Một số nhận định của ÐHY Angelo Bagnasco

về quyết định của chính phủ

cho bán thuốc ngừa thai RU 486

 

Một số nhận định của Ðức Hồng Y Angelo Bagnasco Chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục Italia về quyết định của chính phủ cho bán thuốc ngừa thai RU 486.

Roma (Avvenire 2-8-2009) - Ngày 30-7-2009 Hội đồng quản trị dược khoa Italia gọi tắt là AIFA, đã bỏ phiếu chính thức cho phép hưu hành thuốc "Mefipristone", hay RU 486 là thuốc phá thai. Mỗi liều gồm hai viên: viên đầu tiên giết chết phôi thai và viên tiếp theo trục phôi thai chết ra ngoài. Vì thuốc không được bán ngoài tiệm nên phụ nữ dùng thuốc này phải vào nhà thương, phải được các nhân viên y tế kiểm soát nghiêm ngặt và thông tin tức đầy đủ để tránh các nguy hiểm có thể xảy ra như: xuất huyết, nhiễm trùng hay bị chết.

Cho tới nay đã có 29 trường hợp phụ nữ chết vì dùng thuốc RU 486. Loại thuốc này được dùng nội trong tuần thứ bẩy sau khi thụ thai. 5% phôi thai bị giết chết trong vòng 2 ngày, 75% bị giết chết trong vòng 5 ngày, 15% trong vòng 15 ngày và 5% sau hơn 15 ngày. Tuy nhiên vẫn có từ 5 tới 8% phụ nữ phải nạo thai.

Ông Maurizio Sacconi, Bộ trưởng trợ cấp xã hội, đã viết thư cho Hội đồng quản trị dược khoa Italia và ghi nhận "quyết định độc lập" này nhưng yêu cầu Hội đồng này đưa ra các chỉ dẫn phù hơp với khoản luật 194 của Hiến Pháp bắt buộc việc phá thai phải do một bác sĩ sản khoa thực hiện trong cơ cấu y khoa của nhà thương.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị một số nhận định của Ðức Hồng Y Angelo Bagnasco, Tổng Giám Mục Genova kiêm Chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục Italia, về quyết định nói trên của Hội đồng quản trị dược khoa Italia cho phép dùng thuốc phá thai RU 486.

Hỏi: Thưa Ðức Hồng Y, Ðức Hồng Y nghĩ gì về quyết định trên đây của hội đồng quản trị dược khoa Italia, và một cách gián tiếp trong một cách thế nào đó cũng là quyết định của chính quyền Italia?

Ðáp: Tôi cảm thấy buồn sầu, cay đắng và lo lắng. Tôi nghĩ rằng quyết định này diễn tả một cảnh xuống dốc văn minh của đất nước Italia. Ðây là việc tụt dốc văn hóa, vì ở đâu sự toàn vẹn của sự sống chẳng những không được thừa nhận và tôn trọng, mà còn bị xúc phạm và hủy bỏ, thì không thể nói rằng nền văn minh đang tiến tới được.

Hỏi: Thưa Ðức Hồng Y, trong các tháng qua tại Italia đã có qúa nhiều tin tức tiêu cực liên quan tới sự sống: từ vụ chị Luana bị bỏ cho chết đói chết khát, cho tới quyết định của Tòa Bảo Hiến liên quan tới luật 40 cho phép phá thai, và bây gìơ lại có việc chấp thuận cho phá thai bằng chất hóa học, tức là thuốc RU 486 nữa. Ðức Hồng Y nghĩ sao?

Ðáp: Giờ đây, người ta có khuynh hướng yêu sách tuyệt đối tôn trọng sự tự do cá nhân, nghĩa là cởi bỏ mọi tương quan với sự tự do và quyền lợi của các người khác. Trái lại, thực tế cho thấy không chỉ có một quyền duy nhất, mà có rất nhiều quyền khác nhau, cần phải đối thoại với nhau. Một đàng có phụ nữ - đó là điều chắc chắn rồi - nhưng mà trước mặt phụ nữ cũng còn có quyền của một sự sống mới là đứa con đang trong thời thụ thai, đang ở trong giai đoạn yếu ớt của nó nữa. Khi quyết định tiêu diệt sự sống là xã hội con người trở thành ít nhân bản hơn. Và thật là điều cay đắng khi thấy quyền của kẻ mạnh thắng thế trong xã hội ngày nay.

