Nhật ký Ad Limina 2009

của Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam:

Giáo Dân Và Gia Ðình

 

Nhật Ký Ad Limina 2009 Của Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam (2)

Thứ Hai 22.06.2009: Giáo Dân Và Gia Ðình

Roma (22/06/2009) - Do chênh lệch giờ giữa Việt Nam và Italia, nhiều Ðức cha chỉ ngủ được vài ba giờ, nhưng tất cả các giám mục đã khởi đầu ngày thứ nhất với thánh lễ đồng tế sốt sắng lúc 6 giờ sáng, do Ðức Hồng y Gioan Baotixita chủ sự.

Hôm nay toàn thể các Ðức cha đi gặp 2 Hội đồng Tòa Thánh về Giáo dân và về Gia đình. Hai cơ quan này ở chung một tòa nhà nên không phải đi lại nhiều.

Hội đồng Tòa Thánh về Giáo dân

Tiếp đoàn tại trụ sở Hội Ðồng Tòa Thánh về Giáo Dân là Ðức ông Clemens, người Ðức, và 8 chuyên viên, trong đó có 2 phụ nữ. Ðức cha Giuse Trần Xuân Tiếu, chủ tịch Ủy ban Giáo dân thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam trình bày về đời sống và vai trò của giáo dân trong Giáo Hội Việt Nam, nhấn mạnh đến đức tin và lòng đạo của người giáo dân Việt Nam, siêng năng cầu nguyện và tham dự thánh lễ, hăng hái tham gia sinh hoạt giáo xứ.

Tiếp đến, Ðức cha Giuse Vũ Văn Thiên, chủ tịch Ủy ban Giới trẻ thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam trình bày về một giới trẻ năng động và quảng đại, nêu đặc biệt Ðại hội Giới trẻ hằng năm của Giáo tỉnh Hà Nội với con số tham gia ngày càng tăng, nay đã lên đến trên dưới 15 ngàn. Ðức ông thư ký Hội Ðồng nhiệt liệt hoan nghênh tinh thần của giáo dân Việt Nam nói chung và của giới trẻ nói riêng.

Giáo sư Cariquiry, phó thư ký, cho biết đang chuẩn bị tổ chức Ðại hội Giáo dân Châu Á tại Hàn Quốc và đề nghị Hội đồng Giám mục Việt Nam gửi một đoàn đông đảo giáo dân đi tham dự.

Ðức ông thư ký nói: "Chúng tôi nghĩ nhiều về Châu Á, và đặt nhiều hy vọng ở Châu Á." Cha Jacquinet cho biết Việt Nam đã tham dự ngày càng tích cực và đông đảo vào Ðại hội Giới trẻ Thế giới. Ðây là cơ hội tốt để giới trẻ sống kinh nghiệm về Ðức Kitô trong Hội Thánh, dịp để giới trẻ gặp gỡ trực tiếp các vị lãnh đạo Hội Thánh và chia sẻ với nhau. Trước mỗi Ðại hội Giới trẻ Thế giới, Giáo Hội tại quốc gia tổ chức Ðại hội nhận cây Thánh giá như sứ mạng trao cho giới trẻ sống và loan báo mầu nhiệm Ðức Kitô cho nhân loại, và cây Thánh giá đó đã được chuyển đến nhiều quốc gia trên thế giới. Ðó cũng có thể là khuôn mẫu cho các Ðại hội Giới trẻ ở các cấp độ địa phương.

Giáo sư Carriquiry nêu lên 3 tiêu chí về căn tính Công Giáo so với anh em Tin Lành: lòng yêu mến Chúa Giêsu Thánh Thể, lòng sùng kính Ðức Mẹ và sự gắn bó với Ðức Thánh Cha.

