Nhìn lại Năm Thánh Phaolô

 

Nhìn lại Năm Thánh Phaolô.

Roma [CNS 26/6/09] Kính thưa quí vị, các bạn thân mến. Năm Thánh Phaolô đã bế mạc với buổi Hát Kinh Chiều do Ðức thánh cha Beneđitô XVI chủ sự tại Vương cung Thánh đường thánh Phaolô ngoại thành hôm Chúa Nhựt 28 tháng 6 năm 2009.

Trong một cuộc họp báo hôm thứ Sáu 26 tháng 6 năm 2009, Ðức hồng y Andrea Cordero Lanza di Montezemolo, tổng quản Vương cung Thánh đường thánh Phaolô ngoại thành, tuyên bố: "kết quả thật tích cực, ngoài cả những dự đoán lạc quan nhứt".

Vương cung Thánh đường thánh Phaolô ngoại thành vốn không phải là một nơi thu hút khách hành hương. Nhưng trong suốt năm vừa qua, số người đến viếng thăm thánh đường và cầu nguyện bên mộ thánh Phaolô rất đông. Một trong những lý do khiến khách hành hương đổ xô về đây chính là việc cho trùng tu lại ngôi mộ của thánh nhân. Lần đầu tiên, vị trí của ngôi mộ nằm dưới bàn thờ chính trong Vương cung Thánh đường đã được làm nổi bật lên.

Nhưng chính Ðức thánh cha mới là người đã đặt ra hướng đi cho việc tổ chức Năm Thánh Phaolô. Trong các bài huấn dụ hằng tuần, trong các bài giảng cũng như cử hành phụng vụ, ngài đã tỉ mỉ ghi lại chân dung của vị thánh đã được xem như là mẫu mực của sự hoán cãi trong Kitô giáo và hoạt động truyền giáo.

Thánh Phaolô là tác giả viết nhiều nhứt trong thời Giáo hội tiên khởi. Ngài là vị tông đồ đã mang Tin Mừng của Chúa Giêsu đến trong thế giới dân ngoại và giúp vạch ra con đường phổ quát cho Giáo hội. Trong năm thánh Phaolô vừa qua, điểm nhắm của Ðức thánh cha chính là khơi dậy tinh thần truyền giáo dựa trên sự hoán cãi cá nhân nơi một tỷ một triệu người Công giáo trên khắp thế giới.

Khi cho công bố Năm Thánh Phaolô, Ðức thánh cha đã kêu gọi: "Anh chị em thân mến, cũng như thời Giáo hội tiên khởi, ngày nay Chúa Kitô cũng cần những tông đồ sẵn sàng hy sinh mạng sống của mình. Ngài cần những chứng nhân và tử đạo như thánh Phaolô".

Trong suốt Năm Thánh Phaolô, Ðức thánh cha không bao giờ bỏ lỡ cơ hội để nhắc lại mẫu gương của thánh Phaolô cho các Ðức giám mục, các dòng tu, các sinh viên đại học và giáo triều Roma. Với 14 lá thư của thánh Phaolô, tức gần một nửa của Tân Ước, Ðức thánh cha đã có đủ chất liệu để nói về vị tông đồ này.

Trong những chuyến tông du hải ngoại, Ðức thánh cha cũng không ngừng nhắc đến sứ điệp của thánh Phaolô. Hồi năm 2008 tại Paris, khi đề cập đến cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, Ðức Benedicto XVI đã ôn lại lời rao giảng của thánh Phaolô chống lại việc tôn thờ ngẫu tượng và lòng tham lam; ngài nêu lên câu hỏi: "Phải chăng không phải tiền bạc, nỗi khao khát sở hữu của cải, quyền lực và ngay cả kiến thức, đã làm cho con người xa lạc với bản sắc đích thực của mình?"