Hỏi: Người ta cho rằng thuốc RU 486 chỉ là một khả thể lựa chọn khác giúp phá thai thôi, chứ không có gì lạ. Ðức Hồng Y có đồng ý thế không?

Ðáp: Tiêu chuẩn tự do lựa chọn xem ra chỉ tốt đẹp, nhân bản và tôn trọng bề ngoài thế thôi, chứ không đúng. Trong các vấn đề khác nhau liên quan tới sự sống, thì không phải là chuyện muốn làm hay không muốn làm một điều gì đó, nhưng là biết thừa nhận các giá trị và các quyền khách quan tương xứng với các bổn phận chủ quan của con người, biết thừa nhận nhân phẩm là giá trị phải lựa chọn trước hết mọi lựa chọn. Xét cho kỹ, diễn văn về sự tự do chọn lựa điều mình thích chỉ khẳng định quyền của kẻ mạnh mà thôi.

Hỏi: Việc đưa ra các biện pháp mới trong các lãnh vực nóng bỏng như vậy thường diễn tả các tâm thức và tập tục mới. Nó có đúng với trường hợp của việc phá thai bằng chất hóa học hay không, thưa Ðức Hồng Y?

Ðáp: Viên thuốc phá thai khiến cho mọi sự trở thành dễ dàng hơn, cả khi có các biện pháp bắt buộc phải thực hiện nó trong khung cảnh của một cơ cấu nhà thương. Trong nội tại của vấn đề, xem ra càng ngày người ta càng có tâm thức coi tương quan giữa chủ thể với một sự sống mới là một chuyện hoàn toàn cá nhân, riêng tư. Nhưng có sự khác biệt: đó là chủ thể người lớn chắc chắn là mạnh mẽ hơn thai nhi, là người yếu đuối không có phương thế tự khẳng định và tự vệ.

Hỏi: Viên thuốc RU 486 tái đặt lại vấn đề tranh giành giữa quyền của người mẹ và quyền của đứa con. Làm thế nào để giải gỡ được nút thắt này thưa Ðức Hồng Y?

Ðáp: Nền văn hóa thống trị ngày nay ngày càng khẳng định quyền tuyệt đối của cá nhân, chứ không khẳng định quyền tuyệt đối của bản vị con người. Trong khi bản vị con người - tự bản chất của nó - luôn luôn ở trong thế đối thoại với các chủ thể khác, đối thoại với sự tự do của họ và với các quyền lợi và bổn phận của họ. Một nền văn hóa tập trung nơi cá nhân thì quan niệm con người trong các phạm trù tự do và tự quyết tuyệt đối, coi nó là một hòn đảo bên cạnh các hòn đảo khác và chỉ có tương quan với nhau vì tiện lơi hơn là vì tình liên đới. Trong khi tương quan giữa các bản vị con người có tư tưởng mạnh là lo lắng cho người khác, vì coi người khác là một món qùa qúy báu, cả khi tương quan này có mắc mỏ và đòi hỏi mỗi người phải tiên phong dấn thân đi nữa.

Hỏi: Thưa Ðức Hồng Y, việc phá thai băng chất hóa học hướng tới chỗ làm cho bào thai biến mất, bằng cách nấp sau bóng của một viên thuốc tầm thường phải uống. Nó có thể có hiệu qủa nào?

Ðáp: Khi khiến cho kiểu phá thai mới dễ dàng hơn, thì chắc chắn là người ta ngày càng gia tăng tâm thức coi việc phá thai như chuyện uống một viên thuốc ngừa thai, và đó là điều mà phần đầu của luật 194 tuyệt đối khai trừ. Ðây là thuốc giết thai nhi, chứ không phải thuốc ngừa thai.

Hỏi: Trong các ngày qua người ta cũng nói tới việc phá thai "lén lút hợp lệ", và việc kết án phụ nữ phá thai phải sống trong cô đơn và phải đau khổ hơn nữa trong hoàn cảnh đó. Ðức Hồng Y nghĩ sao?