Cả ba điều ấy đều nổi bật nơi giáo dân Việt Nam. Ðức ông thư ký cũng lưu ý các giám mục tổ chức các khóa đào tạo giáo dân để họ tham gia tích cực và lãnh trách nhiệm nhiều hơn nữa trong các giáo xứ cũng như ở những bình diện rộng lớn hơn. Kết thúc buổi gặp gỡ và làm việc rất sinh động, Ðức ông thư ký ca ngợi và cám ơn giáo dân Việt Nam đang nêu gương cho Giáo Hội Châu Á nói riêng và Hội Thánh toàn cầu nói chung.

Hội đồng Tòa Thánh về Gia đình

Tại trụ sở Hội đồng Toà Thánh về Gia đình, tiếp đoàn là Ðức Hồng y Enio Antonelli, chủ tịch Hội Ðồng, và 4 chuyên viên.

Ðức cha Giuse Châu Ngọc Tri, chủ tịch Ủy ban Gia đình thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam trình bày về gia đình truyền thống Việt Nam rất phù hợp với giáo lý Công Giáo, đặc biệt về lòng hiếu thảo, nếp sống đại gia đình, lễ nghĩa gia phong, quan hệ họ hàng thân thuộc gắn bó. Tinh thần ấy có thể áp dụng vào Hội Thánh như gia đình Thiên Chúa trong đó mọi người sống với Thiên Chúa theo tình con thảo và với tha nhân như anh em thân thuộc. Tuy nhiên hiện nay có hai trào lưu đang tác động vào gia đình truyền thống ấy là việc đô thị hóa và toàn cầu hóa. Trào lưu trước khiến nhiều người phải xa gia đình đi làm việc ở các đô thị. Trào lưu sau đem nếp sống tây phương vào xã hội Việt Nam. Khuynh hướng gia đình nhỏ đang dần dần thay thế đại gia đình. Những hiện tượng tiêu cực như sự ích kỷ, đề cao vật chất, thiếu sự chăm sóc và dạy dỗ con cái, nhất là về đời sống đức tin, nạn nam nữ sống chung không kết hôn, nạn ly dị, nạn phá thai# đang đe dọa những giá trị văn hóa truyền thống và đức tin của gia đình công giáo. Trong những năm gần đây, Hội đồng Giám mục đã nhiều lần nhắc nhở giáo dân về những giá trị vĩnh cửu của gia đình theo tinh thần Tin Mừng và giáo huấn của Hội Thánh cần phải được bảo vệ và phát huy. Hơn lúc nào hết, Giáo Hội Việt Nam cần một nền mục vụ gia đình để hướng dẫn và giúp đỡ các gia đình, nhất là những gia đình trẻ.

Ông Simon, phó thư ký, ghi nhận 3 điểm quan trọng nêu trong bản phúc trình: (1) giáo dục Công giáo trong gia đình; (2) chương trình giáo dục những người sắp kết hôn và giúp đỡ những gia đình trẻ; (3) đạo đức sinh học: sự sống phải được đón nhận với tinh thần trách nhiệm trong gia đình. Một chuyên viên giới thiệu các tài liệu Hội đồng đã soạn thảo và phát hành có thể giúp các giám mục Việt Nam trong mục vụ gia đình. Ðức Hồng y chủ tịch đề nghị Hội đồng Giám mục Việt Nam gửi thêm người đi học chuyên biệt về mục vụ gia đình, đồng thời hứa sẽ giúp các giám mục khi có những chương trình cụ thể.

Sau khi thảo luận một vài vấn đề mục vụ về ngừa thai và phá thai, Ðức Hồng y chủ tịch nhấn mạnh tầm quan trọng của trách nhiệm giáo dục con cái trong gia đình, việc cầu nguyện trong gia đình dựa trên Lời Chúa và được kiểm nghiệm trong đời sống, và kết luận: Cần giúp mọi người ý thức và xác tín "gia đình không chỉ là đối tượng nhưng còn là chủ thể của mục vụ".

 

UB Truyền thông Xã hội / HÐGMVN

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page