi người. Ông nói: "chúng ta biết rằng dân chúng cần được chăm sóc sức khỏe trong suốt cuộc đời của mình, từ lúc thụ thai cho đến lúc chết tự nhiên. Phôi thai học là một bộ môn trong y khoa mà xem ra bà Richards không biết".

Người phát ngôn của Hội đồng Giám mục Hoa kỳ giải thích: theo chương trình cải tổ y tế được chính phủ đề nghị, thì việc phá thai sẽ được xem như một hành động được bảo hiểm. Ðây là điều mà Giáo hội Công giáo không chấp nhận.

Ðược hỏi về việc bà Richards phê bình Hội đồng Giám mục Hoa kỳ về lập trường chống lại việc xử dụng bao cao su để phòng ngừa bệnh Sida tại Phi Châu, ông Doerflinger khẳng định: Trong cuộc chiến chống lại bệnh Sida tại Phi Châu, Giáo hội đã có nhiều nỗ lực hơn Liên hiệp Kế hoạch hóa gia đình Hoa kỳ nhiều.

Tóm tắt lập trường của tổ chức này, người phát ngôn của Hội đồng Giám mục Hoa kỳ nói rằng Liên hiệp Kế Hoạch Hóa Gia Ðình không màng tới việc hằng triệu người có được bảo hiểm y tế hay không, mà chỉ muốn cho mọi người phải trả tiền để tài trợ cho việc phá thai mà thôi.

 

Chu Văn

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page