Vài nét về Giáo hội tại Hòa Lan

 

Vài nét về Giáo hội tại Hòa Lan.

Hòa Lan [Chiesa 30/12/2009] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Như chúng tôi đã đưa tin: sư huynh Alois, bề trên tu viện đại kết Taize loan báo rằng cuộc gặp gỡ giới trẻ Kito Âu châu lần thứ 33 sẽ được tổ chức tại thành phố Rotterdam, Hòa làn.

Nhân dịp này, chúng tôi xin được trích đọc một bài báo của tác giả Sandro Magister, đăng trên trang mạng Chiesa ngày 30 tháng 12 năm 2009. Mở đầu bài báo, tác giả viết về Giáo hội tại Hòa Lan như sau: "Các nhà thờ không còn là nhà thờ, mà là cư xá, tiệm buôn hay đền thờ Hồi giáo. Ðây là một đạo Công giáo đang có nguy cơ biến mất".

Theo tác giả Sandro Magister, cách đây nửa thế kỷ, Công giáo Hoà lan và Flamand rất vững mạnh trong truyền thống và tích cực trong công cuộc truyền giáo. Một trong những biểu tượng của Công giáo Hòa lan và Flamand là cha Jozef de Veuster, tông đồ người phung cùi tại đảo Molokai, được Ðức thánh cha Benedicto XVI tôn phong lên bậc hiển thánh ngày 11 tháng 10 năm 2009.

Cách đây hơn một tuần lễ, vài ngày trước Lễ Giáng Sinh, một biểu tượng lớn khác của Công giáo Hòa lan và Flamand là nhà thần học lỗi lạc Edward Schillebeeckx, vừa qua đời tại Nijmegen, hưởng họ 95 tuổi.

Tuy nhiên, theo tác giả Sandro Magister, nhà thần học này là biểu tương không phải của khởi sắc, mà là của thời kỳ suy đồi của Giáo hội Flamand và Hòa lan trong nửa thế kỷ vừa qua.

Cha Schillebeekx đã phản ánh chính sự biến đổi này trong sự nghiệp thần học của ngài. Trong những năm khai mạc Công Ðồng Vatican II và thời hậu công đồng, ngài là một ngôi sao sáng có ảnh hưởng lớn trên toàn thế giới và là nhà vô địch của nền thần học mới đang sánh bước với nền văn hóa thắng thế lúc bấy giời. Nhưng rồi sau đó, ngài hầu như bị lãng quên, ngay cả bởi những người công giáo đã từng tung hô ngài.

Số phận của nhà thần học này cũng giống như chính tình trạng của Giáo hội tại Hòa Lan: đây là một Giáo hội ngày càng bị tục hóa và có nguy cơ biến mất.

Một cuộc thăm dò mới đây cho thấy có đến 41 phần trăm người dân Hòa lan nói rằng họ không thuộc tôn giáo nào và 58 phần trăm không còn biết lễ Giáng Sinh là gì.

Theo tác giả Sandro Magister, đây là một Giáo hội trong đó các linh mục Ða Minh và Dòng Tên biện minh cho thánh lễ không cần linh mục, trong đó những người giáo dân hiện diện "đồng tế" tập thể xung quanh một "bàn thờ cũng mở ra cho mọi người thuộc các tôn giáo khác".

Ðức hồng y Adrianus Simonis, 78 tuổi, cựu giám mục Utretch, là một người được mọi người, Công giáo lẫn không Công giáo, ngay cả người Hồi giáo, yêu mến. Ngài nói rằng sở dĩ người Hồi giáo quý mến ngài là bởi vì ngài nói rằng người Hồi giáo nào trung thành với Chúa sẽ ở trên chỗ cao nhứt trong thiên đàng.

Tuy nhiên, vị Hồng y này xem ra không mấy lạc quan về đất nước Hòa lan của mình.

Trong một cuộc phỏng vấn dành cho phóng viên Marina Corradi của nhựt báo Công giáo Ý "Avvenire" [tương lai], Ngài cho biết: có đến 58 phần trăm người Hòa lan ngày nay không còn biết lễ Giáng Sinh là lễ gì nữa. Một số người, khi nhìn vào Hòa Lan, đã tỏ ra quan ngại vì con số các đền thờ Hồi giáo. Ðức hồng y Simonis nói: "Tôi hiểu được mối quan ngại ấy. Nhưng vấn đề thực sự ở đây không phải là vấn đề di dân, mà là sự kiện chúng tôi đã lạc lỏng, chúng tôi đã đánh mất bản sắc kito của chúng tôi." Theo nhận định của vị hồng y này, Hồi giáo cực đoan tại Hòa lan quả là một vấn đề, nhưng đa số những người di dân không theo thứ Hồi giáo này. Ngài nói: "Còn hơn cả chủ nghĩa cực đoan nữa, điều khiến tôi lo ngại cho các thế hệ Hồi giáo trẻ chính là trào lưu tục hóa. Tôi sợ rằng họ cũng sẽ chạy theo thứ tôn giáo thật hiện đang thống trị tại Tây phương: tôn giáo ấy là chủ nghĩa duy tương đối."

Ðức hồng y Simonis cho rằng chủ nghĩa chủng tộc và bài ngoại không phải là những vấn đề, bởi vì người dân Hòa lan vốn là một dân tộc khoan nhượng.

Nhận định về giới trẻ, ngài cho biết nhiều người hiện nay đang có tâm trạng "trống rỗng". Nhưng họ không biết làm thế nào để vượt qua tâm trạng này; họ không biết hỏi gì và hỏi ai. Họ không được dạy để nhận ra nỗi khát vọng thâm sâu trong tâm hồn mình. Chính vì vậy mà Giáo hội tại Hòa lan được mời gọi trở thành một Giáo hội truyền giáo. Cần phải bắt đầu làm lại từ đầu và trong một nền văn hóa hoàn toàn dửng dưng với Kitô giáo và một bầu khí truyền thông ít thân thiện với Kitô giáo.

Ôn lại thời của ngài, Ðức hồng y Simonis nói rằng lúc ngài còn trẻ, Kitô giáo tại Hòa lan rất chú trọng đến luân lý. Người Hòa lan đã phản ứng lại bằng một thái độ tận căn. Người Hòa lan không thích "nửa vời". Chính vì vậy mà họ đã đi đến thái cực khác.

Hiện nay tại chúng viện Haarlem có khoảng 45 chủng sinh và hằng trăm người xin chịu phép rửa. Tại Amsterdam, có các nữ tu thừa sai Bác Ái của Mẹ Terexa ngày đêm chầu Thánh Thể. Tuy chỉ là một thiểu số, nhưng người Công giáo tại đây rất vững mạnh. Nhận định về sự kiện này, Ðức hồng y cựu Tổng giám mục Utretch nói rằng "trong một hoàn cảnh như thế, muối buộc phải rất mặn".

Ngài cho biết trong sứ điệp Giáng Sinh năm 2009, ngài nói với các tín hữu rằng họ đã quên sứ điệp Kitô giáo mà cốt lõi là: Thiên Chúa đã nhập thể làm người, Ngài đến trong thế gian trong cảnh nghèo nàn, khiêm tốn và yếu đuối như một trẻ thơ, chỉ vì yêu thương chúng ta.

 

Chu Văn

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page