Nhìn Lại Sứ Mạng Truyền Giáo

Trong 50 Năm Qua Và Hướng Ðến Tương Lai

 

Nhìn Lại Sứ Mạng Truyền Giáo Trong 50 Năm Qua Và Hướng Ðến Tương Lai.

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn

Tháng 5-2009

 

Lời Ngỏ

 

Bạn đọc thân mến,

Xin gửi tới bạn đọc tập tài liệu Nhìn lại sứ mạng truyền giáo trong 50 năm qua và hướng đến tương lai như món quà nhỏ để gợi ý suy tư nhân dịp Năm Thánh kỷ niệm 50 năm thành lập Hàng Giáo phẩm Việt Nam.

Ðây chỉ là 3 bài viết về chủ đề truyền giáo được thu gom lại hơn là một bài tổng hợp có bố cục chặt chẽ. Chúng tôi bắt đầu từ việc suy tư về hiệu quả truyền giáo tại Việt Nam trong những năm gần đây để dẫn tới việc xây dựng một nền văn hoá nhân bản tâm linh mà các bậc tiền bối ở Việt Nam cũng như ở Hàn Quốc đã thể hiện trong đời sống của mình. Từ đó giới thiệu hình ảnh người tông đồ trong thời đại mới chính là người kể lại câu chuyện Giêsu cho đồng bào cũng như mọi người trong thế giới hôm nay. Tập tài liệu có phần Phụ lục gồm 28 bảng biểu với những số liệu thống kê có thể giúp các bạn tìm thêm nhiều điều khi muốn nghiên cứu về Giáo hội Công giáo Việt Nam.

Nhân dịp này, chúng tôi xin hết lòng cám ơn các tổ chức và cá nhân đã tìm giúp chúng tôi các số liệu và thực hiện tập tài liệu này. Chúng tôi đặc biệt ghi ơn Nhà Xuất Bản Our Sunday Visitor, Ðức Ông P.B. Trần Văn Khả.

Chúng tôi xin trao tặng tập tài liệu này cho Ðức cha Micae Hoàng Ðức Oanh, Chủ tịch Uỷ ban Loan báo Tin Mừng, để ngài toàn quyền sử dụng cho công cuộc truyền giáo tại Việt Nam.

Chúng tôi rất mong ước quý độc giả góp thêm ý kiến để tập tài liệu có thể hữu ích cho nhiều người.

Xin Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.

 

Hiệu Quả Truyền Giáo Ở Việt Nam Trong Những Năm Gần Ðây

 

- Nghi Vấn Và Giải Thích

 

Nhập Ðề

Việc truyền giáo hay loan báo Tin Mừng là bản chất của Giáo Hội Chúa Kitô (x. Công đồng Vatican II, Sắc lệnh Ad Gentes, số 4, 16), dựa trên sứ mạng mà Chúa Cha đã giao cho Con của Ngài là Ðức Giêsu Kitô: "Như Chúa Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em" (Ga 20,21). Vì vậy, qua mỗi thời kỳ lịch sử, chúng ta có thể nói rằng Giáo Hội thế nào thì truyền giáo thế ấy. Truyền giáo thế nào thì kết quả như vậy. Giáo hội Việt Nam cũng như nhiều giáo hội địa phương khác không nằm ngoài định luật này.

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập Hàng Giáo phẩm Việt Nam, chúng ta thử nhìn lại nỗ lực truyền giáo trong những năm qua để rút ra bài học kinh nghiệm cũng như để hoạch định những đường hướng truyền giáo cho tương lai.

Muốn hiểu được sâu hơn hiện trạng sống đạo và truyền đạo của người tín hữu Việt Nam hiện nay chúng ta phải nhìn lại cả một bối cảnh truyền giáo rộng lớn của Giáo Hội toàn cầu và của Giáo hội Việt Nam, vì kết quả của công cuộc loan báo Tin Mừng này là công lao gieo vãi và vun xới cho cánh đồng truyền giáo của biết bao thế hệ đi trước. Tuy nhiên, chúng tôi muốn dành phần nghiên cứu này cho những loạt bài nghiên cứu sâu hơn.

Trong phạm vi bài này, chúng tôi chỉ muốn bàn đến hiệu quả truyền giáo ở Việt Nam trong vài chục năm gần đây với nghi vấn rằng hiệu quả ấy chưa cao như lòng mong ước và tìm cách giải đáp nghi vấn này.

Chúng tôi xin trình bày đề tài này theo 4 phần:

- Dựa vào đâu để nói việc truyền giáo tại Việt Nam có hiệu quả chưa cao?

- Nhận định về tình trạng truyền giáo ở Việt Nam.

- Ði tìm một vài nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.

- Những gợi ý để đổi mới công cuộc truyền giáo tại Việt Nam.

 

1. Dựa Vào Ðâu Ðể Nói Việc Truyền Giáo Tại Việt Nam Có Hiệu Quả Chưa Cao?

1.1. Lời cảm thông

Khi nói việc truyền giáo tại Việt Nam trong vài chục năm gần đây đạt hiệu quả chưa cao, chúng tôi có thể đã làm buồn lòng một số người và dường như chối bỏ công sức của bao vị tông đồ gồm cả giám mục, linh mục, tu sĩ, giáo dân đang làm việc miệt mài trên cánh đồng truyền giáo.

Nhiều vị đã lập luận rằng: con số mấy chục ngàn người lớn trở lại Công giáo mỗi năm ở Việt Nam lại không phải là thành quả đáng khích lệ hay sao? Nhất là khi so sánh với vài nước ở châu Âu như Pháp, Ðức, Ý mỗi năm chỉ có một vài ngàn! Số người tín hữu Việt Nam tăng từ 2 triệu vào năm 1960 đến 5.2 triệu vào năm 2000 và hơn 6 triệu vào năm 2008 (x. Phụ lục, Thống kê Giáo hội Việt Nam 1933-2008, Bảng 12, tr.19) lại không phải là kết quả lớn lao sao!? Những nghi lễ phụng tự trang nghiêm, đông đảo tín hữu tham dự mỗi Chủ Nhật lại không biểu lộ nét sống đạo mạnh mẽ của người Công giáo Việt Nam đó sao!? Nhất là khi nhiều nhà thờ ở các nước Âu Mỹ trống vắng đến lạnh lùng!

Quả thực, chúng tôi luôn trân trọng mọi hoạt động tông đồ và hiểu rằng giá trị thực sự của hoạt động loan báo Tin Mừng nằm ở sự lượng định hay phán quyết của Thiên Chúa chứ không phải của con người. Dù cả một đời không rửa tội được một ai, nhưng nhà truyền giáo vẫn được đánh giá rất cao vì sự hiện diện tích cực, hiền lành, nhân ái của người ấy trong một cộng đồng xa lạ, vì những nỗ lực rao giảng Tin Mừng của người ấy đã thấm nhập vào xã hội, vào nền văn hoá của dân tộc... và cuối cùng chỉ có Thiên Chúa mới nhìn thấu hết những gì nhà truyền giáo ấy thực hiện và thưởng công cho người đó.

1.2. Dựa vào thực trạng của Giáo Hội qua số liệu thống kê

Nhận định của chúng tôi dựa vào tình trạng thực tế của Giáo hội Việt Nam được tổng kết trong các báo cáo hằng năm của Hội đồng Giám mục Việt Nam gửi sang Toà Thánh Vatican hay công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng như Bản tin Hiệp Thông, Ðài Vatican, Ðài Veritas Asia (Chân lý Á Châu)...

Chúng tôi đã thu tích hàng chục ngàn số liệu về Giáo Hội toàn cầu, Giáo hội các châu, Giáo hội Việt Nam trong mấy chục năm qua và tổng kết trong 28 bảng thống kê ở phần Phụ lục cho loạt bài nghiên cứu này về công cuộc Truyền giáo. Vì thế, chúng tôi mời bạn đọc theo dõi các con số trên các bảng tổng kết và biểu đồ về tình trạng truyền giáo của Giáo Hội toàn cầu cũng như Giáo hội Việt Nam để hiểu hơn về việc loan báo Tin Mừng của Giáo Hội.

Những con số này chắc chắn không thể nào nói lên được thực trạng của công cuộc loan báo Tin Mừng vì đây vừa là một hoạt động mang tính xã hội tác động lên con người (qua các chỉ số người lớn trở lại đạo, tham dự các bí tích, hoạt động xã hội...), vừa mang tính siêu nhiên vì tác động lên tinh thần con người, lên văn hoá dân tộc và cả nền văn minh nhân loại mà không ai có thể đo lường và thống kê được.

Tuy nhiên, dựa vào những số liệu thống kê, chúng ta có thể nhận ra một số dấu hiệu về công cuộc loan báo Tin Mừng của một cộng đồng hay của một giáo hội địa phương. Dấu hiệu này có giá trị tích cực hay tiêu cực là tuỳ theo người nhận định nó dựa trên các tiêu chuẩn nào. Chúng giống như ngọn đèn vàng trong tín hiệu giao thông cảnh báo cho chúng ta chuẩn bị dừng lại hay cẩn thận trước khi tiến tới.

1.3. Nguồn dữ liệu

Các số liệu này chúng tôi thu thập trong các nguồn chính sau đây:

- Tổng cục Thống kê Việt Nam, Niên giám Thống kê, từ năm 1993-2007, NXB Thống Kê, Hà Nội, in và phát hành.

- Các sách Niên giám Thống kê từ năm 1997 đến 2007 do Cục Thống kê TP. Saigòn in và phát hành.

- Niên giám Giáo hội Công giáo Việt Nam 2004, 2005 do Văn phòng Tổng Thư ký Hội đồng Giám mục Việt Nam in và phát hành.

- Việt Nam Công giáo Niên giám 1964 do tủ sách Sacerdos thực hiện, Nhà in Nguyễn Bá Tòng, 12-1963.

- Catholic Almanac hằng năm, từ năm 1999 đến 2009, của NXB Our Sunday Visitors, Huntington, Indiana, Hoa Kỳ, phát hành.

- Annuario Pontificio của Văn phòng Thống kê Toà Thánh Vatican.

- Bản tin Hiệp Thông của Văn phòng Thư ký - Uỷ ban Văn hoá của Hội đồng Giám mục Việt Nam, từ năm 2000-2009.

- Và nhiều nguồn truyền thông khác.

1.4. Vài điểm cần lưu ý về số liệu

Nhiều số liệu về Giáo hội Việt Nam cần được điều chỉnh vì có sự khác biệt hay sai sót do các nguyên nhân sau: do hoàn cảnh chiến tranh, do ngăn cách hai miền Nam Bắc suốt từ năm 1954-1975; hoặc ít có tổ chức trong nước quan tâm đến các số liệu về tôn giáo của Giáo hội Công giáo Việt Nam (từ năm 1975-1990), trừ thống kê của Nhà Nước trong cuộc Tổng Ðiều tra năm 1999; do ranh giới hành chính và tôn giáo không trùng khớp nhau (nhiều giáo phận bị chồng chéo lên nhau, có giáo phận nằm trong 3-4 tỉnh, hoặc có khi một tỉnh thuộc về 2-3 giáo phận khác nhau nên khi làm thống kê nhiều lúc diện tích của Giáo hội Việt Nam lại lớn hơn vài ngàn kilômet vuông so với diện tích nước Việt Nam, hoặc số dân mà các giám mục quản lý cũng tăng hơn so với dân số Việt Nam chừng 3-4 triệu); do những biến động xã hội như cuộc di cư từ Bắc vào Nam năm 1954 (vì thế số liệu ở các giáo phận bị xáo trộn nhiều); do di tản từ Việt Nam sang nhiều nước khác từ năm 1975-1985; do di dân vì tình hình kinh tế xã hội khó khăn từ năm 1990-2008.

Chúng tôi đã trình bày những lý do đó trong cuốn Người Mục tử Cộng đồng Hướng về Tương lai. Sách này trình bày rất nhiều những số liệu và chứng minh nhiều số liệu không ổn định như có giáo phận ở miền Bắc chỉ tăng có 2 giáo dân trong suốt 13 năm! (x. Nguyễn Ngọc Sơn, Người Mục tử Cộng đồng Hướng về Tương lai, NXB TP.Saigòn, 1996, tr. 51-59).

Vì thế, những số liệu về diện tích, dân số Việt Nam đăng trong bảng tổng kết hằng năm của Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam đã được chúng tôi thay thế bằng số liệu của Cục Thống kê Nhà Nước cho chính xác hơn.

Những số liệu về Giáo hội Việt Nam cũng như của các giáo phận ở Việt Nam được báo cáo về Toà Thánh Vatican và được công bố khá chậm, trung bình phải 2-3 năm sau. Chúng tôi đã có dịp so sánh các số liệu với nhau. Những số liệu này mất 2 năm mới xuất hiện trên Annuario Pontificio của Toà Thánh Vatican rồi sau đó mất thêm 1 năm mới được trích lại trên cuốn Catholic Almanac. Thí dụ: Dân số toàn cầu hiện nay đã vượt quá 6.750 tỷ nhưng trong Catholic Almanac 2009 mới chỉ có 6,542,824,000 (tr. 335), và số tín hữu Việt Nam ở đây là 5,990,000 (tr. 333). Ðó là các số liệu Giáo hội Việt Nam báo cáo về Toà Thánh vào năm 2006. Vì thế, khi xem các số liệu của Giáo Hội toàn cầu ta nên hiểu đó là số liệu của 2-3 năm về trước. Thí dụ: Thống kê năm 1963 là số liệu của năm 1960. Còn các số liệu của Giáo hội Việt Nam trong các bảng từ số 13-27 được tính đúng năm theo bảng thống kê.

 

2. Nhận Ðịnh Về Tình Trạng Truyền Giáo Ở Việt Nam

2.1. Tình trạng truyền giáo của Giáo Hội toàn cầu

Trước khi tìm hiểu tình trạng truyền giáo ở Việt Nam, chúng tôi muốn nói sơ qua về tình trạng truyền giáo của Giáo Hội toàn cầu. Ở đây chúng tôi chỉ đưa ra vài con số để làm bối cảnh cho công cuộc loan báo Tin Mừng ở Việt Nam.

Trong mấy chục năm qua, chúng tôi thấy số người Công giáo tăng từ 558,220,654 người (x. Việt Nam Công giáo Niên giám 1964, tr. 139) trên tổng số 3,068,275,975 vào năm 1960 lên đến 1,130,750,000 người trên tổng số 6,542,824,000 người của dân số thế giới vào năm 2006 (x. Phụ lục, Thống kê Giáo hội Toàn cầu từ 1962-2009, Bảng 1, tr. 1).

Số tăng này phần lớn là tăng tự nhiên theo số trẻ sinh ra. Ngoài ra, mỗi năm có khoảng từ 1-2 triệu người lớn được rửa tội. Tuy nhiên, nếu tính theo tỷ lệ giữa số dân Công giáo và dân số thế giới thì tỷ lệ này giảm từ 18.2% vào năm 1960 còn 17.99% vào năm 1975, và còn 17.2% vào năm 2006 (x. Phụ lục, Thống kê Giáo hội Toàn cầu từ 1962-2009, Bảng 1, tr. 1).

Nếu so sánh với dân số Hồi giáo vào năm 1960 có 433,840,000 người trên tổng số 3,068,275,975, chiếm 14.13% dân số thế giới (x. Việt Nam Công giáo Niên giám 1964, tr. 140) thì vào năm 2006 đã vượt qua Công giáo và chiếm 19.2% dân số. Có người giải thích rằng người Hồi giáo sinh nhiều con nên dân số tăng nhanh.

Số người lớn được rửa tội trung bình cả thế giới là 2.5 triệu người/năm, trong khoảng 10 năm gần đây, trong khi Giáo Hội toàn cầu có hơn 1,000 giám mục, 400,000 linh mục triều và dòng, hơn 800,000 tu sĩ nam nữ, 200,000 tông đồ giáo dân, gần 3 triệu giáo lý viên (x. Thống kê Giáo hội Toàn cầu từ 1962-2009, Bảng 1, tr. 1). Như thế, trung bình cứ 2 người Công giáo ưu tuyển mới cuốn hút được 1 người theo đạo/năm.

Nói như vậy để chúng ta thấy Giáo Hội toàn cầu trong suốt 50 năm qua không tăng thêm mà còn giảm bớt 1% so với dân số toàn thế giới. Ðiều này chứng tỏ việc truyền giáo chưa có hiệu quả về mặt số lượng. Còn chất lượng sống đạo có tốt hơn không lại là chuyện khác. Chúng ta sẽ tìm hiểu và phân tích sâu hơn về tình trạng này trong một bài khác.

2.2. Tình trạng truyền giáo của Giáo hội Việt Nam

Về tình trạng truyền giáo của Giáo hội Việt Nam, chúng tôi xin tóm tắt qua các số liệu sau đây:

* Từ năm 1960-2008, tỷ lệ dân số Công giáo Việt Nam so với dân số cả nước không tăng lên được 1%.

- Năm 1960: tổng số dân Việt Nam là 30,172,000 người. Công giáo là 2,094,540, chiếm tỷ lệ khoảng 6.93%.

- Năm 2000: tổng số dân Việt Nam là 77,635,400 người. Công giáo là 5,234,303, chiếm tỷ lệ 6.7% (x. Phụ lục, Thống kê Giáo hội Việt Nam 1933-2008, Bảng 12, tr. 19).

- Năm 2008: tổng số dân Việt Nam là 86,160,000 người. Công giáo là 6,187,486, chiếm tỷ lệ 7.18% (x. Phụ lục, Thống kê Giáo hội Việt Nam 1933-2008, Bảng 12, tr. 19).

Nếu so sánh tỷ lệ dân số Công giáo của các năm 1933 (tỷ lệ 7.2%), năm 1939 (tỷ lệ 7.5%) với tỷ lệ của các năm gần đây ta sẽ thấy tỷ lệ này đang có nguy cơ giảm (x. Phụ lục, Thống kê Giáo hội Việt Nam 1933-2008, Bảng 12, tr. 19).

* Trong vòng 50 năm qua, số dân Công giáo Việt Nam tăng từ 2 triệu vào năm 1960 lên đến hơn 6 triệu vào năm 2008. Như thế là tăng gấp 3 lần. Nhưng số tăng này hầu như là kết quả tương ứng với số sinh tự nhiên nên chưa thể nói được là truyền giáo có kết quả tốt đẹp. Nếu ta so sánh số trẻ sơ sinh được Rửa Tội hằng năm với số dân Công giáo tăng hằng năm sẽ thấy hai số đó gần như bằng nhau (x. Phụ lục, Tổng kết Nhân sự các Giáo phận từ 2000-2008, Bảng 22, tr. 44).

Tổng số trẻ được Rửa Tội từ 2001-2008 là 873.486 (x. Phụ lục, Tổng kết Tình trạng Bí tích từ năm 2000-2008, Bảng 24, tr. 46). Trong khi số tín hữu tăng từ năm 2001-2008 là: 6,187,486 - 5,324,492 = 862,994 người. Nếu so sánh 2 số đó ta thấy số tín hữu tăng còn thấp hơn số trẻ được Rửa Tội đến 10,492 người (873,486 (862,994). Vậy thì số người lớn và số trẻ em từ 1-7 tuổi được Rửa Tội biến đi đâu?

* Số người lớn trở lại đạo từ năm 2001-2008 là 283,620 và số trẻ từ 1-7 tuổi được Rửa Tội là 63,256 (x. Phụ lục, Tổng kết Tình trạng Bí tích từ năm 2000-2008, Bảng 24, tr. 46). Nếu tính số tử của người Công giáo là 8% như số trung bình của toàn quốc tương đương với số trẻ được rửa tội từ 1-7 tuổi trong 8 năm qua thì chúng ta tự hỏi con số người lớn trở lại đạo 283,620 biến đi đâu mà không tìm được lời giải thích. Không lẽ có cả hàng trăm ngàn người bỏ đạo từ năm 2001-2008?!

