Phi Luật Tân và

thông điệp mới của Ðức thánh cha

 

Phi Luật Tân và thông điệp mới của Ðức thánh cha.

Manila [Asianews 20/07/2009] - Phát triển là một điều kiện thiết yếu cho hòa bình.

Trên đây là nhận định của cha Bernard Diaz, giáo sư về tôn giáo tại đại học Adamson của dòng Lazariste ở Manila, Phi Luật Tân.

Trong một cuộc phỏng vấn dành cho hãng tin Asianews, cha Diaz nói rằng trong một nước đang phát triển như Phi Luật Tân, hậu quả của một sự phát triển kinh tế "sai lầm" thường là nghèo đói, tội phạm, tham nhũng và xung đột. Theo vị giáo sư tôn giáo này, thông điệp xã hội của Ðức thánh cha Beneđitô XVI là một "dụng cụ thiết yếu để hiểu được ý nghĩa đích thực của phát triển nhân bản".

Theo ghi nhận của cha Diaz, trong bức thông điệp, Ðức thánh cha nói rằng "để thực sự là nhân bản, phát triển cần phải tôn trọng nguyên tắc của tự do và đeo đuổi công ích". Ðể dẫn chứng điều này, cha Diaz nói đến Sáng hội có tên là "Bukas Palade" [nghĩa là Mở rộng bàn tay], liên kết với phong trào tổ ấm Focolare. Sáng hội này hoạt động dựa theo khẩu hiệu "chúng ta nhận lãnh nhưng không, chúng ta hãy cho nhưng không" và giúp đỡ người nghèo trong những vùng nghèo khổ nhứt tại Phi Luật Tân. Ðược gợi hứng từ lý thuyết "Kinh Tế Hiệp Thông" được phong trào Focolare đề ra trong thập niên 60, sáng hội "Bukas Palade" cố gắng tìm ra một con đường khác với chủ nghĩa tư bản thái quá.

Về phần mình, ông Jhonatan Reginales, giáo sư xã hội học tại Ðại học Manila, nói rằng vì quá nhấn mạnh đến vai trò của thị trường và cạnh tranh, cuộc sống đánh mất những giá trị như trao tặng và giúp đỡ hổ tương. Theo giáo sư Reginales, thông điệp mới của Ðức thánh cha mang lại hy vọng và mở ra một con đường cần phải đi theo trong những vấn đề xã hội và phát triển.

Ông Antonio Maisong, giáo sư về giáo huấn xã hội của Giáo hội tại đại học Thánh Toma của dòng Ðaminh, Manila, nói đến những áp dụng cụ thể của thông điệp cho Phi Luật Tân. Theo ông Maisong, thông điệp là một lời mời gọi tái thẩm định vai trò của nhà nước và sự dấn thân của nhà nước trong những vấn đề của xã hội.

Ông nói rằng trong một xứ sở mà số người nghèo vượt quá 15 phần trăm dân số, việc quan tâm đến người nghèo được Ðức thánh cha nhắc đến trong thông điệp phải là một ưu tiên hàng đầu. Giáo sư Maisong khẳng định rằng "chính phủ phải xem người nghèo như một vốn liếng chứ không như một gánh nặng".

 

Chu Văn

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page