Ðức Benedicto XVI đến Gierusalem

như con cái của tổ phụ Abraham

 

Ðức Benedicto XVI đến Gierusalem như con cái của tổ phụ Abraham.

Giêrusalem [La Croix 12/05/2009] - Kính thưa quí vị, các bạn thân mến. Các binh sĩ và một vị giáo hoàng: đó là một trong những hình ảnh nổi bật tại Gierusalem có thể nói lên những khó khăn trong sứ mệnh hòa bình của Ðức thánh cha Benedicto XVI. Trong kinh thành muôn thuở tràn ngập binh sĩ đang canh gác, Ðức thánh cha vẫn tiếp tục kêu gọi ba tôn giáo độc thần xây dựng hòa bình.

Trước Bức Tường Than Khóc tại Gierusalem, quảng trường nơi người do thái thường ngày chen chúc nhau, nay bỗng trở nên vắng lặng. Nhưng lính tráng thì có mặt khắp nơi: trên mỗi nóc nhà, trên từng sân thượng của mọi căn hộ.

Dưới cái nhìn theo dõi của họ cũng như của các máy ảnh và quay phim của các cơ quan truyền thông trên khắp thế giới, Ðức thánh cha từ từ tiến về Bức Tường Than Khóc. Tại đây, lập lại cử chỉ truyền thống của người do thái mỗi khi lên Gierusalem, ngài đặt vào kẻ hở của Bức Tường một mảnh giấy trên đó có viết một lời cầu nguyện.

Trước đó khoảng một giờ, ngài đã đi vào Ðền Thờ Hồi Giáo "Ðá Tảng" cách bức tường than khóc không bao xa. Dường như chưa có người tín hữu nào đã vượt qua được khoảng cách ấy. Từ hằng bao thế kỷ qua, không một tín hữu của tôn giáo nào đã vượt qua được hố sâu của bạo động và bất thông cảm chia cách hai nơi thờ phượng vốn rất gần nhau ấy. Duy chỉ một mình Ðức Benedicto XVI, vị giám mục Roma, đã vượt qua được khoảng cách ấy.

Nhưng dĩ nhiên, bước sải dài ấy đã được thực hiện với rất nhiều khó khăn, nếu chúng ta nghe hết những lời chỉ trích về từng cử chỉ và lời nói của Ðức thánh cha. Về Bài diễn văn mà Ðức thánh cha đã đọc trước Ðài Tưởng niệm Yad Vashem chiều thứ Hai 11/05/2009 chẳng hạn, báo chí Israel cho đó là một bài phát biểu khô khan và trừu tượng. Người ta lại đặt nghi vấn về thời tuổi trẻ có dính líu với Ðức quốc xã của vị giáo hoàng người Ðức này.

Chiều thứ Hai 11/05/2009, tại một cuộc gặp gỡ liên tôn, sự kiện một giới chức hồi giáo Palestine bất thần lên diễn đàn tố cáo Israel đã khiến cho cuộc gặp gỡ vốn là dấu chỉ của đối thoại, trở nên căng thẳng. Rồi ngày hôm sau, trong cuộc gặp gỡ của Ðức thánh cha với các giáo trưởng do thái, đại giáo trưởng Yona Metzger đã không bỏ lỡ cơ hội để ám chỉ đến chính sách của Tòa Thánh đối với Iran và việc Ðức thánh cha rút vạ tuyệt thông cho đức cha Williamson, vị giám mục đã từng phủ nhận trách nhiệm của đức quốc xã trong cuộc sát tế người do thái.

Bị tấn công như thế, nhưng Ðức thánh cha đã không bỏ cuộc. Trước Bức Tường Than Khóc của người do thái, ngài đã trích dẫn một câu từ thánh vịnh 122 và cầu chúc bằng tiếng Latinh như sau: "Nguyện cho bình an cư ngụ trong các bức tường của ngươi và sự thịnh vượng đến trong các cung điện của ngươi". Trái với Ðức Gioan Phaolo II, Ðức Benedicto XVI đã không để lại một lời sám hối, mà chỉ cầu nguyện cho Hòa Bình.