* Trong vòng 8 năm gần đây (2001-2008), số người trở lại đạo trung bình mỗi năm khoảng 35,000 người (283,620 : 8 năm = 35.453 (x. Bảng 24, tr. 46). Nếu quan sát các lớp học giáo lý dự tòng, ta thấy có tới 80-90% người muốn theo đạo là để lập gia đình với người có đạo. Vậy động lực theo đạo thật sự của họ là gì? Họ có thể sống đạo và giữ đạo lâu dài không? Cần phải giúp họ nuôi dưỡng đức tin thế nào để tránh được câu mỉa mai sau đây:

Sấp mình lạy Chúa Ba Ngôi

Tôi lấy được vợ, tôi thôi nhà thờ!

* Một nhận xét khác là số người trở lại đạo không tương xứng với số nhân sự lo việc truyền giáo. Nếu ta tổng cộng số linh mục, tu sĩ nam nữ, chủng sinh và giáo lý viên trong cả nước hay trong một giáo phận, ta sẽ thấy kết quả này là khá nhỏ bé. Vậy thì ai là người loan báo Tin Mừng? Các linh mục, tu sĩ có bao giờ suy nghĩ về hiệu quả truyền giáo và thay đổi cách thức truyền giáo không? Giáo dân có tích cực tham gia vào công cuộc này không?

Thí dụ: năm 2008, Giáo hội Việt Nam có 3,541 linh mục, 1,480 chủng sinh, 2,125 chủng sinh dự bị, 1,914 tu sĩ nam, 13,838 tu sĩ nữ, 56,698 giáo lý viên (x. Bảng 21, tr. 41) vậy mà chỉ thu hút được 41,444 người (x. Bảng 24, tr. 46). Ðây là số cao nhất trong mấy năm gần đây. Trung bình cứ 2 người tín hữu ưu tuyển mới thu hút được 1 người theo đạo. Ðó là chúng ta chưa nói đến cả triệu đoàn viên các hội đoàn Công giáo Tiến hành.

* Nhiều giáo phận có số người lớn trở lại đạo rất thấp:

Thí dụ năm 2008:

- Cả giáo phận Huế chỉ có 106 người lớn trở lại đạo, trong khi tổng số giáo dân là 68,240 người, 131 linh mục, 44 chủng sinh, 86 tu sĩ nam, 916 tu sĩ nữ, 744 giáo lý viên (x. Phụ lục, Bảng Tổng kết các Giáo phận năm 2008, Bảng 21, tr. 41-42).

- Giáo phận Bùi Chu có 735 người lớn trở lại đạo, trong khi có 391,837 tín hữu, 159 linh mục, 54 chủng sinh, 609 tu sĩ nữ, 4,053 giáo lý viên (x. Phụ lục, Bảng Tổng kết các Giáo phận năm 2008, Bảng 21, tr. 41-42).

- Tổng Giáo phận Saigòn có 662,148 tín hữu, 604 linh mục triều và dòng, 87 chủng sinh, 317 tu sinh, 959 tu sĩ nam, 3,103 tu sĩ nữ (chưa kể 567 tu sĩ thuộc tu hội), 5,528 giáo lý viên. Số người lớn được Rửa Tội cả năm là 7,345 người (x. Phụ lục, Bảng Tổng kết các Giáo phận năm 2008, Bảng 21, tr. 41-42), đông nhất trong 26 giáo phận.

2.3. So sánh hoạt động truyền giáo của vài giáo hội khác

Nếu nhìn vào Giáo hội Tin Lành ở Việt Nam, năm 1999: số tín hữu là 400,000 người (x. Thống kê Quốc gia 1999, tr.133). Năm 2008: con số này đã lên tới 1,500,000 người. Như thế, số tín hữu tăng gần 4 lần trong vòng 10 năm. Ðó mới chỉ là vài hệ phái chính, chưa kể các hệ phái khác như Pentecostist (Ngũ Tuần), Chứng nhân Yavê...

Nói đến thành công này, một số người giải thích rằng tại vì anh em Tin Lành có nhiều phương tiện như tiền bạc, thuốc men, phân phối sách Kinh Thánh, dạy Anh ngữ miễn phí... nên có thể giúp đỡ nhiều người và thu hút người khác theo đạo. Chúng ta không biết có phải đó là lý do chính yếu không hay còn những hoạt động tích cực nào khác cần phải tìm hiểu và học hỏi lẫn nhau? Nếu có dịp đến hớt tóc ở góc đường Kỳ Ðồng gần Nhà thờ Ðức Mẹ Hằng Cứu Giúp, TP. Saigòn, chúng ta sẽ thấy những người thợ vừa hớt tóc vừa giảng đạo, dù rằng chúng ta không muốn nghe nhưng họ vẫn cứ nói. Ở Giáo xứ Chợ Ðũi, Q.1, TP. Saigòn, nhóm Pentecostist mượn hội trường của giáo xứ để mỗi tuần tổ chức buổi họp mặt của nhóm. Nhìn những người tham gia nhóm hát với tất cả niềm hăng say ta mới thấy sức cuốn hút của những ai được Chúa Thánh Thần tác động.

Nếu nhìn vào Giáo hội Hàn Quốc, vào năm 1949, người Công giáo xuất phát cùng với anh em Tin Lành ở mức 1% dân số, đến năm 2006, tổng kết của Hàn Quốc: Công giáo là 9.65% và anh em Tin Lành là 26% (x. Phụ lục, Thống kê Giáo hội Hàn Quốc 1999-2009, Bảng 28, tr. 50). Chúng ta cần học bài học truyền giáo của anh em Hàn Quốc. Khi sang làm việc ở Việt Nam, nhóm Công giáo đã gặp gỡ nhau tại Giáo xứ Vườn Xoài. Họ lo lắng và tích cực truyền giáo không chỉ cho cộng đồng của họ mà còn truyền giáo cho những người Việt Nam, truyền giáo cho những thương gia Hàn Quốc đã sang đây làm việc. Chương trình của Giáo hội Hàn Quốc cách đây nhiều năm là mỗi gia đình Công giáo nhận đỡ đầu cho một gia đình không Công giáo, và họ quyết tâm là trong 5 năm phải tăng gấp đôi số người tín hữu. Họ đã hoàn thành điều này chỉ trong vòng 3 năm! Giáo hội Việt Nam sẽ có chương trình truyền giáo như thế không?

Do đó, chúng ta cần phân tích những nguyên nhân gây nên thiếu hiệu quả trong công cuộc truyền giáo để thấy cần thay đổi thế nào cho công cuộc truyền giáo được kết quả.

 

3. Một Vài Nguyên Nhân Dẫn Ðến Tình Trạng Thiếu Hiệu Quả

Tình trạng thực tế về truyền giáo đòi hỏi chúng ta phải quan tâm và đặt vấn đề cho việc truyền giáo của mình: Tại sao Giáo hội Việt Nam với bao nhiêu dòng tu, bao nhiêu hoạt động tích cực trong xã hội, bao nhiêu lễ nghi rất hoành tráng (thí dụ như Ðại hội Ðức Mẹ La Vang 2008 với khoảng 500,000-600,000 người tham dự) mà vẫn không cuốn hút được người ta theo đạo? Nếu tình trạng kém hiệu quả chỉ xảy ra trong 1-2 năm thì chúng ta còn cho là ngẫu nhiên, nhưng kéo dài đến 50 năm thì đó là vấn đề đáng ta tìm hiểu và phân tích.

Ðã có rất nhiều những hội nghị, hội thảo thuộc đủ các cấp, các miền, từ Giáo hội trung ương đến Giáo hội địa phương, được tổ chức để tìm hiểu và nghiên cứu sâu xa vấn đề truyền giáo của Giáo hội Công giáo nhưng kết quả chưa thu được là bao. Nhiều tài liệu hướng dẫn cho các thành phần dân Chúa học hỏi về công cuộc truyền giáo đã được soạn thảo và phân phối cho các linh mục, tu sĩ và giáo dân ưu tuyển nhưng hình như chúng vẫn chưa tạo nên những kết quả thiết thực.

Chúng tôi nghĩ rằng những nghiên cứu và khám phá từ các giới chuyên môn trong Giáo Hội đã khá phong phú để giúp chúng ta tìm ra những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên. Chúng tôi xin tóm tắt vào mấy điểm sau đây:

3.1. Chưa có một nhận thức đầy đủ về việc loan báo Tin Mừng

Nhận thức này được khoa Truyền giáo học cung cấp cho ta để hiểu rằng người loan báo (chủ thể) cần những điều kiện nào, người được loan báo (đối tượng) cần được quan tâm như thế nào và Tin Mừng (nội dung) được loan báo là loại tin gì và loan báo ra sao (phương thức) (x. Felippe Gomez, S.J., Truyền giáo học, Antôn & Ðuốc Sáng xuất bản, 2003).

Dù đã được hướng dẫn bằng những nghiên cứu sâu xa của Công đồng Vatican II với các Hiến chế Lumen Gentium (Ánh sáng Muôn dân) năm 1965, Gaudium et Spes (Vui mừng và Hy vọng) năm 1965, Sắc lệnh Ad Gentes (Ðến với Muôn dân) năm 1965, Apostolicam Actuositatem (Hoạt động Tông đồ) năm 1965, cũng như nhiều văn kiện của các Ðức Thánh Cha, đặc biệt là ÐTC Phaolô VI với Thông điệp Evangelii Nuntiandi (Loan báo Tin Mừng) năm 1975, và ÐTC Gioan Phaolô II với Thông điệp Redemptoris Missio (Sứ vụ Ðấng Cứu Thế) năm 1990, nhất là Thông điệp Hậu Thượng Hội đồng Ecclesia in Asia (Giáo Hội tại châu Á) năm 1999, nhiều tín hữu Việt Nam hầu như không được học hỏi chúng nên chưa có một nhận thức đầy đủ về việc loan báo Tin Mừng. Ðến ngày Khánh nhật Truyền giáo (tháng 10 hằng năm), nhiều người chỉ nhắc đi nhắc lại điệp khúc "Truyền giáo là bản chất của Hội Thánh" chứ không biết thể hiện bản chất ấy thành những hành động cụ thể như thế nào trong đời sống.

Nhiều tín hữu còn cho rằng loan báo Tin Mừng là công việc chuyên môn của linh mục, tu sĩ hay một số giáo dân chuyên nghiệp đã được học về Thần học, chứ không phải là bổn phận của chính mình. Nhiều vị có trách nhiệm lại cho rằng truyền giáo là mở những lớp giáo lý tân tòng để dạy cho người muốn theo đạo những bài học soạn sẵn hay bắt họ học thuộc lòng một số kinh. Nhiều người tích cực hơn thì mua các sách Kinh Thánh hay Tân Ước phát tặng cho anh em lương dân hay tặng quà cho họ trong những dịp lễ Tết.

Uỷ ban Loan báo Tin Mừng của Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam hay của các giáo phận trong mấy chục năm qua dường như vẫn còn để ngỏ mảnh đất này cho các nhà thần học tự khám phá, các tín hữu riêng lẻ hay các dòng tu tự dấn thân hoạt động hơn là tổ chức, định hướng và liên kết các hoạt động truyền giáo trong Giáo hội Việt Nam. Người ta đưa ra gương mẫu của thánh Phanxicô Xaviê, thánh Têrêsa Hài Ðồng Giêsu hay nhiều gương mẫu khác mà quên đi Ðức Giêsu Kitô mới là người mẫu loan báo Tin Mừng tuyệt hảo nhất cho mọi thời đại. Người loan báo tin vui Nước Trời với niềm phấn khởi, xác tín, và quyền năng của Ngôi Lời Thiên Chúa thể hiện nơi chính bản thân Người: "Ðức Giêsu đi khắp các thành, các làng rao giảng Tin Mừng Nước Trời và chữa lành mọi bệnh hoạn, tật nguyền" (x. Mt 9,35; 4,23). Người đúng là sứ giả của Lời để Thiên Chúa trực tiếp dạy bảo chúng ta, để Thiên Chúa nói với chúng ta qua Con của Ngài và đưa mọi người vào cuộc hiệp thông toàn diện với Thiên Chúa (x. Hội đồng Chủ tịch Năm Thánh 2000, Ðức Giêsu là Ðấng Cứu Ðộ Duy nhất, Rôma 1999, bản dịch, tr. 24).

3.2. Thiếu nền tảng Kitô học vững chắc

Ðể có nhận thức đầy đủ về công trình loan báo Tin Mừng cứu độ của Ðức Giêsu Kitô, Giáo Hội cần những nhà thần học trình bày một học thuyết thật rõ ràng, trong sáng, mạch lạc về Ðức Giêsu Kitô. Học thuyết này sẽ giúp người tín hữu thống nhất về mặt tư tưởng cũng như hành động với Ðức Giêsu và giới thiệu Người cho người khác. Các Nghị phụ của Thượng Hội đồng Giám mục châu Á đã xin Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II đề nghị các nhà thần học soạn một giáo trình cơ bản về Kitô học vừa trung thành với Thánh Kinh, Thánh Truyền và Giáo huấn của Hội Thánh, vừa giải đáp thoả đáng các vấn đề về Ðức Kitô do các khoa học đặt ra trong tinh thần đại kết và đối thoại liên tôn. Dù được khuyến khích rất nhiều nhưng các nhà thần học chưa dám viết giáo trình này vì trong lịch sử những vấn đề Kitô học là nguồn gây tranh cãi và chia rẽ trong Giáo Hội suốt những thế kỷ đầu. Ða số chỉ dừng lại ở những điểm cơ bản của Công đồng Nicea (năm 325) và Calcedonia (năm 451).

Ðể chuẩn bị cho nền tảng Kitô học mới mẻ này, ÐTC Gioan Phaolô II luôn luôn trình bày về Ðức Kitô trong các văn kiện và lời rao giảng của ngài; còn ÐTC Bênêđictô XVI đã viết cuốn Ðức Giêsu Nazareth, năm 2007 (x. Joseph Ratzinger, Jesus of Nazareth, NXB Vatican) ngay khi mới lên ngôi Giáo hoàng. Thực ra, khi còn là Tổng trưởng Bộ Giáo lý Ðức tin, ngài đã trình bày một số điểm tranh luận trong Kitô học qua cuốn Giáo lý Hội Thánh Công giáo (năm 1992) và bản Toát yếu Giáo lý của Hội Thánh Công giáo (năm 2005).

Nếu người ta nắm vững nguyên tắc Kitô học và giảng dạy tinh thần đối thoại liên tôn thì rất nhiều người tín hữu sẽ vượt qua mặc cảm sợ hãi và tội lỗi khi phải tham dự những lễ nghi với những anh em không cùng tôn giáo, và những anh em lương dân chắc chắn sẽ có nhiều thiện cảm khi hiểu ra những thái độ ứng xử thân thiện và tôn trọng của người Công giáo. Ví dụ ở Việt Nam vẫn còn nhiều căng thẳng về văn hoá và tôn giáo: nhiều người vẫn hiểu rằng vào đạo thì không được vào chùa lạy Phật, không được làm mâm cúng, không được ăn đồ đã cúng Phật vì sợ mắc tội!

3.3. Thực trạng sống đạo chưa đáp ứng với yêu cầu của Tin Mừng

Nhìn vào đời sống người Kitô hữu hiện nay, chúng ta thấy có một khoảng cách khá lớn giữa điều người ta hiểu và điều người ta sống. Ðời sống đạo tập trung vào các nghi lễ, các hoạt động bên ngoài hơn là vào niềm xác tín và cảm nghiệm bên trong.

Ở Việt Nam, hơn 60% dân số dưới tuổi 30. Những người trẻ đang có xu hướng đi tìm biết sự thật ẩn chứa trong thiên nhiên, trong con người cũng như xã hội qua việc say mê học hỏi khoa học kỹ thuật. Nhưng nhiều người chúng ta lại quá quan tâm đến thần học, ít chú trọng đến các khoa học, và chưa trình bày cho người trẻ hiểu rằng Ðức Giêsu chính là sự thật toàn diện và vĩnh cửu (x. ÐTC Gioan Phaolô II, Giáo Hội tại châu Á, số 10) và Người sẵn sàng khai mở tâm trí để giúp con người hiểu biết những sự thật đó.

Hơn nữa, những người trẻ này cũng đang có xu hướng chạy theo cái đẹp qua sự say mê cuồng nhiệt đối với các thần tượng như cầu thủ, diễn viên, người mẫu và ham chuộng thời trang, âm nhạc, thể thao như biểu hiện của cái đẹp. Trong khi đó chúng ta hô hào họ hãy xoá bỏ thần tượng, sống đơn giản, nghèo khó, nhưng lại chưa giới thiệu cho họ một Thiên Chúa là chủ của cái đẹp và chưa giúp họ hiểu tinh thần nghèo khó của Ðức Giêsu thật sự là gì.

Ðức Giêsu dạy: "Con người làm chủ ngày Sabbat" (Mt 12,8) như mời gọi chúng ta chú ý đến con người hơn những luật lệ, hình thức đạo đức bên ngoài. Thế nhưng, những ngôi nhà thờ đồ sộ, những tu viện to lớn bên cạnh các căn nhà tồn tàn, rách nát như trở thành những pháo đài kiên cố khiến nhiều người ngại ngùng không dám tìm gặp Ðức Kitô ở đó. Nhìn những cuộc hành hương với vài trăm ngàn người tham dự, mà người ở xa tiêu hàng triệu đồng, người ở gần tốn vài chục ngàn cho việc đi lại ăn ở, và nếu tính tổng cộng có thể lên tới hàng chục, hàng trăm tỷ đồng, trong khi hàng trăm ngàn học sinh vẫn còn thiếu lớp, cả triệu (5,5) người tàn tật còn thiếu điều kiện sinh sống, hàng trăm ngàn người nghèo thất nghiệp đang phải chật vật kiếm ăn, thì có lẽ chúng ta phải nhìn lại cách thức bày tỏ lòng đạo của mình đối với Chúa và Ðức Mẹ cho âm thầm, khiêm tốn hơn chăng?

Nếu chúng ta chỉ rao giảng Lời Chúa như một người tiếp thị, quảng cáo Tin Mừng mà chưa phải là chứng nhân thực sự của Tin Mừng Ðức Kitô với những hành động cụ thể trong đời sống thì việc truyền giáo vẫn khó đạt kết quả như lòng mong ước.

 

4. Vài Gợi Ý Ðể Ðổi Mới Công Cuộc Truyền Giáo Tại Việt Nam

Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã mời gọi chúng ta xuất phát lại từ Ðức Giêsu Kitô và sống với Người thì mới có thể chia sẻ kinh nghiệm cho người khác trong đời sống thường ngày. Ðây là gợi ý để chúng ta suy nghĩ về công việc truyền giáo của mình. Tuy nhiên, muốn xuất phát lại từ Ðức Kitô trước hết chúng ta cần trở lại với Người (x. Thông điệp Giáo Hội tại châu Á, số 10).

