Nhận định của Ðức tổng giám mục

nguyên Sứ thần Tòa thánh tại Iraq

về tình trạng của cộng động Kitô tại nước này

 

Nhận định của Ðức tổng giám mục nguyên Sứ thần Tòa thánh tại Iraq về tình trạng của cộng động Kitô tại nước này.

Iraq [CNS 12/08/2009] - Kính thưa quí vị, các bạn thân mến. Sự biến mất của cộng đồng Kitô khỏi Iraq sẽ là một mất mát lớn lao về tôn giáo và văn hóa cho mọi người.

Trên đây là khẳng định của Ðức cha Fernando Filoni, Sứ thần Tòa thánh tại Iraq từ năm 2001 đến năm 2006. Ngài kêu gọi cộng đồng thế giới giúp đỡ để ngăn chặn làn sóng bỏ nước ra đi ngày càng dâng cao của các tín hữu Kitô Iraq. Các tín hữu Kitô Iraq chỉ có thể ở lại xứ sở của mình khi họ còn có hy vọng vào tương lai.

Trong một cuộc phỏng vấn dành cho báo Người Quan Sát Roma hôm 11 tháng 8 năm 2009, Ðức tổng giám mục nguyên Sứ thần Tòa thánh tại Iraq nhận định như sau: "Chính quyền Iraq phải làm mọi sự có thể để các tín hữu Kitô được tôn trọng và thấy mình là thành phần trọn vẹn của đất nước, cho dẫu họ chỉ là một thiểu số."

Ðức cha Filoni cho biết: chính phủ Iraq thường xuyên gặp gỡ với các vị lãnh đạo Giáo hội và trên nguyên tắc, cam kết bảo vệ các tín hữu Kitô. Nhưng theo Ðức cha Filoni, chính phủ cần phải tỏ thiện chí bằng "những hành động cụ thể".

Ðức giám mục nguyên Sứ thần Tòa thánh tại Iraq nhắc đến sự kiện mới đây chính phủ Iraq đã trao trả lại cho Giáo hội Công giáo thuộc nghi lễ Calde ba trường học đã bị tịch thu khi ông Saddam Hussein lên lãnh đạo đảng Bar' Athist. Trong ba trường này, hai nằm ở thủ đô Bagdad và một nằm ở Kirkuk, miền Bắc Iraq. Cả ba trường đều mở ra cho người Công giáo lẫn Hồi giáo.

Theo Ðức cha Filoni, đây là "một tín hiệu quan trọng mang lại hy vọng và cho thấy sự đóng góp mà các tín hữu Kitô có thể mang lại cho tương lai của Iraq". Ðức cha khẳng định: "Ngay cả hiện nay, nhiều người Hồi giáo vẫn biết ơn đối với nền giáo dục mà họ đã nhận được trong các trường Công giáo".

Ðức cha nguyên Sứ thần Tòa thánh tại Iraq khuyên các tín hữu Kitô, mặc dù đang phải trải qua nhiều khó khăn và thử thách, hãy nắm lấy cơ hội và tận dụng cho đến cùng. Ngài nói: "Phải chăng đây không là lúc để bắt đầu có thêm tin tưởng, lạc quan và đừng để cho sự sợ hãi thắng thế? Tôi nghĩ rằng đã đến lúc cần phải để cho hy vọng được lớn lên. Nếu đánh mất hy vọng thì chắc chắn sự hiện diện của Kitô giáo tại Iraq sẽ biến mất và điều đó sẽ không có lợi cho người nào".

Theo Ðức cha Filoni, "nếu các tín hữu Kitô Iraq tiếp tục bỏ nước ra đi, thì không bao lâu họ sẽ đánh mất ngôn ngữ, văn hóa và bản sắc của mình".

Tuy nhiên, Ðức cha cũng tỏ ra rất thực tế về tình hình hằng ngày tại Iraq hiện nay. Ngài nói đến những cuộc đánh bom và tấn công liên tục, tình trạng điện nước bị cắt, con số những người thất nghiệp ngày càng gia tăng và hệ thống giáo dục bấp bênh hiện nay.

Ngài cho biết: một khi đã rời bỏ quê hương, nhiều người không biết họ có thể trở lại không. Lúc nào người dân Iraq cũng phập phòng lo sợ bị đánh bom. Trong một hoàn cảnh như thế, các bậc phụ huynh Kitô Iraq tự hỏi không biết phải làm gì cho cuộc sống của con cái mình. Họ cũng không thể không nêu lên câu hỏi: liệu cộng đồng tôn giáo của họ có tồn tại được ở Iraq không?

Ðức cha Filoni hiện đang làm việc tại phủ Quốc vụ khanh Tòa thánh. Ngài là người duy nhứt đứng đầu một phái bộ ngoại giao đã ở lại Iraq khi Hoa kỳ đem quân xâm chiếm nước này vào năm 2003. Ngài cũng đã tiếp tục ở lại đó trong nhiều năm kế tiếp. Chính vì vậy mà ngài nói rằng ngài cảm thấy "gần như là một người Iraq" trong thời gian phục vụ tại đây.

Ðức nguyên Sứ thần Tòa thánh tại Iraq nói rằng cộng đồng Hồi giáo đánh giá cao sự hiện diện của Tòa thánh Vatican trong thời chiến tranh. Ngài nhắc lại rằng khi một chiếc xe có gắn bom phát nổ gần tòa Sứ thần Tòa thánh hồi năm 2006, ngày hôm sau đã có khoảng 30 người Hồi giáo tình nguyện đến giúp đỡ để sửa chữa những thiệt hại.

Ðức cha Filoni cũng là tác giả của một cuốn sách viết về lịch sử của Giáo hội tại Iraq. Ngài ghi nhận rằng việc các tín hữu Kitô Iraq bỏ nước ra đi đã xảy ra nhiều lần trong thế kỷ trước, nhứt là khi xảy ra ba cuộc khủng hoảng lớn.

Làn sóng các tín hữu Kitô bỏ nước ra đi đã diễn ra lần đầu tiên khi đế quốc Ottoman sụp đổ và hàng ngàn tín hữu Kitô bị bách hại. Làn sóng bỏ nước ra đi lần thứ hai của các tín hữu Kitô xảy ra trong thập niên 60, khi những người Kurd ở miền Bắc Iraq nổi dậy khiến cho miền này bị cô lập. Và lần thứ ba, các tín hữu Kitô bỏ nước ra đi khi Iraq đem quân xâm chiếm Kuwait hồi năm 1990, khiến cho các nước Tây Phương cấm vận Iraq và sau đó Hoa kỳ đem quân sang xâm chiếm nước này.

Nhưng so với ba làn sóng bỏ nước ra đi trước đây của các tín hữu Kitô, thì chắc chắn tình trạng hiện nay của các tín hữu Kitô bi đát hơn nhiều.

 

Chu Văn

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page