Nhật ký Ad Limina 2009

của Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam:

Ðời sống thờ phượng

 

Nhật ký Ad Limina 2009 của Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam (5):

Thứ Năm 25.06.2009: Ðời sống thờ phượng.

Roma (25/06/2009) - Hôm nay, Ðức Thánh Cha Bênêđictô XVI bắt đầu gặp gỡ riêng các giám mục của từng giáo phận. Vì thế, một số giám mục không thể có mặt trong những buổi làm việc với các Bộ.

Bộ Phong thánh

Trước hết, các giám mục Việt Nam đến thăm Bộ Phong thánh. Ðức Tổng giám mục Angelo Amato, Bộ trưởng, và Ðức Tổng giám mục Michele di Ruberto, Tổng thư ký, cùng với các vị trong Bộ đã niềm nở đón tiếp các giám mục Việt Nam. Ðức cha Bộ trưởng xem ra rất quan tâm đến Giáo Hội Việt Nam, nên ngay trong phần mở đầu, ngài đã nhắc đến những thông tin tích cực về Giáo Hội như việc thành lập Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam năm 1980, những thành quả của công cuộc loan báo Tin Mừng tại Việt Nam, cuộc gặp gỡ giữa Ðức Thánh Cha Bênêđictô XVI và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng năm 2007, mối quan hệ tốt đẹp giữa Giáo Hội Công giáo và các tôn giáo khác tại Việt Nam, và sự kiện liên quan trực tiếp đến Bộ Phong Thánh là tiến trình điều tra để phong chân phước cho Ðức Cố Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận.

Về phía Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam, Ðức cha Giuse Võ Ðức Minh đã nói lên niềm vui của Giáo Hội Việt Nam khi 117 vị tử đạo tại Việt Nam được Ðức Gioan Phaolô II tuyên thánh vào năm 1988, và Dân Chúa tại Việt Nam ước mong việc tuyên thánh cho thầy giảng Anrê Phú Yên cũng như phong chân phước cho Ðức Hồng y Phanxicô sẽ được tiến hành sớm. Ðồng thời, trong dịp này, Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam cũng chính thức ngỏ lời với Bộ Phong thánh về việc tiến hành hồ sơ xin tuyên thánh cho Ðức Cha Lambert de la Motte và Francois Pallu là hai vị thừa sai đã có công rất lớn đối với Giáo Hội Việt Nam, đặc biệt là việc thiết lập dòng Mến Thánh Giá đã đem lại những hoa trái hết sức phong phú cho đời sống Giáo Hội.

Ðức Cha Tri Bửu Thiên cũng đề cập đến trường hợp cha Phanxicô Trương Bửu Diệp, và Bộ tỏ ra sẵn sàng hỗ trợ khi phía Việt Nam xúc tiến hồ sơ. Lắng nghe các giám mục Việt Nam trình bày, Ðức cha Bộ trưởng và Ðức cha Tổng thư ký đã ân cần trả lời tất cả những đề nghị được nêu. Ngài cũng giới thiệu hai văn bản hướng dẫn để các giám mục có thể dựa vào đó mà làm việc.

Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích

Rời văn phòng của Bộ Phong thánh, đồng hồ đã điểm 11g00, cũng là giờ hẹn làm việc với Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích. Ở đây cũng thế, đích thân Ðức Hồng y Antonio Llovera, Bộ trưởng, và Ðức Tổng Giám Mục Abert Malcolm Don, Tổng thư ký, đã trao đổi với đoàn giám mục Việt Nam về những vấn đề liên quan đến đời sống thờ phượng của Dân Chúa.

Ðức Hồng y Bộ trưởng đã gọi Giáo Hội Việt Nam là Giáo Hội tử đạo. Ngài bày tỏ sự thông cảm với những khó khăn mà Giáo Hội phải đối diện và ngài đánh giá cao sự can đảm của các giám mục Việt Nam trong tư cách những mục tử của Dân Chúa.

Ngài cũng cảm ơn Giáo Hội Việt Nam đã cống hiến cho Giáo Hội toàn cầu một con người như Ðức Cố Hồng y Phanxicô Nguyễn Văn Thuận với chứng từ sống động về Thánh Thể là trung tâm của đời sống Giáo Hội.

Sau lời mở đầu của Ðức cha Bộ trưởng, Ðức cha Phêrô Trần Ðình Tứ đã trình bày một số nét chính về đời sống thờ phượng của cộng đồng Dân Chúa tại Việt Nam. Trước hết, ngài cho biết tại Việt Nam, số tín hữu đi lễ Chúa nhật vẫn ở tỷ lệ rất cao là 85%; thêm vào đó, người tín hữu Việt Nam luôn coi trọng Thánh Lễ và các cử hành bí tích; việc cử hành được thực hiện cách trang nghiêm theo như chỉ dẫn của Giáo Hội.

