Những thách đố của Giáo hội tại Việt nam

 

Những thách đố của Giáo hội tại Việt nam.

Roma [La Croix 22/06/2009] - Kính thưa quí vị, các bạn thân mến. Nhân Năm Thánh Linh Mục và nhứt là nhân chuyến đi viếng mộ hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô của các Ðức giám mục Việt nam, cha Nguyễn Hân Quynh, 83 tuổi, thuộc giáo phận Hải Phòng, đã dành cho Nhựt Báo Công Giáo Pháp La Croix một cuộc phỏng vấn, qua đó ngài nói đến những thách đố mà Giáo hội tại Việt nam phải đương đầu. Chúng tôi xin được gởi đến quí vị và các bạn nguyên văn cuộc phỏng vấn.


Các Ðức Giám Mục Việt Nam chụp hình lưu niệm trong dịp viếng mộ hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô, Ad Limina 2009.


Ðược hỏi: ngài đã sống như thế nào kể từ sau năm 1954, cha Quynh cho biết như sau: "Tôi đã có thể chống chọi cho đến năm 1960, vì tôi có quen biết ông Hồ Chí Minh. Sau đó, Ðảng Cộng Sản đã cho cài người vào các giáo xứ và những người Công giáo nào kháng cự đều bị bắt giữ. Chỉ riêng trong giáo phận Hải phòng có đến 2,000 người gồm linh mục và giáo dân đã bị giam tù, đến độ chỉ còn lại có 3 linh mục. Phải nói rằng hơn một triệu người đã đến Hải Phòng để di cư vào Nam, vì Hải Phòng là cứ địa duy nhứt còn kháng cự.

Tại đây, chúng tôi đã trải qua những cuộc bách hại khốc liệt. Năm 1960, tôi bị đưa về quản thúc tại một làng quê. Tình trạng này còn tệ hại hơn cả lao tù, bởi vì trong tù các linh mục còn chịu đựng được. Tôi đã hoàn toàn bị cô lập trong 28 năm. Nhưng nhờ đó mà tôi đã đọc được toàn bộ Lenin và Marx. Người ta còn cho tôi giữ cuốn Nhựt tụng và Quyển Kinh Thánh. Hằng đêm, tôi dâng thánh lễ dưới ánh đèn bạch lạp và luôn luôn có hai hoặc ba tín hữu ở vùng lân cận lén lút đến tham dự.

Năm 1988, nhờ có những thay đổi trong chính sách, tình trạng quản thúc của tôi chấm dứt. Thật ra, những cán bộ mà Ðảng đưa đến quản lý các giáo xứ đều hiểu rằng họ đã thất bại. Trong 28 năm tù đày, tôi đã không bao giờ cảm thấy hận thù đối với người cộng sản."

Khi được hỏi làm thế nào để có thể không thù hận người cộng sản, cha Quynh giải thích như sau: "Tôi luôn cố gắng làm một linh mục thực sự của Chúa Kitô trước mặt kẻ thù. Những người canh giữ tôi đều đã trở thành bạn của tôi. Hiện nay một số vẫn tiếp tục đến thăm tôi... Trong vùng, có đến cả trăm tín hữu gia nhập Ðảng Cộng sản. Ngày nay, họ đã trở lại với đức tin và tham dự thánh lễ mỗi ngày Chúa Nhựt. Dịp Phục Sinh, Giáng Sinh hay Tết, hàng chục người khác mang quà đến tặng tôi. Tôi nghĩ rằng các viên chức chính quyền địa phương đã hiểu rằng khi hợp tác với Giáo hội, họ nhận lãnh được nhiều hơn là khi khủng bố Giáo hội. Thật vậy, khắp nơi, các mối quan hệ giữa Ðảng và Giáo hội đã trở nên thân tình hơn, ngoại trừ tại giáo xứ Thái Hà, Hà nội, là những nơi vẫn còn căng thẳng".

Cha Quynh đã từng là bạn học của đức cố Hồng y Jean Marie Lustiger, Tổng giám mục Paris. Cha kể lại rằng cha và Ðức hồng y Lustiger đã cùng theo học tại chủng viện Des Carmes tại Paris. Tại đây, cha thụ phong linh mục hồi năm 1952. Năm 1989, cha trở lại Pháp và gặp lại người bạn học cũ. Năm 2006, một năm trước khi Ðức hồng y Lustiger qua đời, cha cũng đã có dịp gặp lại ngài. Trong một lần gặp gỡ, cha đã hỏi Ðức hồng y: làm thế nào trong vòng 25 năm, ngài đã làm cho giáo phận Paris đi lên như thế. Nhưng Ðức hồng y trả lời rằng giáo phận này "ngưng đi xuống", chứ chưa đi lên. Và Ðức hồng y cảnh cáo rằng cho dầu Giáo hội tại Việt nam có vẽ phồn thịnh, Giáo hội này cũng đang "yếu dần". Ngài nói: "Trong vòng 30 năm nữa, Sài Gòn, Hà nội và Hải Phòng cũng sẽ giống như Paris".

Theo Ðức hồng y Lustiger, không phải chủ nghĩa cộng sản làm cho đức tin Kitô biến mất, mà chính là chủ nghĩa tiêu thụ. Khi một dân tộc nghèo mở cửa ra cho nền văn minh khoái lạc và tiêu thụ, thì tinh thần đạo đức sẽ mất. Ðức hồng y khuyên là đừng để cho Giáo hội tại Việt nam phải yếu dần.

Cha Quynh giải thích như sau: "Dĩ nhiên, các giáo xứ của chúng tôi luôn đầy người, nhưng phần lớn các tín hữu đều trên 50 tuổi. Chúng tôi cũng có nhiều chủng sinh. Nhưng từ vài năm nay, con số này ngày càng ít lại. Tại các giáo xứ ở thôn quê, các dịp lễ Phục Sinh hay Giáng Sinh có rước kiệu cũng thu hút đến 3, 4 ngàn người, nhưng những hình thức giữ đạo nhà quê này không còn thu hút giới trẻ nữa. Cần phải giữ lại các thế hệ trẻ và để được như thế, chúng tôi không cần tiền bạc hay đất đai, mà là giáo dục và đào luyện đức tin. Từ ngoại quốc, người ta giúp chúng tôi tái thiết các nhà thờ, nhưng chính cái "linh hồn Kitô của chúng tôi" mới là điều cần được giúp đỡ để tái thiết."

Theo cha Quynh, để người Việt nam không mất đức tin, trước hết cần phải cầu nguyện và giáo dục. Việc rao giảng Tin Mừng phải thông qua con đường giáo dục. Trong 30 năm, vì các chủng viện bị đóng cửa, trình độ trí thức của hàng giáo sĩ và các tín hữu Kitô đã xuống thấp. Từ một chục năm nay, các Ðức giám mục Việt nam được đào luyện kỹ hơn, vì các vị đã có thể đi du học. Nhưng cũng cần phải cả chục năm nữa các vị mới có thể làm "công việc của giám mục". Về phần các linh mục, theo cha Quynh, nói chung không được huấn luyện đầy đủ; ngay cả văn chương và văn hóa của xứ sở, các vị cũng còn thiếu hiểu biết. Do đó, thế hệ linh mục trẻ cần phải có được một nền tảng vững chắc về triết lý và thần học. Phần lớn các Ðức giám mục Việt nam đã hiểu được điều đó cho nên đã cố gắng gởi các chủng sinh du học tại Paris, Roma hay Hoa kỳ.

 

Chu Văn

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page