4.1. Trở lại với Ðức Kitô để cảm nghiệm được nội dung loan báo Tin Mừng là chính Ðức Kitô

Trở lại với Ðức Kitô là chúng ta tìm lại cảm nghiệm sống động của các Tông đồ về Ðức Giêsu Phục Sinh như là tâm điểm cho mọi hoạt động và suy tư của mình. Ðức Giêsu không phải là một mớ thông tin mà ta đã thu thập được trong những giờ học giáo lý hay qua những bài giảng, bài kinh. Ðức Giêsu cũng chẳng phải là những câu Tin Mừng chúng ta học thuộc lòng và nhắc lại cho người khác mà không cảm nghiệm được ý nghĩa thâm sâu và sức cứu độ mãnh liệt trong từng lời nói của Người. Người cũng chẳng phải là những cuốn sách Thánh Kinh ta trân trọng trao tặng anh em lương dân và khuyến khích họ đọc Lời Chúa trong khi chính ta cũng cảm thấy khó khăn trước những bản văn cần giải thích của Thánh Kinh.

Tin Mừng hay Lời Chúa phải là một con người đang sống giữa chúng ta và sống trong ta để ta có mối tương quan mật thiết với Người. Ðể hiểu trọn vẹn về một con người đang sống, ta không phải chỉ cần thông tin mà còn phải gặp gỡ, tiếp xúc, yêu thương và nếu cần, có thể hoà nhập thành một "để tôi sống nhưng không còn phải là tôi mà là Ðức Kitô sống trong tôi" (x. Gl 2,20). Có như thế chúng ta mới có thể chia sẻ Ðức Giêsu cho những người khác, mới "kể chuyện về Ðức Giêsu" như đề nghị của Ðại hội Truyền giáo châu Á được tổ chức tại Chiang Mai, Thái Lan, từ ngày 18 đến 22-10-2006. Nếu nội dung loan báo thật sự là Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô thì chính Người sẽ "củng cố lời rao giảng bằng những phép lạ kèm theo" (Mc 16,20) để thể hiện ơn cứu độ và giải thoát con người.

4.2. Trở lại với Ðức Kitô để khám phá ra giá trị cao cả của người nghe Tin Mừng

Trở lại với Ðức Giêsu Kitô để thấy rằng qua việc Ngôi Lời Thiên Chúa trở thành con người (x. Ga 1,14), thì con người trở thành con đường của Thiên Chúa và cũng là con đường của Giáo Hội (x. UBBAXH/HÐGMVN, Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo, NXB Tôn Giáo, Hà Nội, 2007, số 62). Lúc đó nhà truyền giáo mới tập trung mọi cố gắng lo cho biết bao con người trong vùng đất Á châu và Việt Nam, nhất là những người nghèo khổ, yếu kém, bị bóc lột và bị gạt ra ngoài lề xã hội, như Ðức Giêsu đã tất bật từ sáng sớm đến tối mịt để rao giảng Tin Mừng, chữa lành bệnh nhân, xua trừ ma quỷ cho con người. Tất cả những công việc này đều là hoạt động truyền giáo, đều nhằm xây dựng một nền nhân bản toàn diện và liên đới mà Công đồng Vatican II đã khởi xướng vào năm 1965 và được khai triển trong Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo từ năm 2004. Các tổ chức của Giáo Hội được mời gọi để khai triển và thể hiện nền nhân bản này.

Trở lại với Ðức Kitô ta sẽ khám phá ra mầu nhiệm Nhập Thể luôn gắn liền với mầu nhiệm Nhập Thế để can đảm dấn thân vào xã hội trần thế hôm nay. Ngôi Lời Thiên Chúa đã trở thành Ðức Giêsu Nazareth, đã đi vào dòng lịch sử con người, đã đón nhận những yếu tố của vũ trụ vật chất qua thân xác của mình. Người đã đưa tính tuyệt đối, vĩnh hằng, thánh thiện, vô biên của Thiên Chúa vào trong cái tương đối, nhất thời, tội luỵ, hữu hạn của con người và vũ trụ để từ nay tất cả đều được biến đổi và thần hoá. Từ đó, mỗi con người đều có giá trị vô song dù họ già nua, tàn tật, xấu xa đến đâu chăng nữa. Từ đó, mỗi công việc đều có giá trị vĩnh hằng, đem lại ơn cứu độ dù nó chỉ kéo dài một vài giây như nụ cười, dù có vẻ tầm thường như các chậu quần áo ta giặt mỗi ngày, như làm vệ sinh, rửa mặt, đánh răng mỗi bữa. Truyền giáo bây giờ chính là kết hợp với Ðức Kitô trong đời sống thường ngày để dâng lên Người những công việc tưởng như nhỏ bé vô nghĩa nhưng thực ra có giá trị vô song nếu ta làm vì yêu mến Ðức Kitô để cứu độ anh em mình.

Sống trong một châu lục với nhiều dân tộc có các nền văn hoá và tôn giáo khác nhau, ta cần trở lại với Ðức Kitô để thấy Người không phải là của riêng Kitô giáo nhưng là Ðấng Cứu Ðộ của toàn thể nhân loại và vũ trụ. Cha Trên Trời muốn cứu độ tất cả con cái mình nên đã ban Người Con Một cho chúng ta, và Chúa Thánh Thần vẫn đang chuẩn bị cho việc Ðức Kitô đến với mọi người cũng như không ngừng nói trong các tôn giáo (x. CÐ. Vat. II, Tuyên ngôn Nostra aetate, số 1; Giáo Hội tại châu Á, số 15,18). Việc truyền giáo là một cố gắng liên tục để hội nhập văn hoá và đối thoại liên tôn của từng người tín hữu cũng như từng tổ chức của Giáo Hội. Trong hoạt hoạt động này, chúng ta cần học lại thái độ khoan dung của Ðức Kitô (x. Mc 9,38-39) để biết phân biệt những hình thức mê tín dị đoan đồng thời biết đánh giá đúng các nghi thức phụng vụ, lời kinh và cách sống của những người không cùng tôn giáo với mình, thậm chí ngay trong việc trừ ma diệt quỷ của họ (x. Mc 9,39-40).

4.3. Trở lại với Ðức Giêsu Kitô để nhà truyền giáo trở thành hiện thân sống động của Người

Sứ mạng truyền giáo bắt nguồn từ chính sứ mạng của Ðức Kitô vì chính Người là Ngôi Lời hằng hữu đã được Chúa Cha sai đến trần gian (x. Lc 4,18) để mạc khải tình thương cứu độ của Chúa Cha và tất cả những ai tin Người sẽ được sống đời đời (x. Ga 3, 16). Tin Mừng cứu độ ấy được Ðức Kitô loan báo bằng toàn thể con người mình, bằng lời nói cũng như hành động. Chính Người sai chúng ta đi loan báo Tin Mừng: "Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ loan báo Tin Mừng cho muôn loài thụ tạo" (Mc 16,15) và ban muôn ân sủng của Thánh Thần để giúp chúng ta hoàn thành sứ mạng ấy.

Vì thế, xét về bản thân, nhà truyền giáo cần 4 điểm sau đây: xác tín về sứ mạng cứu độ Chúa Cha trao cho mình, hoà nhập thành một với Ðức Kitô, gắn bó mật thiết với Chúa Thánh Thần và hiệp thông sâu xa với Giáo Hội. Khi có đủ 4 yếu tố này, bản thân nhà truyền giáo trở thành hình ảnh sống động của Chúa Ba Ngôi, trở thành hiện thân của Chúa Giêsu Kitô ở trần gian và trở nên Tin Mừng sống động là nội dung của việc truyền giáo (x. Gl 2,20). Việc truyền giáo ngày nay không phải chỉ tìm đến một dân tộc xa lạ, đến với những người khác mình về tôn giáo và văn hoá, cũng không phải chỉ là việc dạy giáo lý hoặc thăng tiến con người và phát triển cộng đồng nhưng là tiếp xúc với mọi người mọi vật trong đời sống thường ngày để chia sẻ bản thân mình cho họ như chính Ðức Kitô đã làm. Nhà truyền giáo là tấm bánh Ðức Kitô được bẻ ra để nuôi sống thế giới (x. Sứ điệp ÐTC Gioan Phaolô II nhân dịp Khánh nhật Truyền giáo 2005; Ga 6,35.51.58.68).

Nhà truyền giáo cần phải trở lại với Ðức Kitô và hoà nhập thành một với Người qua đời sống cầu nguyện và phụng vụ để Người chuyển thông quyền năng làm chứng cho Tin Mừng qua các dấu lạ như chữa lành bệnh tật, xua trừ ma quỷ, nói được thứ ngôn ngữ mới lạ của tình thương mà Thánh Thần thúc đẩy trong lòng ta (x. Mc 16,16-20). Nhà truyền giáo có thể chữa lành bệnh tật không phải như một bác sĩ hay xua trừ ma quỷ không phải như một thầy pháp nhưng với tư cách là chứng nhân của Ðức Kitô vì họ có thể làm được mọi sự với Ðấng ban sức mạnh cho họ (x. Pl 4,13). Như thế, việc rao giảng Lời Chúa, cử hành bí tích và bác ái từ thiện đều gắn bó mật thiết với nhau, hình thành nên bản chất của Giáo Hội mà người tín hữu nào cũng cần thể hiện trong đời sống (x. ÐTC Bênêđictô XVI, Thông điệp Thiên Chúa là Tình yêu, số 25).

 

Kết luận

Khi suy nghĩ về hiệu quả truyền giáo ở Việt Nam trong những năm gần đây, chúng ta cùng cảm tạ Chúa vì những ơn lành Người ban cho Giáo hội Việt Nam. Dù kết quả truyền giáo chưa đạt được như lòng mong ước, chúng ta vẫn cảm nghiệm được sức sống mãnh liệt và niềm hăng say vô tận của người tín hữu Việt Nam muốn dấn thân cho công cuộc loan báo Tin Mừng. Một vài dấu hiệu trình bày trong bài viết này chỉ nhằm mục đích mời gọi mỗi người chúng ta trở lại với Ðức Kitô để gắn bó mật thiết với Người vì Ðức Kitô chính là con đường dẫn ta và dân tộc đến sự thật toàn diện và sự sống vĩnh hằng.

 

Từ Kinh Nghiệm Truyền Giáo Ở Việt Nam Và Hàn Quốc

Ðến Việc Xây Dựng Nền Văn Hóa Nhân Bản Tâm Linh

 

Nhập Ðề

Chúng ta đã cùng nhau suy nghĩ về hiệu quả truyền giáo ở Việc Nam trong khoảng 50 năm gần đây với nghi vấn rằng: hiệu quả ấy chưa cao như lòng mong ước, đã tìm ra một vài nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu hiệu quả và gợi ý cần phải trở lại với Ðức Giêsu Kitô. Tuy nhiên, những suy tư này có lẽ còn nặng tính lý thuyết, cần được chứng minh bằng chính thực tế của hoạt động truyền giáo.

Vì thế, chúng ta sẽ cùng nhau khám phá vài kinh nghiệm truyền giáo ở Việt Nam và Hàn Quốc, để thấy rằng việc truyền giáo tác động lên xã hội, ảnh hưởng rất nhiều đến nền văn hoá dân tộc và có thể thay đổi cả đất nước. Do đó, muốn cho việc truyền giáo hiện nay ở Việt Nam có kết quả tốt đẹp, cần xây dựng một nền nhân bản mới.

Bài trình bày bao gồm mấy điểm chính sau đây:

1. Hiệu quả việc truyền giáo ở Việt Nam trong bối cảnh văn hoá và lịch sử

2. Phân tích khái quát hiệu quả truyền giáo ở Hàn Quốc trong 50 năm gần đây

3. Xây dựng một nền văn hoá nhân bản mới cho tín hữu Việt Nam

 

1. Hiệu Quả Việc Truyền Giáo Ở Việt Nam Trong Bối Cảnh Văn Hóa Và Lịch Sử

Chúng tôi đã trình bày khá chi tiết công cuộc truyền giáo ở Việt Nam trong cuốn Niên giám Giáo hội Công giáo Việt Nam, đặc biệt trong chương 10 và 11, từ trang 184-225. Ở đây chúng tôi xin tóm tắt vài điểm chính như sau:

1.1. Bối cảnh văn hoá và lịch sử

Bối cảnh lịch sử:

Sau khi Lê Lợi thắng quân Minh, triều đại nhà Lê kéo dài 360 năm (1428-1788). Xã hội Việt Nam vào thế kỷ XV ổn định, nông nghiệp phục hồi và phát triển. Sang thế kỷ XVI, nhà Lê suy yếu vì các vua ham mê tửu sắc, triều đình thiếu người tài trí, xã hội bắt đầu hỗn loạn. Dân chúng khốn khổ vì những cuộc chiến tranh loạn lạc liên miên giữa họ Trịnh phò Lê và họ Mạc. Sau khi họ Trịnh chiếm lại được thành Thăng Long, vào năm 1592, nhà Lê được khôi phục, nhưng mọi quyền lực đều nằm trong tay họ Trịnh. Chiến tranh Lê-Mạc chưa chấm dứt thì cuộc chiến đẫm máu giữa hai thế lực Trịnh-Nguyễn lại diễn ra, rồi đến cuộc chiến giữa anh em nhà Tây Sơn với chúa Nguyễn từ năm 1776 cho đến khi chúa Nguyễn Ánh thắng Tây Sơn và thống nhất sơn hà năm 1802. Cuộc sống người dân trong thời kỳ này vô cùng khốn khổ, sinh mạng con người bị coi thường, đời sống kinh tế kiệt quệ vì sưu cao thuế nặng để chi phí cho chiến tranh.

Từ những năm 1802-1856, xã hội tạm yên ổn, nhưng thay vì cởi mở như Minh Trị Thiên Hoàng ở Nhật Bản (Mutsuhito, 1852-1912), các vua triều Nguyễn lại dùng chính sách bế quan toả cảng đối với người nước ngoài, hoàn toàn theo quan điểm chính trị của Trung Quốc, nên đời sống dân chúng vẫn hết sức khó khăn, dân trí lạc hậu. Năm 1858, chiến tranh Pháp-Việt bùng nổ. Những cuộc tàn sát tập thể tín hữu Kitô giáo ở Ba Giồng, Hữu Ðạo, Biên Hoà, Bà Rịa (1861), Nam Ðịnh, Hưng Yên (Bắc kỳ), Búng, Long Thành, Tân Triều, Trảng Bàng (Tây Ninh) (1862) đã là lý do để người Pháp vin vào đó đánh chiếm miền Nam Việt Nam. Năm 1862, Việt Nam phải ký Hoà ước Nhâm Tuất nhường 3 tỉnh miền Ðông Nam Bộ cho Pháp.

Năm 1867, Pháp chiếm 3 tỉnh miền Tây Nam Bộ. Năm 1873, Pháp đánh chiếm Hà Nội lần đầu và một số tỉnh ở miền Bắc. Năm 1874, Việt Nam phải ký Hoà ước Giáp Tuất nhường đứt cho Pháp 6 tỉnh Nam kỳ, đồng thời người dân được tự do truyền đạo và theo đạo. Sau Hoà ước này, phong trào Văn Thân với khẩu hiệu "Bình Tây Sát Tả" để chống Pháp và sát hại người Công giáo nổi lên ở Nghệ An, Nam Ðịnh và lan dần khắp nước. Hàng chục ngàn người Công giáo bị sát hại, nhất là trong những năm 1885-1886.

Năm 1882, Pháp chiếm Hà Nội lần II và các tỉnh miền Bắc dẫn đến hoà ước Giáp Thân năm 1884, đặt miền Bắc dưới sự bảo hộ của người Pháp, Nam kỳ là thuộc địa Pháp và Trung kỳ thuộc quyền cai trị của triều đình Huế cho tới năm 1945 khi Ðảng Cộng Sản giành được chính quyền, thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

Bối cảnh văn hoá:

Chủ quyền chính trị thay đổi liên miên nhưng bối cảnh văn hoá hầu như không thay đổi từ năm 1428 đến 1945. Dân tộc ta tổ chức xã hội theo tư tưởng Nho giáo dựa trên Tam cương, Ngũ thường. Vua là chủ thể tối cao của đất nước mà mọi người phải tôn thờ vì vua là Con Trời (Thiên Tử). Vua nắm toàn quyền sinh sát trong tay, bắt ai chết là người đó phải chết. Chỉ có vua nắm độc quyền về tôn giáo để phong thần cho các vị thần linh và từ đó dân chúng mới được phép tôn thờ. Triều đình lấy chữ Hán của người Trung Hoa làm chữ chính thức và tổ chức các khoa thi dựa trên các sách kinh điển của nền giáo dục Trung Quốc như Tứ Thư, Ngũ Kinh. Phật giáo có ảnh hưởng nhiều trên dân chúng và những biến thể của đạo Lão như các hình thức thờ các thần vật, bùa chú mê tín rất phổ biến trong dân gian (x. Toan Ánh, Tín ngưỡng Việt Nam, Quyển Thượng và Quyển Hạ, NXB TP. Saigòn, 1992).

Gia đình theo chế độ đa thê, trọng nam khinh nữ với những hình phạt rất nặng nề dành cho các phụ nữ hoang thai, gian dâm. Xã hội còn nhiều hủ tục như tục tảo hôn, tục cho phép đàn ông bỏ vợ vì một số lý do không chính đáng (thất xuất) như: không con, không thờ cha mẹ chồng, đa ngôn, trộm cắp, ghen tuông, có ác tật, dâm dật (x. Toan Ánh, Con người Việt Nam, NXB TP. Saigòn, 1992, tr. 215). Nhiều trò vui, lễ hội mang tính phóng đãng (x. Toan Ánh, Hội Hè Ðình Ðám, NXB TP. Saigòn, 1992, tr. 244-279).

Cách tổ chức làng xã dù có thay đổi ít nhiều dưới các thời vua chúa khác nhau, nhưng các sinh hoạt và các tục lệ hầu như vẫn giữ nguyên, nhiều khi "phép vua thua lệ làng" (x. Toan Ánh, Làng Xóm Việt Nam, NXB TP. Saigòn, 1992).

Trong bối cảnh lịch sử và văn hoá như thế, Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô đã được loan báo cho dân tộc Việt Nam.

1.2. Các giai đoạn truyền giáo

Lịch sử truyền giáo ở Việt Nam tạm chia thành những giai đoạn sau đây:

- Giai đoạn khai sinh (1533-1615) và mở đạo chính thức (1615-1659)

Khởi đầu vào năm 1533, một người nước ngoài tên là Inêkhu đã đến truyền giáo tại làng Ninh Cường, huyện Nam Châu và làng Trà Lũ, huyện Giao Thuỷ (tỉnh Nam Ðịnh ngày nay).

Sau đó, các vị thừa sai Dòng Tên đã đến truyền đạo ở cả 2 miền Nam Bắc, lấy sông Gianh làm ranh giới, phía Bắc gọi là Ðàng Ngoài, do vua Lê chúa Trịnh nắm quyền; phía Nam gọi là Ðàng Trong, do các chúa Nguyễn cai quản.

Từ năm 1615, các linh mục F. Buzomi, D. Cavalho đến Cửa Hàn, Ðà Nẵng, tiếp theo là các linh mục F. Pina, C. Borri và A. de Rhodes (Ðắc Lộ). Ở Ðàng Ngoài có linh mục G. Baldinotti, P. Marques và A. de Rhodes đến Cửa Bạng, Thanh Hoá, ngày 19-3-1627. Ðể hỗ trợ cho việc truyền giáo, các thừa sai đã biên soạn giáo lý, sáng tác kinh nguyện, thơ văn bằng chữ Nôm, chữ Quốc Ngữ với sự trợ giúp của các thầy giảng có học thức như cụ Gioakim, sư cụ Chùa Phao, sư cụ Manuel, cụ nghè Giuse, đặc biệt là 2 tác phẩm của cha Ðắc Lộ ấn hành ở Rôma năm 1651: Phép giảng Tám ngày và Từ điển Việt-Bồ-La, các thánh truyện bằng chữ Nôm của G. Majorica.