Trong sứ điệp hằng năm nhân Ngày Thế Giới Di Dân và Tỵ Nạn, Ðức thánh cha cũng khẳng định rằng thánh Phaolô là một người "di dân chuyên nghiệp" và là đại sứ của Chúa Kitô.

Trong các bài nói chuyện với các Ðức giám mục Á châu, Ðức thánh cha cũng kêu gọi các vị hãy cố gắng học hỏi nơi thánh Phaolô "kỹ năng" truyền giáo trong những nền văn hóa vốn còn mới mẽ với Kitô giáo, bằng cách trình bày Tin Mừng trong những cách thế khả dĩ cộng hưởng với kho tàng thiêng liêng của lục địa mình.

Ðề cao gương can đảm của thánh Phaolô trong công cuộc truyền giáo, Ðức thánh cha kêu gọi một nhóm giám mục mới được ngài bổ nhiệm hãy bắt chước thánh Phaolô, kiên trì khi đứng trước ngược đãi và nguy hiểm.

Ðức thánh cha cũng áp dụng các bài học của thánh Phaolô vào các cuộc tranh cãi và mâu thuẫn trong cộng đồng giáo hội. Ðầu năm 2009, khi đề cập đến những lời phê bình chỉ trích nhắm vào các quyết định của ngài, Ðức thánh cha đã trích thư của thánh Phaolô gởi giáo đoàn Galata và kêu gọi đừng cắn xé nhau. Thánh Phaolô đã hiểu rằng sự hiệp nhứt của Giáo hội là điều kiện tiên quyết để làm chứng cho sự khả tín của Tin Mừng trong thế giới.

Ðức Benedicto XVI cũng lập lại cùng một chủ đề trong buổi hát kinh chiều lễ thánh Phaolô trở lại ngày 25 tháng Giêng năm 2009. Phụng vụ này đã chấm dứt tuần lễ cầu nguyện cho hiệp nhứt Kitô giáo. Ðức thánh cha đã cùng với đại diện của các Giáo hội Chính thống, Tin lành và Anh giáo cầu nguyện tại vương cung thánh đường thánh Phaolô ngoại thành.

Trong bài giảng, Ðức thánh cha đã nhấn mạnh đến sứ điệp của thánh Phaolô như sau: không có hiệp nhứt trong nội bộ Giáo hội, thì các tín hữu Kitô không thể mang lại hòa bình và hòa giải cho những xã hội đang bị chia rẽ trên thế giới.

Và cuối cùng, trong bài giảng trong buổi hát kinh chiều tại Vương cung Thánh đường thánh Phaolô ngoại thành nhân dịp bế mạc năm thánh Phaolô, một lần nữa, Ðức thánh cha đã ôn lại giáo huấn và gương của thánh Phaolô. Ngài đặc biệt kêu gọi lòng trung thành với huấn quyền của Giáo hội.

Trên đây là tóm lược nội dung giáo huấn của Ðức thánh cha về thánh Phaolô trong những dịp khác nhau trong suốt năm thánh Phaolô.

Trong suốt năm qua, ngoài mộ thánh Phaolô, khách hành hương đến Roma cũng có dịp viếng thăm nhiều di tích khác gắn liền với cuộc đời của thánh Phaolô, trong đó có những nhà thờ được xây cất tại những nơi thánh nhân đã từng cư ngụ, nhà tù Mamertina nơi thánh nhân bị đế quốc La mã giam giữ và tu viện "Tre Fontane" nơi thánh nhân bị xử trảm theo lệnh của hoàng đế Nero.

Năm Thánh Phaolô đã kết thúc, nhưng Ðức hồng y Montezemolo khẳng định rằng "Ngọn Ðuốc Phaolô" được đốt lên tại Vương cung Thánh đường thánh Phaolô trong suốt 12 tháng qua, vẫn tiếp tục cháy để tượng trưng cho tất cả những gì đã được xem là tích cực trong suốt năm qua.

 

Chu Văn

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page