Giáng Sinh vẫn là lễ của Hy vọng

 

Giáng Sinh vẫn là lễ của Hy vọng.

Hong Kong[Asianews 17/12/2009] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Lễ Giáng Sinh năm nay (2009) rơi vào một thời điểm đầy khó khăn.

Ngoài những khó khăn trong cuộc đối thoại giữ các nước giàu và các nước nghèo tại hội nghị thượng đỉnh Copenhagen, cuộc khủng hoảng của các nước sản xuất dầu hỏa và vương quốc Á rập thống nhứt, chúng ta còn biết rằng cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu vẫn chưa chấm dứt. Một số nhà kinh tế còn tiên đoán rằng đầu tư và sản xuất sẽ tiếp tục giảm sút, tình trạng thất nghiệp gia tăng.

Hơn nữa, nếu nhìn vào các nước Á châu, chúng ta sẽ thấy rằng đây không chỉ là một cuộc khủng hoảng kinh tế mà còn diễn ra trên bình diện xã hội. Sau bao nhiêu năm, nhiều vấn đề vẫn không thay đổi: các tu sĩ phật giáo tại Miến điện vẫn còn bị giam giữ, các nhà hoạt động dân chủ, các giám mục và linh mục vẫn còn nằm trong tay của công an tại Trung Quốc, các tín hữu Kitô tại Ấn độ vẫn chưa có được công lý sau những vụ bạo động do các nhóm cực đoan ấn giáo gây ra, hàng chục ngàn thanh niên thiếu nữ và người lớn tại Nhựt bản vẫn tiếp tục tự vẫn.

Riêng tại Việt nam, các tăng sinh của tu viện Bát Nhã, Lâm Ðồng vẫn tiếp tục bị bách hại, nhiều người chỉ thực thi một trong những quyền cơ bản nhứt của con người là quyền tự do ngôn luận và phát biểu đang bị giam tù, các cơ sở của Giáo hội Công giáo vẫn không được hoàn trả lại cho Giáo hội. Bên cạnh độc tài, nghèo đói và lạc hậu trong nước, còn có nỗi lo canh cánh bị người khổng lồ Trung Quốc láng giềng thôn tính và nô lệ hóa.

Tại Trung đông, quê hương của Chúa Giêsu, cuộc xung đột kéo dài hằng bao thập niên qua vẫn tiếp diễn, bạo động vẫn được xem như phương pháp duy nhứt để ăn miếng trả miếng.

Tình hình Iraq, sau khi quân đội Hoa kỳ triệt thoái, xem ra ngày càng thê thảm hơn: các cuộc bạo động, đặc biệt nhắm vào các tín hữu Kitô, diễn ra như cơm bữa. Cộng hòa Hồi giáo Iran đang đứng bên bờ vực thẩm của cuộc xung đột với Tây phương. Các nhóm thiểu số tại Pakistan vẫn tiếp tục là đối tượng của các vụ bạo động. Tại Á rập Saudi, tự do tôn giáo vẫn bị chối bỏ.

Từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, từ hội nghị thượng đỉnh Copenhagen đến các vụ xung đột khắp nơi trên thế giới... xem ra thế giới đang bước đi trong một con đường tăm tối không có ánh sáng.

Sứ điệp của Sách Khôn Ngôn thường được đọc trong Lễ Giáng Sinh lại viết: "Khi vạn vật chìm sâu trong thinh lặng, lúc đêm trường dường như điểm canh ba, thì từ trời cao thẳm, Lời toàn năng của Người đã rời ngôi báu, ví tựa người chiến sĩ can trường xông vào giữa miền đất bị tru diệt".

Lời này vừa cho thấy đêm đen sâu thẳm, nhưng cũng nói lên một thực tại mới mẽ bắt đầu xuất hiện: Thiên Chúa, Chân lý, Công bằng, Hạnh phúc của con người... không bỏ mặc chúng ta một mình.Trong đêm tối của thất vọng, Thiên Chúa thắp lên ánh sáng Tình yêu của Người và quyết định đến cư ngụ vĩnh viễn giữa loài người khốn khổ.

Trong một bài xã luận được hãng thông tấn Asianews đăng tải, linh mục Bernardo Cervellera, thuộc hội thừa sai Pime của Ý, giám đốc hãng thông tấn này, đã chia sẻ như sau: "Trong những năm truyền giáo tại Hongkong và Trung Quốc cũng như đi lại tại nhiều nơi ở Á Châu, tôi thường cử hành Lễ Giáng Sinh giữa các tín hữu bị bách hại tại Trung Quốc, các nạn nhân bão lụt tại Bangladesh, các khu ổ chuột tại Ấn Ðộ, những người thuộc các dân tộc thiểu số miền núi tại Việt nam hay giữa các tín hữu Kitô bị vây hảm bởi bom đạn tại Beirut, Liban. Giáng Sinh, lễ mừng Ngày Sinh của Chúa Giêsu, vẫn mãi mại là lý do để "hạnh phúc" cho dẫu có chìm ngập trong vất vả, nghèo đói và bất công. Vẻ đẹp của Con Thiên Chúa làm người nâng đỡ chúng ta và mang lại cho chúng ta sức mạnh để chịu đựng và tiếp tục xây dựng cuộc sống mỗi ngày của bản thân cũng như của người khác, bằng cách chia sẻ, chứ không giữ riêng cho mình như một nén bạc không sinh lời. Nhờ lễ Giáng Sinh,các công việc bác ái đày sáng tạo được gia tăng giữa các dân tộc để giáo dục, săn sóc, tiếp đón và ngay cả tiếp sức cho ngọn lửa yếu đuối của sự thật và công lý".

Cách đây vài tuần, trong cuộc gặp gỡ với khoảng 200 nghệ sĩ thuộc đủ mọi bộ môn và đến từ khắp nơi trên thế giới, Ðức thánh cha Benedicto XVI đã xin họ cộng tác để "vực dậy thế giới khỏi sự cam chịu". Trích dẫn đức Phaolo VI, Ðức thánh cha nói: "Thế giới trong đó chúng ta đang sống cần có cái đẹp để không chìm đấm trong thất vọng. Cái đẹp cũng như sự thật là điều mang lại niềm vui cho tâm hồn con người".

Lễ Giáng Sinh vẫn mãi mãi là lễ của Hy Vọng.

 

Chu Văn

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page