Vào năm 1665, sau 37 năm truyền giáo ở Ðàng Ngoài với 25 linh mục và 5 trợ sĩ, và sau 50 năm ở Ðàng Trong với 39 linh mục và 01 trợ sĩ, các thừa sai Dòng Tên rửa tội khoảng 100.000 tín hữu (trong đó có 20.000 ở Ðàng Trong) (x. Công giáo và Dân tộc, Công giáo Việt Nam sau quá trình 50 năm, NXB Tôn Giáo, 1996, tr. 86).

- Giai đoạn hình thành (1659-1802)

Năm 1659, Ðức Thánh Cha Alexander VII lập 2 giáo phận ở Việt Nam (Ðàng Trong và Ðàng Ngoài) và đặt 2 vị giám mục đầu tiên thuộc Hội Truyền giáo Paris (MEP) làm đại diện Tông Toà. Ðức cha Lambert de la Motte ở Ðàng Trong và F. Pallu ở Ðàng Ngoài.

Dù có những sắc chỉ cấm đạo của vua chúa kèm theo những cuộc bách hại dưới thời các chúa Trịnh ở miền Bắc, các chúa Nguyễn ở miền Nam hoặc của vua Cảnh Thịnh nhà Tây Sơn ở miền Trung, các giám mục và các thừa sai vẫn miệt mài truyền đạo, và Giáo hội Việt Nam vẫn không ngừng phát triển.

Vào năm 1802, Giáo hội Việt Nam có 3 giáo phận với 121 linh mục Việt Nam và 320,000 tín hữu, chiếm tỷ lệ khoảng 3% dân số. Giáo phận Ðàng Trong có 60,000 giáo dân, Tây Ðàng Ngoài có 120,000 giáo dân và Ðông Ðàng Ngoài 140,000 giáo dân.

- Giai đoạn thử thách (1802-1886)

Sau khi vua Gia Long lên ngôi thống nhất đất nước năm 1802, cho đến khi phong trào Văn Thân ngưng tàn sát người Công giáo (1885-1886), có thể gọi đây là giai đoạn thử thách với các cuộc bách hại triền miên của vua quan lẫn một phần dân chúng chịu ảnh hưởng nặng nề của Nho giáo, thù ghét sự xâm lăng của người Pháp và hiểu lầm người Công giáo đi với Pháp để phản bội đất nước.

Nhưng đây cũng là giai đoạn truyền giáo rất thành công vì người tín hữu Việt Nam đã tìm được con đường sống trong cái lẽ tử sinh của kiếp người, giới thiệu được nền văn hoá Công giáo cho dân tộc. Ðây cũng là thời kỳ truyền giáo hiệu quả nhất. Trong vòng 80 năm, dân số Công giáo tăng gấp đôi và tỷ lệ tăng từ 3% lên đến 7%.

Vào cuối thời kỳ này, Giáo hội Việt Nam có 9 giáo phận, 4 giáo phận ở Ðàng Trong và 5 giáo phận ở Ðàng Ngoài, với 9 giám mục, 219 linh mục thừa sai, 356 linh mục Việt Nam, 1,246 chủng sinh, 156 thầy giảng, 1,399 nữ tu, 930 nhà thờ, 292 cơ sở bác ái, và 648,435 giáo dân, chiếm tỷ lệ khoảng 7% dân số (x. Niên giám Giáo hội Công giáo Việt Nam 2005, tr. 195).

- Giai đoạn phát triển (1886-1960)

Sau hoà ước 1884, Việt Nam được chia thành 3 kỳ: Nam kỳ, Bắc kỳ và Trung kỳ. Người Công giáo được tự do theo đạo, xây dựng các cơ sở vật chất, nhiều giáo phận mới được thành lập, số tín hữu tăng nhanh. Tính đến năm 1939, Giáo hội Việt Nam có 16 giáo phận, 17 giám mục, 1,544,765 giáo dân trên tổng số 26,500,000 người, chiếm 7.5% (x. Bảng 12, tr. 19).

Sau Hiệp định Genève 1954, Việt Nam chia thành 2 miền Nam Bắc, lấy sông Bến Hải ở vĩ tuyến 17 làm ranh giới, với hai ý thức hệ đối nghịch nhau. Trong thời gian này, có khoảng 650,000 tín hữu từ miền Bắc di cư vào miền Nam.

Ngày 24-11-1960, Ðức Thánh Cha Gioan XXIII đã thiết lập Hàng Giáo phẩm Công giáo Việt Nam với 3 giáo tỉnh Hà Nội, Huế, Sài Gòn. Một số giáo phận mới được thành lập. Giáo hội Việt Nam lúc này có 20 giáo phận, 23 giám mục, 2,094,540 tín hữu, 1,944 linh mục, 5,789 tu sĩ nam nữ và 1,530 chủng sinh trên tổng số 30,172,000 dân, chiếm tỷ lệ 6.9% dân số (x. Bảng 12, tr. 19).

Giai đoạn này dù được tự do theo đạo, xây dựng được nhiều nhà thờ, cơ sở giáo dục, xã hội, thậm chí được chính quyền nâng đỡ, nhưng số người theo đạo lại không nhiều. Tỷ lệ giảm từ 7% xuống 6.9% dân số.

- Giai đoạn trưởng thành (từ 1960 đến nay)

Trong giai đoạn này, cuộc chiến giữa hai miền Nam Bắc với hai ý thức hệ kéo dài từ năm 1963 đến 1975. Do số tín hữu tăng nên hai giáo tỉnh Huế và Sài Gòn lại được chia nhỏ để lập thêm nhiều giáo phận: Ðà Nẵng, Ban Mê Thuột, Xuân Lộc, Phú Cường, Phan Thiết. Vào cuối năm 1975, Giáo hội Việt Nam có 25 giáo phận.

Ánh sáng từ Công đồng Vatican II (1962-1965) đã lan toả trên các giáo phận miền Nam theo đường hướng mục vụ và đại kết với các hoạt động của nhiều hội đoàn Công giáo Tiến hành trong xã hội, với hàng ngàn trường học các cấp được xây dựng trong khi miền Bắc vẫn giữ nếp sống âm thầm dưới chế độ Cộng sản với nhiều khó khăn và thử thách.

Chiến thắng của chính quyền Cộng sản miền Bắc đã dẫn đến việc chính quyền miền Nam sụp đổ và thống nhất đất nước, ngày 30-4-1975, đưa Giáo hội Việt Nam vào một giai đoạn mới. Dù có khó khăn về vật chất vì các phương tiện hoạt động mục vụ, các cơ sở hoạt động xã hội và kinh tế ở miền Nam đều bị Nhà nước tiếp thu và quản lý, nhưng Giáo hội Việt Nam lại thấy đây là dịp Thiên Chúa thanh tẩy mình khỏi những vướng bận vật chất để chú ý hơn đến tinh thần sống đạo, học hỏi Lời Chúa, cầu nguyện, dạy giáo lý cũng như phổ biến đời sống đức tin, văn hoá, đạo đức của người Việt Nam cho toàn thể gia đình nhân loại, qua việc gần 1 triệu người đã di tản từ 1975-1990, sang rất nhiều nước trên thế giới.

Từ năm 1990 đến nay, qua chính sách cởi mở của Nhà Nước đối với tôn giáo, Giáo hội Công giáo Việt Nam có nhiều tự do hơn để tổ chức các hoạt động tôn giáo cũng như các hoạt động bác ái xã hội. Số tín hữu bắt đầu gia tăng so với tỷ lệ dân số, dù sự gia tăng không nhiều. Tính đến 31-12-2008, Giáo hội Công giáo Việt Nam có 26 giáo phận, 2 Hồng y, 2 Tổng Giám mục, 40 giám mục, 3,541 linh mục, 17,160 tu sĩ nam nữ, 6,187,486 tín hữu trên tổng số 86,160,000 người, chiếm 7.18% dân số. Trong gần 50 năm qua, Giáo Hội Công Giáo Việt Nam đã có thêm 5 giáo phận mới, số tín hữu tăng gấp 3, số linh mục tu sĩ tăng gấp đôi.

Hiện nay, nếu tính thêm số tín hữu Công giáo (khoảng 1 triệu) và số người Việt ở nước ngoài (khoảng 3 triệu) mà Giáo hội Việt Nam phần nào chịu trách nhiệm loan báo Tin Mừng, tổng số tín hữu là 7 triệu trên 89 triệu người Việt, chiếm tỷ lệ 7.86 % (x. Hội đồng Giám mục Việt Nam, Niên giám Giáo hội Công giáo Việt Nam 2005, Phụ lục: Cộng đồng Công giáo Việt Nam Hải ngoại, NXB Tôn Giáo, Hà Nội, 2005, tr. 867-902).

1.3. Truyền giáo và nền văn hoá Việt Nam

Xét về mặt văn hoá, công cuộc truyền giáo ở Việt Nam đã đóng góp rất lớn hay có thể nói đã giải phóng người Việt khỏi lệ thuộc nền văn hoá Trung Hoa.

Từ khi bị người Tàu đô hộ vào năm 179 TCN cho đến 1615, khi Tin Mừng được các nhà truyền giáo Tây Phương loan báo, hầu như mọi người dân Việt, từ vua quan đến dân chúng, chịu ảnh hưởng nặng nề của nền văn hoá Trung Hoa. Dầu vậy, ý thức phản kháng của dân tộc Việt vẫn âm ỉ bày tỏ qua cách sống (thuốc Nam - thuốc Bắc), cách ăn mặc (mặc váy-mặc quần), chữ viết (chữ Nôm - chữ Hán) nên người Việt không mất nước và không bị đồng hoá so với dân tộc Chiêm Thành ở miền Trung Việt Nam.

* Các nhà truyền giáo đã dạy cho người Việt giá trị vô cùng cao quý của con người trong những thế kỷ chiến tranh liên miên mà mạng người bị coi rẻ như cỏ rác. Tin vào Thiên Chúa và vào Ðức Giêsu Kitô họ sẽ được sống muôn đời dù vua chúa có thể dùng họ như những món đồ chơi trong cuộc tranh giành quyền lực.

Sống dưới chế độ dân chủ chuyên chế, vua được tôn là thiên tử (con trời), có toàn quyền sinh sát: vua bắt bầy tôi chết mà người đó không chịu chết là người đó bất trung (quân xử thần tử, thần bất tử bất trung). Còn Kitô hữu lại được dạy mọi người đều bình đẳng, đều là anh em trong đại gia đình nhân loại, có Thiên Chúa là Cha nên ai cũng phải tôn trọng quyền sống của con người. Ðức Giêsu mới là "Thiên Tử" thật sự, nhưng lại tự nguyện chết để cứu độ chúng ta, nên người Kitô hữu sẵn sàng hy sinh mạng sống để phục vụ Chúa và mọi người.

* Sống trong một xã hội theo chế độ đa thê (trai thì năm thê bảy thiếp), trọng nam khinh nữ (nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô), các Kitô hữu thời đó làm chứng cho sự thật về quyền bình đẳng giới tính, về hôn nhân một vợ một chồng, về hạnh phúc gia đình dựa trên tình yêu chung thuỷ và tình yêu Thiên Chúa. Hạnh phúc này biểu lộ trong đời sống gia đình của người Công giáo với những tiếng cười tiếng hát và trong đời sống cộng đồng, với những công việc cũng như trò vui mà nam nữ được tham dự như nhau.

* Sống trong xã hội mà học thức là một cái gì quý giá chỉ dành cho một thiểu số được ưu đãi, giàu sang, thì người tín hữu lại muốn phổ biến sự khôn ngoan của Thiên Chúa cho mọi người. Mỗi làng ngày xưa chỉ có một vài người đi học để viết được cái văn tự bán nhà bán đất, làm sổ đinh sổ điền thay cho cả làng; nếu may mắn hơn thì thi đỗ làm quan. 99% dân số còn lại đều mù chữ, thất học. Trái lại, người Công giáo ai cũng được học, ai cũng biết chữ. Lúc đầu học chữ Hán, chữ Nôm, sau lại cùng nhau khám phá và truyền bá loại chữ dễ đọc hơn, dễ viết hơn là chữ Quốc Ngữ, như chúng ta đang dùng, để phổ biến sự thật cho mọi người. Hàng trăm bộ sách Hán Nôm, hàng ngàn cuốn sách Quốc Ngữ của người Công giáo còn để lại trong kho tàng văn hoá dân tộc như muốn chứng minh điều đó.

Ðời sống hằng ngày với những kinh sách, tuồng kịch diễn mỗi dịp lễ trọng, mỗi mùa phụng vụ giúp cho tất cả từ trẻ đến già đều biết chữ nghĩa, trở thành người có văn hoá và dạy văn hoá cho đồng bào. Chỉ trong vòng 200 năm, tính từ khi tiếng Việt được khai sinh chính thức với cuốn Từ điển Việt-Bồ-La và sách Phép giảng Tám ngày của Linh mục Ðắc Lộ, vào năm 1651, cho đến lúc tờ Gia Ðịnh báo, tờ báo tiếng Việt đầu tiên, ra mắt ở miền Nam năm 1865, ta mới thấy nếp sống văn hoá của người Công giáo ảnh hưởng nhanh chóng và mạnh mẽ đến xã hội Việt Nam như thế nào.

* Nhờ chữ viết, nhất là nhờ các vị thừa sai dạy cho biết khoa học, kỹ thuật Tây Phương, tín hữu Công giáo trở thành những người truyền bá sự thật của Thiên Chúa ghi khắc trong vũ trụ vạn vật. Thời đó, mỗi làng có vài ba cái ao: tắm rửa, ăn uống đều lấy nước từ đó. Người Công giáo hiểu rằng cần phải gìn giữ thể xác của mình cho khoẻ mạnh, cho xứng đáng với ơn Chúa, nên dạy bảo nhau cần phải lọc nước bằng than, cát, sỏi mới được dùng, rồi phải đun sôi mới nên uống. Cách đây năm bảy chục năm, cứ 10 đứa trẻ thì may ra có 3 đứa sống quá 1 tuổi, rất nhiều đứa bị chết yểu vì bệnh tật. Vì dùng nước ao tù nên cả làng cứ 100 người thì có khoảng 90 đến 95 người bị toét mắt, lúc nào cũng che miếng vải đen sùm sụp trước mắt. Nhưng con cái người Công giáo đứa nào cũng khoẻ mạnh, đẹp đẽ nên nhiều người lương cho người Công giáo con của mình để nó được sống. Nhiều chàng trai bên lương chỉ muốn lấy vợ Công giáo vì người nào đôi mắt cũng đẹp. Còn những cô gái ngoại đạo lại muốn lấy chồng Công giáo để gia đình có những đứa con khoẻ mạnh và hoà thuận yêu thương nhau trong đời sống một vợ một chồng.

* Với những chữ "tả đạo" thích trên trán, người Công giáo không thể đi học, không thể buôn bán trong xã hội. Lúc bấy giờ họ hiểu rằng mình phải yêu thương nhau, phải đoàn kết và chia sẻ nghề nghiệp cho nhau. Làm ra hàng gì thì phải thật tốt, bán ra cái gì thì phải thật rẻ. Nhờ vậy ai cũng muốn trao đổi hàng hoá với người Công giáo, và họ đã vượt qua được giai đoạn khó khăn.

* Bị bắt bớ quá thì người tín hữu trốn vào rừng sâu làm rẫy, như ở La Vang, Trà Kiệu, nhờ thế mà mở mang bờ cõi đất nước. Với lý lịch "tả đạo", khó sống ở miền Bắc, tín hữu phải đi vào miền Trung, miền Nam theo đoàn quân viễn chinh và trở thành những người mở đường, dựng nước. Chính trong miền Nam, sống với những người có thể nói là đầu trộm đuôi cướp theo chính sách di dân thời xưa, người Công giáo lại cảm thấy dễ thở hơn, dù phải hy sinh rất nhiều, phải chiến đấu với từng đàn thú dữ, với những đám muỗi bay dày như đám mây. Người Công giáo trở thành những người tiên phong với tinh thần hào phóng, thân thiện của người phương Nam thuở trước. Người tín hữu chia sẻ tình yêu thương với hết mọi người, cùng quên đi những quá khứ xấu xa, những lý lịch đen tối của nhau để sống hoà thuận bên nhau, chỉ cần gọi nhau là anh Hai, chị Ba, cô Tư, chú Tám và coi nhau như một đại gia đình của Thiên Chúa.

* Các nhà Nho tiền bối như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh với phong trào Ðông Du; Lương Văn Can, Kỳ Ngoại Hầu Cường Ðể với phong trào Ðông Kinh Nghĩa Thục đã hô hào dân chúng bỏ búi tóc, cắt móng tay, mặc Âu phục, học chữ Quốc Ngữ, sống đời gia đình một vợ một chồng như người Công giáo. Tất cả phong trào ấy đã làm cho đất nước của chúng ta phát triển.

Những sự thật về giá trị và quyền lợi căn bản của con người, về bình đẳng nam nữ, về sự chung thuỷ trong gia đình, về giá trị của khoa học, kỹ thuật# mà chúng ta thấy dường như hiển nhiên, rõ ràng trong thời đại ngày nay, thì các bậc tiền bối Công giáo đã phải vất vả truyền giảng cho người đương thời với mình bằng biết bao nỗi tủi nhục, hy sinh và có khi bằng cả sự sống quý báu.

Nếu hiểu văn hoá là hệ thống các giá trị vật chất và tinh thần, do con người sáng tạo và tích luỹ qua quá trình hoạt động thực tiễn khi tương tác với môi trường tự nhiên và xã hội của mình (x. Trần Ngọc Thêm, Tìm hiểu về Bản sắc Văn hoá Việt Nam, NXB TP. Saigòn, 2004, tr. 20-27), thì người tín hữu Công giáo Việt Nam trong những giai đoạn truyền giáo vừa qua, từ 1659-1885, đã xây dựng một nền văn hoá mới cho dân tộc. Nền văn hoá này lấy con người làm gốc, nên tạm gọi là nền văn hoá nhân bản, với những nét chính yếu sơ khởi cần được phát triển thêm trong tương lai.

Ðể làm sáng tỏ thêm mối liên hệ giữa truyền giáo và văn hoá, chúng tôi xin giới thiệu một thí dụ khác. Ðó là công cuộc truyền giáo của Giáo hội Hàn Quốc trong 50 năm gần đây với bối cảnh lịch sử, văn hoá có rất nhiều điểm tương đồng với Giáo hội Việt Nam.

 

2. Trình Bày Và Phân Tích Khái Quát Về Kết Quả Truyền Giáo Ở Hàn Quốc Trong 50 Năm Gần Ðây

2.1. Bối cảnh lịch sử và văn hoá

(x. NN., Trịnh Huy Hoá biên dịch, Ðối thoại với các nền văn hoá Triều Tiên, NXB Trẻ, TP. Saigòn, 2001)

Ðại Hàn là một quốc gia nằm ở bán đảo Triều Tiên, phía Bắc giáp Trung Quốc và Nga, phía Ðông giáp biển Nhật Bản, gồm hai miền Nam Bắc theo hai thể chế chính trị khác nhau, lấy vĩ tuyến 38 làm ranh giới. Bắc Hàn hiện nay theo chế độ Cộng sản, với tên nước là Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Triều Tiên. Nam Hàn theo chế độ Tư bản, với tên nước là Cộng hoà Hàn Quốc.