Ðáp: Cả sự kiện này nữa cũng thuộc nền văn hóa cá nhân chủ nghĩa, được che đậy dưới cái mặt nạ tôn trọng sự tự do của nữ giới, nhưng thật ra đó là bỏ rơi phụ nữ cho chính họ, cho thảm cảnh, nỗi khổ đau và lo lắng của họ, trong khi một nền văn hóa nhân bản đích thật phải dẫn đưa tới chỗ dấn thân lo lắng cho họ.

Hỏi: Các đòi buộc mà Hội đồng quản trị dược khoa AIFA đưa ra liên quan tới việc dùng viên thuốc RU 486 bao gồm việc phải vào nhà thương và ở lại đó cho tới khi phá thai xong, có thể lượng định trở lại các hiệu qủa của việc phá thai bằng chất hóa học hay không, thưa Ðức Hồng Y?

Ðáp: Việc xúc phạm tới sự sống con người vẫn còn nguyên đó, cũng như thảm cảnh sau khi phá thai vẫn còn nguyên đó, chứ không thay đổi. Việc đưa ra một viên thuốc chắc chắn là không thể khiến cho sự suy tư hay nghĩ lại được dễ dàng hơn. Những điều kiện do Hội đồng quản trị dược khoa đưa ra có thể hãm lại phần nào các sai lệch trên bình diện tâm lý, cảm xúc và thực hành. Nhưng tôi xin lập lại: tất cả những điều đó tuyệt đối không giảm thiểu sự dữ khách quan là việc phá thai, tức là hủy bỏ một sự sống, giết chết một người.

Hỏi: Hiện nay vì lý do lương tâm đã có tới hơn 70% các bác sĩ phản đối việc cho dùng thuốc RU 486. Hiện tượng này có ý nghĩa gì thưa Ðức Hồng Y?

Ðáp: Nó là một sự kiện tích cực, khiến cho chúng ta phải suy tư về sự nhậy cảm mạnh mẽ vẫn còn sống động trong lòng người dân Italia, một cách đặc biệt nơi một số các bác sĩ và y tá. Cầu mong cho sự phản đối vì lý do lương tâm và các xác tín sâu thẳm ngày càng lớn mạnh hơn nữa, như là dữ kiện và như là chứng tá đối với dư luận công cộng để cho ý thức sâu xa đó được tồn tại.

Hỏi: Ðức Hồng Y nghĩ gì về số thống kê do bộ Y tế đưa ra cho biết là số các vụ phá thai thuyên giảm tại Italia, cả khi đó là 121,000 vụ?

Ðáp: Tôi hy vọng nó là dấu chỉ của một ý thức lớn hơn về sự thánh thiêng của cuộc sống con người, và vì thế khiến cho người ta biết tôn trọng nhiều hơn đối với mọi hình thái của sự sống.

Hỏi: Hội đồng quản trị dược khoa đưa ra quyết định cho phép dùng thuốc RU 486 ngay trong lúc chính quyền Italia đưa ra sáng kiến quốc tế chống lại các vụ cưỡng bách phá thai. Tại sao lại có sự mâu thuẫn như thế thưa Ðức Hồng Y?

Ðáp: Ðây là một sự mâu thuẫn tỏ tường. Tôi nghĩ là thế giới công giáo phải lên tiếng mạnh mẽ hơn để trình bầy các xác tín sâu xa của mình vì ích lợi của xã hội.

Hỏi: Ðức Hồng Y chờ đợi gì nơi các giáo dân trong cuộc tranh đấu bảo vệ sự sống này?

Ðáp: Tôi chờ đợi nơi các giáo dân một tiếng nói can đảm rõ ràng và có lý sự hơn trên mọi bình diện. Liên quan tới các đề tài của sự sống thì không thể chấp nhận sự trung gian. Vì chấp nhận sự trung gian cho các vấn đề nòng cốt có nghĩa là chối bỏ chúng. Sự sống con người không phải là một ý kiến, mà là một giá trị không thể xúc phạm, và cũng không thể lấy cớ để nói rằng nó là một vấn đề độc lập với giáo huấn của Giáo Hội. Sự độc lập mà Công Ðồng Chung Vaticang II nói tới không phải là một sự độc lập tuyệt đối, mà có tương quan tới một lương tâm ngay thẳng và được đào tạo.