Ðiều cần lưu tâm là đối với giới trẻ hiện nay, do sức ép của công việc cũng như học hành và cũng do những yếu tố khác, một số người trẻ đã mất dần thói quen đến với Thánh Lễ và các cử hành bí tích. Ðức Cha Tứ cũng trình bày về nỗ lực của Giáo Hội tại Việt Nam trong việc phiên dịch các văn bản phụng vụ sang tiếng địa phương, không chỉ trong tiếng Việt mà cả trong một số ngôn ngữ của các sắc dân thiểu số. Cuối cùng, ngài cũng cho Bộ biết mối quan tâm của Giáo Hội Việt Nam trong việc hội nhập văn hoá cũng như việc đào tạo tu sĩ, chủng sinh, giáo dân về phụng vụ để đời sống thờ phượng của Dân Chúa được đào sâu và thực sự trở thành trung tâm của đời sống đức tin. Tiếp phần trình bày của Ðức cha Phêrô Trần Ðình Tứ, Ðức cha Phaolô Nguyễn Văn Hoà đã chia sẻ với Bộ Phụng tự về nền thánh nhạc Việt Nam. Khởi đi từ nhận xét về âm điệu đặc biệt của ngôn ngữ Việt Nam, Ðức cha trình bày sự phong phú của thánh nhạc tại Việt Nam, góp phần tích cực không những vào đời sống cầu nguyện của Dân Chúa, mà còn mang lại nhiều hiệu quả tốt đẹp trong công cuộc truyền giáo.

Ðức Hồng y Bộ trưởng cảm ơn Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam về những nỗ lực đã thực hiện trong lãnh vực phụng tự, kỷ luật bí tích và thánh nhạc. Sau đó, Ðức cha Tổng thư ký đã chia sẻ một vài ghi nhận về hội nhập văn hoá và nhấn mạnh đến sự tương tác giữa hai chiều của tiến trình hội nhập: không chỉ là hội nhập Tin Mừng vào văn hoá địa phương mà còn là phúc âm hoá chính nền văn hoá đó. Hai vị cũng chân thành trả lời những vấn nạn mà các giám mục Việt Nam đưa ra. Buổi làm việc kết thúc không phải bằng lời cầu nguyện theo tiếng La tinh như thường lệ, nhưng một bản thánh ca Việt Nam được cất lên, và ca trưởng lại là Ðức cha Chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam.

Hội đồng Tòa thánh về Ðối thoại liên tôn

Tại Văn phòng của Hội đồng Toà thánh về Ðối thoại liên tôn, mặc dù đã 12g00 trưa, Ðức Hồng y Louis Tauran vẫn nồng hậu đón tiếp đoàn giám mục Việt Nam.

Một lần nữa, Ðức cha Phêrô Trần Ðình Tứ đã thay mặt Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam trình bày đôi nét về việc đối thoại liên tôn tại Việt Nam. Ngài cho biết Việt Nam là đất nước có rất nhiều tôn giáo và Công giáo chỉ là thiểu số chiếm 7% dân số toàn quốc. Tuy Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam chưa có một Uỷ ban chính thức về công việc này nhưng các giám mục rất quan tâm. Nếu tiến trình đối thoại này phải quan tâm đến nhiều khía cạnh như cuộc sống, bác ái, thần học và kinh nghiệm tâm linh, thì trong thực tế, những công việc bác ái được thực hiện chung là con đường quen thuộc nhất để tạo sự gặp gỡ, hiểu biết, tôn trọng lẫn nhau và cùng nhau phục vụ con người.

Ðức Hồng y Chủ tịch Hội đồng Toà thánh đã lắng nghe và cùng với Ðức cha Tổng thư ký, các ngài đóng góp ý kiến đặc biệt về hai điểm. Thứ nhất là để tiến hành đối thoại thực sự, cần giúp cho các tín hữu hiểu rõ và sống đúng với căn tính Kitô giáo của mình, bởi lẽ người ta không thể đối thoại thực sự nếu không biết rõ mình là ai.

Thứ đến, các ngài cũng lập lại mối quan ngại của Ðức Thánh Cha Bênêđictô XVI về cái gọi là "hoà đồng tôn giáo" và chủ thuyết chiết trung; đó không phải là đối thoại thực sự nhưng chỉ là sự chắp vá và không đem lại kết quả như Giáo Hội mong muốn.

Cũng muốn ghi nhận ở đây là trong số các viên chức của Hội đồng này có mặt để tiếp đoàn giám mục Việt Nam, có hai linh mục thư ký, một là người Thái Lan, một là người Indonesia. Sự hiện diện của hai linh mục gốc Á châu có lẽ cũng cho thấy đối thoại liên tôn là vấn đề lớn của Giáo Hội tại Á châu, vốn là cái nôi của nhiều truyền thống tôn giáo cổ kính và lâu đời trên thế giới. Như thế, Giáo Hội Việt Nam cần quan tâm hơn nữa đến lãnh vực này trong tương lai.

Ðã 13g30. Một ngày làm việc khá nặng nhưng rất bổ ích và chan chứa tình hiệp thông. Giáo Hội là hiệp thông, không chỉ như một ý niệm trừu tượng nhưng được thể hiện qua gặp gỡ, lắng nghe, trao đổi, học hỏi và bổ túc cho nhau. Chuyến đi vốn quen gọi là Ad Limina của các giám mục thực sự là điều cần thiết trong đời sống Giáo Hội.

 

UB Truyền thông Xã hội / HÐGMVN

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page