Ðại Hàn lập nước vào khoảng năm 3000 TCN với tên nước là Choson (Triều Tiên). Những người dân ở bán đảo này là những người châu Á tiền sử sống dưới ảnh hưởng của nền văn hoá Trung Quốc. Năm 108 TCN, nhà Hán ở Trung Quốc chiếm nửa phần phía Bắc của bán đảo. Các bộ lạc Ðại Hàn đã chiếm lại một phần lãnh thổ vào năm 75 TCN và lập nên các vương quốc Silla (57 TCN), Koguryo (37 TCN) và Paekche (18 TCN), tồn tại trong 700 năm. Từ năm 668-917, các vua triều Silla chiến thắng nhà Ðường ở Trung Quốc, thống nhất đất nước, mở ra một thời hoàng kim cho dân tộc Hàn.

Thủ lĩnh Wang Kon chiếm được vương quốc năm 918 và lập nên triều đại Koryo (Korea), kéo dài từ 918-1392. Sau đó tướng Yi Songgye đã giành quyền và lập nên triều đại Yi (1392-1910) và chuyển đô về Hanyang (Seoul hiện nay). Từ năm 1592-1598, Ðại Hàn bị tàn phá nặng nề do cuộc chiến tranh xâm lăng của Nhật Bản. Từ năm 1600-1894, người Trung Hoa xâm chiếm Ðại Hàn và buộc cống nộp. Ðến năm 1910, người Nhật lại chiếm đóng Ðại Hàn sau khi Nhật thắng Liên Xô trong cuộc chiến 1904-1905. Từ những ngày đầu lập nước cho đến thế kỷ XX, người dân Ðại Hàn chịu ảnh hưởng nặng nề của văn hoá Trung Hoa: xã hội được tổ chức theo Khổng giáo, dân chúng theo Phật giáo và thờ kính ông bà tổ tiên với ảnh hưởng của tín ngưỡng Shaman.

Năm 1945, Chiến tranh Thế giới thứ II kết thúc, Nhật bại trận, Ðại Hàn bị chia cắt thành hai miền: ở phía Bắc vĩ tuyến 38, Liên Xô tiếp quản lập thành Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Triều Tiên (1-5-1948), với thủ đô là Pyonnyang. Ở phía Nam vĩ tuyến 38, Hoa Kỳ tiếp quản năm 1948, với thủ đô là Seoul. Cuộc chiến Nam Bắc đã xảy ra do sự đối kháng của hai ý thức hệ Cộng sản và Tư bản đã tàn phá đất nước nặng nề (1950-1953). Từ đầu thế kỷ XX, người dân Ðại Hàn biết đến nền văn hoá Tây Phương.

2.2. Công cuộc truyền giáo

Công giáo được truyền vào Ðại Hàn từ năm 1784, qua các tín hữu giáo dân học đạo ở Trung Quốc. Dù chưa có linh mục cai quản nhưng vào năm 1794, đã có khoảng 4,000 tín hữu. Ðiều này cho thấy sức sống mãnh liệt và tinh thần truyền đạo của tín hữu Ðại Hàn. Năm 1857, số tín hữu là 15,000 người. Giáo hội Ðại Hàn trải qua 4 cuộc bách hại nặng nề trong thế kỷ XIX, hàng ngàn người đã bị giết. 103 vị thánh Tử đạo đã được tôn phong vào năm 1984 thuộc các thời kỳ bách hại này.

Năm 1883, người dân Ðại Hàn được tự do tôn giáo khi chính sách bế quan toả cảng được tháo gỡ nhưng trong thực tế việc truyền giáo không thu được kết quả vì dân chúng vẫn còn chịu ảnh hưởng nặng nề của Tam giáo Ðông Phương. Trong Thế Chiến thứ II, hầu hết các thừa sai nước ngoài bị bắt bớ và bị trục xuất, nhiều chủng viện bị đóng cửa và nhà thờ bị phá huỷ. Sau khi được giải phóng khỏi ách thống trị của Nhật Bản, Giáo hội Hàn Quốc ở miền Nam mới được tự do tôn giáo thật sự và từ sau cuộc chiến Nam Bắc, Giáo hội Hàn Quốc mới thật sự có những thành công lớn lao về mặt truyền giáo đáng chúng ta nghiên cứu.

Giáo hội Triều Tiên (Bắc Hàn) có khoảng 100,000 tín hữu (theo Thống kê của Toà Thánh Vatican năm 1969) trên tổng số 23,761,000 dân. Nhưng sau cuộc chiến Nam Bắc, việc theo đạo Kitô chỉ được thể hiện trong nội bộ gia đình và bị ngăn cản dữ dội cho đến ngày nay.

Giáo hội Hàn Quốc hiện có 3 giáo tỉnh, 12 giáo phận, 1 giáo phận quân đội, 1 Hồng y, 5 Tổng Giám mục, 24 Giám mục, 1,471 giáo xứ, 3,525 linh mục (2,947 triều, 578 dòng), 1,702 chủng sinh, 636 nam tu sĩ, 8,828 nữ tu sĩ, 12,824 giáo lý viên, rửa tội 158,978 người, 4,682,000 giáo dân trên tổng số 48,500,000 dân (chiếm 9.65%) (x. Catholic Almanac, 2009, tr. 316-317).

Vài con số thống kê sau đây để thấy bước phát triển của Công giáo và Tin Lành ở Hàn Quốc:

- Năm 1949: Công giáo và Tin Lành chỉ chiếm 1% dân số ở Hàn Quốc.

- Năm 2009: Công giáo 9.65% và Tin Lành 26%. Cả nước có 35.65% theo Kitô giáo.

- Chỉ trong vòng 60 năm dân số Công giáo tăng từ 1% lên 9.65% và trong 10 năm (1999 2009) tăng từ 7.73% lên 9.65% (x. Phụ lục, Thống kê Giáo hội Hàn Quốc 1999-2009, Bảng 28, tr. 50).

2.3. Phân tích sự thành công của việc truyền giáo ở Hàn Quốc

Giáo hội Hàn Quốc có thể là một trường hợp điển hình trong công việc truyền giáo cho nhiều giáo hội khác, đặc biệt là cho Giáo hội Việt Nam vì hai giáo hội có nhiều nét tương đồng về bối cảnh lịch sử: chịu ảnh hưởng của Tam giáo Ðông Phương và văn hoá Trung Hoa, bị chia đôi đất nước, có nội chiến Nam Bắc với hai ý thức hệ đối kháng và đang mở ra cho nền văn hoá Tây Phương. Tuy nhiên, kết quả truyền giáo trong vòng 60 năm ở hai nước thật khác nhau: trong khi Hàn Quốc từ năm 1949-2009, tỷ lệ dân số Công giáo tiến từ 1% lên 9.65% thì ở Việt Nam từ 1960-2008, tăng từ 6.9% lên đến 7.1% (x. Phụ lục, Thống kê Giáo hội Việt Nam, 1933-2008, Bảng 12, tr. 19).

Sự phát triển của Giáo hội Hàn Quốc có thể do những tác nhân sau đây:

* Hàng Giáo phẩm của Giáo hội Hàn Quốc được tuyển chọn kỹ lưỡng và ít bị tác động bởi chính quyền dân sự. Việc tuyển chọn các giám mục có sự nhất trí cao nên dẫn đến sự vâng phục hầu như tuyệt đối trong cộng đồng tín hữu vì người Hàn Quốc rất kính trọng người trên, coi trọng tôn ti trật tự. Trong một số nước hiện nay, luôn luôn có sự can thiệp của chính quyền dân sự, thậm chí của cả những phe nhóm trong nội bộ Giáo Hội đối với việc tuyển chọn giám mục nên dẫn đến sự thiếu đoàn kết trong cộng đồng giáo hội địa phương. Người ta vẫn dùng chính sách "chia để trị" khi muốn can thiệp vào những cộng đồng tôn giáo. Tuy nhiên, sự suy yếu của cộng đồng tín hữu, dù chỉ là thiểu số, cũng dẫn đến sự suy yếu của cộng đồng dân tộc.

* Việc đào tạo linh mục, tu sĩ ở Hàn Quốc rất nghiêm túc và được mọi người quan tâm đóng góp. Hầu như tất cả các sách quan trọng, cần thiết hay có giá trị của Giáo Hội đều được dịch sang tiếng Hàn để tạo điều kiện cho việc đào tạo này. Nhiều gia đình Công giáo Hàn Quốc hiện nay hầu như chỉ có 1 hoặc 2 con nhưng sẵn sàng hiến dâng cho Chúa. Những linh mục, tu sĩ đó rất ý thức về sứ mạng của mình và luôn hoàn thành nhiệm vụ với tinh thần kỷ luật cao.

* Giáo dân Hàn Quốc đóng góp tích cực cho giáo hội địa phương, tự nguyện đảm nhận những công việc điều hành tại giáo phận và giáo xứ. Giáo hội Hàn Quốc làm theo các anh em Tin Lành trong việc yêu cầu tín hữu tự nguyện đóng góp từ 5-10% thu nhập cá nhân. Nhiều tín hữu nghèo không bị buộc đóng góp nhưng vẫn sẵn sàng tham gia bằng công sức lao động của mình cho công việc chung. Nhờ vậy Giáo hội Hàn Quốc tự lập về tài chính, không bao giờ đi xin các tổ chức hay giáo hội khác, ngược lại còn giúp đỡ những tổ chức này. Giáo hội tự trang trải tất cả các chi phí như trả lương cho các linh mục, tu sĩ và giáo dân trong công tác truyền giáo, dù nhiều người không muốn nhận.

* Giáo hội Hàn Quốc coi trọng giáo dân vì ngay từ đầu lịch sử, chính giáo dân đảm nhiệm công tác truyền giáo. Các hội đoàn Công giáo Tiến hành, nhất là Legio Mariae, được tổ chức chặt chẽ và hoạt động hăng say với những chương trình đào tạo rõ ràng và cụ thể. Trong giáo xứ, nhiều cộng đồng cơ bản được thành lập để thúc đẩy mối liên kết giữa các gia đình tín hữu với nhau: các thành viên trong cộng đồng chia sẻ niềm vui bằng cách hội họp để cầu nguyện và sau đó cùng giải trí, xem ti vi chung với nhau. Người làm bác sĩ thì khám bệnh, người làm kỹ sư thì sửa chữa máy móc, điện nước cho những thành viên trong cộng đồng với giá rẻ hoặc không lấy tiền. Từ đó, người dân cảm nghiệm được tình bác ái liên kết thật sự trong cộng đồng Giáo Hội.

* Người tín hữu được đào tạo cẩn thận, được huấn luyện để trưởng thành với những kỹ năng sống, đặc biệt là giới trẻ. Những người này được huấn luyện từ cách ăn nói, đi đứng, tổ chức công việc và đời sống cho đến các kỹ năng làm chủ cảm xúc, thời giờ, tiền bạc... Nhiều thanh niên Công giáo sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học, trước khi đi nghĩa vụ quân sự hay vào đại học thường dành một tháng hè để phục vụ cộng đồng. Họ đăng ký với một cha xứ ở miền xa hay các điểm truyền giáo (năm 2002 có 1.042 điểm) để đến dạy học cho người mù chữ, sinh hoạt hội đoàn, giúp đỡ người nghèo, người tàn tật... Những thanh niên nam nữ Công giáo này thường trở thành những người cuốn hút các bạn trẻ trong cộng đồng địa phương, nhờ đó đạo Công giáo được biết đến và nhiều người tin theo qua đời sống chứng nhân. Những chương trình đào tạo này được thực hiện trong các trường lớp ngày Chủ Nhật mà giáo phận nào cũng thực hiện. Năm 2000 có 267,742 trường Chủ Nhật, năm 2002 có 260,724 trường (x. Niên giám Giáo hội Hàn Quốc 2000-2002, tr. 15). Ngoài ra, ta còn phải kể thêm 13 đại học Công giáo với 34,470 sinh viên, vào năm 2002 (x. Phụ lục, Thống kê Giáo hội Hàn Quốc 1999-2009, Bảng 28, tr. 50).

* Giáo hội Hàn Quốc chú ý nhiều đến việc sử dụng những phương tiện truyền thông xã hội trong công tác truyền giáo. Xứ đạo nào cũng có phòng truyền thông với những sách báo, phim ảnh cho tín hữu mượn đọc hay sử dụng. Có bản tin nội bộ của giáo xứ, bản văn phụng vụ cho các ngày Chủ Nhật, sách hát, sách lễ dùng trong cộng đồng với giá rất rẻ. Giáo phận nào cũng có đài phát thanh, truyền hình hoặc chương trình phát thanh, truyền hình riêng của giáo phận dành cho cộng đồng tín hữu.

Giáo hội Công giáo và Tin Lành ở Hàn Quốc đã ảnh hưởng mãnh liệt vào nền văn hoá dân tộc để chuyển đổi thái độ trọng nam khinh nữ, phân biệt giai cấp xã hội (Yangban, Chunging, Sangmin, Chonmin) sang thái độ tôn trọng nhân phẩm, bình đẳng nam nữ, vượt qua thái độ thù hận với các nước láng giềng, yêu thích khoa học kỹ thuật Tây Phương và lòng bác ái Kitô giáo. Trong đường hướng văn hoá mới này, Nam Hàn đã có bước tiến vượt bật để từ một nước kiệt quệ về kinh tế sau cuộc chiến Nam Bắc đã trở thành một nước có nền kinh tế phát triển với tổng thu nhập quốc dân (GDP) năm 2006 là 18,340 USD so với Việt Nam là 723 USD, với Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa 2,016 USD, Thái Lan 3,252 USD, Philippines 1,362 USD, Ðài Loan 15,569 USD (x. Tổng cục Thống kê, Niên giám Thống kê 2007, NXB Thống Kê, tr. 687-688).

 

3. Xây Dựng Một Nền Văn Hóa Nhân Bản Mới Cho Tín Hữu Việt Nam

Từ kinh nghiệm truyền giáo của người tín hữu Kitô giáo ở Việt Nam và Hàn Quốc, chúng ta thấy người Công giáo Việt Nam có thể đóng góp rất nhiều cho xã hội khi giới thiệu cho đồng bào mình một nền văn hoá với các giá trị mới mẻ của Tin Mừng Chúa Kitô để rồi từ đó thay đổi và làm phát triển xã hội trong mọi lĩnh vực. Ðó cũng là yêu cầu của việc hội nhập văn hoá mà ÐTC Gioan Phaolô II đã nhắc đi nhắc lại qua từ "văn hoá" (125 lần) và "hội nhập văn hoá" (21 lần) trong Tông huấn Giáo Hội tại châu Á để nhấn mạnh tầm quan trọng của vấn đề này trong công cuộc loan báo Tin Mừng.

3.1. Xây dựng một nền văn hoá mới cho dân tộc

Chúng ta có thể nói rằng người tín hữu Kitô đã giới thiệu cho đồng bào mình ở Việt Nam và Hàn Quốc một nền văn hoá mới. Ðó là nền văn hoá Công giáo với các giá trị mới về nhân phẩm của con người trong một nền quân chủ chuyên chế độc tài, về bình đẳng nam nữ trong một xã hội chấp nhận chế độ đa thê, trọng nam khinh nữ, về sự hiện diện của Thiên Chúa Ba Ngôi giữa những tôn giáo Ðông Phương không biết đến Ngài, về cấu trúc của con người với hồn và xác do Thiên Chúa dựng nên để sống mãi mãi với Chúa thay vì tan rã như vạn vật tự nhiên hoặc thay đổi trong vòng luân hồi của kiếp người, về cách tổ chức làng xóm thành những xứ đạo với luật lệ dựa vào lòng bác ái và khoan dung của Thiên Chúa, về cách tổ chức gia đình cho có tôn ti trật tự nhưng vẫn tràn đầy niềm vui và tự do, về cách tổ chức đời sống cá nhân để không chiều theo những dục vọng thấp hèn mà vẫn phát triển nhiều khả năng của con người. Tất cả tập trung cho con người trong những mối tương quan cơ bản của mình. Ðây là nền văn hoá nhân bản mới.

Những giá trị này lại được thể hiện qua những kỹ năng sống mới phù hợp với khoa học kỹ thuật Tây Phương tạo nên những con người khoẻ mạnh, thông minh, đẹp đẽ, những gia đình an vui, hạnh phúc và những cộng đồng sống yêu thương, đùm bọc lẫn nhau dù có bị chính quyền lên án và cộng đồng xã hội ghét bỏ vì họ chưa biết hay chưa quen với những giá trị mới mẻ ấy. Tuy nhiên, một khi cảm nghiệm được giá trị của chúng nơi chính bản thân, gia đình và cộng đồng thì nền văn hoá mới này lại thu hút người ta đến nỗi dù biết theo tôn giáo mới là chắc chắn sẽ gặp nguy hiểm, có khi còn mất mạng, nhưng họ vẫn theo đuổi, tuân giữ vì nó thật sự mang lại những điều tốt đẹp cho con người. Rồi khi đa số dân chúng chọn lựa những giá trị ấy, chúng trở thành nền văn hoá của dân tộc, của quốc gia mà nhiều khi người đời sau không còn nhớ đến cội nguồn của chúng nữa.

Ðó là trường hợp của nền văn hoá Việt Nam với những giá trị mới mẻ nhận được từ đạo Công giáo. Sự chọn lựa của người dân Việt đối với đạo Công giáo ở miền Nam Việt Nam là một thí dụ điển hình. Từ giữa thế kỷ XVII, nhiều người ở miền Trung và miền Nam đã biết đến đạo Công giáo. Ðến giữa thế kỷ XVIII đã có nhiều tín hữu Công giáo, trong đó có cả ba anh em nhà Tây Sơn (Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ, Nguyễn Huệ) nhưng chính đoàn quân Tây Sơn lại có những hành động cướp bóc, giết hại đối với dân chúng và bách hại cả người Công giáo (x. Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam, Niên giám Giáo hội Công giáo Việt Nam 2005, NXB Tôn Giáo, Hà Nội, 2005, tr. 212; Nguyễn Phương, Việt Nam thời bành trướng Tây Sơn, Nhà sách Khai Trí, Sài Gòn, 1968).

Người dân Việt đón nhận những giá trị của nền văn hoá thể hiện qua cách sống đạo của tín hữu Công giáo, qua loại chữ viết mới lạ mà ta gọi là chữ Quốc Ngữ, nhanh chóng đến không ai ngờ vì ngay từ năm 1865, miền Nam đã có tờ báo tiếng Việt đầu tiên, trong khi triều đình Huế vẫn coi chữ Hán là văn tự chính thức cho đến đầu thế kỷ XX. Từ miền Nam, chữ Việt lại lan dần ra miền Trung và miền Bắc. Chính sự đón nhận những giá trị mới này đã là một trong những nguyên nhân chính yếu tạo nên sự thù ghét của các nho sĩ, khơi dậy phong trào Văn Thân chống Pháp và giết hại người Công giáo sau này.

Như thế, đạo Công giáo được người dân Việt tiếp nhận và chọn lựa với tất cả ý thức về giá trị chứ không phải vì lòng thiện cảm hay thù hận đối với người này hay kẻ khác.