Ðức Benedicto XVI cho rằng cần phải đi vào một giai đoạn mới. Ðây là điều mà ngài đã bày tỏ trong bài diễn văn đọc tại Núi Nebo, bên Jordan chiều thứ Bảy 9/05/2009. Chính tại đây mà Thiên Chúa đã chỉ cho ông Moisen thấy Ðất Hứa. Theo Ðức thánh cha, biến cố này mời gọi con người "đưa mắt để không chỉ nhìn về quá khứ với lòng biết ơn về những gì Thiên Chúa đã thực hiện, mà còn để lấy đức tin và hy vọng nhìn về tương lai mà ngài ban cho chúng ta và thế giới".

Ðó là cái nhìn mà Ðức Benedicto XVI muốn mời gọi ba tôn giáo độc thần cần phải có. Theo Ðức thánh cha, do thái giáo, kitô giáo và hồi giáo có chung một mẫu số quan trọng hơn là những gì chia rẻ ba tôn giáo: đó là cả ba tôn giáo đều đi tìm kiếm chân lý.

Trong cuộc gặp gỡ với đại diện của ba tôn giáo chiều thứ Hai 11/05/2009, Ðức thánh cha đưa ra lời kêu gọi như sau: "Ước gì chúng ta có thể tạo ra những "ốc đảo của hòa bình và chiêm niệm sâu xa", ở đó tiếng Chúa có thể được lắng nghe và chân lý có thể được tái khám phá bằng lý trí phổ quát, ở đó mỗi cá nhân, bất luận thuộc nguồn gốc , chủng tộc, chính thể hay tôn giáo nào, cũng đều có thể được tôn trọng như một con người, như một đồng loại".

Tại Ðền Thờ Ðá Tảng của Hồi Giáo, ngài giải thích rằng tính độc nhứt của Thiên Chúa, được ba tôn giáo lớn công bố, cần phải được thể hiện qua sự góp phần xây dựng một Gia đình nhân loại duy nhứt. Ngài khẳng định: việc tìm kiếm hòa bình gắn liền một cách bất khả phân ly với Thiên Chúa độc nhứt.

Chắc chắn Ðức thánh cha đã không quá ngây thơ để khi nói lên điều ấy. Ngài biết rằng ngài đến trong một vùng đất đang bị xâu xé. Ngài đã nhìn nhận điều đó trong Thánh Lễ cử hành tại thung lũng Josaphat chiều thứ Ba 12/05/2009.Ngài đã gợi lại bao nỗi thất vọng và ác tâm của con người.

Nhưng dù thế nào đi nữa, ngài đến Thánh Ðịa là để nói về hòa bình cho những người có niềm tin. Với người hồi giáo, ngài khẳng định: "Tôi đến không chỉ như Giám mục Roma, mà còn như con cái của Abraham". Trong cuộc gặp gỡ liên tôn chiều thứ Hai 11/05/2009, giáo trưởng do thái Meir Danimo đã nhìn nhận: "Ðức Benedicto XVI là người có thể phát động cuộc đối thoại giữa mọi tôn giáo".

Người ta khó có thể tin là một vị giáo hoàng đang di chuyển dưới những họng súng có thể mang lại hòa bình. Tuy nhiên, mãi mãi những lời cầu nguyện mà ngài đã đặt vào kẻ hở của bức tường than khóc vẫn còn đó. Với lời cầu nguyện dâng lên Thiên Chúa của Abraham, của Isaac và Giacob, Ðức thánh cha đã liên kết "do thái, hồi giáo và tín hữu kitô" lại. Ðứng trước bức tường ấy, có lẽ đây là lần đầu tiên ba tôn giáo độc thần này được liên kết với nhau.

 

Chu Văn

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page