Hỏi: Việc cho phép dùng thuốc RU 486 nói trên một lần nữa chứng minh cho thấy một quyết định quan trọng liên quan tới sự sống con người như thế mà lại do một cơ quan kỹ thuật pháp lý đưa ra. Các giới chức chính trị có làm tất cả những gì có thể để ngăn chặn sự sai lầm nay hay không thưa Ðức Hồng Y?

Ðáp: Tôi tin là không. Ðáng lý ra người ta đã có thể làm nhiều hơn nữa trong việc tôn trọng các cơ cấu dân chủ. Cả các lưu ý của giới chức chính trị âu châu cũng không phải là một tiêu chuẩn đúng đắn.

Hỏi: Thế mà người ta đã lấy đó để biện minh cho sự xem ra không thể tránh được của việc chấp nhận cho dùng thuốc RU 486, là làm sao?

Ðáp: Âu châu chỉ là một cái cớ, mà người ta dùng một cách tùy tiện theo các lợi lộc riêng tư, thế thôi. Lấy cớ là phải phù hợp với Âu châu chỉ là một một lý cớ không thật. Các mục tiêu do các tổ chức siêu quốc đưa ra chỉ có thể được chú ý, khi chúng được định hướng một cách tốt lành theo trật tự luân lý. Nếu không, thì một nước thành viên phải phản đối không theo và làm gương cho các nước khác trong việc đi ngược lại các mục tiêu ấy.

Hỏi: Có người khó chịu đối với việc nhắc lại luật Giáo Hội phạt vạ tuyệt thông những ai cộng tác vào việc phá thai. Ðây đã là một điểm chắc chắn trong giáo huấn của Giáo Hội, mà sao bây giờ có người mới khám phá ra nó?

Ðáp: Giáo Hội có các luật đưa ra các hình phạt, không phải để mà phạt, mà có mục đích sư phạm và đào tạo, khiến cho tín hữu phải suy tư trở lại về sự nghiêm trọng của một hành động của mình. Việc phạt vạ là mồt liều thuốc. Trong thông điệp "Yêu thương trong sự thật" Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI nói rằng giá trị nền tảng của sự sống con người ngày nay là một trong các sự nghèo, đặc biệt khi nó giòn mỏng.

Hỏi: Thưa Ðức Hồng Y, có nhiều người cho rằng phải phòng ngừa các vụ phá thai. Nhưng làm thế nào để cho nó được hữu hiệu đây?

Ðáp: Cũng như đối với nhiều sự dữ của nền văn hóa ngày nay, "phòng ngừa" có nghĩa là giáo dục cho con người biết yêu thương, giáo dục cho nó biết ý nghĩa về bản vị con người, biết sống tính dục với tinh thần trách nhiệm chứ không tùy theo ý muốn của mình, biết giữ gìn nó như là một kho tàng qúy báu chứ không phải phung phí hay chỉ sống nó trong chiều kích thịt xác mà thôi.

Hỏi: Tại sao Giáo Hội lại dấn thân một cách mạnh mẽ trong các vấn đề sinh học như vậy thưa Ðức Hồng Y?

Ðáp: Bởi vì Giáo Hội yêu thương con người một cách toàn diện chứ không phải chỉ yêu thương một vài khía cạnh của con người mà thôi. Vấn đề có tích cách nhân chủng, và Ðức Thánh Cha cũng nhắc tới điều này trong thông điệp "Yêu thương trong sự thật". Tất cả những gì liên quan tới con người không thể không lôi kéo sự chú ý của Giáo Hội. Chúa Giêsu đã đến trần gian để cứu rỗi tất cả mọi người và toàn con người. Vì thế Giáo Hội không thể im lặng cũng không thể thờ ơ đối với những gì liên quan tới con người, và do đó cũng liên quan tới xã hội và quốc gia. Và Giáo Hội không nhắm gì khác ngoài việc phục vụ hạnh phúc của con người.

 

Linh Tiến Khải

(Rdio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page