3.2. Tầm quan trọng của văn hoá trong công cuộc truyền giáo

Từ những thí dụ trên đây, chúng ta nhận ra tầm quan trọng của văn hoá và việc đưa Tin Mừng hội nhập vào nền văn hoá dân tộc. Chúng ta đã biết văn hoá là tất cả những gì làm cho dân tộc này khác với dân tộc kia từ những sản phẩm tinh vi hiện đại nhất cho đến tín ngưỡng, phong tục tập quán, lối sống và lao động (Federico Mayor, Tổng Giám đốc UNESCO). Hơn nữa, Công đồng Vatican II còn xác định một cách rộng rãi hơn: văn hoá là phương cách đặc thù mà mỗi người, mỗi dân tộc dựa vào để tổ chức các quan hệ của mình với thiên nhiên, với anh chị em đồng loại, với bản thân mình và với Thiên Chúa, để có được một cuộc sống nhân đạo trọn vẹn (x. CÐ. Vat. II, Hiến chế Gaudium et Spes, số 53). Còn việc hội nhập văn hoá chính là nỗ lực của Kitô hữu muốn đưa Tin Mừng của Ðức Giêsu Kitô thâm nhập vào trong mọi lĩnh vực xã hội để làm cho xã hội ấy tốt đẹp hơn theo đúng ý Thiên Chúa.

Trong lĩnh vực truyền giáo, trước hết, nội dung Tin Mừng là Lời Thiên Chúa đã hoà nhập vào thế giới này, trở thành một con người cụ thể là Ðức Giêsu Nazareth, đón nhận nền văn hoá Do Thái. Người là gương mẫu cho tất cả những ai muốn loan báo Tin Mừng cần phải biết quên mình để hoà nhập. Tin Mừng cũng là những lời giảng dạy của Ðức Giêsu trong Tân Ước được biên soạn và viết bằng chữ Hy Lạp, với ảnh hưởng của văn hoá Hy-La thời đó nên cần được hiểu đúng và giải thích rõ ràng cho người nghe. Tiếp theo, người rao giảng Tin Mừng cũng có sẵn một nền văn hoá diễn tả trong cách sống của mình. Nếp sống này phải phù hợp với Tin Mừng thì mới thu hút được người khác theo Ðức Kitô. Cuối cùng, người nghe Tin Mừng cũng đang có sẵn một nền văn hoá bản địa cần thay đổi để phù hợp với Tin Mừng.

Người Công giáo Việt Nam sau khi giới thiệu những giá trị của nền văn hoá mới cho dân tộc và được đồng bào đón nhận trong những giai đoạn đầu của công cuộc truyền giáo thì dường như đã ngủ quên trong chiến thắng và bỏ mất vai trò tiên phong của mình trong việc xây dựng nền văn hoá mới cho dân tộc. Trước đây, người tín hữu không có nhà thờ, xứ đạo, trường học hay cơ sở xã hội thì họ diễn tả các giá trị mới này bằng chính đời sống của mình. Ngày nay, họ lại quá tập trung sức lực cho việc xây dựng cơ sở vật chất, cho những nghi lễ phụng tự hoành tráng, những giờ kinh cầu nguyện công khai dường như chỉ dành cho Thiên Chúa mà quên mất con người, ngoại trừ một vài dịp đóng góp cho việc từ thiện. Người ngoài Kitô giáo nhận thấy rằng theo đạo Kitô thì đời sống thường ngày cũng chẳng thay đổi bao nhiêu mà còn thêm những ràng buộc về lễ lạy, đóng góp tốn phí!

Trước đây, người Công giáo nào cũng chăm chỉ học hành để phổ biến chữ Quốc Ngữ với những bài thơ, bài văn, những tuồng kịch, câu đố, câu hò... Nhưng khi chữ Quốc Ngữ đã được dân tộc đón nhận thì dường như người tín hữu Công giáo Việt Nam lại không còn hứng thú để học hành, sáng tác. Hoạ hiếm lắm mới tìm thấy được nhà thơ, nhà văn Công giáo có tầm cỡ như Hàn Mạc Tử. Nhiều cuốn sách Công giáo còn viết sai chính tả. Các sách triết học, thần học dành cho người Công giáo thật là khan hiếm và sử dụng những từ chuyên môn thật khó hiểu đối với dân chúng.

Ðến những vùng hay xứ đạo có nhiều người Công giáo sống tập trung, người ta cũng không tìm ra những nét đặc biệt của nếp sống Công giáo, buôn bán thì cũng nói thách, nói dối, với đủ loại hàng giả hàng thật lẫn lộn nhau, gia đình thì cũng xào xáo, chửi rủa, đánh lộn, ly thân, ly hôn như các người không Công giáo. Thanh niên nam nữ cũng chưa chứng tỏ một nếp sống văn hoá Công giáo để ăn nói nhã nhặn, cư xử thanh lịch, sống khoẻ mạnh với những bài tập thể dục, những trò chơi thể thao, những thái độ dấn thân hy sinh vì đại nghĩa như đã từng có trước đây. Người Công giáo với lịch sử 2,000 năm đã có rất nhiều những suy tư nhận thức nhưng lại chưa biến chúng thành những kỹ năng sống cụ thể.

Hậu quả là số người tin vào Ðức Kitô không còn gia tăng nhanh chóng như trong thời buổi đầu của thời kỳ mở đạo. Tại một số nước trên thế giới, số tín hữu Công giáo còn giảm sút. Có thể là vì những Kitô hữu này đã bỏ mất những ân huệ Thánh Thần mà Ðức Kitô vẫn trao ban cho tất cả những ai tin vào Người. Chính vì thế mà Giáo Hội toàn cầu đang mời gọi tín hữu Công giáo trở về với Ðức Kitô để học lại bài học loan báo Tin Mừng của mình và xây dựng một nền nhân bản thật sự mới mẻ và toàn diện cho con người mà chúng tôi sẽ giới thiệu nơi bài nghiên cứu khác.

3.3. Xây dựng một nền văn hoá nhân bản

Muốn cho công cuộc truyền giáo có hiệu quả nhanh chóng và lớn lao như ở Việt Nam thời trước và Hàn Quốc gần đây, chúng ta phải quan tâm xây dựng những giá trị mới mẻ để tạo nên một nếp sống văn hoá Công giáo vừa phù hợp với những đòi hỏi của Tin Mừng Ðức Giêsu Kitô lại vừa đáp ứng với những nhu cầu của con người thời nay.

Ðây là công việc lớn lao đòi hỏi sự cộng tác mật thiết của các nhà thần học, triết gia, các nhà văn hoá, giáo dục cũng như các nhà chuyên môn khác. Các nhà văn hoá giới thiệu bản sắc của nền văn hoá dân tộc mà chúng ta có thể tìm thấy một số nét khái quát trong những công trình nghiên cứu của các nhà chuyên môn như Trần Ngọc Thêm (x. Tìm về Bản sắc Văn hoá Việt Nam, NXB TP. Saigòn, xuất bản lần 4, 2004), Toan Ánh (x. Bộ Nếp Cũ, NXB TP. Saigòn, 1992), Lê Văn Chưởng (x. Cơ sở Văn hoá Việt Nam, NXB Trẻ, TP. Saigòn, 1999), Cao Xuân Hạo (x. Chữ Việt, Văn Việt, Người Việt, NXB Trẻ, TP. Saigòn, 2001), Thạch Phương, Hồ Lê, Huỳnh Hứa, Nguyễn Quang Vinh (x. Văn hoá Dân gian người Việt ở Nam bộ, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1992)...

Những đặc điểm trong văn hoá nhận thức, văn hoá tổ chức đời sống cá nhân và tập thể, văn hoá ứng xử với môi trường tự nhiên và xã hội, văn hoá giáo dục thẩm mỹ sẽ được các nhà thần học, triết học và văn hoá Công giáo tìm ra những điểm tốt đẹp phù hợp với Tin Mừng để có thể hội nhập với nền nhân bản Kitô giáo, cũng như tìm ra những điểm yếu kém cần bổ sung hay sai trái hoặc đi ngược với Tin Mừng để loại trừ. Ðiểm quan trọng là các nhà giáo dục cần phối hợp với các nhà văn hoá và thần học để biến những suy tư, nhận thức thành những bài học cụ thể và áp dụng vào đời sống Kitô hữu. Những bài học này trở thành những kỹ năng sống để chuyển giao cho những thế hệ tiếp theo.

Nếu nếp sống văn hoá Công giáo thời xưa giới thiệu Thiên Chúa như Người Cha Tối Cao (Thượng phụ) so với vua chúa là người cha ở giữa (Trung phụ) và người cha trong gia đình ở bậc dưới (Hạ phụ) trong nhận thức "Tam Phụ" của linh mục Ðắc Lộ trong Phép giảng Tám ngày để bảo vệ nhân phẩm trong xã hội theo quân chủ chuyên chế độc tài, thì trong xã hội dân chủ ngày nay lại cần phải tìm ra một hình ảnh người cha khác gần gũi hơn, thiết thực hơn. Nếu quan niệm của người xưa về các mối quan hệ với trời, với đất, với người (Tam tài: thiên-địa-nhân) còn yếu kém và thiếu sót, nền văn hoá Công giáo cần phải giới thiệu cho con người thời nay một cái nhìn đầy đủ hơn. Trời không còn là một năng lực mơ hồ nhưng là một ngôi vị thật sự, nguồn của chân thiện mỹ, của sự sống vĩnh hằng và hạnh phúc vô biên; còn người không phải chỉ là anh em ở khắp năm châu mà còn là những con người có mặt trong vũ trụ; và đất, hay vạn vật, không phải là những thụ tạo vô tri vô giác nhưng là những đứa em bé nhỏ được Người Cha Tạo Hoá giao cho con người săn sóc, quản lý, yêu thương. Có thái độ như thế, người ta mới có thể nói cho gió yên biển lặng, bánh cá hoá nhiều như Ðức Giêsu đã làm thuở trước và nhiều vị thánh nhân vẫn còn thực hiện thời nay.

Câu hỏi đặt ra cho chúng ta bây giờ là chúng ta sẽ phải chọn nền văn hoá nào. Mỗi dân tộc đều có những nét đặc sắc trong nền văn hoá của mình. Các dân tộc làm nông nghiệp lúa nước như ở vùng Ðông Nam Á chúng ta có đặc điểm "trọng văn, trọng đức, trọng tình, trọng nghĩa, trọng nữ", trong khi nền văn hoá kỹ thuật Tây Phương của các dân tộc du mục thời xưa lại có những đặc điểm "trọng võ, trọng tài, trọng lý, trọng vật, trọng nam". Nền văn hoá Công giáo mà chúng ta muốn xây dựng cho người Công giáo Việt Nam, và qua đó cho dân tộc Việt Nam, là một nền văn hoá nhân bản toàn diện với các mối tương quan đầy đủ của con người mà Giáo hội Công giáo đã giới thiệu qua Công đồng Vatican II (1962-1965) và Học thuyết Xã hội của mình (2004) để người Công giáo trở thành những con người văn võ cao siêu, lý tình hoà hợp, tài đức vẹn toàn. Ðó không phải là một lý tưởng xa vời, tự mãn của người Công giáo nhưng là một mục tiêu phải tiến tới để trở thành hình ảnh sống động của Ðức Kitô, con người hoàn hảo, mà Người Cha Tạo Hoá muốn cho tất cả con cái mình đạt được khi ban Con Một của Ngài cho chúng ta (x. Ga 3,16-17).

 

Kết Luận

Khi trình bày công cuộc truyền giáo và hiệu quả truyền giáo ở Việt Nam và Hàn Quốc trong một vài thời điểm lịch sử, chúng tôi chỉ muốn nêu lên tầm quan trọng của văn hoá trong công cuộc loan báo Tin Mừng để mời gọi mỗi tín hữu Việt Nam cùng tham gia xây dựng nền văn hoá mới. Nếu người tín hữu Kitô giáo Hàn Quốc đã có thể biến đổi nhanh chóng đất nước chậm tiến, nghèo nàn của mình trở thành một nước phát triển, có nền kinh tế giàu mạnh, nhờ sự góp phần lớn lao của nền văn hoá Công giáo, thì người tín hữu Việt Nam có quyền hy vọng mình cũng có thể làm cho đất nước Việt Nam phát triển, dân tộc hùng mạnh nếu cùng nhau xây dựng và thể hiện nền văn hoá mới mẻ và toàn diện qua đời sống gắn bó với Tin Mừng của Ðức Giêsu Kitô.

 

Truyền Giáo Là Kể Chuyện Chúa Giêsu

 

Nhập Ðề

Tôi rất vinh dự được tham dự Hội thảo Loan báo Tin Mừng của Ban Loan báo Tin Mừng thuộc Giáo phận Xuân Lộc với đề tài "Kể chuyện về Chúa Giêsu". Sau khi Ðại hội Truyền giáo của các nước châu Á được tổ chức tại Chiang Mai, Thái Lan, vào tháng 10-2006, nhiều người xác tín rằng: "Truyền giáo chính là kể lại câu chuyện về Ðức Giêsu như các Tông đồ xưa".

Tuy nhiên, muốn kể được câu chuyện này, bản thân người kể phải gặp được Ðức Giêsu, "phải cùng ăn cùng uống với Người" như các Tông đồ (Cv 10,41), như hai môn đệ trên đường đi về Emmaus (x. Lc 24,30-35), phải tai nghe, mắt thấy, tay chạm đến được Ngôi Lời sự sống như Gioan (x. 1 Ga 1,1), hay phải xỏ ngón tay và bàn tay vào những vết thương của Ðức Giêsu như Tôma (x. Ga 20,24-29). Nếu không, chúng ta không thể làm chứng nhân của Ðức Giêsu (x. Cv 2,32) vì người làm chứng phải là người có mặt trong biến cố. Thật ra, để là người tín hữu "bình thường", có lẽ ta không cần phải tận mắt thấy và gặp gỡ Ðấng Phục Sinh; nhưng để trở thành nhà truyền giáo đích thực, trở thành chứng nhân của Ðấng Phục Sinh, Ðức Giêsu muốn chúng ta gặp Người và Người sẵn sàng hiện ra với chúng ta như với các môn đệ và tông đồ xưa.

Vấn đề ở chỗ:

- Làm sao có thể gặp được Ðức Giêsu Phục Sinh?

- Gặp được Người rồi nhà truyền giáo sẽ biến đổi ra sao?

- Cuối cùng, nhà truyền giáo kể lại chuyện Ðức Giêsu như thế nào?

Trong câu chuyện về Chúa Giêsu hôm nay, chúng ta sẽ chia sẻ những kinh nghiệm gặp gỡ Người dựa trên các bản văn Tin Mừng để soi sáng cho sứ mạng làm chứng cho Ðấng Phục Sinh.

 

1. Làm sao có thể gặp được Ðức Giêsu Phục Sinh?

Ðoạn Tin Mừng Ga 20,1-18 giới thiệu cho chúng ta câu trả lời làm sao có thể gặp được Ðức Giêsu qua hình ảnh 3 môn đệ Phêrô, Gioan và Maria Magđalena. Ba môn đệ này tượng trưng cho mỗi người chúng ta trong các tình trạng khác nhau của đời sống.

Cả ba đều được tình yêu đối với Ðức Giêsu thúc đẩy và đã diễn tả tình yêu ấy qua ba hành động tiêu biểu là thao thức - chạy tới - dừng lại.

1.1. Hành động đầu tiên của các môn đệ yêu Ðức Giêsu là thao thức

Họ thao thức vì những bất công mà Ðức Giêsu phải chịu: Người chỉ rao giảng Lời Chúa, làm phép lạ chữa lành cho nhiều người nhưng lại bị chính con người lên án và giết chết một cách đau đớn và nhục nhã. Họ thao thức vì thân xác Ðức Giêsu mới chỉ được tẩm liệm sơ sài. Họ mong chóng hết ngày nghỉ lễ Sabbat để mang dầu, thuốc thơm xức cho xác thân Người.

Môn đệ đích thực của Ðức Giêsu luôn phải là người biết thao thức trong khi người khác có thể ngủ quên. Nhiều người đang ngủ quên trong thành công, trong chiến thắng của mình. Chẳng hạn như người ta hãnh diện vì Giáo hội Việt Nam (GHVN) đang có 6 triệu người Công giáo, Thánh lễ Chúa Nhật lúc nào cũng đông nghẹt tín hữu trong một số nhà thờ, có nhiều ơn gọi linh mục, tu sĩ đến nỗi các dòng nước ngoài phải đến chiêu mộ ơn gọi ở Việt Nam, tín hữu Việt Nam rất kính trọng các giám mục và các linh mục...

Nhưng hình như người ta chưa thao thức tìm hiểu tại sao từ 120 năm nay, Giáo Hội Việt Nam vẫn chưa gia tăng được 1% dân số Công giáo so với số dân trong nước, dù có hàng chục ngàn linh mục, tu sĩ và hàng trăm ngàn đoàn viên của các hiệp hội Công giáo Tiến hành. Nhiều dòng tu bây giờ rất e dè khi nhận những thanh niên nam nữ đến xin tìm hiểu ơn gọi vì khám phá ra những động lực không trong sáng nơi nhiều người dự tu như chỉ để thoát cảnh nghèo khó, chỉ muốn được đi học đại học hay du học nước ngoài. Còn những tín hữu dù có dự lễ đông đảo nhưng thực sự đã có niềm xác tín như thế nào về Ðức Giêsu?

Hơn nữa, nhà truyền giáo có thao thức về thảm cảnh xã hội Việt Nam với cả chục triệu người đang sống nghèo khổ, chạy ăn từng bữa, hơn 5 triệu người khuyết tật, cả chục triệu người uống rượu và nghiện rượu gây nên những đổ vỡ trong gia đình, cả triệu bào thai bị bỏ đi mỗi năm, hơn 300,000 người nhiễm HIV/AIDS và 200,000 người nghiện ma tuý đang bị kỳ thị nặng nề trong xã hội, cả trăm ngàn cô gái sống tủi nhục vì phải bán rẻ thân xác mỗi ngày như món hàng giải trí. Ðó là những Ðức Kitô bị bỏ rơi đang cần được nhà truyền giáo thao thức kiếm tìm ở những nơi con người xa lánh như những nấm mộ trong nghĩa trang của cuộc đời.

1.2. Hành động thứ hai của các môn đệ yêu Ðức Giêsu là chạy tới

Các môn đệ chạy mỗi người một kiểu theo mức độ thao thức của mình nhưng đều nhắm đến đích điểm là ngôi mộ chôn xác Ðức Giêsu, dù họ biết đến đó là hết sức nguy hiểm. Giêsu là tên tử tội được binh lính canh phòng cẩn mật với ấn niêm phong của quan tổng trấn Philatô. Nếu xác bị mất mà họ chạy đến mộ thì họ sẽ bị nghi ngờ, bị bắt giữ và có thể bị kết án nặng nề.

Thế nhưng tình yêu đối với Giêsu đã khiến họ bất chấp tất cả. Ðó có vẻ là một tình yêu mù quáng, không còn tỉnh táo, khôn ngoan! Tại sao họ lại làm như thế sau khi đã bỏ mặc Giêsu chịu chết? Có thể vì Phêrô nhớ mãi lời tiên báo của Ðức Giêsu khi ông chối Người ba lần? Có thể vì Gioan đã cảm nhận được tình yêu của Ðức Giêsu khi đứng dưới chân thập giá? Có thể vì Maria Magđalena đã cảm nhận được tình yêu của Ðức Giêsu khi đổ dầu thơm quý giá xức chân Người (x. Ga 12,1-8)? Có thể vì cả ba đã thấy tận mắt trời đất tối sầm lại khi Ðức Giêsu hấp hối trên thập giá hay nghe kể lại việc màn trong đền thờ xé ra làm đôi trong gian cực thánh (x. Mt 27,51), hay những chuyện người chết hiện về sau khi Ðức Giêsu gục đầu tắt thở (x. Mt 27,52-53)?

Nhưng dù sao bây giờ họ chỉ còn biết Giêsu, và tình yêu đối với Người thúc đẩy họ chạy tới. Chạy là không đi chậm rãi bình thường như mọi người. Kiểu chạy của người môn đệ trong đời sống chính là làm việc năng động hơn, học hành chăm chỉ hơn, giải trí thanh tao hơn, hy sinh gian khổ hơn các người khác.

