Ðại hội Tin lành Ðức

 

Ðại hội Tin lành Ðức.

Breme, Ðức [La Croix 24/05/2009] - Kính thưa quí vị, các bạn thân mến. Hằng năm, Giáo hội Tin lành tại Ðức tổ chức một cuộc gặp gỡ có tên là "Kirchentag", nghĩa là "Ngày Giáo hội". Về phần mình, Giáo hội Công giáo Ðức cứ mỗi hai năm một lần cũng tổ chức một Ðại hội thường được gọi là Katholikentag, tức "Ngày Công Giáo". Vào năm 2010, Công giáo và Tin lành sẽ tổ chức chung một Ðại hội tại thành phố Munich.

Ðại hội Tin lành năm 2009 diễn ra tại thành phố Breme từ ngày 20 đến 24 tháng 5 năm 2009, qui tụ khoảng 100 ngàn người Ðức thuộc mọi lứa tuổi. Họ đến để lắng nghe các chính trị gia, nhà thần học hay các nhạc sĩ và cũng để tìm kiếm Thiên Chúa trong thế giới ngày nay.

"Hỡi con người, ngươi đang ở đâu?" Câu hỏi được Thiên Chúa đặt ra cho Adam và Eva sau khi ông bà phạm tội, đã được dùng làm chủ đề cho Ðại hội Kirchentag lần thứ 32 này. Câu hỏi này được ghi lại trên khăn quàng cổ và các biểu ngữ giăng đày trên các lối đi của trung tâm lịch sử Breme. Nhưng với những đề tài thuyết trình và diễn đàn tại Ðại hội, người ta cũng có thể đặt ngược câu hỏi lại với Thiên Chúa: "Lạy Chúa,Chúa đang ở đâu?"

Ðược tổ chức lần đầu tiên vào năm 1949, Ðại hội Tin lành "Kirchentag" sở dĩ thu hút được nhiều người tham dự là vì tính đa diện của các đề tài và sinh hoạt trong 4 ngày gặp gỡ. Xem ra người Ðức nào cũng có thể tìm thấy một chỗ đứng trong Ðại hội. Nhiều người, tuy không thực hành đạo, cũng đến để nghe đức giám mục Wolfgang Huber, chủ tịch Giáo hội Tin lành Ðức, thuyết trình về Kinh Thánh. Một số người cũng đến để tham dự Diễn Ðàn về chủ đề "Phẩm giá con người và nền dân chủ". Trong Diễn Ðàn này, bà Angela Markel, đương kiêm thủ tướng Ðức, nói về quá khứ của bà dưới thời cọng sản tại Ðông Ðức và nhấn mạnh đến sự cần thiết phải " lên án chế độ cộng sản".

Nhưng trên hết, người Tin lành Ðức đến Ðại hội là để nói lên cách sống đạo của mình. Mareika Zobel, một sinh viên thần học 21 tuổi nói: "đây là dịp duy nhứt để thảo luận với đủ mọi người và về đủ mọi vấn đề". Ðây là lần thứ 6 người nữ sinh viên thần học này tham dự Ðại hội Kirchentag. Với chiếc khăn quàng mầu vàng quấn trên cổ, cô là một trong gần 5 ngàn thiện nguyện viên phục vụ trong 4 ngày Ðại hội.

Nicole Kujat, 42 tuổi, cũng không bỏ sót một lần Ðại hội nào.Là giáo sư Anh văn tại Frankfurt, bà tham dự Ðại hội từ 20 năm qua.

Ông Georg Munari, một mục sư hồi hưu cho biết: dân chúng ít đến nhà thờ hơn, nhưng họ luôn tin vào Chúa và tìm những cách thế khác để sống đức tin của mình: Kirchentag là một trong những cách thế đó.

Kết quả của một cuộc thăm dò mới đây cho thấy chỉ có 6 phần trăm trên tổng số 25 triệu người tin lành Ðức còn thực hành đạo, nghĩa là còn đến nhà thờ mỗi tuần một lần; một nửa trong tổng số này chỉ đến nhà thờ mỗi năm một lần hoặc họa hiếm lắm mới đến nhà thờ.

Vợ của mục sư Munari, một thành viên của Phong Trào Focolare, giải thích: "Dân chúng đi tìm Chúa, cho nên họ mới đến đây". Chính vì vậy mà ban tổ chức của Ðại hội phải làm mọi cách để thu hút mọi thành phần xã hội và mọi người thuộc mọi đảng và khuynh hướng khác nhau.

Ông Ludwig Holger, một mục sư tin lành Luther 37 tuổi nói: "Nhiều chính trị gia, mặc dù không có đạo, cũng cố gắng có mặt trong 4 ngày Ðại hội". Theo vị mục sư này, "kết quả của một Ðại hội Kirchentag không phải là thuyết phục người ta đến nhà thờ mỗi ngày Chúa Nhựt, mà là trở thành một tín hữu kitô xác tín hơn về niềm tin của mình và dấn thân hơn vào xã hội".

Nếu trong những năm chiến tranh lạnh các cuộc thảo luận trong những ngày Ðại hội thường xoay quanh vấn đề giải trừ vũ khí hay vũ khí hạt nhân, thì trong thời khủng hoảng kinh tế và toàn cầu hóa, người ta bàn đến vấn đề thay đổi thời tiết và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên cũng như vấn đề công bình cho người nghèo và sự phát triển lâu bền.Chính vì vậy mà tại nhà thời chính tòa tin lành thánh Phero, ông Manfred Stolpe, một cựu dân biểu thuộc Ðảng Xã hội, đã được nhiệt liệt hoan hô khi ông so sánh nạn thất nghiệp với "một cuộc tấn công vào các quyền con người."

Xung quanh nhà thờ chính tòa tin lành thánh Phêrô, tổ chức Tin lành có tên là "Diakonieverein", chuyên quản lý các bệnh viện, trường mẫu giáo và nhà hưu dưỡng, đã dựng lên những trạm phân phát quần áo hay thức ăn.Bên cạnh đó là căn lều tiếp khách: các thiện nguyện viên luôn tươi cười đón tiếp và hướng dẫn khách hành hương.

Dân chúng tìm đến Ðại hội không chỉ để gặp gỡ và thảo luận về các vấn đề thời sự. Họ cũng có cơ hội để hâm nóng niềm tin của mình.Những buổi cầu nguyện theo kiểu cộng đồng Ðại kết Taize được tổ chức khắp nơi trong thành phố. Ngoài ra cũng có những buổi cầu nguyện và suy niệm dựa trên một đoạn Kinh Thánh.Bên cạnh đó là những hội thảo bàn tròn liên tôn hay đại kết.

Một trong những sinh hoạt thu hút nhiều người là cuộc hội thảo với chủ đề "Chúa Giêsu cần những người được Thánh Thần linh ứng", do nữ mục sư Margot Kassman, giám mục Hanovre, hướng dẫn. Trong cuộc hội thảo, vị nữ mục sư này kể lại những kinh nghiệm của mình trong cuộc gặp gỡ đại kết và liên tôn, ngay cả với các trẻ em hồi giáo. Rất được đề cao vì tính nói thật nói thẳng của bà, vị nữ giám mục tin lành này được xem là hiện thân của cuộc tìm kiếm và tuyên xưng đức tin vào "Chúa Giêsu,Ðấng giải phóng", bằng những cung cách mới.

 

(Chu Văn)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page