Ðức hồng y cựu Giám mục Hongkong

nhận định về biến cố Thiên An Môn

 

Ðức hồng y cựu Giám mục Hongkong nhận định về biến cố Thiên An Môn.

Hongkong [Asianews 3/06/2009] - Kính thưa quí vị, các bạn thân mến. Ngày 4 tháng 6 năm 2009, kỷ niệm đúng 20 năm cuộc thảm sát tại quảng trường Thiên An Môn, Trung Quốc. Theo các số liệu của nhà cầm quyền cộng sản Trung Quốc, chỉ có khoảng 270 người bị thiệt mạng trong cuộc đàn áp này. Nhưng Hội Hồng Thập Tự Quốc Tế nói rằng con số những người bị sát hại trong cuộc biểu tình ôn hòa đòi dân chủ lên đến từ 2 đến 3 ngàn người.

Cho tới nay, biến cố này vẫn còn là một cấm kỵ đối với nhà cầm quyền cộng sản Trung Quốc.

Trong một cuộc phỏng vấn mới đây dành cho hãng thông tấn Công giáo Asianews, Ðức hồng y Joseph Zen Ze Kiun (Giuse Trần Nhật Quân), nguyên giám mục HongKong, tuyên bố rằng đã đến lúc cần phải qui trách nhiệm cho ông Ðặng Tiểu Bình về cuộc thảm sát này.

Ðức hồng y Zen nói như sau: "Thật đáng buồn, bởi vì 20 năm đã qua đi và thảm kịch vẫn chưa được chính phủ nhìn nhận như một sai lầm và một tội ác... Ông Ðặng Tiểu Bình đã nhận trách nhiệm hoàn toàn khi, những ngày liền sau khi diễn ra cuộc thảm sát, chính ông đã đích thân đến ca ngợi quân đội. Chính ông đã ra lệnh cho các binh sĩ. Nhưng giờ đây ông Ðặng không còn nữa".

Ðức hồng y cựu giám mục Hongkong nêu lên câu hỏi: "Phải chăng chỉ vì sợ một người đã chết từ bao nhiêu năm mà người ta không dám trả lại công lý?"

Ðức hồng y Zen nổi tiếng là một người tranh đấu không biết mõi mệt cho dân chủ và tự do tôn giáo.

Theo ngài, lý do khiến chế độ cộng sản Trung Quốc không muốn nhìn nhận trách nhiệm về tội ác là bởi vì đây là một chế độ độc tài. Ðã đến lúc cần phải thay đổi chế độ này.

Ðức hồng y cựu giám mục Hongkong giải thích: "Chế độ Trung Quốc tùy thuộc vào một con người. Con người này biết nhìn xa và tỏ ra sáng suốt về một số vấn đề, nhưng ông không thể đại diện cho dân chủ, bao lâu ông tự xem mình như một hoàng đế.

Mới đây có người nói: "Nhưng làm sao chúng ta có thể phục hồi phòng trào Thiên An Môn? Chúng ta phải qui trách cho Ðẳng Tiểu Bình. Nhưng không thể làm điều đó được!"

Tôi liền hỏi: "Nhưng tại sao chúng ta lại không được phép lên án Ðặng Tiểu Bình? Mao Trạch Ðông đã bị lên án vì cuộc cách mạng văn hóa, vậy thì tại sao chúng ta lại không được phép lên án Ðặng Tiểu Bình?"

Ðức hồng y Zen khẳng định: "Chúng ta phải thay đổi chế độ độc tài, chế độ phong kiến này, bởi vì nó là căn cội của thảm kịch rộng lớn này".

Khi diễn ra cuộc thảm sát tại Thiên An Môn ngày 4 tháng 6 năm 1989, Ðức hồng y Zen còn lại một linh mục. Ngài nói đến sự tham gia của dân chúng Hongkong vào Phong Trào Thiên An Môn và nỗi đau khổ của họ khi chứng kiến cuộc thảm sát.

Ðức hồng y Zen nói: "Năm đó đã làm phát sinh một ý thức mới và một sự nhậy cảm mới trong lòng người dân Hongkong: chúng tôi là người Trung Hoa, chúng tôi là một phần của dân tộc vĩ đại này. Trước đó, chúng tôi nghĩ rằng mình chỉ là dân Hongkong. Nhưng biến cố đó đã làm cho chúng tôi thấy rằng mình thật sự là người Trung Hoa".

Ðức hồng y chia sẻ kinh nghiệm cá nhân của ngài: "Lúc đó tôi đang làm giám đốc của Trường Aberdeen của Dòng Don Bosco và bề trên cộng đoàn. Vì các biến cố xảy ra trong Ngày Chúa Nhựt, cho nên ngày hôm sau, thứ Hai, khi tất cả chúng tôi tập trung trong sân trường, chúng tôi nói chuyện với nhau trong tiếng khóc, bởi vì chúng tôi cảm thấy mình là người Trung Hoa và chúng tôi đã chia sẻ những cảm xúc và số phận của những người trẻ đã can đảm đứng lên để đòi hỏi cải tổ trên quê hương. Tôi còn nhớ: sau biến cố đó, tôi có đọc hai bài diễn văn và chúng tôi có tổ chức lễ tưởng niệm các anh hùng đã bỏ mình tại quảng trường và trên các đường phố lân cận".

Ðặc biệt, Ðức hồng y nhớ lại cuộc tuần hành vĩ đại của một triệu người dân Hongkong. Ngài nói rằng đây là một kinh nghiệm độc nhứt vô nhị, một biến cố mà ngài sẽ ghi nhớ suốt đời.

Ðức hồng y cựu tTổng giám mục Hongkong lấy làm đau buồn bởi vì 20 năm đã qua, nhưng chính phủ cộng sản Trung Quốc vẫn chưa chịu nhìn nhận lỗi lầm và tội ác tày trời của mình.

Ðức hồng y Zen nói: "Nhưng với chúng tôi thì sau 20 năm cũng chẳng có gì thay đổi. Chúng tôi vẫn còn cảm nhận nỗi đau sâu xa vì bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ đã bị phung phí một cách thật bi thảm".

Trong những ngày vừa qua, người cầm quyền tại Hongkong là ông Donald Tsang tuyên bố rằng cuộc thảm sát tại quảng trường Thiên An Môn cần phải để lại cho lịch sử và cần phải quên đi. Ông kêu gọi người dân Hongkong hãy nhìn đến những tiến bộ kinh tế đạt được tại Hongkong và Trung Quốc sau cuộc thảm sát.

Nhưng Ðức hồng y Zen trả lời rằng: nếu ông Tsang có đưa ra một lời kêu gọi như thế thì đó không phải là ý kiến riêng của ông mà là chính sách chung. Chính sách đó chủ trương rằng ổn định và thịnh vượng chỉ có được bằng cách đàn áp!"

Ðức hồng y khẳng định: "đây là một điều hoàn toàn vô lý. Không ai có thể chứng minh được rằng sự ổn định phát sinh từ việc đàn áp phong trào Thiên An Môn". Và ngài tuyên bố: "dù thế nào đi nữa, thành công và thịnh vượng không bao giờ có thể biện minh cho một việc xử dụng bạo động tàn ác như thế".

 

(Chu Văn)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page