Người tín hữu Việt Nam đã từng chạy trong dòng lịch sử dân tộc để góp phần tích cực trong việc biến đất nước theo chế độ quân chủ độc tài, đa thê, bất bình đẳng nam nữ và lạc hậu với khoa học kỹ thuật trở thành một xã hội dân chủ, hôn nhân một vợ một chồng, nam nữ bình đẳng và phát triển khoa học kỹ thuật trong vòng hơn 200 năm (từ 1651-1865). Nhưng rồi hình như hiện nay nhiều người không còn muốn chạy nữa! Họ chỉ muốn đi đứng bình thường và ẩn mình vào đám đông như mọi người vì quên đi sứ mạng loan báo Tin Mừng mà chính Ðức Giêsu đã trao phó cho họ (x. Mc 16,15).

1.3. Hành động thứ ba của các môn đệ yêu Ðức Giêsu là dừng lại

Maria Magđalena dù chạy đến mồ sớm nhất, nhưng chị biết dừng lại ở cửa mộ chứ không vào trong và chạy về báo tin cho người có trách nhiệm. Gioan cũng thế, dù chạy nhanh hơn Phêrô nhưng cũng đã dừng lại nhường quyền thẩm định biến cố cho Phêrô.

Dừng lại như Maria Magđalena là biết nhận ra vai trò của mình để phối hợp hành động với người khác thay vì đòi quyền ưu tiên của người đến trước hay hành động độc lập chẳng cần biết đến ai. Truyền giáo dù là hành động của một cá nhân nhưng luôn mang tính cách cộng đồng vì tự bản chất là hành động của Giáo Hội Ðức Kitô.

Dừng lại như Gioan là biết tôn trọng quyền bính và trách nhiệm của Phêrô, sau khi đã phối hợp hành động bằng cách chạy chung với nhau và vẫn chạy theo sức riêng mình. Truyền giáo không bao giờ là một hành động bắt chước theo một khuôn mẫu cứng nhắc, xoá bỏ các sáng kiến cá nhân, nhưng mời gọi tất cả sử dụng mọi khả năng và phương tiện mình có để phục vụ Ðức Kitô theo những ân huệ đa dạng của Thánh Thần.

Công cuộc loan báo Tin Mừng ở Việt Nam và cả ở Giáo Hội toàn cầu chưa đạt kết quả như lòng mong ước một phần vì người tín hữu chúng ta ngày nay chưa biết dừng lại để phối hợp hành động và kiên nhẫn chờ đợi nhau như các môn đệ xưa. Chúng ta thường đòi quyền ưu tiên vì đã phải mất công chờ đợi xếp hàng, ngay cả trong việc xưng tội, lên rước lễ cũng như trong các công tác xã hội khác. Chúng ta không muốn người khác qua mặt chúng ta, giỏi hơn, thông minh hơn, đạo đức hơn, nổi tiếng hơn ta. Nhiều hội dòng quốc tế có sáng kiến truyền giáo nhưng lại không chấp nhận phối hợp chung với giáo hội địa phương. Nhiều cơ sở bác ái xã hội như trường học, bệnh viện, nhà dưỡng lão của các dòng tu lại cạnh tranh kém lành mạnh với nhau. Bài học khiêm tốn, nhường nhịn nhau vẫn cần thiết cho Kitô hữu thuộc bất cứ thời đại nào.

1.4. Kết quả cho người yêu nhiều nhất là gặp được Ðấng Phục Sinh

Tuỳ theo mức độ cao thấp của tình yêu mà các môn đệ cảm nhận được Ðức Giêsu Phục Sinh một cách khác nhau.

Phêrô cảm nhận chậm hơn cả, dù sau đó Ðức Giêsu vẫn hiện ra với ngài (x. Lc 24,34), có lẽ vì ngài đã thao thức ít nhất, chạy chậm nhất và chưa dừng lại để nhường bước cho ai. Gioan cảm nhận nhanh hơn Phêrô, ngài "đã tin" (Ga 20,8) dù chỉ thấy khăn liệm và băng vải được xếp gọn, có lẽ vì ngài đã thao thức nhiều hơn, chạy nhanh hơn và nhường bước cho Phêrô.

Maria Magđalena cảm nhận đặc biệt nhất. Trong khi chị tưởng mình đã đánh mất cả thân xác bất động thì lại được ôm Ðức Giêsu sống động trong vòng tay (x. Mt 28,9), có lẽ vì chị đã thao thức nhiều hơn cả, chạy đến mộ sớm nhất và dừng lại nhường bước cho cả hai Tông đồ Phêrô và Gioan.

Ðiểm cơ bản mà chúng ta cần trắc nghiệm là tình yêu đối với Ðức Giêsu của mỗi người chúng ta đang ở mức độ nào: cao hay thấp? Tình yêu ấy có được diễn tả thành những hành động cụ thể như thao thức, chạy tới và dừng lại chưa? Tình yêu ấy có đủ mạnh mẽ không cần so sánh với bất cứ ai để chỉ tập trung vào Ðức Giêsu? Chúng ta có cầu xin Cha Trên Trời đổ tình yêu vào lòng chúng ta nhờ Thánh Thần Ngài ban cho ta? (x. Rm 5,5).

1.5. Kể chuyện Chúa Giêsu

Tôi xin chia sẻ câu chuyện về nỗi thao thức về Chúa Giêsu. Cách đây khoảng 10 năm, ở TP. Saigòn có hàng chục ngàn người đang sống trong đau khổ vì bị ma tuý kiềm chế, chúng tôi muốn cứu giúp họ nhưng không biết phải làm thế nào. Tôi tìm đến Bác sĩ (BS) Trương Thìn, khi ấy là Viện trưởng Viện Y Dược học Dân tộc, ở số 273 Nguyễn Văn Trỗi, TP. Saigòn, để xin Bác sĩ giúp cho những kinh nghiệm về ma tuý và cách chữa trị cơn nghiện vì Bác sĩ đã 26 năm hoạt động trong công tác này. Sau nhiều lần từ chối, mãi đến 6-8-2000, Bác sĩ mới nhận lời gặp chúng tôi. Hôm đó tôi đi chung với Bác sĩ Lan Hải, học trò của Bác sĩ Trương Thìn, và nữ tu Hồng Quế, dòng Ðaminh Tam Hiệp.

Khi gặp chúng tôi, Bác sĩ nói ngay: "Tôi chỉ có thể tiếp linh mục được 15 phút thôi vì mấy tháng nay tôi đau bệnh lắm. Cai nghiện ma tuý là công việc khó khăn, tôi khuyên linh mục đừng tham dự vào". Bác sĩ tiếp chúng tôi mà cứ ho sụ sụ, nước mũi chảy liên tục. Tôi liền xin Bác sĩ cho phép tôi cầu nguyện cho ông một chút. Có lẽ lần đầu tiên Bác sĩ nghe thấy một đề nghị như vậy, ông ngạc nhiên nhìn tôi, rồi nói: "Linh mục cứ tự nhiên". Tôi đứng đằng sau Bác sĩ đọc kinh Chúa Thánh Thần, Lạy Cha, Kính Mừng, Sáng Danh. Khi vừa dứt lời kinh, Bác sĩ ngước lên hỏi: "Linh mục vừa mới làm gì cho tôi?". Tôi thưa với Bác sĩ là tôi không làm gì cả, tôi chỉ cầu nguyện xin Thiên Chúa ban sức mạnh cho Bác sĩ và chuyển một phần sức khoẻ của tôi cho Bác sĩ bởi vì Bác sĩ cần sức khoẻ để phục vụ bệnh nhân hơn tôi. Bác sĩ nói với tôi rằng: "Thưa linh mục, tôi là một Bác sĩ Tây y nhưng cũng chuyên về Ðông y, tôi hiểu cơ thể của tôi lắm. Huyệt đạo trên đỉnh đầu tôi từ mấy tháng nay bị tắc, bây giờ nó được thông rồi".

Rồi, Bác sĩ dường như quên tôi là linh mục, ông nói: "Này, Sơn ơi, đi với mình!" và dẫn chúng tôi đi thăm các cơ sở. Ðến khu vực dành cho người nghiện ma tuý, hồi đó gọi là Khoa Lạm dụng Thuốc, Bác sĩ tự tay châm cứu cắt cơn cho chúng tôi xem. Sau đó dẫn chúng tôi lên phòng riêng lấy đàn guitar ra đánh hết bài này đến bài khác và lấy bút vẽ ra vẽ tặng cho chúng tôi các bức hoạ. Ðồng hồ lúc đó chỉ 12g15, Bác sĩ đã tiếp chúng tôi hơn 3 giờ!

Qua sự kiện trên, tôi cảm nghiệm như Chúa đang mời gọi chúng tôi hoạt động trong lĩnh vực ma tuý, dù Bác sĩ đã nhắc nhở đừng lao mình vào lĩnh vực này. Ðức Giêsu đã cứu chữa nhiều người nghiện trong suốt 8 năm qua. Bác sĩ Trương Thìn đã tận mắt thấy các em hồi phục và Bác sĩ đã mời chúng tôi mở 6 khoá Phục Sinh ở Viện Y Dược học Dân tộc.

Các bạn thân mến, nhà truyền giáo chúng ta một khi đã thao thức về Ðức Giêsu bị bỏ rơi, chúng ta sẽ thấy tác động của Chúa Giêsu để Người biến đổi chúng ta, chuyển thông cho chúng ta sức mạnh, tình yêu và cả quyền năng của Người để chúng ta có đủ sức phục vụ anh chị em mình.

 

2. Gặp được Ðức Giêsu, nhà truyền giáo sẽ biến đổi ra sao?

Các đoạn Tin Mừng theo Luca 24,35-48 và Gioan 20,19-31 mô tả cho chúng ta tâm trạng của các Tông đồ trước và sau khi gặp Ðức Kitô Phục Sinh. Trước đó họ buồn rầu, lo lắng, sợ hãi, chao đảo vì không tìm được ý nghĩa đời sống, suy nhược và mất hết nhuệ khí. Sau khi gặp được Người, họ tràn đầy niềm vui, bình an, khôn ngoan, và can đảm làm chứng cho Người, ý thức được sứ mạng Chúa trao và tràn đầy ân sủng Thánh Thần. Ðây có lẽ cũng là khuôn mẫu của nhà truyền giáo ngày nay.

2.1. Tràn đầy niềm vui

Trước hết, họ là những con người vui tươi. Họ vui bởi vì đã giải thích được cái chết, thập giá và đau khổ trong cuộc đời Chúa Giêsu, rồi từ đó họ cũng hiểu ra thập giá, đau khổ, thất bại trong cuộc đời mình. Người chịu nhục nhã, đau đớn không phải vì quan Philatô hèn nhát, các thượng tế thù hằn, dân chúng ngu muội nhưng chỉ vì Chúa Cha đã muốn Con mình như thế để biểu lộ tình yêu cứu độ.

Ngày nay, nhiều người cứ nghĩ rằng đời là bể khổ nên giữ mãi thái độ bi quan. Người tín hữu chúng ta phải tràn đầy niềm vui như tiếng Alleluia (Hãy vui lên!) vang lên mãi trong mùa Phục Sinh. Chúng ta diễn tả niềm vui ấy trong nụ cười, ánh mắt, lời nói, hành động tốt đẹp cho mọi người, bất kể đó là ai. Chúng ta đi loan báo Tin Mừng mà nét mặt lúc nào cũng buồn thảm, chán nản thì ai còn tin vào Tin Mừng nữa! Trịnh Công Sơn có bài hát Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui. Người Công giáo không phải chỉ có một niềm vui mà có nhiều niềm vui mỗi ngày. Khi hiểu được Ðức Kitô đang ở với chúng ta, mặc dù đang đau bệnh, thất bại, nghèo khó hay gặp đủ những thử thách nhưng chúng ta vẫn tràn ngập niềm vui và hạnh phúc, vì hiểu được giá trị của chúng trong sứ mạng loan báo Tin Mừng cứu độ của mình.

2.2. Bình an

Ðặc tính thứ hai là bình an. Ðức Giêsu Phục Sinh luôn chào "Bình an cho anh em" vì thấy các môn đệ đang bối rối, lo lắng, bất an. Người ta thường nói đến stress, đến sự căng thẳng trong công việc, trong đời sống gia đình hay ngoài xã hội vì mỗi người một ý với những tham vọng và dục vọng khác nhau. Thời đại hôm nay rất cần sự bình an của Ðức Kitô.

Nhà truyền giáo phải là người biết xây dựng hoà bình và tràn ngập bình an. Bình an trong chính con người mình khi làm chủ được tham vọng và dục vọng; bình an trong gia đình và cộng đồng xã hội khi tất cả đều một lòng một ý giống như các môn đệ thời xưa (x. Cv 2,44-46).

2.3. Khôn ngoan

Ðặc tính thứ ba là khôn ngoan: "Chúa Giêsu mở tâm trí cho các môn đệ hiểu Kinh Thánh và hiểu về Người" (Lc 24,44-45). Muốn hiểu Ðức Kitô thì phải học về Người. Kitô giáo của chúng ta đặt nền tảng trên Ðức Giêsu Kitô nhưng môn Kitô học lại chưa được quan tâm đúng mức trong các học viện và trong chính đời sống Kitô hữu.

Sau những tranh cãi về bản tính con người và bản tính Thiên Chúa nơi Ðức Giêsu dẫn đến các lạc giáo trong 5 thế kỷ đầu của Giáo Hội, suốt 15 thế kỷ cho đến gần Công đồng Vatican II, ít ai dám viết hay nói về Chúa Giêsu, trừ một vài nhà thần học nổi tiếng như các Thánh Tiến sĩ Augustinô hay Tôma Aquinô dòng Ðaminh. Tuy nhiên, một số điều quả quyết của các vị thánh này về Ðức Giêsu không còn phù hợp với thời đại chúng ta. Ðó là chưa kể những khuynh hướng của các nhà thần học hiện đại muốn chối bỏ và giải thích các phép lạ của Chúa Giêsu theo nghĩa tượng trưng.

Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo đã cố gắng sửa chữa các sai sót đó (x. Giáo lý Hội Thánh Công Giáo, số 470-474) nhưng cho đến nay nhiều tín hữu chưa nắm vững những chân lý về Ðức Giêsu vì không dành thời giờ học hỏi môn Kitô học. Có biết rõ ràng, mạch lạc, sâu xa về Chúa Giêsu Kitô, chúng ta mới trở thành khôn ngoan và làm chứng cho Người. Chúng ta hãy dành nhiều giờ hơn để học hỏi với Thần Chân Lý về Chúa Giêsu Kitô (x. Ga 14,17; 16,26).

2.4. Can đảm làm chứng cho Ðức Kitô Phục Sinh

Các Tông đồ trước đây sợ hãi nên đóng kín cửa, bây giờ họ mở tung cửa, ra đứng ngoài công trường để làm chứng cho Chúa Giêsu. "Chính anh em là chứng nhân về những điều ấy" (Lc 24,48). Ði đâu chúng ta cũng cần biểu lộ niềm vui, bình an, quyền năng, sự khôn ngoan của Chúa Giêsu cho mọi người. Người Công giáo chúng ta phải trở thành người khoẻ, đẹp, người thông minh, đạo đức, thánh thiện, vì Chúa của chúng ta là nguồn của chân thiện mỹ cơ mà!

Là sinh viên đại học, tôi phải học giỏi hơn người khác vì tôi học không phải chỉ bằng sức của tôi mà còn bằng Thánh Thần, bằng sự soi sáng của Chúa Giêsu. Tôi phải đẹp người, đẹp nết để biểu lộ Chúa Giêsu, người Tình tuyệt vời của tôi. Người Công giáo chúng ta phải có nhiều người khoẻ, đẹp, tài giỏi, nhiều nhà bác học chứ không phải chỉ có nhiều thánh nhân! Muốn khoẻ, đẹp, khôn ngoan, vui tươi, can đảm, đâu phải chỉ cầu nguyện và mơ ước suông mà còn phải luyện tập các kỹ năng sống từ cách ăn uống, ngủ nghỉ, làm việc, giải trí đến cách tu thân, luyện đức, chúng ta mới biến chúng thành những gì cụ thể, thực tế để giới thiệu Ðức Giêsu Kitô cho mọi người. Chúng ta thật sự đang thiếu những kỹ năng sống đặc biệt của người tín hữu Công giáo.

Với Chúa Giêsu, nhà truyền giáo chúng ta phải phát ra một thứ hào quang đặc biệt thu hút người khác như Chúa Giêsu xưa. Tiến sĩ Barbara Ann Brennan, nhà khoa học năng lượng nguyên tử của NASA, tác giả cuốn sách Hands of Light (Những bàn tay phát sáng), đã gợi ý cho ta về vùng hào quang đó như những hình ảnh trong sách này. Các bạn cũng có thể có kinh nghiệm về phản ứng của những con chó khi thấy người bán thịt chó đi ngang qua. Chúng sủa vang để báo động cho nhau vì người đó phát ra một mùi đặc biệt. Nhà truyền giáo có toả hào quang hay mùi vị hấp dẫn nhờ có Chúa ở trong mình chưa vì Người hứa ở cùng chúng ta cho đến tận thế kia mà! (x. Mt 28,20).

2.5. Ðầy ơn Chúa Thánh Thần

Ðặc tính thứ năm là tràn đầy ân sủng của Thánh Thần: "Chúa Giêsu hiện ra, thổi hơi vào các môn đệ và nói: "Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần" (Ga 20,22). Có ân sủng của Thánh Thần các Tông đồ đã làm phép lạ để bảo đảm cho Lời Tin Mừng cứu độ (x. Cv 2,43; 4,16; 4,30; 5,12. 15-16...). Người bất toại được chữa lành đứng bên cạnh Phêrô là bằng chứng sống động để cho lời rao giảng của Phêrô được 5.000 người tin theo (x. Cv 3,1-4).

Chúa Giêsu trao cho chúng ta sứ mạng đi khắp tứ phương thiên hạ để loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo, ban biết bao quyền năng của Thánh Thần để chúng ta chữa lành bệnh nhân, xua trừ ma quỷ, nói được những tiếng mới lạ (x. Mc 16,15-20). Nhưng chúng ta lại nghĩ mình yếu đuối, tội lỗi nên không thể làm được điều kỳ diệu nào. Mỗi người chúng ta đều là chứng nhân của Chúa Giêsu, chúng ta được ban Thánh Thần để làm chứng cho Người, vì thế chúng ta đừng mang mặc cảm. Hãy vững tin vào Chúa Giêsu!

Muốn nhận ơn Chúa Thánh Thần, chúng ta phải biết hít thở Thần Khí như các Tông đồ, nhất là như Mẹ Maria. Trong đời sống tự nhiên, nhiều người chỉ lo ăn chứ ít ai lo uống, dù nước cần cho sự sống hơn lương thực và hầu như không để ý đến khí thở. Mỗi ngày trung bình người lớn cần 1,5kg lương thực, 3 đến 4 lít nước và hơn 10,000 lít không khí. Ta có thể nhịn ăn 30 ngày mới chết, nhịn uống 3 ngày nhưng nhịn thở chỉ được 5 phút. Nếu biết tăng cường mỗi lần thở từ nửa lít hiện nay lên đến 1 hay 2 lít, đầu óc ta sẽ sáng suốt, sức khoẻ ổn định, một số bệnh thuyên giảm nhờ có nhiều khí chuyển đến nuôi sống các tế bào, nhất là bộ não phát ra được nhiều lệnh cho các cơ quan hoạt động.

