Vatican: quốc gia đầu tiên trên thế giới

không có khí thãi

 

Vatican: quốc gia đầu tiên trên thế giới không có khí thãi.

Vatican [CNS 15/06/2009] - "Vatican là quốc gia đầu tiên trên thế giới không có khí thãi carbon".

Kính thưa quí vị, các bạn thân mến. Trên đây là nhận xét của ông Mark Hopkins, giám đốc của Tổ chức "chương trình chính sách năng lượng" của Liên hiệp quốc. Ông Hopkins nói rằng trước khi viếng thăm Vatican vào ngày 12 tháng 6 năm 2009, ông không hề nghĩ rằng quốc gia nhỏ bé này đã có thể có quá nhiều "dự án" đáng kể như thế nhằm giảm khí thải carbon.

Trong một cuộc phỏng vấn dành cho hãng tin Công giáo Hoa kỳ CNS hôm 12 tháng 6 năm 2009, ông Hopkins nói: các kỹ sư của Vatican đang làm điều mà một số người chỉ nói và họ đang làm một cách đáng kể.

Giám đốc của Tổ chức "chương trình chính sách năng lượng" của Liên hiệp quốc khẳng định rằng Vatican có thể là quốc gia đầu tiên xử dụng điều mà ông gọi là "nguồn năng lượng luôn mới mẽ" và trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới không có khí thãi, một phần nhờ các chương trình sản xuất năng lượng mặt trời từ các cánh đồng ở ngoại ô Roma.

Theo ông Hopkins, với vị trí này, Giáo hội sẽ có một sức mạnh tinh thần lớn lao để khuyến khích các quốc gia và cá nhân khác nỗ lực hơn nữa trong việc thăng tiến và xử dụng nguồn năng lượng "trong sạch".

Ðược biết: Tòa đại sứ Hoa kỳ bên cạnh Tòa thánh mời ông Hopkins đến Roma để nói chuyến với các ký giả về 35 năm kinh nghiệm trong việc cổ võ xử dụng nguồn năng lượng một cách hữu hiệu cũng như công việc hiện nay của ông tại Tổ chức "chương trình chính sách năng lượng" của Liên Hiệp Quốc. Tổ chức này hiện đang nỗ lực tìm ra những giải pháp cho những vấn đề cấp bách nhứt của thế giới.

Ông Hopkins là nhân vật thứ hai được tòa đại sứ Hoa kỳ bên cạnh Tòa thánh mời đến để nói với các ký giả về vấn đề môi sinh trong tháng 6 năm 2009. Hôm 3 tháng 6 năm 2009, Ông Walter Grazer, cựu giám đốc của văn phòng "công lý môi sinh", thuộc "Ủy ban công lý và hòa bình thế giới" của Hội đồng Giám mục Hoa kỳ, cũng đã nói về những nỗ lực của Giáo hội trong việc đương đầu với những thách đố của hiện tượng thay đổi thời tiết.

Ông Hopkins cũng được mời viếng thăm phân bộ kỹ thuật của Tòa thánh và nói chuyện với các kỹ sư hiện đang đi tiên phong trong việc biến Vatican thành quốc gia "xanh" đầu tiên trên thế giới. Ông đã được hướng dẫn đi thăm nhà máy phát điện khổng lồ đặt trên mái nhà của Ðại Thính Ðường Phaolô VI. Máy phát điện từ nguồn năng lượng mặt trời này sản xuất mỗi năm 300 ngàn Kilowatt/giờ.

Ngoài ra, một dự án lớn khác đang được tiến hành tại Vatican là vẽ lại "bản đồ" để xác định một cách chính xác nguồn năng lượng của Vatican được tiêu thụ như thế nào.

Giám đốc của Tổ Chức "chương trình chính sách năng lượng" của Liên Hiệp Quốc cho biết: "Tính trung bình, trong hầu hết các cao ốc, khoảng 35 phần trăm năng lượng bị lãng phí: hoặc vì cao ốc không hoạt động đúng cách hoặc vì không xử dụng các kỹ thuật tối tân".

Theo ông, nếu một cao ốc xử dụng năng lượng một cách không cân xứng, thì đây là một sai lầm cần sửa chữa và như vậy có thể tiết kiệm được rất nhiều.

Ông Kopkins khẳng định rằng xử dụng năng lượng một cách có hiệu năng sẽ giúp giảm lượng khí thãi đến 60 phần trăm. Nhưng nếu xử dụng nguồn năng lượng của thiên nhiên như sức gió và mặt trời chẳng hạn, thì việc giảm khí thãi có thể còn nhiều hơn.

Ngoài ra, xử dụng năng lượng tự nhiên cũng ít tốn kém hơn nhiều.

Ông Hopkins nói: "Chúng ta có thừa năng lượng. Vấn đề là đừng phí phạm nó", nhứt là bằng cách xử dụng năng lượng trong các văn phòng, xí nghiệp và nhà ở một cách có hiệu năng.

Giám đốc của Tổ Chức "chương trình chính sách năng lượng" của Liên Hiệp Quốc ca ngợi sáng kiến của các Giáo hội trong việc thúc đẩy chính phủ Hoa kỳ đối phó với hiện tượng thay đổi thời tiết và giữ cho hành tinh của chúng ta trở thành một nơi lành mạnh cho các thế hệ tương lai.

Ông Hopkins nói rằng hiện tượng trái đất bị hâm nóng là một vấn đề sinh tử, bởi vì "thế giới sẽ không còn là một nơi đáng sống nữa khi chúng ta không còn kiểm soát được khí hậu".

Ông khuyến khích Giáo hội Công giáo nên lên tiếng mạnh mẽ hơn nữa trong việc kêu gọi bảo vệ môi sinh.

Một cách cụ thể, theo ông Hopkins, các Ðức giám mục hay các giáo xứ cần phải xử dụng các phương tiện truyền thông để chuyển thông điệp đến càng nhiều người càng tốt. Ông nói: chẳng hạn, hãy thử kêu gọi toàn quốc cắt giảm 15 phần trăm năng lượng trong vòng 5 năm tới!

Ông đề nghị các nhóm hay các cộng đồng như nhà thờ chẳng hạn hãy xử dụng năng lượng mặt trời và xem đó như một biểu tượng nói lên quyết tâm tiến tới việc xử dụng năng lượng có hiệu năng và nhờ đó tiết giảm được nguồn năng lượng.

 

(Chu Văn)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page