Thần Khí còn cần hơn nhiều cho đời sống tâm linh. Thở được nhiều Thần Khí ta sẽ biến đổi dòng máu đen tội lỗi mỗi ngày thành dòng máu đỏ tinh tuyền của Chúa Giêsu, sẽ thông minh hơn, xinh đẹp hơn, thánh thiện hơn trước mặt Thiên Chúa vì Thánh Thần là Thần Khí thánh hoá, là sức mạnh, là sự sống, là chân lý, là tình yêu. Do đó, nhà truyền giáo phải tập kỹ năng thở khí tự nhiên và khí siêu nhiên mỗi ngày. Không biết các bạn đã biết các kỹ năng đó chưa?

2.6. Kể chuyện Chúa Giêsu

Tôi muốn chia sẻ với các bạn câu chuyện về vị lương y Giêsu khi tôi gặp được Người qua các bệnh nhân. Từ 20 năm qua, tôi đã tiếp xúc với khoảng 10,000 lượt bệnh nhân và đã thấy Người chữa lành nhiều bệnh nan y. Tuy nhiên có 1 khuôn mặt tôi nhớ mãi vì gắn liền với cuốn Sứ Ðiệp Loài Hoa. Vào năm 1992, tôi viết tập sách nhỏ này cho các bạn trẻ. Cuốn sách có vẻ hấp dẫn nên người ta in lậu khá nhiều. Ðức Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình đã 3 lần viết đơn xin tái bản nhưng không nhận được thư trả lời của Sở Văn hoá và Thông tin TP. Saigòn.

Hồi đó tôi có quen bà Dược sĩ Nguyễn Thị Lâu. Ai học ngành Dược đều biết đến vị giáo sư tài ba nhưng hết sức nghiêm túc này vì bà đào tạo 35 khoá dược. Cô Lâu bị bệnh tim nên đến tìm và xin tôi cầu nguyện. Sau đó bà mời tôi đến thăm người em rể của bà. Ngày 12-6-1994, tôi đến căn nhà ở đường Tú Xương và gặp một bác khoảng 64-65 tuổi đi lại rất khó khăn vì bị tai biến mạch máu não.

Tôi nói chuyện với ông về cách thở Thần Khí. Trước khi ra về, ông tha thiết mời tôi trở lại vào sáng ngày hôm sau.

Ðúng hẹn tôi trở lại, vừa bóp tay vừa cầu nguyện cho ông chừng 15-20 phút rồi nói:

- Bác thử giơ tay lên xem!

Ông ngạc nhiên nhìn tôi rồi nói: "Linh mục không biết à, tay tôi đã chết từ 4 năm nay rồi. Tôi đã đi khắp các nước xã hội chủ nghĩa anh em và một vài nước tư bản, bác sĩ nào cũng nói cánh tay tôi chết rồi!".

- Nhưng xin bác cứ thử xem, hãy giơ tay cao lên!

Ông nhúc nhích mấy đầu ngón tay.

Tôi nói tiếp: "Bác giơ cao lên! - Cao hơn nữa - Nữa - Như thế!".

Ông giơ tay cao và xoay tròn cánh tay mấy lần. Mắt mở to vì ngạc nhiên, rồi nói: "Thưa linh mục, tôi có thể làm gì cho linh mục?".

- Thưa ông, tôi đến đây không xin gì cả. Chỉ để cầu nguyện cho ông thôi.

Bà Lâu đứng gần đó nói chen vào: "Linh mục Sơn lo in sách cho Toà Tổng Giám mục mà mấy năm nay chẳng được phép in cuốn nào, ngay cả cuốn Sứ điệp Loài Hoa của linh mục cũng không được phép tái bản".

- Chị có cuốn Sứ điệp ấy ở đây không?

- Ðây, tôi luôn giữ nó trong ví. Bà Lâu nói.

Ông cầm lấy cuốn sách nhỏ bé, lật đi lật lại rồi đến bàn làm việc nói chuyện bằng điện thoại một lúc với ông Phó Bí thư Thành Uỷ và ông Bộ Trưởng Văn hoá Thông tin.

Sau đó ông nói với tôi: "Xin linh mục an tâm. Chừng một tháng nữa, khi tôi từ Canada trở về, tôi hy vọng các sách xin phép sẽ được chấp thuận".

Quả thật, sau đó Toà Tổng Giám Mục TP. Saigòn đã nhận được giấy phép cho tất cả 32 cuốn sách, trong đó có cả cuốn Sứ điệp Loài Hoa.

Ðây là một trong số những câu chuyện mà tôi muốn kể cho các bạn, để chỉ muốn nói lên một điều: một khi gặp được Ðức Giêsu, ta trở nên một con người mới (x. Ep 2,15; 4,24; Cl 3,10), vui tươi, bình an, khôn ngoan, can đảm và tràn đầy Thánh Thần. Có như thế, nhà truyền giáo mới trở thành con người hữu ích thật sự cho nhân loại hôm nay.

 

3. Nhà truyền giáo kể chuyện Chúa Giêsu như thế nào?

Vấn đề thứ ba chúng ta cùng chia sẻ là cách kể câu chuyện về Chúa Giêsu. Có người kể chuyện Giêsu như kể chuyện cổ tích Tấm Cám chỉ để ru ngủ trẻ thơ, đưa chúng vào một thiên đàng tưởng tượng trong khi Ðức Giêsu là chuyện thật, người thật, việc thật (x. Hồng y Paul Poupard, Sứ điệp trong Ðại hội Truyền giáo Châu Á, Văn kiện, tr. 54). Có người lại kể chuyện Giêsu như kể chuyện về anh hùng lịch sử Trần Hưng Ðạo hay về Tổng thống đương nhiệm Obama của Hoa Kỳ, dù chính người kể chẳng gặp và người nghe chẳng thấy, trong khi Ðức Giêsu là một người đang sống hôm qua, hôm nay và mãi mãi đến muôn đời, Người ở giữa chúng ta và ở trong chúng ta. Có người lại muốn kể câu chuyện về Ðức Giêsu với cử chỉ cường điệu và lời lẽ trang trọng như một diễn viên hay một nhà hùng biện trước đám đông để mong thuyết phục quần chúng và đón nhận những tràng pháo tay tán thưởng cho mình trong khi Giêsu chỉ muốn ta dùng những lời lẽ đơn thành để tạo sự hiệp thông giữa người kể và người nghe. Vậy chúng ta phải nói gì và nói như thế nào về Chúa Giêsu?

Có lẽ ta sẽ tìm thấy câu trả lời qua chính lời dạy của Chúa Giêsu: "Lúc đó Thánh Thần sẽ cho anh em biết phải nói gì và nói như thế nào" (x. Lc 12,11-12; Mc 13,11), cũng như qua những bài giảng đầu tiên của Thánh Phêrô và các Tông đồ sau khi Chúa Thánh Thần hiện xuống được ghi lại trong sách Công vụ Tông đồ: 1,14-36; 2,11-26; 4,8-12; 13,16-42; 22,1-21; 26,1-23. Chúng ta có thể tóm tắt mấy điểm cơ bản về cách kể chuyện Giêsu sau đây:

3.1. Tập trung vào Chúa Giêsu

Các Tông đồ chỉ nói về Chúa Giêsu, về những gì liên quan đến Chúa Giêsu, về kinh nghiệm của mình với Chúa Giêsu. Họ không lo đi tìm kiến thức của người đời, cũng không quan tâm đến người nghe vui hay buồn khi nghe chuyện Giêsu. Họ kể lại trung thực tất cả những gì Thánh Thần thôi thúc họ nói, kể cả những kinh nghiệm đau thương như của Phêrô khi chối bỏ Giêsu, hay của Phaolô khi bách hại Kitô hữu.

Nhiều anh em linh mục chúng tôi rất lo khi đến ngày Chủ Nhật vì không biết chuẩn bị bài giảng thế nào cho tín hữu có thể đón nhận và sống Lời Chúa. Linh mục càng ở lâu trong một xứ đạo với các bài Kinh Thánh trở đi trở lại 3 năm một lần càng không biết giảng giải ra sao. Không lẽ năm nào cũng lấy lại bài giảng cũ?! Có linh mục vào mạng Internet, lấy một loạt các Bài giảng Chủ nhật của nhiều tác giả rồi tái chế bằng cách cắt dán mỗi bài một đoạn thành bài giảng của mình. Có người lại đi tìm các câu chuyện ngắn có ý nghĩa ở trong các sách báo để minh hoạ cho đề tài muốn giảng. Người khác lại nghĩ đến Lời Chúa là tin mừng, tin vui nên đưa cả những chuyện tiếu lâm vào để gây tiếng cười cho các thính giả và giờ giảng lễ trở thành một cuộc tấu hài. Có linh mục nghĩ rằng cần phải nói thật ngắn gọn, rõ ràng, bài giảng chỉ cần kéo dài chừng 5-7 phút, thánh lễ càng ngắn càng thu hút được nhiều tín hữu dự lễ nhưng thực tế lại dạy chúng tôi rằng càng thu ngắn bài giảng càng làm mất đi tính cách hấp dẫn kỳ lạ trong câu chuyện Giêsu!

Chúng ta không có chất liệu để nói về Ðức Giêsu trước hết chỉ vì chúng ta chưa gặp được Người nên chưa xác tín rằng Người đang sống và đang kể chuyện của Người qua lời lẽ của ta. Ta chỉ mới nói được lời của con người chứ chưa nói được lời của Thiên Chúa, nên câu chuyện không có sức biến đổi và thần hoá người nghe. Tại sao? Tại vì ta mới chỉ thở được khí tự nhiên nên lời ta chỉ là những âm thanh vang đến những đôi tai người phàm. Khi thở được Thần Khí, lời loan báo Tin Mừng của ta mới trở thành Lời Chúa và có sức cứu độ muôn loài.

3.2. Kể bằng ngôn ngữ tình yêu

Câu chuyện Giêsu là một chuyện tình nên phải kể bằng ngôn ngữ của tình yêu. Ðó là tiếng nói của những gì mang lại tích cực, tốt đẹp, hy vọng cho mọi người mọi vật; tiếng nói của sự thật và sự sống, của niềm tin và hy vọng, của thánh thiện và ân sủng, của tự do, công lý và hoà bình. Vì tình yêu là tất cả những thứ đó và còn hơn thế nữa.

Thiên Chúa là tình yêu, và để thể hiện mình, Thiên Chúa đã sai Con Một của Ngài là Ngôi Lời đến với chúng ta (x. Ga 3,16), làm người để cứu độ chúng ta. Người con đó là Chúa Giêsu. Khi kể về Chúa Giêsu, nhà truyền giáo phải bộc lộ được tình yêu này trong ánh mắt, lời nói, nụ cười và toàn thể con người như một chứng nhân của tình yêu, nhất là thành những hành động cụ thể cho những con người yếu kém, bị bỏ rơi, bị gạt ra ngoài lề xã hội hôm nay: "Chúng ta đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi nhưng phải yêu thương cách chân thật và bằng những việc làm" (1 Ga 3,18). Ðức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã trình bày cách kể chuyện này trong Thông điệp đầu tiên của ngài: Deus Caritas est (Thiên Chúa là Tình Yêu).

Người tín hữu ngày nay nói rất nhiều đến "bác ái", có nghĩa là "yêu rộng", "yêu quảng đại" và người đời càng nói nhiều hơn đến "tình yêu" nhưng nhiều người lại không tìm được nội dung của điều mình muốn nói. Chỉ có Chúa Giêsu là tình yêu cụ thể, thiết thực của Thiên Chúa mới có thể giúp tất cả chúng ta cảm nghiệm được giá trị cao cả của tình yêu và xây dựng được một nền văn minh tình yêu thực sự cho thế giới hôm nay.

3.3. Kể bằng mọi mặt của đời sống

Khi yêu nhau, người ta muốn diễn tả tình cảm không chỉ bằng lời mà còn sử dụng mọi phương tiện vật chất cũng như tinh thần để bộc lộ mình và liên kết với nhau. Những lần trao gửi quà tặng, thư từ, nhắn tin qua mạng, diễn tả bằng bài hát, lời thơ, tranh vẽ và cả những giây phút yên lặng bên nhau hay nhớ về nhau đều là những cách kể chuyện tình cho nhau nghe.

Nhà truyền giáo ngày nay, tuỳ theo ân sủng Chúa ban, có thể kể về Chúa Giêsu bằng nhiều cách thức. Nếu là thi sĩ, ta hãy làm thơ về Giêsu. Là nhạc sĩ, ca sĩ, ta có thể sáng tác và hát những bài hát về Giêsu, có thể cuốn hút hàng trăm ngàn bạn trẻ vì ta sáng tác, ta hát bằng Thần Khí của Thiên Chúa. Là nhà nghiên cứu, ta sẽ dùng tình yêu của Giêsu để xua tan sự lãnh đạm cứng nhắc của vật chất và khám phá ra muôn điều kỳ diệu trong thiên nhiên như Giêsu đã từng ra lệnh cho gió yên, biển lặng, bánh cá hoá nhiều# Như thế, người kể chuyện Giêsu không phải là lúc nào cũng nhắc tên Giêsu trên môi miệng nhưng lại diễn tả Người qua mọi lĩnh vực của đời sống vì Giêsu là tất cả và ở trong muôn loài (x. Ga 1,3; 16; 1 Cr 13,12; 15,28).

3.4. Kể qua Giáo Hội

Câu chuyện Giêsu còn đang được tiếp tục kể qua Giáo Hội là Nhiệm Thể Người (x. Hồng  Y P. Poupard, Sứ điệp, Kể chuyện Giêsu ở châu Á, FABC-Oe xuất bản, India, 2007, tr. 55). Ðức Giêsu đã kêu gọi những ai Người muốn (x. Mt 10,1-42; Mc 3,13) và sai họ đi khắp nơi, đến với muôn dân để kể lại câu chuyện của Người (x. Mt 28,19tt; Mc 16,15tt; Sắc lệnh Ad Gentes, số 5). Vì thế, câu chuyện Chúa Giêsu được tiếp tục kể qua hoạt động truyền giáo của Giáo Hội. Tất cả anh chị em chúng ta đang có mặt ở đây đều được mời gọi tham gia.

Tuy nhiên, chúng ta đừng quên rằng, trước khi là câu chuyện riêng tư của từng người thì Giêsu đã là câu chuyện của một tập thể, một cộng đồng gồm những người tin yêu Ðức Giêsu, đó là Giáo Hội, là thân thể mầu nhiệm của Người. Vì thế, muốn kể cho rõ ràng, đúng đắn và sống động, chúng ta được mời gọi cộng tác và liên kết với nhau.

Ðức cha Micae Hoàng Ðức Oanh với Uỷ ban Loan báo Tin Mừng đã tổ chức Hội thảo về Truyền giáo từ ngày 23 đến 25-3-2009 tại Sài Gòn, và đã thấy rằng cần phải có sự kết hợp hài hoà cũng như phối hợp chặt chẽ giữa các uỷ ban khác nhau của Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam như: Uỷ ban Truyền thông, Bác ái Xã hội, Văn hoá, Giáo lý Ðức tin, Linh mục - Chủng sinh, Tu sĩ... thì công cuộc loan báo Tin Mừng mới đạt được kết quả tốt đẹp (x. Ðc. Micae Hoàng Ðức Oanh, Thư gửi Ðức cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, ngày 16-4-2009).

3.5. Kể chuyện Chúa Giêsu

Nói đến Tin Mừng, đến Lời Chúa, thường chúng ta nghĩ ngay đến cuốn Thánh Kinh, đến những câu văn, chữ viết trong sách đó chứ ít khi nghĩ đến Ngôi Lời sống động mà mình phải tìm gặp, yêu thương và giới thiệu cho người khác.

Tôi nhớ cách đây hơn 10 năm, trong lần giảng tĩnh tâm hằng năm cho các nữ tu dòng Nữ Vương Hoà Bình ở Buôn Ma Thuột, cha sở Nhà thờ Chính toà mời tôi đến nói chuyện về việc loan báo Tin Mừng cho hơn 100 giáo lý viên, gồm các chủng sinh, nữ tu và một ít tín hữu giáo dân. Tôi đưa ra một trường hợp:

- Thí dụ như các bạn gặp một người phụ nữ dân tộc thiểu số đang cho con bú thì câu Tin Mừng nào thích hợp nhất để loan báo trong trường hợp này?

Nhiều cánh tay giơ lên, một tu sĩ trả lời:

- Ðó là câu: "Phúc cho dạ đã cưu mang Người và vú đã cho Người bú" (Lc 11,27).

- Các bạn có đồng ý với câu trả lời này không?

- Hầu như không có ai phản đối hay đưa ra một câu nào khác.

- Các bạn thử tưởng tượng xem người phụ nữ đó nghĩ gì: Ðột ngột gặp một người lạ đứng trước mặt mình và nói một câu như thế, thì chỉ có thể là một người điên khùng nào đó vừa ra từ Nhà thương Chợ Quán (Sài Gòn) hay Nhà thương Biên Hoà mà thôi!

Vậy mà nhiều người chúng ta thường loan báo Tin Mừng theo cách đó. Có phải các giờ học Kinh Thánh với những kiểu chú giải Lời Chúa khác nhau đã làm chúng ta quên mất Giêsu là Ngôi Lời sống động?!

Trong trường hợp này, tôi sẽ nói với người phụ nữ:

"Chị ơi, chị bế cháu nằm ngửa như thế sẽ làm cháu bị ọc sữa và vú chị bị đau. Chị nên bế cháu thẳng hơn và đừng áp chặt bầu vú vào mặt cháu để cháu dễ thở". Ðó là "Tin Mừng của Ðức Giêsu Kitô theo Antôn Nguyễn Ngọc Sơn!".

Vâng, các bạn đừng cười nhạo, cho tôi là phạm thượng, vì chỉ có một Tin Mừng duy nhất của Ðức Giêsu, nhưng có hàng triệu người viết và rao giảng khác nhau. Không phải chỉ theo Matthêu, Marcô, Luca, Gioan mà còn theo Nguyễn Văn X, Trần Thị Y... Lời nào của chúng ta được Thần Khí Tình Yêu thúc đẩy nói nhân danh Ðức Giêsu thì đều là Tin Mừng, đều mang lại niềm vui, sức khoẻ, bình an và ơn cứu độ đến cho mọi người. Thánh Gioan đã kết thúc Tin Mừng bằng một câu rất hay cho trường hợp này: "Còn có nhiều điều khác Ðức Giêsu đã làm. Nếu viết lại từng điều một thì tôi thiết nghĩ cả thế giới cũng không đủ chỗ chứa các sách viết ra" (Ga 21,25). Chúng ta đang tiếp tục trở thành tác giả Tin Mừng, nhất là trở thành Tin Mừng sống động của Ðức Kitô.

 

Kết Luận

Câu chuyện về Chúa Giêsu là một chuyện dài diễn ra trong suốt đời sống của nhà truyền giáo mà chúng ta không thể kể hết ở đây. Câu chuyện có lẽ vẫn còn tiếp tục cả ở trên thiêng đàng, dù lúc ấy ta được nhìn tận mắt Người Yêu tuyệt vời của mình! Ðiều chia sẻ với các bạn hôm nay chỉ là một đoạn rất nhỏ để góp vào câu chuyện của tất cả chúng ta, dù lời kể của tôi còn nhiều lúng túng. Cầu chúc các bạn trở thành những người kể chuyện tuyệt vời về Chúa Giêsu và cho Chúa Giêsu.

 

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn

Tháng 5-2009

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page